Ngày 20-1-1954, thực dân Pháp đánh vào Phú Yên, mở đầu cho cuộc hành quân Atlante. Đêm 26-1-1954, bộ đội chủ lực Liên khu 5 và bộ đội hai huyện An Khê, Đak Bớt tấn công diệt hai cứ điểm Babakơtu (Đak Bớt) và Katung-Bupbê (An Khê)... Ngày 1-2-1954, lực lượng ta diệt một đại đội thuộc binh đoàn cơ động 100 mới đến Kon Tum và sở chỉ huy 1 tiểu đoàn địch ở thị xã Kon Tum. Thị xã Kon Tum bị vây hãm. Theo lời thú nhận của tướng lĩnh Pháp viết: “Trên các vùng cao nguyên và trong vùng hoạt động của cuộc hành quân Atlante, chiến cuộc lại nổ ra xung quanh Pleiku, An Khê. Đối phương tìm cách cô lập hai thị trấn này. Ta chiếm được Quy Nhơn, nhưng đối phương đã kháng cự mạnh. Ta không thể nào nối liền Quy Nhơn và An Khê, để giảm bớt một số lượng lớn các lực lượng cần thiết. Đối phương xâm nhập vào sau lưng chúng ta, uy hiếp vùng Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, thậm chí Đà Lạt. Họ tìm cách chiếm lại dân chúng... Chúng ta bắt buộc phải phòng thủ trong điều kiện hết sức khó khăn, khi tất cả những phương tiện khác đều phải được huy động để bảo vệ vùng châu thổ” (Henri Navarre, Đông Dương hấp hối).

Binh đoàn cơ động 100 của Pháp gồm hai tiểu đoàn Pháp và một tiểu đoàn ngụy Campuchia, tiểu đoàn khinh quân ngụy, tiểu đoàn ngụy địa phương chiếm đóng, tiểu đoàn pháo 105... Chúng còn có các phân đội xe tăng, thiết giáp, các loại xe đặc chủng công binh, thông tin bảo đảm. Binh đoàn cơ động 100 là lực lượng quân Pháp tham chiến ở Triều Tiên. Vừa được thay phiên, bộ tư lệnh quân Pháp tăng cường ngay binh đoàn này cho chiến trường Đông Dương vào giai đoạn cuối cùng của kế hoạch Nava. Binh đoàn 100 có đủ trang bị và phương tiện chiến đấu hiện đại hơn hẳn Trung đoàn 96 của ta, nhưng tinh thần thì sa sút.

Trước tình thế thất bại, quân Pháp buộc phải bỏ thị xã Kon Tum, rút về phòng thủ Đường 19 và Nam Tây Nguyên. Đêm mồng 6, rạng sáng 7-2-1954, Tiểu đoàn 39 thuộc Trung đoàn 803 tiến vào giải phóng thị xã Kon Tum. Khu vực thị xã và các huyện phía bắc tỉnh Gia Lai-Kon Tum hoàn toàn giải phóng. Để tăng cường lực lượng cho chiến trường An Khê, địch điều một tiểu đoàn dù ngụy, tiểu đoàn 520 từ Nam Bộ ra và đưa binh đoàn 100 đến.

leftcenterrightdel
 Diễn biến trận phục kích Đak Pơ của Trung đoàn 96 diệt binh đoàn 100 của Pháp ngày 24-6-1954. 

Ngày 18-3-1954, ta diệt cứ điểm Tơnâng-đèo Mang Yang, Muh Nhung. Ngày 30-3-1954, ta diệt cứ điểm Thượng An, cắt đứt Đường 19. Tướng Navarre nói về việc liên tục bị tấn công: “Trong vùng “Atlante” và trên Tây Nguyên, Việt Minh rút bớt các lực lượng xung quanh An Khê, nhưng lại mở các cuộc đột kích nhằm vào các trục giao thông của chúng ta về hướng Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa, gây nhiều khó khăn cho ta” (Đông Dương hấp hối).

Ngày 7-5-1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta ở chiến trường Tây Nguyên. Ở An Khê, Đak Bớt, quân Pháp trước nguy cơ thất bại đã buộc phải rút chạy khỏi những nơi đã chiếm đóng. Bộ tư lệnh Liên khu 5 nhận định binh đoàn 100 của địch sẽ rút bỏ An Khê. Trung đoàn 96 được giao nhiệm vụ theo dõi đánh địch rút chạy. Ngày 23-6-1954, trinh sát ta phát hiện binh đoàn 42 giãn ra chiếm các điểm cao trên Đường 19 đoạn Pleiku-Mang Yang. Đêm 23-6, địch dùng máy bay di tản gia đình binh sĩ, công chức, người Hoa khỏi An Khê. Trong hồi ký của mình, Navarre viết: “...chúng ta tự rút khỏi cứ điểm An Khê. Cứ điểm này đóng vai trò “một chiếc gai nhọn” chĩa vào lực lượng của Liên khu 5, tương tự như vai trò mà Điện Biên Phủ đã thực hiện trong vòng 5 tháng chống lại một phần lớn binh đoàn tác chiến của Việt Minh” (Henri Navarre, Đông Dương hấp hối).

Ngày 24-6-1954, địch từ An Khê rút theo Đường 19 gồm binh đoàn 100, tiểu đoàn pháo 105, tiểu đoàn khinh quân 520, tiểu đoàn địa phương, tiểu đoàn ngụy Campuchia. Quân địch gấp hai lần lực lượng ta, nhưng Bộ chỉ huy Liên khu 5 chủ trương tiêu diệt toàn bộ. 13 giờ ngày 24-6, toàn bộ quân địch lọt vào trận địa phục kích của ta trên đoạn đường dài 3km từ Katung đến Đak Pơ. Nhà báo Pháp Bernard Fall đã viết về “Cái chết của một binh đoàn cơ động” in trong cuốn sách “Guerre d’Indochine 1946-1954” (Chiến tranh Đông Dương năm 1946-1954): “... Lúc 14 giờ ngày 24-6-1954, binh đoàn 100 đã rời cây số 14 chậm rãi đi qua miền rừng núi cao nguyên... Lúc 14 giờ 5 phút, máy bay Mô-ran của GAO báo về phát hiện thêm một chướng ngại vật bằng các đống đá rải ngay đường ở cây số 15... Nhân viên điều hành của sở chỉ huy trả lời cụt lủn “Biết rồi”. Số mệnh của binh đoàn 100 đã thật sự chấm dứt từ đây... Đúng 14 giờ 20 phút, sự im lặng bị xé toạc bởi tiếng nổ đanh gọn của hai phát súng bắn cách nhau, tiếp đến hai đại liên bắn, không tới 30m, vào sườn trái đội hình... Sau 10 phút, từ lúc trận đánh bắt đầu, binh đoàn 100 đã mất tất cả những người chỉ huy và đứt liên lạc với bên ngoài”.

leftcenterrightdel

Lính Pháp đầu hàng trên Đường 19 (An Khê-Đak Pơ), tháng 6-1954. Ảnh tư liệu

 

Tướng lĩnh Pháp đổ lỗi cho nhau về những sai lầm dẫn đến thất bại ở trận Đak Pơ và cho rằng: “Việc di tản hoàn toàn được thực hiện theo quyết định cá nhân của tướng Salan và hoàn toàn trái với ý muốn của tướng Beaufort, Tư lệnh vùng Tây Nguyên. Việc di tản kết thúc bằng một thất bại rất nghiêm trọng. Được hoàn toàn tự do, các lực lượng của Liên khu 5 tiến về phía nam Tây Nguyên đẩy chúng ta vào một tình thế vô cùng khó khăn và thậm chí uy hiếp thị xã Buôn Ma Thuột... Chỉ vài ngày trước khi Hội nghị Geneva kết thúc, chúng ta đã tặng cho đối phương một chiến thắng hoàn toàn miễn phí” (Henri Navarre, Đông Dương hấp hối).

Tướng Navarre đã phải thú nhận về sự thất bại của binh đoàn 100, dù đây là một binh đoàn thiện chiến, tinh nhuệ, nhưng cuối cùng vẫn bị thất bại ở Tây Nguyên: “Cứ điểm An Khê do binh đoàn 100 trấn giữ được hình thành xung quanh hạt nhân là tiểu đoàn trở về từ Triều Tiên. Đây là một đơn vị phòng thủ rất chắc chắn. Họ đã bảo vệ tốt An Khê, thậm chí chống lại những lực lượng đông đảo hơn rất nhiều nhưng không có hỏa lực pháo binh yểm trợ (chính là nhờ vào khả năng phòng thủ rất tốt của họ mà binh đoàn cơ động này đã được bố trí ở đây). Nhưng mặt khác, đơn vị này không thích hợp với những trận đánh trong rừng già. Sự rút lui qua một lộ trình hết sức khó khăn (Việt Minh đã biết trước vài ngày về sự di tản của họ) và không có một sự hỗ trợ đầy đủ là một cuộc hành quân hết sức rủi ro, không có nhiều cơ may, để kết thúc một cách tốt đẹp. Và đó là những gì đã xảy ra: Binh đoàn 100 bị mất bộ tham mưu của họ, cùng một đơn vị pháo binh, một đoàn xe tải (gồm 250 chiếc) và một phần lớn quân số (khoảng 1.200 người)”.

Chiến thắng Đak Pơ được ví như là trận “Điện Biên Phủ của Tây Nguyên”. “Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng với hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Trước nhiều thất bại ở Việt Nam năm 1954, tình hình Chính phủ Pháp lúc này thêm lục đục, căng thẳng, trong hồi ký Đông Dương hấp hối, Navarre đã viết về cuộc tranh luận tại quốc hội Pháp. Ông Mendès France mô tả tình hình Đông Dương như sau: “Tất cả binh đoàn tác chiến của chúng ta đều nằm dưới sự uy hiếp của một cuộc tấn công dữ dội ở giữa Hà Nội và Sài Gòn, cùng với hiểm họa từ phía tây có khả năng ngăn cản chúng ta bảo vệ vùng cố thủ Hải Phòng. Cùng vào thời gian đó, ở những vùng khác, tình hình không có gì tốt đẹp hơn, cho dù đó là ở Trung Bộ, An Khê, Đà Nẵng, Nam Bộ. Ở Campuchia, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Phần phía Nam của nước Lào vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chúng ta... Chúng ta đang nằm bên bờ vực của một thảm họa. Binh đoàn viễn chinh có nguy cơ bị rơi vào một cái rọ và bị tiêu diệt”. 

NGUYỄN VĂN BIỂU - PHẠM THỊ THÚY NGA