Những phong trào mang dấu ấn thanh niên quân đội

Phóng viên (PV): Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, TNQĐ là lực lượng tiên phong trên nhiều mặt trận. Đồng chí có thể khái quát những nét truyền thống và phong trào tiêu biểu của TNQĐ trong thời kỳ này?

Đồng chí Trần Viết Năng: Nói đến truyền thống và phong trào của TNQĐ thời kỳ này, trước hết phải nói tới dấu mốc ra đời của Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc đầu tiên trong quân đội, nay đã trở thành Ngày truyền thống của TNQĐ và Ban TNQĐ.

Đó là ngày 8-2-1952, Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc đầu tiên trong quân đội được thành lập tại Đại đội 29, Tiểu đoàn 183, Trung đoàn 246 (nay là Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1) với 32 đoàn viên, do đồng chí Phạm Ngọc Rao làm Bí thư chi đoàn. Đến tháng 9-1952, Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc được thành lập ở tất cả các đại đội và các ban chuyên môn của Trung đoàn 246, đánh dấu bước phát triển mới của công tác thanh niên trong quân đội.

leftcenterrightdel

Thượng tá Trần Viết Năng. Ảnh: NGUYỄN  MINH 

Từ Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc đầu tiên, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy, trực tiếp là Tổng cục Chính trị, các đoàn thanh niên cứu quốc đã được thành lập rộng rãi trong toàn quân. Đến nay, toàn quân có gần 10.000 chi đoàn với hàng chục vạn đoàn viên, thanh niên. Hệ thống cơ quan thanh niên các cấp trong toàn quân không ngừng phát triển, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, được Đảng và Bác Hồ quan tâm giáo dục, rèn luyện, lớp lớp thế hệ cán bộ, đoàn viên, TNQĐ đã không ngừng được tôi luyện và trưởng thành, chiến đấu anh dũng và chiến thắng vẻ vang, có những cống hiến xứng đáng và xuất sắc, góp phần quan trọng cùng toàn dân và toàn quân ta lập nên những chiến công hiển hách, rất đáng tự hào. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thực hiện các Phong trào: “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba nhất”, “Trống Bắc Lý”, “Năm xung phong”, “Ba sẵn sàng”... TNQĐ cùng với tuổi trẻ và nhân dân cả nước đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh, đi tiên phong trên nhiều mặt trận và phong trào, viết nên những trang sử hào hùng, góp phần xây đắp truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

PV: Trong các phong trào tiêu biểu nêu ở trên, có lẽ Phong trào thi đua “Cờ Ba nhất” có vị trí đặc biệt và ảnh hưởng rất lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để lại nhiều giá trị và kinh nghiệm trong xây dựng phong trào thanh niên hiện nay. Đồng chí Trưởng ban có thể nói cụ thể hơn về lịch sử của phong trào này?

Đồng chí Trần Viết Năng: Phong trào thi đua Ba nhất (nhanh nhất-giỏi nhất-đều nhất) được ra đời từ khi Đại đội 2 Pháo binh, Đoàn Vinh Quang (Trung đoàn Pháo binh 68) đạt được danh hiệu Ba nhất ngày 18-6-1960.

Đầu năm 1960, Trung đoàn Pháo binh 68 tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng núi Múc-Hòa Lạc để cán bộ pháo binh toàn quân học tập. Tại cuộc diễn tập, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh biểu dương với lời ngợi khen trở thành điểm khởi nguồn cho phong trào thi đua toàn quân: Đoàn có đơn vị bắn giỏi nhất; đoàn có nhiều người, nhiều đơn vị tham gia thi nhất; đoàn có thành tích đều nhất. Đại tướng còn khái quát thành tích của Đoàn Vinh Quang là đơn vị Ba nhất: Nhanh nhất-giỏi nhất-đều nhất

Sau đó, Phong trào thi đua Ba nhất đã được Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng phát động thành phong trào thi đua trong toàn quân. Các Phong trào thi đua “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, Ba nhất trong quân đội trở thành ba ngọn cờ thi đua tiêu biểu của toàn miền Bắc trong những năm đầu thập kỷ 1960. Tại Đại hội Thi đua yêu nước năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Công nhân phất cao ngọn cờ Duyên Hải. Nông dân phất cao ngọn cờ Đại Phong. Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ Ba nhất. Công-nông-binh đại thi đua, đại đoàn kết, chủ nghĩa xã hội nhất định thành công, Bắc-Nam nhất định sẽ thống nhất, non sông một nhà”.

Phong trào thi đua Ba nhất là nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; nhất về gương mẫu, kỷ luật; nhất về lao động và sản xuất. Ba nhất không chỉ lôi cuốn tất cả các đơn vị trong toàn quân tham gia mà còn lan tỏa ra nhiều địa phương, đơn vị, góp phần to lớn củng cố khối đoàn kết công-nông-binh. Từ Ba nhất của một đơn vị đã xây dựng thành Ba nhất của toàn quân và đến hôm nay sẽ mãi là Ba nhất trong lòng nhân dân.

Viết tiếp truyền thống xung kích, sáng tạo

PV: Tiếp nối truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ quân đội tiếp tục phát huy và khẳng định. Điều đó được chứng minh như thế nào trong thực tiễn, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Viết Năng: Bước vào thời kỳ đổi mới, công tác đoàn và phong trào TNQĐ có sự phát triển toàn diện, là nòng cốt của Phong trào Thi đua Quyết thắng của toàn quân, luôn khẳng định là lá cờ đầu về công tác đoàn và phong trào thanh niên cả nước. Phong trào “Phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đánh dấu sự phát triển của công tác đoàn và phong trào TNQĐ với các chương trình, mô hình, phương thức mới, được tổ chức sâu rộng trên mọi lĩnh vực hoạt động của quân đội. Từ định hướng của phong trào được cụ thể hóa thành Phong trào xây dựng “Chi đoàn văn hóa” với ba yêu cầu: “Đẹp người-đẹp doanh trại-đẹp tình quân dân”, phát triển thành Phong trào “Ba đỉnh cao quyết thắng” với: “Lý tưởng đẹp-Trách nhiệm cao; Học tập tốt-Hành động giỏi; Đoàn kết tốt-Kỷ luật nghiêm” đã tạo ra môi trường và động lực mới cho TNQĐ thi đua học tập, rèn luyện, cống hiến trưởng thành.  

leftcenterrightdel
Ban Thanh niên Quân đội trao tượng trưng “Ngôi nhà 100 đồng” tặng gia đình đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong Tháng Thanh niên năm 2021. Ảnh: TRẦN THỌ 

Đặc biệt gần đây, Phong trào thi đua “TNQĐ thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, quyết thắng” do Đại hội Đoàn toàn quân lần thứ IX phát động, góp phần xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh. Nhiều tấm gương tiêu biểu của TNQĐ trên các lĩnh vực đã góp phần làm ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. 

Phong trào “TNQĐ vươn tới những đỉnh cao” và Phong trào “TNQĐ tiến quân vào khoa học và công nghệ” đã tập trung được mọi nỗ lực của tổ chức đoàn và tuổi trẻ toàn quân xung kích vươn lên chiếm lĩnh, xác lập những đỉnh cao mới, kỷ lục mới trong học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy... Thông qua phong trào đã xuất hiện hàng triệu ý tưởng sáng tạo, nhiều công trình khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có hàm lượng khoa học và tính ứng dụng cao, giá trị làm lợi cho nền kinh tế quốc phòng hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp hiện đại hóa quân đội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...

Từ những phong trào nói trên, những năm qua, đã có hàng vạn lượt tổ chức đoàn và đoàn viên, thanh niên đạt danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”; hàng nghìn gương mặt thanh niên điển hình, tiên tiến xuất sắc trên các lĩnh vực được vinh danh từ cơ sở đến toàn quân. Hằng năm, TNQĐ đều có đại biểu được bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của cả nước.

PV: Để có những Phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” như trong kháng chiến, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới thì công tác đoàn và phong trào thanh niên nói chung, TNQĐ nói riêng cần chú ý và tạo dựng những phong trào theo định hướng như thế nào?

Đồng chí Trần Viết Năng: Để công tác đoàn và phong trào TNQĐ phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn nữa trong thời gian tới, theo tôi, các hoạt động của tuổi trẻ quân đội cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, triển khai có hiệu quả chương trình hành động gắn với phương châm hành động của tuổi trẻ Việt Nam: “Tiên phong, gương mẫu, đoàn kết, sáng tạo, phát triển”; phát huy tốt vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở các cơ quan, đơn vị, tích cực thực hiện tốt các chỉ tiêu trọng tâm, chương trình công tác.

Trong đó cần tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên có mục tiêu lý tưởng, đạo đức cách mạng trong sáng; tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gương mẫu, đi đầu trong việc cụ thể hóa, triển khai có hiệu quả Phong trào Thi đua Quyết thắng ở cơ quan, đơn vị. Mỗi đoàn viên, thanh niên phải cố gắng, ra sức thi đua rèn đức, rèn sức, luyện tài, học tập nâng cao trình độ, phấn đấu làm chủ khoa học công nghệ mới để phục vụ công tác, học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tích cực triển khai hiệu quả Chương trình “Rèn luyện đoàn viên”; xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn đủ mạnh, làm đầu tàu của mọi phong trào, là người dẫn dắt định hướng đoàn viên, thanh niên trong mọi mặt công tác và sinh hoạt. Đặc biệt, tổ chức đoàn phải thực sự là người bạn đồng hành, chỗ dựa tin cậy của thanh niên, chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, xu hướng của thanh niên; tăng cường các hoạt động trợ giúp TNQĐ trong học tập, công tác và hội nhập, tạo điều kiện cho TNQĐ phát triển và nâng cao năng lực toàn diện...

TRẦN THANH - THU THỦY (thực hiện)