QĐND - Trong các cuộc kháng chiến, việc điều tra, nghiên cứu đối phương luôn được ta chú trọng nhằm nắm rõ tình hình chính trị, tư tưởng của địch. Các cán bộ ngành binh-địch vận đã tiến hành khai thác hàng ngũ sĩ quan Quân đội Sài Gòn thông qua nhiều nguồn tài liệu, trong đó có hồ sơ của cái gọi là “Quân đội Quốc gia” của quan thầy Pháp; các bản hỏi cung, các bài viết của tù, hàng binh và những nguồn tư liệu từ sách, báo đối phương…

Những cán bộ địch vận mà chúng tôi có dịp trò chuyện đều đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng họ vẫn sôi nổi ôn lại những năm tháng từng trực tiếp làm nhiệm vụ điều tra, lập hồ sơ của hàng trăm sĩ quan Quân đội Sài Gòn.

Thượng tướng, Chủ nhiệm TCCT Lê Khả Phiêu và Trung tướng, Phó chủ nhiệm TCCT Lê Hai gặp Thượng tá Phạm Văn Đính và Thượng tá Vĩnh Phong - hai sĩ quan Quân đội Sài Gòn từng phản chiến trở về với cách mạng. Ảnh tư liệu của Cục Địch vận.

Thiếu tướng Phạm Đình Thức (nguyên Phó cục trưởng Cục Địch vận - Tổng cục Chính trị) nhớ lại: “Sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, khi quân Mỹ và chư hầu rút khỏi miền Nam, Phòng Nghiên cứu địch được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp tục đi sâu nghiên cứu về thái độ, xu hướng chính trị của đội ngũ sĩ quan Quân đội Sài Gòn. Phòng tôi khi đó có khoảng 10 người và chia nhau theo dõi từng mảng: Người theo dõi về nhân sự Quân đội Sài Gòn, người theo dõi các sắc lính địch, người nắm mảng chiến tranh tâm lý của đối phương… Anh em thường nói vui với nhau: Bọn mình ngồi ngoài Bắc mà nắm được cả “Phủ đầu rồng” và các tên chóp bu trong Quân đội Sài Gòn”.

Từ nhiệm vụ trên giao, các cán bộ địch vận đã sàng lọc, lần tìm manh mối nhằm phác thảo hồ sơ những gia đình sĩ quan gốc Bắc di cư vào Nam như: Nguyễn Cao Kỳ (Sơn Tây); Chương Dềnh Quay, Voòng A Sáng (Hải Ninh); Trần Quốc Lịch, Nguyễn Duy Hinh, Trần Đình Vị (Nam Định); Hoàng Tích Thông, Phạm Văn Chung (Hà Nội)…

Đại tá Lưu Đình Miện ôn lại kỷ niệm trong những năm làm nhiệm vụ khai thác địch. Ảnh: Quang Huy .

Ông Thức kể, để có những dòng trích ngang về Voòng A Sáng, một sĩ quan người Nùng quê ở Hải Ninh (nay là Quảng Ninh), ông Thức đã nhiều lần về các bản làng vùng cao để tiếp cận thông tin, hỏi kỹ về gia cảnh cũng như các mối quan hệ của viên sĩ quan này. Voòng A Sáng từng chỉ huy một tiểu đoàn người dân tộc thiểu số theo giặc Pháp, sau khi vào Nam năm 1954, quân số của tiểu đoàn đã được chính quyền Ngô Đình Diệm sáp nhập vào Sư đoàn 5. Binh lính Tiểu đoàn 2 rất tôn sùng Sáng, tôn sùng tới mức họ chỉ nghe mệnh lệnh của Sáng, bất chấp những chỉ đạo từ cấp trên của ông ta, vì vậy chỉ huy Sư đoàn 5 đã phải tìm cách xé lẻ tiểu đoàn của Voòng A Sáng ra cho dễ “trị”.

Theo đánh giá của các cán bộ ngành binh-địch vận, trong số các nội dung nghiên cứu đối phương, việc đánh giá thái độ, xu hướng chính trị của đội ngũ sĩ quan Quân đội Sài Gòn là một nội dung phức tạp, nhất là trong giai đoạn chính quyền Sài Gòn diễn ra tình trạng phe nhóm và xuất hiện các cuộc đảo chính. “Động cơ chiến đấu” của phần đông sĩ quan Quân đội Sài Gòn luôn được rêu rao vì cái gọi là “lý tưởng quốc gia”, nhưng thực tế qua tiếp xúc với số sĩ quan ở các trại tù binh hoặc qua các cơ sở nội tuyến thu thập được, các cán bộ địch vận đã phân loại về thái độ chính trị của sĩ quan mỗi cấp. Hầu hết số sĩ quan cấp từ trung úy trở xuống là những người có địa vị xã hội thấp, phải trực tiếp chiến đấu nên bị thương vong nhiều. Với số này, đa phần họ đều nhận thấy chính quyền Thiệu đầy rẫy bất công, độc tài, tham nhũng, họ không có cảm tình với Thiệu nhưng vì thấy trong chính quyền Sài Gòn không ai hơn Thiệu, hơn nữa do Thiệu là quân nhân nên họ thường cho rằng, ông ta sẽ “lo cho quân đội nhiều hơn là một Tổng thống dân sự”. Một số khác có cảm tình với DươngVăn Minh nhưng lại cho là ông này “quá hiền”, không thể điều khiển bộ máy quốc gia chống cộng sản, nhất là trong tình hình chính trường gặp sóng gió.

Qua khảo sát các sĩ quan cấp đại úy, số này có từ 6 đến 20 tuổi quân và trung bình từ 30-40 tuổi đời, thường giữ chức đại đội trưởng, trưởng ban ở tiểu đoàn hoặc là tiểu đoàn phó, tiểu đoàn trưởng. Xu hướng chính trị của số sĩ quan cấp đại úy đã bắt đầu ổn định, họ khá tin tưởng Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đồng thời số này cũng mang tư tưởng chống Cộng rõ rệt. Với các sĩ quan cấp thiếu tá, trung tá, nhóm này thường giữ chức vụ chỉ huy từ cấp tiểu đoàn tới trung đoàn hoặc giữ các chức quận trưởng, tỉnh trưởng và có trung bình từ 10-26 tuổi quân, 31 đến 50 tuổi đời. Do mang tinh thần chống Cộng rõ rệt và có kinh nghiệm già dặn đối phó với cộng sản nên những sĩ quan cấp thiếu tá, trung tá không muốn Mỹ rút quân, không đồng ý với nội dung Hiệp định Pa-ri và “quyết tâm” chống Cộng đến cùng. Với số đại tá và cấp tướng: Đa số giữ vai trò chủ chốt trong chính quyền và quân đội như: Tỉnh trưởng, sư đoàn trưởng, chỉ huy quân đoàn… và phần lớn đều tham gia các đảng phái chính trị, là tay chân của Thiệu. Nhóm đối tượng này thường thúc bách cấp dưới phải “cố gắng”, “hy sinh”, thích kéo dài chiến tranh để có quyền lợi, địa vị.

Qua nghiên cứu, phân vùng sĩ quan đối phương, ta cũng nhận thấy số sĩ quan Quân đội Sài Gòn ở vùng Trị-Thiên được địch chú ý sử dụng, thăng cấp nhiều hơn các khu vực khác do thường phải đối đầu với cái gọi là “sự xâm lược của quân Bắc Việt”.        

Ngoài hình thức tiếp xúc trực tiếp, những cán bộ địch vận còn có một “kênh” tiếp cận từ báo chí của đối phương. “Khi xem tin tức trên báo chí Sài Gòn, thấy trong một ngày nào đó sẽ diễn ra đám cưới của một viên sĩ quan, chúng tôi phải thông qua các cơ sở và đội ngũ cán bộ địch vận trong đó để nắm bắt các mối quan hệ thông qua số người tới dự tiệc, từ đó tìm hiểu sâu hơn về đời tư cũng như quan điểm, thái độ chính trị của viên sĩ quan ấy”, ông Thức cho biết.

 

Nhắc tới chuyện đọc báo và nghe đài địch, Đại tá Lưu Đình Miện, nguyên cán bộ Phòng Nghiên cứu địch cũng nhớ thời điểm những năm cuối thập niên 1960, ông đã từng được đặc cách vào một phòng đọc đặc biệt ở Thư viện Quân đội. Tại đây, ông được nghiên cứu hơn 20 đầu báo của chính quyền Sài Gòn và tranh thủ ghi chép những thông tin xung quanh đời tư, thân phận của các tướng lĩnh đối phương cũng như thái độ chính trị, tư tưởng của từng nhóm đối tượng.

“Khi được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp vào chiến trường để nắm địch, tôi cùng anh Hà Thanh đã tới các trại tù binh để gặp và khai thác hàng trăm sĩ quan Quân đội Sài Gòn. Công việc của chúng tôi không đơn thuần là ghi lời khai của những sĩ quan bị bắt trong các trại tù binh mà thông qua những lần tiếp xúc đó, mình tranh thủ tìm hiểu kỹ hơn về các viên chỉ huy cấp cao của họ”. Từ nhiều hình thức tiếp cận, ông Miện đã thu thập và có được hồ sơ của hơn 100 viên tướng trong Quân đội Sài Gòn, trong đó ghi cụ thể lai lịch, thái độ chính trị cũng như những việc làm mà các viên tướng ấy từng gây ra đối với cách mạng.

Ông Miện kể: “Do đặc thù công việc nên Phòng chúng tôi được trang bị một chiếc đài bán dẫn do Liên Xô sản xuất để theo dõi những tin tức địch phát công khai trên đài Sài Gòn hoặc các đài nước ngoài. Dĩ nhiên, đài không được mở to và khi nghe xong thì phải cất vào tủ, khóa lại, không được mang ra khỏi phòng làm việc”.

Cho tới nay, ông Miện vẫn nhớ như in buổi trưa ngày 30-4-1975, khi đồng đội Vũ Tiến Lợi-người được giao giữ chiếc đài-thốt lên: “Dương Văn Minh đầu hàng rồi!”. Nghe thấy vậy, tất cả cán bộ trong phòng Nghiên cứu địch cùng xúm quanh để nghe những lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Lúc ấy, người có nhiệm vụ “nghe đài địch” cũng tự nhiên phá vỡ mọi quy định nghiệp vụ. Không ai bảo ai, mọi người ở các phòng xung quanh kéo đến đông nghịt. Họ tụ tập vòng trong, vòng ngoài và xin mở đài to để nghe. Chiếc đài bán dẫn được mở to âm lượng, ai nấy đều cố gắng nói khẽ và đi lại nhẹ nhàng để nghe rõ lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Nhưng rồi sau đó, do không kìm nén được cảm xúc, vẫn có những tiếng thốt lên vui sướng: “Thế là thắng rồi!”; “Sắp được về quê rồi!”; “Ôi! Huế của ta…”. Khi ấy, mọi người nhìn nhau cười vui mà nước mắt lăn dài trên má…

BÙI VŨ MINH