Tính cách nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể tác động đến bất kỳ ai khi tiếp xúc với Người? Trong trí nhớ của tôi, lần đầu tiên được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh là vào đầu tháng 3-1954.

Từ sự chú ý tới từng chi tiết nhỏ mà tôi đã phát hiện ra tính cách một lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Người đã ghé thăm ngay sau khi tôi đến cùng với nhà báo Franco Calamandrei (người Italy) của tờ L’Unità để biết chắc rằng chúng tôi vẫn sống sót và khỏe mạnh sau chuyến hành trình đầy khắc nghiệt. Thật khó tin rằng, chỉ sau vài giờ đến đó, chúng tôi đã có thể ngồi đối diện với vị lãnh tụ cách mạng huyền thoại này. Nhưng đúng là Người, với khuôn mặt thân thiện rất đáng tin cậy, đôi mắt màu nâu sâu thẳm và sáng lấp lánh, chòm râu thưa, khuôn mặt mà chúng tôi được biết trước đó nhiều năm qua những bức ảnh. Người xuất hiện mà không thông báo trước, chiếc áo gió khoác qua vai, bước đi một cách nhanh nhẹn với chiếc gậy tre, chiếc mũ đội cao để lộ vầng trán rộng. Người nói chuyện với chúng tôi một cách hoàn toàn thoải mái bằng tiếng Pháp và tiếng Anh lưu loát, lại thêm mấy từ tiếng Italy với anh bạn đồng nghiệp của tôi. Tiếp đó, chúng tôi hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại sao đài đưa tin ầm ĩ về Điện Biên Phủ vậy? Cái gì đang thực sự diễn ra ở đó?

- Đây là Điện Biên Phủ-Người nói rồi lật ngược chiếc mũ đặt xuống mặt bàn. Những ngón tay thon nhỏ, mạnh mẽ của Người lần theo viền ngoài của chiếc mũ-Đây là các đỉnh núi, và đó cũng là nơi của chúng tôi.

Rồi bàn tay người nắm lại thành nắm đấm, thọc xuống đáy chiếc mũ và nói:

- Ở dưới này là Điện Biên Phủ. Ở đó là người Pháp. Họ không thể thoát ra được. Có thể mất khá nhiều thời gian, nhưng họ không thể thoát ra được-Người lặp lại.

Và đó là “trận chiến Điện Biên Phủ trong một chiếc mũ”.

leftcenterrightdel

Nhà báo W.Burchett phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh là tất cả đều rất thân mật, ấm áp và giản dị. Người có khả năng làm cho mọi người cảm thấy thoải mái ngay từ đầu và diễn đạt những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài cử chỉ và ngôn từ rất dễ hiểu. Trong những cuộc gặp sau đó của tôi với nhân vật vĩ đại này, những phẩm chất nổi bật về sự thân mật, giản dị đó lại càng rõ nét hơn. Sự trong sáng trong cách diễn đạt của Người chỉ có được bởi sự thông minh đặc biệt và hiểu biết đầy đủ về chủ đề diễn đạt, đã tạo nên ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi. Bất kỳ ai được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đều cảm nhận được những phẩm chất đặc biệt đó, và trên hết, họ đều có cảm giác như là “người thân trong cùng một gia đình vậy…”.

11 năm sau, tôi đã hỏi Người rằng: Người nghĩ thế nào về khả năng Mỹ xâm lược miền Bắc? Bởi vì thời kỳ đó, người Mỹ đang tăng cường lực lượng cho miền Nam và các bài báo đều nói đến việc mở rộng xâm lược ra miền Bắc.

- Tất nhiên là chúng tôi cũng xem xét rất nhiều đến khả năng đó-Người trả lời-Nhưng điều đó lại làm tôi nhớ đến câu chuyện về một con cáo có một chân đã bị sập bẫy. Nó đang cố nhảy ra, nhưng buồn thay, lại đặt cái chân thứ hai vào một cái bẫy khác. Liệu nó có nghĩ đến việc cái chân thứ ba và thứ tư lại rơi vào cái bẫy ở Lào và Campuchia không? Thật khó mà nói ngay từ bây giờ.

Vào cuối tháng 11-1970, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trích dẫn hình ảnh này của vị cố Chủ tịch để giải thích cho nhà báo Jacques Decornoy của tờ Le Monde về sự tuyệt vọng của người Mỹ sau khi xâm lược Campuchia và tăng cường can thiệp vào Lào.

Trái ngược với các thầy tu cao cấp trong giới khoa học chính trị Mỹ, những người luôn diễn đạt ý tưởng theo hình mẫu bằng ngôn ngữ máy tính vô cảm và trình bày theo kiểu công thức toán học thay vì những hình ảnh mang tính nhân văn, với những ngôn ngữ trừu tượng rất khó hiểu với công chúng, khoa học chính trị có sức thuyết phục mạnh mẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là diễn đạt bằng ngôn ngữ đơn giản, với những hình ảnh giản dị và sinh động mà những người nông dân chất phác hoặc những công nhân lao động cũng có thể hiểu được. Khi viết các bài báo hoặc các bản tuyên bố, thậm chí các văn bản tài liệu về chủ trương, chính sách rất quan trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghĩ đến những người nông dân để viết chính xác từng chữ, từng câu, cho đến khi toàn bộ văn bản là dễ hiểu nhất đối với quảng đại quần chúng.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp vợ chồng nhà báo Wilfred Burchett (năm 1966). Ảnh tư liệu

Hồ Chí Minh có niềm tin vô hạn đối với quần chúng nhân dân. Toàn bộ sự nghiệp của mình, Người luôn nhấn mạnh rằng, chính quần chúng nhân dân làm nên lịch sử chứ không phải các nhà lãnh đạo. Bởi vậy, ngôn ngữ của Người, phong cách làm việc cũng như phong cách sống của Người đều có mối liên hệ gần gũi nhất với quần chúng nhân dân; biết được nguyện vọng sâu xa nhất của họ và từ đó để hoạch định ra các chính sách. Các nhà khoa học chính trị và xã hội của Mỹ cũng như những người làm việc trong giới chức sắc về cơ bản là xem thường quần chúng nhân dân. Họ dành hết kỹ năng để đánh lừa quần chúng và khi cần thiết thì lôi kéo quần chúng ủng hộ những chính sách chống lại lợi ích thực sự của chính quần chúng, mà cuộc chiến tranh Đông Dương là một ví dụ. Họ phát triển nghệ thuật dùng mánh khóe đánh lừa bằng ngôn ngữ, chưa kể đến việc nói dối một cách chính thức ở trình độ cao nhất.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thanh khiết”. Bản thân Hồ Chí Minh đã giải thích một cách rõ ràng trong một thông điệp gửi tới nhân dân Việt Nam ngay khi trở về nước sau 30 năm xa cách: “Tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất của đời mình là đấu tranh vì lợi ích của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy mà tôi đã phải ẩn mình trên núi cao, bị giam hãm trong tù. Nhưng bất kỳ lúc nào, bất cứ ở đâu, tôi vẫn luôn có một mục tiêu duy nhất, đó là lợi ích của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân”. Khi Người biết rằng chương cuối của cuộc đời của mình sắp đến, Người đã viết trong Bản Di chúc cuối cùng của mình: “VỀ VIỆC RIÊNG-Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa…”.

Những thói quen của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ít thay đổi, thậm chí sau ngày chiến thắng, khi Người được bố trí ở trong dinh thự của toàn quyền Pháp tại Hà Nội với tư cách là Chủ tịch nước. Người đã dành dinh thự này cho các cuộc tiếp đón chính thức, còn Người sống trong một căn phòng nhỏ ở khu nhà dành cho những người phục vụ trước đây, phía sau của dinh thự. Ở đây, Người đã cho tôi rất nhiều cơ hội để tiếp xúc. Một trong những lần như vậy, tôi đã hỏi Người rằng tôi có thể chụp một vài bức ảnh Người đang làm việc ở trong văn phòng được không. Vị đứng đầu Nhà nước mỉm cười: “Nhưng tôi không có văn phòng. Nếu đẹp trời, tôi làm việc ở ngoài vườn; nếu trời mưa, tôi làm việc dưới mái hiên và nếu trời lạnh, tôi làm việc trong phòng của mình”.

“Tấm gương mẫu mực về đức khiêm tốn, giản dị, lối sống thanh đạm của Người trong mọi hoàn cảnh đã trở thành một hình mẫu cho mọi cán bộ từ cấp cao nhất cho đến cấp thấp nhất và cho toàn thể nhân dân”.

Wilfred Burchett

WILFRED BURCHETT