leftcenterrightdel
 Trung tướng Trần Võ Dũng. Ảnh: KIÊN THÁI

Phóng viên (PV): Trong các chiến dịch quân sự năm 1972, quân và dân Quân khu Trị Thiên đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và các lực lượng trên địa bàn, mưu trí, sáng tạo, chiến đấu anh dũng, lập công xuất sắc, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Trị (ngày 1-5-1972) và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị suốt 81 ngày đêm (từ ngày 28-6 đến 16-9-1972). Thắng lợi này có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp cách mạng của quân và dân Quân khu 4, thưa đồng chí?

Trung tướng Trần Võ Dũng: Chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 là mốc son lịch sử hào hùng của dân tộc ta nói chung, của LLVT Quân khu 4 cùng quân và dân tỉnh Quảng Trị nói riêng. Nhìn rộng ra, chiến dịch này cùng với các chiến dịch quân sự năm 1972 đã trực tiếp góp phần tạo ra cục diện mới, làm thay đổi cơ bản tương quan lực lượng, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973) với những điều kiện có lợi cho ta, đưa cách mạng miền Nam tiến lên giành những thắng lợi quyết định, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975. Thắng lợi của chiến dịch còn là sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng; phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng tác chiến binh chủng giữa LLVT quân khu và quân, dân tỉnh Quảng Trị với các đơn vị chủ lực...

Trong các chiến dịch quân sự năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định Mặt trận Trị-Thiên là hướng tiến công chủ yếu, mục tiêu là giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị diễn ra từ ngày 30-3 đến 1-5-1972. Các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương ở Mặt trận Quảng Trị đã tiến công hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn. Cùng thời điểm này, quân và dân trong vùng địch chiếm đóng tiến hành các hoạt động đấu tranh cách mạng, chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, tổ chức trinh sát thực địa, chuẩn bị chiến trường, từng bước cơ động triển khai và bố trí lực lượng đánh địch. Từ khi mở đầu chiến dịch đến ngày 2-4-1972, toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở Cửa Việt, Quán Ngang, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Động Toàn, Ba Hồ... bị tiêu diệt hoàn toàn. Ta đã giải phóng hoàn toàn huyện Gio Linh và huyện Cam Lộ; toàn bộ tuyến phòng thủ Đường 9-Bắc Quảng Trị được mệnh danh là “lá chắn thép”, “pháo đài bất khả xâm phạm” của địch đã bị xóa sổ. Tiếp đó, các lực lượng của ta đã tổng công kích vào các cứ điểm phòng ngự và co cụm của địch, giải phóng khu vực Đông Hà, Lai Phước, huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị... Đến ngày 1-5-1972, toàn bộ tỉnh Quảng Trị được giải phóng.

Sau hơn một tháng tiến công, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 14.350 tên địch, bắt sống 3.160 tên; thu và phá hủy 636 xe tăng, thiết giáp, 1.870 ô tô các loại, 419 khẩu pháo, bắn rơi và phá hỏng 340 máy bay...; đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của Mỹ-ngụy từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, từ Lao Bảo-Khe Sanh đến Cửa Việt... Lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở miền Nam Việt Nam.

PV: Cuộc chiến đấu giữa ta và địch ở Thành cổ Quảng Trị rất gay go, khốc liệt. Vậy, cụ thể diễn biến 81 ngày đêm quân và dân ta chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Trần Võ Dũng: Vào thời điểm đó, Tỉnh ủy Quảng Trị nhận định: “Thất bại của địch ở Quảng Trị là một thất bại có tính chiến lược. Do đó, chúng rất cay cú và tìm mọi âm mưu, thủ đoạn để phản kích nhằm phá hoại thành quả mà ta đã đạt được, thậm chí chúng có thể đánh lại Quảng Trị”. Ngày 13-6-1972, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu quyết định đưa quân tái chiếm Quảng Trị. Trong 81 ngày đêm, tại đây đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt chưa từng có trong lịch sử của quân và dân ta với địch để giữ vững Thành cổ Quảng Trị. Quân địch đã huy động những sư đoàn thiện chiến nhất với vũ khí tối tân nhất. Bên cạnh đó, chúng còn được quân đội Mỹ giúp sức tối đa về hỏa lực. Ước tính khối lượng bom đạn ở Quảng Trị tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945... Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì và bền bỉ của ta ở Hội nghị Paris; tạo điều kiện cho toàn mặt trận chuyển hẳn sang thế trận mới, tiếp tục đánh địch phản kích, bảo vệ vùng giải phóng.

leftcenterrightdel

Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 4 theo dõi Diễn tập Khu vực phòng thủ tỉnh Quảng Bình, năm 2019. Ảnh: ĐỨC CƯƠNG 

PV: Để tiếp tục phát huy truyền thống, chiến công của cuộc tiến công giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, LLVT Quân khu 4 đã làm gì để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, thưa đồng chí?

Trung tướng Trần Võ Dũng: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự quan tâm, phối hợp hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, địa phương và nhân dân tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ; trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thời chiến hay thời bình, làm nhiệm vụ trong nước hay nhiệm vụ quốc tế..., cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 luôn nêu cao tinh thần tự lực tự cường, anh dũng, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, quân đội và nhân dân giao phó.

Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVT quân khu vững mạnh toàn diện; đoàn kết, gắn bó với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương; phát huy sức mạnh tổng hợp, tiếp tục xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, tạo thế chủ động ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, LLVT quân khu sẵn sàng ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống như: Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường...

Quân và dân trên địa bàn quân khu đã và đang thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa; quan tâm, chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội. Tích cực làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; chủ động rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, kết luận địa bàn, lập bản đồ, tổ chức khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ... góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn đơn vị đóng quân.

LLVT quân khu chủ động và tích cực nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền 6 tỉnh trên địa bàn quân khu giữ vững và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt giữa LLVT quân khu đối với quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào anh em, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Đảng bộ Quân khu 4 tập trung xây dựng tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, nắm vững chức trách, nhiệm vụ, tinh thông nghiệp vụ, đạo đức cách mạng trong sáng; phấn đấu 100% đơn vị trong toàn quân khu tuyệt đối an toàn về chính trị. Luôn nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT quân khu, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao, dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

THÁI KIÊN (thực hiện)