Phóng viên (PV): Điều gì đã thôi thúc ông “xếp bút nghiên lên đường ra trận”?
Ông Phan Văn Quý: Những năm 1970-1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang giai đoạn mới đầy cam go, ác liệt. Lời kêu gọi lên đường nhập ngũ, cứu nước vang vọng khắp các địa phương trên cả nước. Tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An chúng tôi nói riêng và nhiều địa phương trong cả nước nói chung, thanh niên nô nức đăng ký nhập ngũ với mong muốn cháy bỏng góp phần nhỏ bé để bảo vệ quê hương, đất nước. Khi đó tôi tròn 18 tuổi, đang là học sinh lớp 9. Tôi nhớ, buổi học nào thầy trò chúng tôi cũng nghe ngóng tin chiến trường và bàn luận sôi nổi. Tâm trí mọi người dõi theo bước chân của đoàn quân giải phóng trong các chiến dịch. Đám học sinh chúng tôi cũng nôn nao, muốn ghi tên mình vào đợt tuyển quân đầu tiên để “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Và niềm tự hào đã vỡ òa khi tôi nghe thấy tên mình được xướng lên trong danh sách nhập ngũ ngay trong buổi sơ kết học kỳ 1 cuối năm 1971 của Trường cấp 3 huyện Yên Thành.
PV: Những kỷ niệm của ngày 21-12-1971 hẳn vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông?
Ông Phan Văn Quý: Đúng vậy. Đó là một ngày đông rét buốt, hàng trăm thanh niên của huyện Yên Thành chúng tôi xếp hàng chỉnh tề trong đội ngũ của những người ra trận, bắt đầu thực hiện lý tưởng của lớp thanh niên lúc bấy giờ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Tôi cùng 30 tân binh của xã Nhân Thành tập trung gần xóm Nhân Cao, trước sự tiễn biệt của người thân. Tại buổi lễ, ông Trần Trọng Khang, Phó chủ tịch UBND xã phát biểu dặn dò. Ông ném một quả lựu đạn trước cánh đồng để tạo khí thế và tiếp thêm sức mạnh cho những người lính trẻ trong buổi lên đường. Sau đó, chúng tôi tập trung tại sân bóng của xã Hợp Thành (huyện Yên Thành) để huyện bàn giao cho các đơn vị quân đội. Mọi người rất xúc động khi được nghe ông Nguyễn Bá Tờn-Chủ tịch UBND huyện, một thương binh nặng thời chống Pháp nói chuyện, động viên. Ban tổ chức buổi tiễn quân còn tổ chức đọc thơ, biểu diễn văn nghệ về đề tài người lính để tiếp thêm khí thế cho những chiến sĩ trẻ. Chiều hôm ấy, bịn rịn chia tay quê hương và gia đình, chúng tôi lên xe, hành quân vào Quảng Bình rồi lần lượt được biên chế về các đơn vị đang làm nhiệm vụ trên chiến trường.
PV: 50 năm đã trôi qua nhưng chắc hẳn những năm tháng quân ngũ, nhất là khoảng thời gian ở chiến trường luôn là trải nghiệm đáng trân trọng, thưa ông?
Ông Phan Văn Quý: Những năm tháng gắn bó trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, chúng tôi đã vượt nhiều cung đường, trọng điểm địch đánh phá ác liệt như: Đường 20-Quyết thắng, trọng điểm Tha Mé, ngầm Ta Lê, ngã ba Lùm Bùm... Chứng kiến núi đá hóa thành vôi bởi đạn bom, những hố bom chằng chịt như bước chân thú rừng, những cánh rừng cháy trụi chỉ còn lưa thưa lá vì chất độc da cam và bom đạn, cùng biết bao tấm gương kiên cường, dũng cảm của đồng chí, đồng đội. Bản thân tôi cũng đã nghĩ có thể hôm nay mình chưa chết, nhưng cái chết có thể sẽ diễn ra bất cứ lúc nào.
Chiến tranh, tổn thất và hy sinh là điều khó tránh khỏi. Mặc dù không ít lần cận kề sinh tử nhưng khi gặp lại đồng đội, chúng tôi lại quên đi tất cả với tinh thần lạc quan, yêu đời. Không biết bao câu chuyện trên đường ra trận chúng tôi kể cho nhau nghe, cười vang cả khu rừng. Với tôi, một điều may mắn là thời gian ở chiến trường Trường Sơn, có một số anh em ở huyện Yên Thành cùng đơn vị, thỉnh thoảng giao lưu gặp gỡ, cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Đặc biệt, có những anh em khác đơn vị, dù gặp thoáng qua nhau trên đường hành quân, lúc gặp chỉ kịp vẫy tay chào nhau qua cửa sổ xe ô tô mà sao vẫn vấn vương đến lạ. Hình bóng quê hương hiện hữu qua dáng hình đồng đội là sức mạnh vô hình giúp chúng tôi nỗ lực hơn để đi qua các mùa chiến dịch nối tiếp nhau.
PV: Sau này khi trở về với cuộc sống đời thường, ông và những CCB của quê hương Yên Thành đã có hoạt động kết nối nghĩa tình đồng đội như thế nào?
Ông Phan Văn Quý: Đến nay, những chiến sĩ huyện Yên Thành năm xưa người còn, người mất. Dù đã trở về với cuộc sống đời thường, nhưng chúng tôi luôn xác định bản thân vẫn là người lính để sống và làm việc xứng đáng với danh xưng Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân trao tặng. Các CCB quê hương Yên Thành vẫn có dịp gặp mặt, thăm hỏi, động viên lẫn nhau. Bản thân tôi cũng đau đáu nỗi niềm về những mất mát, hy sinh, những hoàn cảnh khó khăn của đồng đội trong thời bình. Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày những người lính huyện Yên Thành lên đường ra mặt trận (21-12-1971 / 21-12-2021), tôi và doanh nghiệp mình phụ trách đang phối hợp với địa phương để tổ chức thăm, tặng quà động viên những đồng đội cùng nhập ngũ và chia lửa trên chiến trường năm nào.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
BÍCH TRANG - THÁI BÌNH (thực hiện)