Một xu hướng khẳng định Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị; một xu hướng khác lại cho rằng cuộc cách mạng này là “sai lầm của lịch sử”. Nhân kỷ niệm 102 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, thử nhìn nhận cuộc cách mạng này qua lăng kính các biến cố lịch sử. 

Sự kiện bất ngờ đối với giới tài phiệt Mỹ

Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra vào thời điểm nước Nga đang bị lôi cuốn vào Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Theo kết quả các công trình nghiên cứu lịch sử gần đây trên cơ sở những tài liệu đã được giải mật sau Chiến tranh lạnh, Chiến tranh thế giới thứ nhất là kết cục của cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các tập đoàn tài phiệt Mỹ mới trỗi dậy từ cuối thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20, với tập đoàn tài phiệt Rothschild ở châu Âu hình thành từ cuối thế kỷ 18 trong điều kiện chủ nghĩa tư bản (CNTB) thế giới đang chuyển từ kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ hai sang kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, các tập đoàn tài phiệt ở Mỹ đứng đằng sau phát động Chiến tranh thế giới thứ nhất với tham vọng tái cấu trúc căn bản cục diện kinh tế-chính trị trong không gian châu Âu, từ đó tiến tới giành quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống CNTB thế giới. Chiến lược toàn cầu của Mỹ cũng hình thành từ đó với mục tiêu xuyên suốt cho tới ngày nay là không để cho bất kỳ quốc gia nào có thể cạnh tranh với vị thế bá chủ thế giới của đế chế Hoa Kỳ. Về cơ bản, giới lãnh đạo ở Mỹ đã đạt được mục đích đó. Thí dụ, nếu trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, Mỹ nợ châu Âu 6 tỷ USD, thì vào cuối cuộc đại chiến này, châu Âu đã phải nợ Mỹ 10 tỷ USD. Tuy nhiên, mục tiêu của các tập đoàn tài phiệt Mỹ đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia nắm quyền chi phối thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất không thể thực hiện được do sự xuất hiện của Liên Xô-nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới ra đời sau Cách mạng Tháng Mười. Đây là biến cố hoàn toàn bất ngờ đối với đế chế Hoa Kỳ. 

Mỹ phát động chiến tranh thế giới thứ hai nhằm xóa sổ Liên Xô

Để thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu là giành quyền bá chủ thế giới, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất giới lãnh đạo ở Mỹ kiên quyết tiêu diệt Liên bang Xô Viết. Để thực hiện mục tiêu này, trong những năm 1917-1919, các tập đoàn tài phiệt Hoa Kỳ cùng với liên quân 14 nước tiến hành chiến dịch bao vây nước Nga nhằm bóp chết thành quả của Cách mạng Tháng Mười từ trong trứng nước. Sau khi chiến dịch này thất bại, một mặt Mỹ thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” để làm tan rã Liên Xô từ bên trong, mặt khác ủng hộ toàn diện về chính trị, kinh tế và quân sự để đưa Hitler-thủ lĩnh của Đảng Quốc xã, lên cầm quyền ở Đức và sử dụng họ làm lực lượng xung kích nhằm thực hiện sách lược tiến hành “cuộc chiến tranh qua tay người khác” và ráo riết chuẩn bị phát động Chiến tranh thế giới thứ hai. Các tổ chức đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện toan tính này là các thể chế tài chính-ngân hàng chủ chốt của Hoa Kỳ.

leftcenterrightdel
Mikhail Gorbachev (bên phải)-người chủ trương cải tổ nhằm xóa bỏ Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô và N.Yakovlev-“nhà tư tưởng” cuộc cải tổ. Ảnh tư liệu

Tính đến thời điểm Hitler lên cầm quyền, các ngành công nghiệp then chốt của Đức như chế biến dầu mỏ, sản xuất nhiên liệu tổng hợp, hóa chất, chế tạo ô tô, chế tạo máy bay, kỹ thuật điện, chế tạo thiết bị vô tuyến điện tử, phần lớn ngành chế tạo máy thuộc quyền kiểm soát thuộc các tập đoàn tài phiệt của Mỹ. Theo Ralf-một nhà nghiên cứu ở Mỹ, nếu không có sự tài trợ của các tập đoàn tài phiệt Hoa Kỳ thì không thể có Hitler và cũng không có Chiến tranh thế giới thứ hai bởi vào năm 1929, toàn bộ nền công nghiệp của Đức nằm dưới quyền kiểm soát của các tập đoàn tài chính và công nghiệp Mỹ. Tính tổng cộng, có tới 278 công ty và hãng, trong đó có các ngân hàng then chốt, như: Deutsche Bank, Dresdner Bank và Donut Bank của Đức đều thuộc quyền kiểm soát của các tập đoàn tài phiệt Mỹ.

Sau khi đã kiểm soát được gần như toàn bộ tiềm lực kinh tế và quân sự của Đức Quốc xã, mùa xuân năm 1939 giới cầm quyền Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch phát động Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu vào ngày 1-9-1939, bộ máy cầm quyền ở Mỹ tỏ ra hào hứng công khai. Báo The New York Times ngày 9-10-1939 nhận định: “Lúc này, tiếng nói của Mỹ đóng vai trò quyết định tình trạng chiến tranh hay hòa bình ở châu Âu”. Sau đó 20 ngày, cũng trên báo này, John Forster Dulles, về sau là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, đăng bài viết dự báo rằng sau khi kết thúc chiến tranh ở châu Âu, Mỹ sẽ nắm quyền lãnh đạo thế giới. Sau khi Đức phát động chiến tranh chống Liên Xô, kịch bản diễn biến tiếp theo các sự kiện đã được Thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ Harry Truman nói rõ vào mùa thu năm 1941: “Một khi nhận thấy Đức giành chiến thắng, chúng ta phải giúp đỡ Nga. Còn nếu Nga giành chiến thắng, chúng ta phải giúp đỡ Đức. Bằng cách đó, chúng ta để họ tàn sát lẫn nhau”. Từ năm 1944, Harry Truman là phó tổng thống và từ tháng 4-1945 đến tháng 1-1953 là tổng thống Mỹ. 

Về sau, chính Hitler đã nhận thấy hậu quả của cuộc phiêu lưu chiến tranh do Mỹ dẫn dắt khi quân đội Đức bị thất bại thảm hại trong tháng 12-1941 ở ngoại ô Moscow. Một phương án loại bỏ Hitler đã được Mỹ dàn dựng để lập nên một chính phủ mới ở Đức. Theo toan tính của Mỹ, chính phủ mới không có Hitler sẽ đàm phán với Liên Xô và yêu cầu Stalin không tiếp tục tiến quân về Đông Âu. Để thực hiện phương án này, một vụ ám sát Hitler và đảo chính quân sự diễn ra ở Berlin vào ngày 20-7-1944, nhưng không thành. Hitler sống sót, Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn tiếp diễn với kết cục là Hồng quân Liên Xô giải phóng nhiều nước Đông Âu và thực hiện thành công chiến dịch chiến lược đập tan chủ nghĩa phát xít ngay tại sào huyệt của chúng ở Berlin, buộc phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện và kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu. Thất bại của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai cũng chính là thất bại của các tập đoàn tài phiệt Hoa Kỳ trong việc sử dụng chủ nghĩa phát xít để tiến hành “cuộc chiến tranh qua tay người khác” hòng tiêu diệt Liên Xô.

Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đứng đầu phương Tây phát động Chiến tranh lạnh để thực hiện sách lược “chiến thắng không cần chiến tranh” theo một kế hoạch chiến lược dự kiến kéo dài khoảng 40 năm với chi phí lên tới gần 1.000 tỷ USD. Thực hiện sách lược này, ngày 18-8-1948, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thông qua Chỉ lệnh số 20/1 với tiêu đề “Các mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến chống Liên Xô”. Vì thế, ngày 18-8-1948 được coi là thời điểm chính thức mở đầu Chiến tranh lạnh. Chỉ lệnh số 20/1 được công bố lần đầu tiên vào năm 1978 trong bộ tài liệu lưu trữ được giải mật “Các văn kiện về chính sách của Mỹ trong những năm 1945-1950”.

Chiến lược “Chiến thắng không cần chiến tranh” được thực thi theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 1946 và kết thúc vào giữa nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo Liên Xô N.Khrusev. Trong giai đoạn này, Mỹ đứng đầu phương Tây phát động chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc vai trò của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai mà đỉnh điểm diễn ra sau khi Stalin qua đời và N.Khrusev nhảy lên vũ đài chính trị. N.Khrusev đứng đầu một nhóm nhà lãnh đạo ở Liên Xô thực hiện chiến dịch vu cáo và xuyên tạc vai trò của Stalin. Bằng cách làm sụp đổ vai trò của Stalin, giới tài phiệt ở Mỹ muốn tàn phá thành quả giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Liên Xô và từ đó phá hoại một trong những giá trị và thành quả quan trọng nhất của Cách mạng Tháng Mười.

Giai đoạn 2 kéo dài từ đầu những năm 60 đến đầu những năm 80 của thế kỷ 20 nhằm tiếp tục khoét sâu những rạn nứt trong xã hội Xô Viết, thay đổi nhận thức của người dân Liên Xô theo hướng gây dao động, mất phương hướng, mất niềm tin vào CNXH. Giai đoạn 3 là giai đoạn có tính quyết định, bắt đầu từ đầu thập niên 1980 trong cái gọi là “cải tổ”, trong đó tập đoàn phản động trong Đảng Cộng sản Liên Xô do M.Gorbachev đứng đầu tiến hành và theo đuổi toan tính xóa bỏ Đảng Cộng sản và CNXH ở Liên Xô. Trong giai đoạn này, M.Gorbachev đã đưa các “điệp viên ảnh hưởng” của Mỹ giữ các vị trí then chốt trong bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô, trong đó có một nhân vật điển hình là A.Yakovlev-Giám đốc Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (năm 1983). Khi phát động chiến dịch “cải tổ”, M.Gorbachev bổ nhiệm A.Yakovlev vào chức vụ Trưởng ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Liên Xô và đóng vai trò là “nhà tư tưởng của công cuộc cải tổ”. Ở cương vị này, A.Yakovlev từng tuyên bố Cách mạng Tháng Mười Nga là “sai lầm của lịch sử” và trở thành trợ thủ đắc lực nhất của M.Gorbachev trong việc xóa sổ Đảng Cộng sản Liên Xô và rũ bỏ hoàn toàn các giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga. Đây là một trong những nguyên nhân có tính quyết định dẫn tới sự tan rã của Liên Xô-nhà nước XHCN đầu tiên ra đời từ Cách mạng Tháng Mười Nga.

LÊ THẾ MẪU