QĐND - Trung Quốc thường nói họ có chứng cứ không thể chối cãi về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng chứng cứ của họ không thuyết phục được ai. Căn cứ Trung Quốc cho là quan trọng để nói rằng họ đã có chủ quyền trên từ lâu đời trên hai quần đảo này là những tư liệu được tập hợp và phân tích trong cuốn sách đồ sộ có tên Ngã quốc Nam hải chư đảo sử liệu hối biên (Tập hợp các sử liệu về các đảo của nước ta [tức Trung Quốc] ở vùng biển phía nam), do NXB Đông Phương xuất bản năm 1988, thời điểm quân Trung Quốc tấn công đánh chiếm một số đảo, trong đó có đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cuốn sách dày gần 1000 trang này đã nhanh chóng trở thành cơ sở lập luận chủ yếu cho các tuyên bố ngoại giao, những quyết định chính trị của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông nói chung. Không khó khăn lắm để thấy rằng, tư tưởng xuyên suốt của cuốn sách là cố chứng minh người Trung Quốc đã phát hiện, đặt tên các đảo và chiếm hữu hai quần đảo này từ thời Đông Hán, cách ngày nay gần 2000 năm rằng sau đó liên tục thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này.

GS, TSKH Vũ Minh Giang (ngoài cùng bên trái) cùng Đoàn Hội đồng Lý luận Trung ương ra thăm quân dân Trường Sa tháng 5-2013. Ảnh TRỊNH DŨNG.

Phương pháp nhất quán của các tác giả sách này là không nói rõ bối cảnh lịch sử, trích dẫn cắt xén tư liệu để người đọc khó hình dung được bối cảnh lịch sử, ngữ cảnh nguyên tác, rồi giải thích ý nghĩa những đoạn trích ấy theo ý mình. Nhiều học giả trong và ngoài nước đã có những phân tích xác đáng và đều nhận định khá thống nhất rằng, kiểu cách tập hợp, trích dẫn và giải thích sử liệu của nhóm tác giả cuốn sách này không theo các nguyên tắc khoa học mà có dụng ý chủ quan, cắt xén, lắp ghép tùy tiện và giải thích gượng ép. Luận lý của Trung Quốc về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo đang nói ở đây có từ thời Đông Hán và được thực thi suốt từ đó đến nay ngày càng ít người quan tâm vì tính chất phi lý, phản khoa học của nó và vì vậy, phía Trung Quốc cũng không nói tới nó nhiều.

Tháng 2-1948, Vụ Biên giới và Lãnh thổ, Bộ Nội vụ của Trung Hoa Dân Quốc cho xuất bản bản đồ có tên Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải với 9 đường đứt khúc chiếm khoảng 75% mặt nước Biển Đông, ôm trọn hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bản đồ này được vẽ dựa trên cơ sở một bản đồ cá nhân vẽ trước đó vài chục năm với 11 đoạn đứt khúc đã bỏ đi 2 đoạn nằm trong Vịnh Bắc Bộ. Mặc dù đường 9 đoạn đang được dùng như một “căn cứ không thể chối cãi” về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo, nhưng tính chất phi lý, phản khoa học của nó đang bị phê phán rất mạnh mẽ. Thực chất, đường 9 đoạn chỉ là cái cớ để Trung Quốc chính thức công khai tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ mà thôi.

Trái với tính chất mơ hồ, vu vơ về cái gọi là chủ quyền Trung Quốc, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được khẳng định một cách rõ ràng, chắc chắn bởi những tư liệu rất khách quan, trong đó có nhiều tư liệu do người nước ngoài biên soạn. Hầu hết các bản đồ vẽ vùng Biển Đông đều gắn quần đảo Pa-ra-xen (Paracels) và Prát-ly (Pratley) với Việt Nam. Trong khi đó, bộ Atlas in trong trong sách Trung Hoa Dân Quốc Bưu chính dư đồ do chính phủ Trung Quốc xuất bản năm 1933 vẫn hoàn toàn thiếu vắng hai quần đảo này. Như vậy là chí ít đến tận những năm 30 của thế kỷ XX, địa giới cực Nam của Trung Quốc khi ấy chỉ là đảo Hải Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với tư liệu lịch sử do chính người Trung Quốc biên soạn, hoặc người phương Tây thuật lại đều thể hiện sự “vô cảm” của họ về chủ quyền trên hai quần đảo.

Có một điều rất quan trọng là tên gọi của hai quần đảo. Hoàng Sa vốn được người Việt đặt tên Nôm là Cát Vàng thì trên bản đồ cổ của Việt Nam vẽ từ thế kỷ XVII địa danh này đã xuất hiện. Tên Vạn lý Trường Sa cũng xuất hiện từ rất sớm. Các thư tịch cổ phương Tây đồng nhất tên Hoàng Sa với Paracels và Pratley Trường Sa. Thậm chí trên bản đồ do giám mục J.L. Ta-be (Taberd) vẽ năm 1838 còn chú thích rõ quần đảo ở vị trí Hoàng Sa là “Paracel seu Cát Vàng ” (Paracel hay Cát Vàng). Tên gọi Tây Sa và Nam Sa mà phía Trung Quốc dùng mới được đưa ra gần đây và không hề có trong tư liệu lịch sử nào.

Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc phi lý đến mức chính các học giả Trung Quốc cũng phải lên tiếng phản bác. Ông Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc, từng nêu một nhận xét rất xác đáng:

“Chứng cứ nói lên rằng chính phủ Trung Quốc ngay từ thời triều Thanh đã không thừa nhận “Tây Sa” (Hoàng Sa) là lãnh thổ của mình, cũng không đảm trách công tác trị an ở đó. Còn chính quyền Việt Nam khi đó không những đã cho rằng “Tây Sa” là lãnh thổ của họ, mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó. Điều đó chẳng phải đã chứng minh “Tây Sa” từ xưa đến nay đều thuộc về Việt Nam hay sao?".

Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Ngay sau đó, chính quyền Trung Quốc đã cử một đoàn nghiên cứu lịch sử, khảo cổ ra khảo sát một số đảo. Trong tài liệu công bố có đề cập tới ngôi chùa có tên Hoàng Sa tự trên đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm theo tên của Việt Nam). Mặc dù tên chùa và các câu đối viết bằng chữ Hán, nhưng đây lại là một trong những chứng cớ hết sức thuyết phục về chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Sách Đại Nam thực lục chính biên cho biết, đó chính là ngôi chùa được vua Minh Mệnh ra lệnh xây theo đề nghị của Bộ Công và tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1833 và mô tả khá chi tiết sự kiện này, còn Trung Quốc thì không có bất cứ một tài liệu nào.

Tính thuyết phục trong các chứng lý của Việt Nam còn ở những tư liệu nói về việc thực thi chủ quyền. Muộn nhất là từ thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn đã tổ chức quy củ các đơn vị chuyên trách (Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải) để thực thi công vụ trên hai quần đảo. Sang thế kỷ XIX, triều Nguyễn tiếp tục duy trì sự hiện diện và khai thác các nguồn lợi từ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này đã được thiết lập và thực thi liên tục và toàn vẹn, không có sự tranh chấp nào. Chính vì vậy, khi đánh chiếm được Việt Nam, Pháp đã mặc nhiên đặt quyền quản lý của mình lên hai quần đảo và đến năm 1950 chuyển giao cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Thủ hiến Trung phần Phan Văn Giao là người đứng ra tiếp nhận.

Lần đầu tiên, Tân Hoa xã Trung Quốc lên tiếng “khẳng định quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa” là vào tháng 8-1951. Trước tình hình đó, ngày 7-9-1951, tại Hội nghị Xan Phran-xi-xcô (San Francisco), Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không có bất cứ sự phản đối nào trước lời tuyên bố đó. Ý kiến nêu hai quần đảo này thuộc quyền của CHND Trung Hoa đã bị 48/51 phiếu chống.

Trong thời gian Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền, hai quần đảo nằm phía Nam vĩ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã tiếp nhận quản lý, sắp đặt lại đơn vị hành chính và liên tục có những tuyên bố và hành động chống lại các hành vi khiêu khích hoặc những yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc.

Năm 1974, Trung Quốc đã công khai dùng vũ lực chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây là hành vi trái với tất cả mọi luật pháp và công ước quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Nhưng cũng từ đây, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh việc tuyên truyền, các biện pháp ngoại giao và gia tăng sức ép quân sự để đơn phương khẳng định chủ quyền của mình không chỉ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn với cả phần lớn Biển Đông thông qua yêu sách đường 9 đoạn. Năm 1988, Trung Quốc lại một lần nữa dùng vũ lực để chiếm các đảo: Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa.

Nằm trong ý đồ độc chiếm Biển Đông, ngày 1-5-2014, Trung Quốc đã cho nhiều tàu, trong đó có tàu quân sự và máy bay hộ tống, tiến hành hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Đây là hành động xâm phạm ngang nhiên chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hành vi này đã đe dọa an ninh hàng hải trên Biển Đông, đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và phê phán gay gắt của dư luận quốc tế.

Việt Nam luôn kiên trì đường lối sử dụng các biện pháp hòa bình và tôn trọng các điều ước quốc tế để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, thông qua các tuyên bố của những người đứng đầu đất nước và thái độ của nhân dân, Việt Nam luôn tỏ rõ thái độ cương quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của mình, không phải chỉ bằng lời nói mà bằng cả hành động khi cần thiết. Trước mắt cả dân tộc Việt Nam, không phân biệt trong nước hay sinh sống làm ăn ở nước ngoài, phải ý thức sâu sắc rằng, đất nước đang ở vào thời khắc vô cùng khó khăn và hơn bao giờ hết đang cần phải cố kết thành một khối thống nhất, nêu cao chính nghĩa để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.

Việt Nam là dân tộc trọng hòa hiếu, nhất là với Trung Quốc láng giềng. Tuy nhiên, như lời tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và thái độ của nhân dân trong những ngày qua, Việt Nam sẽ cương quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của mình, không phải chỉ bằng lời nói mà bằng cả hành động khi cần thiết.

GS, TSKH VŨ MINH GIANG