QĐND - Biệt đội Con Nai (The Deer Team) là tên một toán đặc nhiệm của Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ OSS (The Office of Strategic Services), tiền thân của CIA sau này. Biệt đội được hình thành vào giữa năm 1945, với nhiệm vụ là nhảy dù xuống Tuyên Quang, chuẩn bị cơ sở cho Việt Minh tiếp nhận vũ khí và người Mỹ huấn luyện quân sự cho lực lượng Việt Minh. Một trang cho quan hệ hữu nghị Việt-Mỹ có thể mở ra nếu như Pháp không trở lại xâm chiếm Việt Nam lần thứ hai và chính quyền Mỹ không thực hiện chính sách "chống Cộng” cực đoan.

Trong bài “OSS và Hồ Chí Minh 1945: Đồng minh bất ngờ”, Giáo sư Crít-tốp Ghi-ben (Christophe Giebel), Trường Đại học Washington viết: “Việt Minh là tổ chức lớn nhất trong số các tổ chức dân tộc chủ nghĩa, hoạt động mạnh ở vùng biên giới Việt-Trung. Đây cũng là tổ chức duy nhất, nhờ biết dựa vào dân, đã duy trì được các khu du kích ở Bắc Kỳ. Tuy nhiên, chỉ khi Nhật hất cẳng Pháp, OSS mới nhận thức được tầm cỡ của cách mạng Việt Nam”.

Hen-ri Pru-ni-ơ và tấm bằng của Việt Nam ghi nhận đóng góp của ông vào “Những kỷ vật kháng chiến”. Ảnh: The New York Times.

Trung tuần tháng 7-1945, theo kế hoạch đã thống nhất từ trước, toán tiền trạm “Con Nai” đã nhảy dù xuống Tân Trào. Rô-bớc Brít-ham (Robert Brigham), một sử gia Mỹ, chuyên nghiên cứu về sự dính líu quân sự của Mỹ ở Việt Nam viết: “Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã gây được thanh thế khi tiến về Hà Nội cùng với các sĩ quan OSS… Trong mắt người dân Hoa Kỳ lúc đó được xem như những người giải phóng nhân loại khỏi ách phát xít. Việc Hồ Chí Minh chọn một sách lược như thế quả là sáng suốt”.

Người Mỹ thầm lặng và cuộc tái ngộ

Uy-li-am Den-xki (William Zielski) là nhân viên điện đài đã không có mặt trong bức ảnh lịch sử được hầu như tất cả các nguồn viết về “Con Nai” đăng tải. Lý do là Uy-li-am Den-xki đã phải trực để giữ liên lạc với Bộ chỉ huy OSS đóng tại Côn Minh, Trung Quốc.

Tờ báo The Sandusky Register của Xan-đớt-xki (Sandusky), Ô-hai-ô (Ohio), ra ngày 11-9-1945 thông báo rằng, ông bà William F.Zielski, Sr. đã nhận được tin con mình là Thượng sĩ Uy-li-am Den-xki về tới Oa-sinh-tơn sau khi phục vụ OSS tại Trung Quốc…

Tháng 8-1998, Thời báo tài chính (Financial Times) có bài viết về trang đầu quan hệ Việt-Mỹ, có đoạn: “Một điện đài vô tuyến cũ kỹ được bày trên tầng 2 Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên đường Điện Biên Phủ, Hà Nội…”. Bài viết cho hay, chiếc điện đài “ẩn giấu một câu chuyện huyền diệu”.

Báo Bưu điện Cô-lô-ra-đô mùa xuân ra ngày 29-4-1971 đưa tin, một gia đình Mỹ tìm con mất tích trong chiến sự ở Việt Nam gặp Lo-ren-xơ Vốt (Lawrence Vogt), nguyên thượng sĩ OSS, nay làm nghề trồng hoa ở Niu Giơ-xi (New Jersey). Gia đình này hy vọng sẽ được Việt Nam lưu ý tìm giúp những lính Mỹ bị bắt và mất tích (POW/MIA). Vốt cho hay, ông từng giới thiệu về vũ khí cho hơn 100 du kích Việt Nam đánh Nhật, rồi đánh Pháp sau đó. Đó là những người du kích “trung thực và chu đáo”, chính là tiền thân của “Việt Cộng” hôm nay. Vốt kể từng sống 3 tháng trong rừng, không bao giờ dừng quá vài ngày ở một chỗ và 7 ngày sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ông vẫn cùng Việt Minh chống Nhật. Nhưng theo Vốt, không ai trong số “Con Nai” còn giữ được quan hệ với các lãnh đạo Việt Nam để có thể giúp các gia đình ở Mỹ thời đó tìm thân nhân người Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Vốt cho báo chí Mỹ hay, Pôn Hốc-lan (Paul Hoagland), y sĩ của “Con Nai” đã từ trần năm 1970.

Binh nhất Hen-ri Pru-ni-ơ (Henry Prunier) là người duy nhất biết tiếng Việt trong số 7 “Con Nai”. Khi biết Pru-ni-ơ là dân Ma-sa-chu-xét (Massachusetts), Hồ Chí Minh đã chia sẻ những ký ức của mình về thành phố Bô-xtơn (Boston)…

Về Mỹ, Pru-ni-ơ làm thầu khoán xây dựng. Tháng 3-1968, một số bức ảnh buổi đầu Việt-Mỹ do Trung sĩ A-a-rơn Xquai (Aaron Squires) chụp được đăng trên Tạp chí Life trong bài viết về Hồ Chí Minh. “Vài người quen nhận ra tôi, và họ liên hệ đến các tổ chức truyền thông địa phương”, Pru-ni-ơ nhớ lại. Ông được cấp tốc gọi đến phỏng vấn tại Đài Truyền hình WTAG và nhật báo Worcester Gazette ở Ma-sa-chu-xét.

50 năm sau ngày Hồ Chí Minh thành lập Hội Thân hữu Việt-Mỹ (17-10-1945), Pru-ni-ơ và A-li-xơn Thô-mát (Alison Thomas) trở lại Hà Nội. Pru-ni-ơ đã rất vui khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các CCB Việt Nam đón tiếp.

Đồng minh của Hoa Kỳ

Thiếu tá A-li-xơn Thô-mát được trả về địa phương, nơi ông làm luật sư trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng báo cáo về Biệt đội Con Nai trong suốt chiều dài Chiến tranh cục bộ đã làm đau đầu nhiều chính khách, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, khi xem xét vấn đề “Tại sao Việt Nam”.

Thời kỳ “Tết Mậu Thân” xuất hiện trên báo chí Mỹ, Thô-mát phát biểu: “Ngày ấy, cũng như bây giờ, Hồ Chí Minh là một người Cộng sản nhưng ông và Hoa Kỳ lúc đó (1945) là đồng minh, không phải là kẻ thù như hôm nay”.

Người đầu tiên nhảy dù xuống rừng Việt Bắc là Trung úy Đa-ni-en Phe-lan (Daniel (Dan) Phelan), thuộc lực lượng hỗ trợ không-bộ Mỹ (Air Ground Aid Section-AGAS), tiếp đất Tân Trào tháng 5-1945.

Khi những “phù thủy chiến tranh” như Len-xđên (Lansdale) xuất hiện ở Nam Việt Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, qua bút pháp của Rô-bớc Sáp-len (Robert Sharplen), “Trung úy John” (Dan Phe-lan) đã trực diện phản đối chiến tranh Việt Nam.

Đó là bài Điều bí ẩn Hồ Chí Minh đăng trên Báo The Reporter số ra 27-1-1955. Những khắc họa lãnh tụ Hồ Chí Minh trong bài làm sững sờ nhiều độc giả Mỹ. Dan Phe-lan luôn khẳng định Hồ Chí Minh là một người yêu nước. Trong nhà Dan Phe-lan ở St. Louis treo trên tường một bức tranh thêu có gắn một tấm thiếp “Tặng Daniel Phelan. Hồ Chí Minh”.

"Bác Hồ, chú Sam” và cơ hội bị bỏ lỡ

"Bác Hồ, chú Sam” là tên bài viết về Rây Grê-léc-ki (Ray Grelecki) của Báo Mặt trời Baltimore (The Baltimore Sun), ra ngày 4-8-1995. Bài báo cho hay, Trung úy 25 tuổi Grê-léc-ki là một trong ba người Mỹ đầu tiên nhảy dù xuống Hà Nội, ngày 22-8-1945.

Biệt đội Con Nai chụp ảnh với các nhà lãnh đạo Việt Minh: Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp tại Tân Trào, tháng 8-1945. Ảnh tư liệu.

50 năm sau, Grê-léc-ki xuất hiện trong phim tài liệu của BBC “Bác Hồ và Chú Sam”. Báo Mặt trời Baltimore nhận định, phim này đã mô tả Hồ Chí Minh “như một người bạn của nước Mỹ”.

Mùa thu năm 1945 ấy, Hồ Chí Minh qua người giữ điện đài của nhóm OSS là Grê-léc-ki gửi điện cho Tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng theo Grê-léc-ki, “ông Hồ” không đòi hỏi tiền hay viện trợ quân sự từ Mỹ, “ông ấy muốn tình hữu nghị, muốn tự do và độc lập được Tru-man hỗ trợ”. Theo Grê-léc-ki, Hồ Chí Minh là một người thuần phác, bình thản, có tác phong lãnh đạo chuyên nghiệp, có thiên hướng dân tộc, yêu nước. Theo localwiki.org, thời kỳ ở Hà Nội, Hồ Chí Minh đã cứu mạng Grê-léc-ki hai lần.

Sau khi từ Đông Dương về, Grê-léc-ki tham gia nhóm vài chục người thảo Điều lệ lập CIA. Một bận, Grê-léc-ki hỏi một viên tướng tại Lầu Năm Góc là những bức điện của Hồ Chí Minh mà ông từng chuyển tiếp cho chính phủ Tru-man đã có số phận ra sao. Câu trả lời vang lên, kẻ cả: “Anh đâu có hiểu được bức tranh lớn, con trai à!”.

Bất bình với chính sách Đông Dương của chính quyền Mỹ, Grê-léc-ki đã chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và rời khỏi quân đội.

"Năm sĩ quan kỳ cựu của OSS, không hề quen biết nhau, nhìn chung đã có một quan điểm như nhau về Hồ Chí Minh”, Grê-léc-ki nhận xét về phim “Bác Hồ và Chú Sam” của BBC.

Quay lại năm bản lề 1968, Báo State Journal của bang Mi-chi-gân đăng bài “Năm 1945: Những hạt giống chiến tranh”, phỏng vấn luật sư A-li-xơn Thô-mát, cựu sĩ quan OSS. Tác giả Bớt Đa-linh (Bird Darling) cho rằng, quan điểm cực đoan chống Cộng của Mỹ đã lộ ngay khi tiếng súng đánh Nhật vừa dứt. Theo Bớt Đa-linh, Thô-mát nghĩ rằng quyết định của người Mỹ trợ giúp Pháp bằng mọi cách để ngăn ngừa việc Cộng sản lên nắm quyền đã dẫn đường cho Mỹ tới viện trợ quân sự cho Pháp ở Đông Dương và sau này trực tiếp tham gia chiến tranh ở vùng đất này.

Về tổng thể, theo các sĩ quan OSS từng hợp tác với Việt Minh, nếu chính sách của Mỹ vẫn kiên định ủng hộ Việt Nam chống xâm lược như năm 1945, thì Việt Nam đã có điều kiện theo đuổi chính sách quan hệ với cả hai phía trong cuộc Chiến tranh Lạnh. “Các thành viên của buổi đầu quan hệ Việt-Mỹ đều cho rằng lúc đó đã có một vận hội bị bỏ lỡ”, Crít-xtốp Ghi-ben viết.

LÊ ĐỖ HUY (lược dịch)