QĐND - Tháng Ba năm 2013 này, là thời gian chẵn 210 năm sau cuộc về cõi vĩnh hằng của nhân vật lịch sử kiệt xuất ở thế kỷ 18: Ngô Thì Nhậm. Cũng là thời gian chẵn 220 năm sau cuộc đi sứ nổi tiếng của ông sang triều đình nhà Thanh.
Sứ bộ nước Việt do Ngô Thì Nhậm làm Chánh sứ, khởi hành từ Thăng Long lên biên giới, ngày 20 tháng Hai, mùa xuân năm Quý Sửu (tức: tháng Ba năm 1793). Ngày 27 tháng ấy, qua cửa ải. Ngày 8 tháng Năm, mùa hạ, tới Yên Kinh. Ở kinh đô nhà Thanh 12 ngày, đến ngày 20 tháng Năm thì lên đường về nước. Tháng Chín, mùa thu năm Quý Sửu, về đến kinh đô nước nhà- trong lời “tiểu dẫn” của bộ sách “Hoàng hoa đồ phả”, tức “Sách có kèm bản đồ về cuộc đi sứ (năm Quý Sửu, 1793)”, Ngô Thì Nhậm đã viết về thời gian của lịch trình, và từng chặng đường đi sứ của mình, rất cụ thể, rành mạch, là như vậy. Và còn có thêm cả những kiểm điểm cặn kẽ, chi tiết về không gian của chuyến đi nữa: “Đã đi qua các đất (xưa) của những nước: Việt, Sở, Tống, Nguỵ, Trịnh, Triệu, Yên. Tính ra đường đi dài tới một vạn hai nghìn ba trăm dặm. Khi về đường còn dài hơn, đi cả ngày lẫn đêm không nghỉ, chẳng giống như cái thung dung đề thơ ở Kim Lãng, Xích Bích của lần đi”.
Nhiệm vụ của sứ bộ Ngô Thì Nhậm trong chuyến đi này là: báo tang vua Quang Trung vừa đột ngột từ trần ngày 29 tháng Bảy nhuận, năm Nhâm Tý (1792) và cầu phong cho vua trẻ Cảnh Thịnh kế vị. Đích chính của việc tác động ngoại giao là vị đại lão hoàng đế Càn Long của triều đình Yên Kinh.
Biết rõ Chánh sứ Ngô Thì Nhậm là văn thần số một của nước Việt thời bấy giờ, đồng thời là người chủ trì cuộc bang giao của nước Nam với phương Bắc trong suốt thời gian vừa qua, đặc biệt: chính là người đã dựng “nước cờ Tam Điệp” giúp Quang Trung đại thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược, đầu xuân năm Kỷ Dậu (1789), nên hoàng đế Càn Long và cả triều đình nhà Thanh đều tỏ ra hết sức trọng thị. Sứ bộ được “dự yến, xem hý kịch, ban thưởng những vật quý báu, mỗi ngày được đưa các thực phẩm ba lần, suốt tuần luôn có thết tiệc, ca nhạc. Hoàng đế Càn Long thân làm thơ, viết văn vào thiếp hoa, ban cho”- trong tài liệu “Viện minh viên thị yến kỷ sự” đã có câu như vậy.
|
Tượng thờ Ngô Thì Nhậm trong điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định). Ảnh tư liệu.
|
Còn các mục đích của cuộc đi sứ đều đã đạt được. Hoàng đế Càn Long đọc xong tờ “biểu” báo tang Quang Trung đã ngự bút phê hai chữ “Đáng tiếc”! Lại còn giao cho sứ bộ Ngô Thì Nhậm một tấm lụa quý, mỏng và trong suốt- đặc sản của người Mãn Thanh, gọi là “đại cát đạt”, cùng ba nghìn lạng bạc để rồi sẽ về làm chay cho Quang Trung. Và, khi được Ngô Thì Nhậm kể cho biết chuyện (tưởng tượng) rằng vua Quang Trung, trước khi từ trần, còn dặn dò quần thần là phải luôn luôn... tôn kính thiên triều, hoàng đế Càn Long đã tỏ ra rất hài lòng, thân chọn hai chữ “Trung Thuần”, đặt tên “thuỵ” cho Quang Trung !
Việc cầu phong cho vua trẻ Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, còn thuận lợi hơn nữa. Bỏ qua các thủ tục nghiêm cẩn, hoàng đế Càn Long đã xuống đặc chiếu, phong ngay tước “Quốc Vương” cho Quang Toản, với lý do: trước đã có phong cho làm “Thế tử” rồi !
Vậy là Chánh sứ Ngô Thì Nhậm đã hoàn thành sứ mệnh một cách vẻ vang. Nhưng còn vẻ vang hơn nữa, là những gì mà họ Ngô đã nghĩ, đã làm, ở trong và bên lề cuộc hành trình đi sứ vạn dặm của mình, ở tuổi bấy giờ là bốn mươi bảy. Tất cả đều được phản ánh vào trong sách “Hoàng hoa đồ phả”- một trong những trước tác quan trọng nhất, giữa kho tàng sách vở đồ sộ mà Ngô Thì Nhậm đã để lại cho hậu thế, trong suốt cuộc đời- từ năm 16 tuổi đến năm 57 tuổi- đi học, đi thi, làm quan qua hai triều Lê - Trịnh và Tây Sơn của mình.
Người đời sau đọc sách “Hoàng hoa đồ phả” đều thấy rõ: trong hơn vài vạn dặm đường đi sứ của mình, Ngô Thì Nhậm đã rất có ý thức và cách thức để có thể đến được tất cả những nơi trên đất nước Trung Hoa mênh mông mà từ xưa cho đến lúc bấy giờ mọi người chỉ mới biết được qua văn chương và sử sách: sông Tiêu Tương, hồ Động Đình, núi Côn Lôn, thành Lệ Giang, ải Vũ Thắng, bến Hoàng Hà..., rồi nữa, là: đài Đồng Tước, lầu Hoàng Hạc, mộ Chiêu Quân, đền Nhạc Phi... Để cho ở đó, làm ra và lưu lại, trước hết là những áng thơ đẹp mượt mà của một thời phát triển vượt bậc tài năng thi ca của mình (dịch):
“Rủ thấp màn the, mây bọc núi
Treo cao cầu bạc, nguyệt đầm canh”
Và:
“Tùng che bóng khách trên cầu gỗ
Mai giắt đầu ai dưới rặng đê”...
Tự coi chuyến đi sứ của mình như một cuộc “tráng du”, Ngô Thì Nhậm- khi đến lầu Hoàng Hạc, chẳng chút ngại ngần trước những đoản thi đề vịnh của đủ mặt thi hào cổ kim khắp thiên hạ, ken đặc trên vách lầu- đã phóng bút, chọn ngay thể “phú” hoành tráng mà tung hoành các ý tứ và lời văn:
“Từ khi mông muội mở ra, chừ, núi sông tụ lại thành hình
Đương lúc hỗn độn chưa phân, chừ, cần gì ai điểm ai tô
Phải đâu phong cảnh mộ tiên, chừ, hẳn tiên mộ phong cảnh mà ẩn dật
Bậc siêu phàm lúc ẩn hiện, chừ, nằm trong hạt thóc vẫn thênh thang...”
Đặc biệt, luôn tìm và nghĩ đến những sự tích cùng dấu tích của lịch sử nước nhà còn tồn lưu trên đất phương Bắc, khi đi qua tỉnh Hồ Nam, đến miền núi Phân Mao, vùng nước Động Đình, chợt thấy có toà miếu cổ, gọi bằng cái tên lạ: “Miếu Bà Trắc”, Ngô Thì Nhậm bỗng giật mình nhớ lại trong những cổ thư đã đọc, có việc: gần hai nghìn năm trước, ba trăm “cừ suý”- những người đứng đầu các làng chạ- nước Việt theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, đã bị lão hung tướng Mã Viện bắt đầy sang đây để “đánh trốc gốc” ! Họ và con cháu luôn nhớ mãi về những nữ thủ lĩnh anh hùng của mình, đã lập và giữ toà miếu thờ “Bà Trắc” ở chỗ này. Thế là vị Chánh sứ, người đầu tiên phát hiện được dấu tích đầy ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau gần hai nghìn năm, vẫn tồn tại ở chỗ núi Phân Mao- hồ Động Đình này, bồi hồi xúc động, cầm bút viết ngay câu hào tráng:
“Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ” với nghĩa: “Bà Trưng đã dùng gươm mở mang chỗ động này”, ở trong bài thơ “Phân Mao lĩnh” của mình. Bài này mở đầu bằng lời ghi chú: “Núi Phân Mao ở địa giới Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, cỏ mao rẽ hai ngả Nam, Bắc. Trên đường đi, có biển đề “Phân Mao lĩnh”, và kèm rất đặc biệt là câu giải thích về biên cương hai phương Nam, Bắc xưa chính là ở chỗ này: “Thiên” vương chế của sách Kinh Lễ chép: “Địa giới Trung Nguyên, phía Nam không quá Hành Sơn”. Sau đấy mới là câu quan trọng: “Ở phía Nam hồ Động Đình có đền thờ, gọi là miếu Bà Trắc” để dẫn đến ý thơ: “Khai động phủ” (mở mang hồ Động Đình), liên quan đến những chữ “gươm Trưng Trắc” trong câu thơ của mình.
Cái ý: “Địa giới trung tâm miền Hoa Hạ, xưa không xuống qúa Hồ Nam” trong cổ thư Trung Hoa, đặc biệt là câu thơ: “Nam quốc sơn hà...” được truyền tụng là của danh tướng Lý Thường Kiệt: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (Rành rành định phận ở sách trời), càng âm vang mãi trong tâm hồn dân tộc và tinh thần yêu nước của Ngô Thì Nhậm, khi ông ngồi thuyền Chánh sứ, đi trên sông Ninh Minh. Ngòi bút bác học của họ Ngô đã dầm mực viết nhanh đoạn ghi chú: “Xét châu Ninh Minh, xưa là phủ Tư Minh, đời Thanh mới đổi là Ninh Minh, có một con sông phát nguyên từ châu An Bắc ở An Quảng, chảy ngược qua Lạng Sơn, châu Thoát Lãng và châu Lộc Bình, rồi vào đất Trung Quốc, dòng đi vòng vèo. Lại có mạch núi từ Vân Nam, Kiềm Châu (tức: Quý Châu) kéo xuống, đi thẳng đến Lạng Sơn, An Quảng (tức: Quảng Ninh), như hình chúa cung vây quanh, hướng về nước ta. Đó là mạch núi hướng vào trong, mà mạch nước thoát ra ngoài. Cho nên ta vẫn làm chủ nước ta. Cái lẽ (tự nhiên) ấy cũng là do địa thế (núi sông) mà nên vậy”.
Suy tư rành rẽ về giang sơn Tổ quốc và vận mệnh quốc gia như thế, chính là để cho những câu thơ “Ninh Minh giang ký kiến” (ghi lại những điều trông thấy ở sông Ninh Minh) thành bài chính luận sắt đá (dịch):
“Chẳng đợi Phân Mao nhận Lĩnh Mai
Bắc Nam ranh giới đã an bài.
Chầu Nam, núi hướng Vân-Kiềm ruổi
Ngược Bắc, sông từ Bắc-Lãng trôi.
Mạch đất ẩn tàng, do sẵn định
Ý trời sắp đặt, há rằng chơi !
Sách thiêng định phận đà làu thuộc
Nay đem dư đồ mở lại coi !”.
Bộ óc có sức nghĩ sắc sảo của Ngô Thì Nhậm đã hoạt động đủ trên mọi lĩnh vực như vậy trên suốt con đường đi sứ. Và đã đến lúc làm thơ tổng kết, trên đường về (dịch):
“Ta đi vạn dặm đường
Đã ba mùa tiếp nối
Mắt thấy và tai nghe
Bắc Nam chung lẽ ấy
Nhật nguyệt khắp trên đầu
Núi sông tuỳ tụ hội...”
Đấy là lúc nhìn xuống dòng sông Ninh Minh đang chảy dưới mạn thuyền, Ngô Thì Nhậm đã nảy ra tứ lạ mà thật đắt sự chính xác:
“Chớ bảo không văn minh
Việt thường có hoàng lão !
Hãy trông dòng Ninh Minh
Về Đông cuồn cuộn chảy.
Sông bắt nguồn từ đâu ?
-Từ Nam sang Bắc đấy !”.
Và, vị Chánh sứ nước Việt, mỉm nụ cười mãn nguyện mà hạ bút viết câu thơ thú vị nhất trong bài “Hoản nhĩ ngâm” (Khúc ngâm mỉm cuời) của mình:
“Quy ngô ngữ ngã hữu
Hạnh tai sinh Nam Bang !”
(Ta về nói với bạn ta
Thực là hạnh phúc được là người Nam !).
GS LÊ VĂN LAN