Cuộc chiến phân chia giới tuyến

Hội nghị Geneva khai mạc ngày 26-4-1954 để bàn về vấn đề khôi phục hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương. Tuy nhiên, do vấn đề Triều Tiên không đạt được kết quả nên ngày 8-5-1954, hội nghị chính thức bàn về vấn đề Đông Dương. Đây là hội nghị quốc tế lớn, có cả 5 cường quốc tham dự. Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn tham dự hội nghị. Đây cũng là lần đầu tiên nền ngoại giao non trẻ Việt Nam tham gia một diễn đàn đàm phán đa phương phức tạp, chịu sự chi phối của các nước lớn.

Một ngày trước đó, ở trong nước, quân và dân ta đã đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, gây chấn động địa cầu. Ở nước ngoài, nhận tin chiến thắng qua đài phương Tây, đoàn Việt Nam ai nấy đều vui mừng, nhiều người không cầm được nước mắt vì sung sướng. Điện Biên Phủ-nơi người Pháp vẫn tự hào là “pháo đài bất khả xâm phạm”-đã sụp đổ.

Ngay trong đêm 7-5-1954, tất cả thành viên trong đoàn đã thức trắng để chuẩn bị cho cuộc họp vào sáng hôm sau. Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng nhận định, Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi quan trọng trên chiến trường, mở ra cục diện thuận lợi cho ta khi bước vào đàm phán. Ông căn dặn anh em trong đoàn khi bước vào hội nghị với tâm thế của người chiến thắng, nhưng không được thể hiện sự kiêu căng, ngạo mạn.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (ngồi bên phải) thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam ký Hiệp định Geneva, năm 1954.  

Tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đồng đưa ra 8 điểm với nội dung chủ yếu là: Đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương.

Do tính chất thành phần, mục tiêu mỗi bên tham dự hội nghị khác nhau nên mặc dù có lợi thế, phái đoàn Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trong suốt quá trình đàm phán, Việt Nam luôn kiên định hai mục tiêu, đó là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Giáo sư sử học người Pháp Alain Russio, người có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, từng nhận định: “Sự thống nhất của Việt Nam có một ý nghĩa rất quan trọng, nhưng các phái đoàn khác đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề này. Họ cho rằng, trước hết cần chấm dứt chiến tranh Việt Nam, sau đó mới nghĩ đến tương lai”.

Ông Lưu Văn Lợi, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, khi còn sống từng chia sẻ rằng, bất cứ vấn đề nào được đặt lên bàn thương lượng để chấm dứt một cuộc chiến tranh phức tạp như chiến tranh Đông Dương đều quan trọng. Điều đáng nói là, trong khi những vấn đề lớn như ngừng bắn, tù binh, tập kết quân đội... được giải quyết tương đối nhanh thì vấn đề giới tuyến và thời hạn tổng tuyển cử lại kéo dài vì liên quan đến vấn đề lãnh thổ, chủ quyền, ý đồ chiến lược và quyền lợi nước lớn.

“Sự khác biệt về giới tuyến và thời hạn tái thống nhất là do ý đồ khác nhau của các bên”, ông Lưu Văn Lợi khẳng định. Mỹ và Pháp muốn nước ta chia càng nhiều cho họ càng tốt, chia cắt càng kéo dài càng tốt cho họ. Pháp muốn chia cắt ở vĩ tuyến 18, Mỹ muốn chia cắt phía trên Đồng Hới. Trong khi đó, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng chỉ muốn phân nhỏ nhất cho chính quyền Bảo Đại và Pháp nên đề nghị giới tuyến ở vĩ tuyến 13. Sau khi gặp Thủ tướng Pháp Mendès France, ông Phạm Văn Đồng nhích lên vĩ tuyến 16. Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đề nghị vĩ tuyến 17.

Càng gần đến ngày 20-7-1954, Thủ tướng Pháp Mendès France càng thêm lo lắng bởi đây là thời hạn mà ông cam kết với Quốc hội là sẽ đạt được ngừng bắn ở Đông Dương, bằng không ông sẽ mất chức. 10 ngày trước khi thời hạn kết thúc, hai vấn đề hóc búa trên vẫn nằm trên chương trình. Khi đó, nhiều người nhận định, nếu sau ngày 20-7 mà có ngừng bắn ở Đông Dương, đây cũng là điều tốt nhưng vẫn không thực hiện đúng lời cam kết; nếu quá ngày 20-7 mà hội nghị không đi đến kết quả gì thì lời cam kết rõ ràng là không được thực hiện.

“Lúc này, chìa khóa thành công của Hội nghị Geneva nằm trong tay ông Phạm Văn Đồng. Mọi người nhìn ông. Bỗng ông nhẹ nhàng giơ tay: Tôi đồng ý vĩ tuyến 17 và thời hạn hai năm.

Mọi người hân hoan. Hai ông Tạ Quang Bửu và Delteil ngồi vào bàn ký các văn bản. Ngước lên chiếc đồng hồ lớn của Lâu đài Liên hợp quốc. Ai đó đã cho đồng hồ đứng lại đúng nửa đêm. Nó chỉ mãi ngày 20-7.

Trong một thoáng nhìn, Mendès France như cảm ơn ông Phạm Văn Đồng, cái gật đầu của ông Đồng đã giữ vững chiếc ghế Thủ tướng của Mendès France”(1).

Thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao

Sau 75 ngày thương lượng, qua 8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập, ngày 20-7-1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết.

Hội nghị Geneva là một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam cũng như của nhân dân hai nước Campuchia và Lào. Trong báo cáo trình trước Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ tư (năm 1955) nêu rõ: Hiệp định đình chỉ chiến sự và bản Tuyên bố cuối cùng của hội nghị đã quy định việc ngừng bắn trên toàn Đông Dương, đồng thời quy định những nguyên tắc và biện pháp cụ thể để lập lại và củng cố hòa bình, giải quyết vấn đề chính trị trên cơ sở công nhận quyền độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như của Campuchia và Lào.

Về giới tuyến, Điều 1 của Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam nêu rõ: “Một giới tuyến quân sự tạm thời sẽ được quy định rõ, để lực lượng của hai bên, sau khi rút lui, sẽ tập hợp ở bên này và bên kia giới tuyến ấy...”. Điều 6 của bản Tuyên bố cuối cùng cũng nhấn mạnh: “Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ. Hội nghị tin tưởng rằng việc thi hành những điều khoản quy định trong bản Tuyên bố này và trong những Hiệp định đình chỉ chiến sự tạo ra cơ sở cần thiết để giải quyết vấn đề chính trị ở Việt Nam trong một thời gian ngắn”. Điều 16 và Điều 17 của Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam đã nhắc lại trong Điều 4 của bản Tuyên bố cuối cùng: “Hội nghị chứng nhận những điều khoản trong Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam về việc cấm đem vào Việt Nam quân đội và nhân viên quân sự ngoại quốc, cũng như tất cả các thứ vũ khí, đạn dược,...”(2).

Với việc Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam được ký kết, hòa bình được lập lại trên cơ sở công nhận quyền dân tộc của nhân dân ta là: Từ Bến Hải trở ra, hơn một nửa phần đất nước với 13 triệu người ở miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Đồng thời, nhân dân ta có cơ sở để đẩy mạnh đấu tranh, thực hiện thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7-1956. Cùng với hòa bình được lập lại, một giai đoạn đấu tranh mới đã mở ra trước mắt nhân dân ta, trong hoàn cảnh chính trị mới của Việt Nam và thế giới. Đánh giá về hội nghị, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan khẳng định: “Nếu không có hậu phương lớn của miền Bắc thì cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bất luận như thế nào thì Hội nghị Geneva năm 1954 là hội nghị rất đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta...”.

Thắng lợi sau 75 ngày đàm phán tại Hội nghị Geneva năm 1954 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao kiên định, đầy bản lĩnh và tự tin. Thắng lợi này cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị bởi nó đã thể hiện được truyền thống hòa bình, hữu nghị, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó là, hòa bình phải gắn liền với độc lập, tự do, chủ quyền và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

(1), (2) - Theo “Phạm Văn Đồng và ngoại giao Việt Nam”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.126-127 và  tr.381-382

YÊN BÌNH