QĐND- Trong cuộc Chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, có 3 trung đoàn không quân của phái đẹp, trong đó có Trung đoàn cận vệ không quân Ta-man số 46 là trung đoàn ném bom ban đêm từng gây mất ăn mất ngủ cho quân Đức. Với sự sợ hãi và khâm phục, chúng đã “phong” biệt danh cho trung đoàn là “Bầy quỷ đêm”. Đại úy, anh hùng Liên Xô Na-đi-a Pô-pô-va là 1 trong 25 kiều nữ anh hùng của đơn vị, là một trong rất ít những người còn sống tới ngày nay.

1.  Tháng tư năm ngoái, trước ngày Chiến thắng phát xít Đức, một số nhà báo thường gọi điện cho bà Na-đi-a Pô-pô-va. Họ muốn biết sức khỏe bà thế nào, có thể ra Hồng trường Mát-xcơ-va dự lễ duyệt binh ngày 9-5 không. Đầu kia đường dây có câu trả lời thật dí dỏm và duyên dáng: “Tôi bây giờ là người phụ thuộc, không phải với tình yêu, mà với... thời tiết”. “Ồ, còn cả với tuổi 91 nữa chứ!”-Họ bổ sung.

Năm nào cũng vậy, cứ tới ngày 9-5 là bà được con cháu và những người ngưỡng mộ “tháp tùng” ra Hồng trường của Thủ đô. Một hôm, bà bị trượt ngã trên sàn nhà, cố lết mãi bà mới lên được giường, buộc phải gọi cấp cứu. Người ta phải phá cánh cửa mới vào được để đưa bà đi viện...

Bà Na-đi-a Pô-pô-va cùng chồng là Thượng tướng không quân Xê-mi-ôn Kha-rla-mốp.
Đặc biệt, rất nhiều người hỏi bà về tình duyên, về cuộc đời bà, nhất là vào những ngày trước Chiến thắng 9-5. Họ liên hệ với hai nhân vật Ma-sa và Rô-mê-ô trong bộ phim “Một số cụ già đi chiến đấu”. Người làm phim đã lấy vợ chồng bà làm hình mẫu của chuyện phim? Nhưng không hoàn toàn, vì Na-đi-a (tên gọi thân mật của bà) và Xê-mi-ôn khác với các nhân vật của phim là vẫn còn sống và cả hai đều là anh hùng Liên Xô.

Nhà báo nữ Pô-li-na I-va-nu-xki-na thường được nghe bà kể chuyện về chiến tranh, về những chiến binh và sự kiện có thật trong cuộc chiến. Chị thường đến với bà, nhất là vào những ngày tháng tư để được nghe bà kể chuyện. Lần nào chị cũng sợ rằng đó là lần cuối đến với người nữ anh hùng đã quá tuổi “cổ lai hy”. Pô-li-na I-va-nu-xki-na luôn sợ rằng những người anh hùng đích thực sẽ “phải đi xa” và chỉ còn lại hình ảnh và câu chuyện trong phim! Nhất là “bầy quỷ đêm” của những năm tháng rực lửa hào hùng ấy...

2. Na-đi-a Pô-pô-va có móng tay sáng, có tóc xoăn đẹp và đôi mắt xanh. Bà vẫn luôn nhớ lại “những ngày ấy”. Vào những năm tháng trước chiến tranh, toàn Liên bang Xô-viết dấy lên phong trào thi đua yêu nước để xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa của hơn 150 dân tộc. Các phong trào “học tập và làm theo” Xta-kha-kha-nốp, Trca-lốp, Pa-pa-nin (những anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa trong cao trào lao động xây dựng Tổ quốc Xô-viết). Ngày xảy ra chiến tranh, Na-đi-a Pô-pô-va đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Cô gái 19 tuổi xinh đẹp của vùng mỏ Đôn-bát này liền viết đơn xin được ra mặt trận. Cô được nhận vào trung đoàn không quân của phái đẹp đi ném bom vào ban đêm phá hoại kho tàng quân sự của quân phát xít. Và danh hiệu “Bầy quỷ đêm” mà quân Đức tặng cho trung đoàn này trong trạng thái “kiêng dè và khâm phục”. Bởi vì người Đức thường bị nghe những lời dối trá: Bọn đàn bà của trung đoàn này có tóc vàng, mắt xanh xinh đẹp nhưng chỉ biết hút thuốc, uống rượu và đó là những người ở tù ra, bị... đưa đi chiến đấu...

- Nhưng thực ra chúng tôi là những cô gái trong trắng, xinh đẹp, nhiệt tình yêu nước. Tất cả 240 cô gái của trung đoàn, từ người lái tới hoa tiêu, điện đàm và tiếp nhận vũ khí, bom đạn cho cuộc chiến đấu toàn là nữ. Những quả bom tạ tự tay chúng tôi-4 người chuyển vận một quả-chuyển vận vào kho, đưa lên máy bay đều là con gái chưa biết nụ hôn của con trai là gì... Chúng tôi ngủ, nghỉ dưới cánh máy bay. Ngày giá rét thì cứ hai người một cùng chui vào một bao tải to dày. -Bà kể lại cho những người trẻ ngày nay “chưa biết chiến tranh” là gì.-Đặc biệt, bà cười vui-toàn thể chúng tôi “bỏ qua bọn đàn ông”, vì cho rằng họ sẽ gây “rắc rối và tai hại” cho chúng tôi...

3. Tất cả các chiến sĩ của trung đoàn thường hay hát vào những giờ nghỉ hiếm hoi. -Bà còn “nhớ như in” một trong các bài hát mà họ thường hát vui thích: “... Một đàn vịt và hai chàng ngỗng mà tôi yêu, nhưng tôi không đợi được chàng...”.

Riêng kiều nữ Na-đi-a Pô-pô-va thì đã chớm nở một mối tình vào giữa cuộc chiến với một chàng phi công 20 tuổi. Vào một ngày hè năm 1942, tại một khoảng trời ở ngoại ô thành phố Rô-xtốp, chàng phi công Xê-mi-ôn được đưa vào cấp cứu ở quân y viện dã chiến. Anh được băng bó toàn thân vì bị đạn bắn vào cổ, phá mất cái mũi đẹp và cả vùng thắt lưng, mông... Chẳng ai nhận ra anh, chỉ biết rằng anh đã thực hiện một chiến công trên trời. Máy bay của anh bị bắn cháy, nhưng anh không rời nó. Về sau, bà hỏi chồng: “Sao anh mạo hiểm thế, không nhảy dù ra”. Câu trả lời rất gọn: “Vì mình tiếc chiếc máy bay quá!”.

- Xê-mi-ôn được mổ xẻ “toàn diện” nhưng liều thuốc chữa trị khá đơn giản: Một cốc rượu vốt-ca và ý chí chiến đấu của anh. - Bà nhiệt tình kể chuyện với mọi người về “mối tình đầu” của mình khi chỉ nhìn thấy được “người yêu tương lai” trong lớp băng trắng toàn thân... Giọng bà cất cao trong trạng thái khoái cảm mà quên rằng huyết áp luôn rình rập bà ở tuổi 80-90!

- Bọn Đức nói về chúng tôi “Ruxis swine!” (phụ nữ Nga lợn”). Thật bực mình! Tôi chính là người đẹp. Tôi mang quai thao qua vai, súng lục bên hông, thắt lưng sĩ quan quanh lưng bụng-bà tâm sự với một số phụ nữ trẻ chăm chú nghe bà nói về chiến tranh.

 Các vị chỉ huy của Trung đoàn “Bầy quỷ đêm” ngày ấy thảo luận trận không chiến sắp tới. Ảnh tư liệu 

Một hôm, chàng sĩ quan phi công Xê-mi-ôn (đã trở lại đơn vị chiến đấu sau khi lành vết thương) tìm thấy Na-đi-a Pô-pô-va “trên nẻo đường chiến tranh”: Đội bay của Na-đi-a đã thực hiện các chuyến bay chiến đấu từ sân bay của “bọn đàn ông”. Nó xảy ra như một tình tiết trong bộ phim “Một số cụ già đi chiến đấu”: Ma-sa (do nữ diễn viên Ếp-ghe-nia Xi-mô-nô-va đóng) đã buộc phải hạ cánh trên sân bay của một “phi đội hay hát”. Một chàng thợ máy tới nói với bà: “Đồng chí chỉ huy, một người đàn ông hỏi đồng chí!” Lúc đó, máy bay của bà đang chuẩn bị cất cánh. Bà nhìn thấy, đó rõ ràng đúng là “người ấy”. Đúng là Xê-mi-ôn, người mà trước đây bà chỉ nhìn được qua cuộn băng trắng toàn thân. Trong mấy phút trò chuyện ngắn ngủi, bà dí dỏm nói: “Vậy là người anh vẫn toàn vẹn, cái mũi vẫn còn nguyên!”. Trong ca-bin máy bay của Na-đi-a Pô-pô-va thì có nhiều táo do Xê-mi-ôn ném vào, vì sân bay ngay dưới vườn táo. Còn “tiêu chuẩn” một trăm gram vốt-ca của bà (sau khi hoàn thành mỗi chuyến bay theo thông lệ thời đó với những “chiến binh bầu trời”) thì bà nhường cho người yêu. Rồi họ lại nhanh chóng bay đi...

Ma-sa và Rô-mê-ô trong phim “Một số cụ già đi chiến đấu” thì cùng hy sinh vào một ngày, nhưng Na-đi-a Pô-pô-va và Xê-mi-ôn thì không. Họ còn sống và cả hai đều là anh hùng Liên Xô. Ngày 23-2-1945, Đại úy cận vệ Na-đi-a Pô-pô-va được phong anh hùng Liên Xô. Bà đã đi suốt cuộc chiến, thực hiện 852 lượt bay chiến đấu. Trong danh sách anh hùng Liên Xô đợt đó, có cả Đại tá Xê-mi-ôn Kha-rla-mốp, nhưng họ tên ông để phía dưới bà, vì sắp xếp theo vần chữ cái Nga.

Có người hỏi ông bà về ngày cưới của họ. Trả lời: “Chúng tôi cho là ngày 10-5-1945. Vì ngày đó chúng tôi đã ghi tên mình nối tiếp nhau trên cột lớn ở cửa vào tòa nhà quốc hội Đức: “Xê-mi-ôn Kha-rla-mốp tỉnh Xa-ra-tốp”; “Na-đi-a Pô-pô-va từ vùng Đôn-bát”. Đó là ngày “đăng ký kết hôn” của chúng tôi”. -Bà khẳng định như vậy vì nó chỉ sau cái ngày tràn ngập niềm vui và tự hào của nhân dân Liên Xô có một ngày.

 4.  Sau ngày kết thúc cuộc chiến, với đứa con đầu đang trong bụng, bà tới phục vụ chồng ở trung đoàn không quân của ông. Xê-mi-ôn Kha-rla-mốp tiếp tục phát huy sức lực trong quân chủng không quân Xô-viết, lên tới Thượng tướng và là cấp phó của Nguyên soái không quân Pô-crư-xkin nổi tiếng. Còn kiều nữ Na-đi-a Pô-pô-va về sau làm trong các cơ quan xã hội “cấp trung ương”. Khi làm bộ phim về chiến tranh “Một số cụ già đi chiến đấu”, đạo diễn Lê-ô-nít Bư-cốp đã mời vị tướng này làm cố vấn cho những người làm phim. -“Đạo diễn phim coi Xê-mi-ôn như một vị thần, còn vị tướng thì luôn nói đùa thân mật với ông ta”. -Bà kể lại với mọi người sau này. Những năm tháng tốt đẹp nhất của họ đã diễn ra trong chiến tranh.

Vào thời Khơ-ru-sốp, để giảm “nồng độ” cuộc "Chiến tranh lạnh" giữa hai phe, Liên Xô đã cắt giảm quân đội... Bà được nghỉ hưu, nhưng lại phân vân: “Phải chăng bây giờ mình sẽ làm bạn với soong, nồi?”. Nhưng không. Thay vào đó, bà được bầu vào đại biểu Xô-viết tối cao, làm việc ở Ủy ban Phụ nữ Liên Xô, ở Ủy ban Bảo vệ hòa bình quốc gia.

Một hôm, bà cùng các đại biểu đi đón Nữ hoàng Bỉ. Khi thấy quân hàm trên cầu vai, huân-huy chương trên ngực, Nữ hoàng hỏi:

- Bà là Tê-rét-cô-va? (Nữ phi công vũ trụ Liên Xô-ND)

- Không, tôi là Na-đi-a Pô-pô-va-Bà trả lời.

Bà góa chồng năm 1990. “Vậy là từ đó, chúng tôi không còn được trò chuyện thoải mái với nhau nữa...”- Bà tâm sự với giới trẻ sau này. Bà có một con trai, về sau cũng mang quân hàm cấp tướng, có hai cháu và ba chắt. Tất cả đều thành đạt và giữ được truyền thống của cha ông.

Bà Na-đi-a Pô-pô-va ngủ ít. Không phải phụ thuộc thời tiết, mà bà ăn kem và xem ti-vi tới tận khuya để hiểu thêm cuộc sống hiện tại. Các “trinh nữ” của ngày xưa ấy thường lui tới thăm nhau, gọi điện cho nhau. Năm ngoái, trong số 7 “trinh nữ ngày ấy” thường có mặt trong Ngày chiến thắng thì đã “ra đi” mất hai, đó là hai nữ anh hùng Ta-ni-a Ma-xle-ni-cô-va và Clav-a Rư-giơ-cô-va - những chiến hữu thân thiết của bà. Số còn lại thì liên lạc được với nhau chỉ qua điện thoại. Họ đã được tôi luyện trong chiến tranh và Na-đi-a Pô-pô-va lại phải “tôi luyện” với những chuyện đời cuộc sống của thời buổi kinh tế thị trường ngày nay.

NGUYỄN HỮU DY