Phóng viên (PV): Cuối năm 1945, Trung tướng Nguyễn Bình được cử vào Nam Bộ với tư cách ban đầu là phái viên của Trung ương và Bác Hồ. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc này trong bối cảnh đặc biệt của cách mạng Việt Nam và chiến trường Nam Bộ khi ấy?
Ông Dương Trung Quốc: Có lẽ chỉ cần nhìn vào con đường hoạt động của Trung tướng Nguyễn Bình ở những cương vị sớm vào thời điểm còn rất trẻ, ta có thể thấy điều đặc sắc nhất trong cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới góc nhìn của những người làm sử chúng tôi thì nói tới Nguyễn Bình là nói tới diễn biến của lòng yêu nước, từ chỗ căm thù đế quốc, thực dân đến chỗ đi theo những người cộng sản. Trong số những tướng lĩnh đầu tiên của chúng ta, có lẽ Nguyễn Bình là nhân vật khá đặc biệt. Ban đầu, ông là chiến sĩ của Việt Nam Quốc dân đảng thời Nguyễn Thái Học, sau đó bị bắt và đày đi Côn Đảo. Chính những năm tháng ngục tù đó, ông đã gặp gỡ, sống chung với những người cộng sản và được giác ngộ. Tôi rất nhớ hình tượng mà những người thân, người đồng chí gần gũi với ông nói rằng, Nguyễn Bình chỉ còn một mắt, nhưng đã thể hiện ý chí khi đem chính phần thân thể mình ra để thử thách, khẳng định sự kiên định của một người yêu nước, được giác ngộ cách mạng trong cuộc chiến chống thực dân, đế quốc.
    |
 |
Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: PHI LONG |
Khi đã giác ngộ, ông sẵn sàng thay đổi nhận thức và ly khai khỏi Việt Nam Quốc dân đảng, tổ chức mà khi đó đã không còn giữ được bản chất yêu nước như thời kỳ trước đó. Lúc này, ông chưa phải là đảng viên cộng sản nhưng rất gần gũi với nhiều người cộng sản. Khi tình thế thay đổi, ông sớm có ý thức và khả năng tập hợp, xây dựng các tổ chức vũ trang cho cách mạng. Ông là một trong những người xây dựng căn cứ quân sự sớm nhất mang tên Trần Hưng Đạo ở Quảng Ninh và chỉ huy cuộc nổi dậy giành chính quyền ở Quảng Yên.
Chính tư duy quân sự vượt trội và khả năng tập hợp quần chúng là những yếu tố để Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Nguyễn Bình vào nơi tiền tiêu, nơi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa nổ ra ở Nam Bộ. Nên nhớ lúc đó ông còn chưa phải là đảng viên cộng sản mà sang năm 1946, ông mới được kết nạp. Mặt trận Nam Bộ lúc này rất khó khăn, vì bên cạnh lực lượng của thực dân Pháp còn có nhiều phe phái khác nhau, kể cả các lực lượng giang hồ, thảo khấu… Phải là người như thế nào mới được Cụ Hồ tin cậy giao trọng trách ở nơi thử thách khốc liệt như thế.
Nguyễn Bình vào nơi “thử lửa” ấy để tập hợp, thống nhất các lực lượng vũ trang, xây dựng các căn cứ, làm tiền đề để cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ đi tới thắng lợi. Rất tiếc, năm 1951, trên đường ra Bắc theo lệnh của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, để lại bao hoài bão, dự định lớn lao… Cùng với thời gian, hình ảnh, công trạng của Nguyễn Bình vẫn luôn được tôn vinh. Cách đây 20 năm, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày sinh danh tướng Nguyễn Bình, nhiều lãnh đạo, nhà nghiên cứu, các đồng đội của ông, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành cho ông sự đánh giá rất cao. Chúng tôi nghĩ rằng, tấm gương của Trung tướng Nguyễn Bình không chỉ là niềm vinh dự của quê hương Hưng Yên, của những nơi ông đã từng công tác, hoạt động, chinh chiến… mà còn là niềm tự hào chung của đất nước và lực lượng vũ trang. Vì lẽ đó, rất cần có sự ghi nhận, tôn vinh nhiều hơn, xứng đáng với công lao ông đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và quá trình xây dựng, chiến đấu của quân đội chúng ta.
PV: Trung tướng Nguyễn Bình có nhiều phẩm chất nổi trội, nhưng tập trung và chủ yếu là trong lĩnh vực quân sự. Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu lịch sử, ông đánh giá như thế nào về tài thao lược quân sự của Trung tướng Nguyễn Bình?
Ông Dương Trung Quốc: Phần lớn các tướng lĩnh thời kỳ đầu của Quân đội ta không được đào tạo bài bản về kiến thức quân sự, nhưng từ lòng yêu nước, tiếp thu truyền thống của dân tộc, qua thực tiễn đã tạo nên những phẩm chất mà kể cả các đối thủ cũng phải kính trọng. Ông không chỉ có tài thao lược mà còn có sức thu hút, cảm hóa rất lớn. Không phải tự nhiên Cụ Hồ cử ông vào chiến trường Nam Bộ, một vùng đất không chỉ có quân đội thực dân mà còn có nhiều phe phái khác nhau, kể cả các thế lực giang hồ, tứ chiếng, đòi hỏi phải có ngọn cờ tập hợp các lực lượng để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.
Thời gian tại thế và tại ngũ của Trung tướng Nguyễn Bình tuy không dài nhưng đã để lại dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực quân sự. Ông là một danh tướng xuất sắc của Quân đội ta.
    |
 |
Khu tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đang hoàn thiện và sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của ông (ảnh chụp ngày 29-6-2018). Ảnh: NGUYỄN XUÂN |
PV: Tài thao lược của Trung tướng Nguyễn Bình thể hiện qua các trận đánh với tư liệu, lời kể của các nhân chứng mà chúng tôi thu thập được như trận tập kích ở Đồn Bần-Yên Nhân, hay chỉ huy giải phóng Quảng Yên, các trận “nở hoa trong lòng địch” ở Khu 7… rất độc đáo và xuất sắc. Ông nghĩ sao về những đóng góp của Nguyễn Bình trong lối đánh du kích và biệt động thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp?
Ông Dương Trung Quốc: Nguyễn Bình mang trong mình cá tính nghĩa hiệp, được trải nghiệm qua thực tiễn công tác, chiến đấu đã định hình tư duy quân sự độc đáo. Năng lực và tư duy ấy vào thời điểm đặc biệt của dân tộc, khi vừa giành được độc lập lại phải bước vào cuộc chiến đấu mới, thêm thăng hoa và hào sảng. Nhiều trận đánh do Nguyễn Bình chỉ huy đã trở thành điển hình của lối đánh du kích và biệt động, là kinh nghiệm quý cho các giai đoạn sau này, kể cả trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Thậm chí có trận đánh được thêu dệt như truyền thuyết, và vì thế, giai thoại về Nguyễn Bình còn được lưu truyền nhiều chuyện đến ngày nay. Điều này cho thấy dấu ấn sâu đậm của ông trong ký ức người đương thời.
PV: Như trên ông có nói, chúng ta cần có nhiều hơn sự ghi nhận, tôn vinh về những công lao của Trung tướng Nguyễn Bình với cách mạng Việt Nam và Quân đội ta. Ông có thể gợi ý cụ thể hơn về các hình thức, hoạt động tri ân danh tướng Nguyễn Bình hiện nay?
Ông Dương Trung Quốc: Đảng và Nhà nước đã nhìn nhận và có hình thức tôn vinh Trung tướng Nguyễn Bình từ khá sớm. Ông là người đầu tiên nhận tấm Huân chương Quân công, sau này ông cũng được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sau ngày Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Bình, chúng tôi nhận được đề nghị của nhiều nơi, mong muốn có được hình tượng của ông. Hội chúng tôi đã đúc 7 tượng bán thân Trung tướng Nguyễn Bình để gửi tới các nơi đã ghi dấu ấn của ông lúc sinh thời, như ở Chiến khu Trần Hưng Đạo, ở Quân khu 7…
Những hình thức tri ân ấy thể hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của thế hệ hôm nay với tiền nhân nhưng chưa bao giờ có thể nói là đủ được. Tôi mong muốn có nhiều nghiên cứu sâu sắc hơn về ông, có nhiều hình thức, hoạt động lưu danh, góp phần để lại cho đời sau một hình tượng đẹp, đáng tự hào trong lịch sử.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HOÀNG TIẾN - PHẠM TUYẾT (thực hiện)