Tam giác sắt
Người Mỹ, cụ thể là các tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam, cho rằng Trung ương Cục là Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam (RPR). Trung ương Cục được giao nhiệm vụ điều phối và chỉ đạo tất cả các hoạt động quân sự của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Quân đội nhân dân Việt Nam và LLVT nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam (PLAF). Vì vậy, ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Mỹ đã mở những cuộc càn quét quy mô đáng kể nhằm vào cơ quan đầu não này.
Sách “Việt cộng: Bộ mặt của cuộc chiến tranh ở Việt Nam” (Victor Charlie: The face of war in Vietnam) được Nhà xuất bản Frederick A.Praeger, Hoa Kỳ phát hành năm 1967. Tác giả Kuno Knoebl, người Đức, đã có những lần vượt chiến tuyến để gặp “phía bên kia”. Kuno Knoebl viết:
... Mùa thu 1963, một đơn vị của chính phủ Việt Nam cộng hòa có cố vấn Mỹ đi kèm thâm nhập vào một vùng do Việt cộng kiểm soát ở tỉnh Bình Dương. Gặp phải kháng cự không quá quyết liệt, đơn vị này chiếm được một làng ở ven vùng Tam giác sắt. Tam giác sắt là một khu vực phòng thủ kiên cố của lực lượng kháng chiến nằm ở phía tây bắc Sài Gòn. Trong một căn nhà tranh, quân của chính phủ Sài Gòn tìm thấy hai hộp tài liệu. Người Mỹ mau chóng hiểu ra rằng họ đã khám phá được một kho báu. Trong số tài liệu có cả một bản kế hoạch xây dựng lực lượng của RPR. Lần đầu tiên, người Mỹ có khái niệm về một bộ máy chính trị phức tạp mà những người cộng sản vừa xây dựng nên ở miền Nam Việt Nam...
Đảng có một sở chỉ huy của mình nằm ở tỉnh Bình Dương, trong căn cứ nổi tiếng, là Chiến khu Đ. Tháng 1-1966, một lực lượng đột kích Mỹ thọc sâu vào rừng thuộc Chiến khu Đ và đánh lướt qua nhiều địa đạo được xây dựng kiên cố. Người Mỹ thu được một số tài liệu, cho thấy hệ thống này chính là một phần cơ quan chỉ huy của Mặt trận giải phóng và của RPR. Căn cứ ngầm này còn bao gồm các ban, ngành chịu trách nhiệm về nông nghiệp, giáo dục, cả bộ phận phụ trách về quân giới. Quân Mỹ đã dùng mìn giật nổ tung các địa đạo.
Tôi (tác giả Kuno Knoebl) đã nhiều lần tìm cách, nhưng vẫn không nắm được tổng hành dinh đó ở đâu. Dĩ nhiên là các nhà lãnh đạo RPR và Mặt trận giải phóng có nơi trú đóng cả ở Campuchia, và chúng nằm ở sát địa giới với Pleiku, cũng như ở phía nam của tỉnh Hậu Nghĩa (nay là hai huyện Đức Hòa, Đức Huệ thuộc Long An và huyện Củ Chi thuộc TP Hồ Chí Minh). Cũng có các trụ sở của cộng sản (Việt Nam) ở Phnom Penh. Một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, một cơ sở quân giới và tiếp tế đang hiện hữu ở Đông Lào, gần với những khu rừng ở Chavane. Người Mỹ cho rằng có sở chỉ huy Việt cộng ở vùng Tam giác sắt gần Sài Gòn. Rất ít nghi ngờ là hầu hết các nhà lãnh đạo Đảng và Mặt trận giải phóng đóng ở Campuchia, gần với phần biên giới Việt Nam thuộc tỉnh Hậu Nghĩa và Tây Ninh... Có một điều là các nhà lãnh đạo lực lượng nổi dậy phải thường xuyên dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Các thành viên của RPR hôm nay (1963) là những nhà lãnh đạo thực sự của phong trào kháng chiến ở Nam Việt Nam. Với tư cách là chính ủy, họ giám sát quân đội Việt cộng; với tư cách là cán bộ của Mặt trận giải phóng, họ kiểm soát mặt trận này; với tư cách là người quản trị hành chính, họ lãnh đạo hầu hết các cơ quan dân sự (của phe cách mạng) ở miền Nam Việt Nam. Cuộc đấu tranh chống lại chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ vì thế mang dáng vóc một sự nghiệp của nhân dân, không phải là sự nghiệp của những người cộng sản.
Junction City
Đầu năm 1967, Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa tung ra một chiến dịch không vận lớn nhất kể từ đại chiến thứ hai, cũng là chiến dịch không vận lớn nhất cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Đây cũng là chiến dịch của cuộc chiến này được đề cập nhiều nhất trên sách báo phương Tây:
Mục đích của Junction City kéo dài gần 3 tháng, huy động khoảng 3 sư đoàn của quân đội Mỹ, là nhằm xác định vị trí “tổng hành dinh”. Theo các nhà phân tích của Mỹ thời đó, một trụ sở như vậy được xem như một “Lầu Năm Góc mini”, được biên chế đầy đủ các bộ phận văn thư-bảo mật và nhân viên sự vụ, với cấu trúc nhiều tầng cấp. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, các thông tin của phe cách mạng cho thấy “tổng hành dinh” thực tế lại là một nhóm người không đông, cực kỳ cơ động, thường trú chân trong các cơ sở phù hợp với yêu cầu dã chiến, từng thoát khỏi cuộc ném bom chỉ ở cự ly vài trăm mét.
Bởi quân Mỹ tìm thấy, chẳng hạn, một số kho chứa 120 cuộn phim và thiết bị hậu cần để in tài liệu và nghĩ rằng cuối cùng họ đã tìm thấy đại bản doanh của COSVN lừng danh. Tuy nhiên, hệ quả là rất khác. Bộ chỉ huy cơ động do một số nhân vật bí ẩn và nổi tiếng, đã nhanh chóng rút về phía Campuchia, tiếp tục duy trì hoạt động và làm lung lay hy vọng của các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ.
Với sự tiêu hao khối vật chất và trang bị khổng lồ, bao gồm 366.000 viên đạn pháo và 3.235 tấn bom, quân Mỹ hẳn đã gây tổn thất cho lực lượng Bắc Việt Nam và Việt cộng, chứng tỏ được năng lực hiệp đồng của lực lượng đổ bộ đường không và lực lượng cơ giới, một binh chủng phát huy được vai trò trong địa hình hiểm trở.
Bất chấp những kết quả về chiến thuật, Junction City ở cấp độ chiến dịch đã tuột khỏi tay mục tiêu quan trọng nhất (là COSVN), cũng như không mang lại tác động đòn bẩy cho chiến lược dài hạn.
Nửa thế kỷ sau, một bài báo trên The New York Times đã nhìn lại năm 1967, như kỷ nguyên của các chiến dịch quy mô nhất của Mỹ ở Việt Nam (1967: The Era of Big Battles in Vietnam), có đoạn viết: Chiến dịch Junction City thất bại trong tìm-diệt COSVN, hẳn vì trụ sở đó không tồn tại theo nghĩa là nơi đồn trú thường xuyên. Lực lượng Việt cộng hoạt động từ các cơ sở di động, do mối đe dọa thường xuyên từ các cuộc oanh tạc từ trên không, các cuộc cơ động của bộ binh (phe Mỹ) và do đặc điểm về bảo đảm hậu cần. Sự cơ động như vậy giúp Việt cộng phối hợp hành động tốt hơn với các nhà hoạch định của Bắc Việt Nam và rút lui qua bên kia biên giới với Campuchia khi cần thiết.
Một số của Tạp chí Times ra năm 1970 đã đưa tin rằng, thay vì là một “Lầu Năm Góc trong rừng rậm” như quan niệm trước đó, “COSVN thực sự lại là một đội ngũ nhân viên khoảng 2.400 người, phân tán rộng rãi và có tính cơ động cao”, di chuyển giữa các địa đạo, hầm hào và các điểm hẹn bằng xe đạp và xe máy.
Theo hồi ký của Westmoreland, vào đầu thập niên 1960, COSVN nằm ở tỉnh Tây Ninh của miền Nam Việt Nam, phía Tây Bắc Sài Gòn gần biên giới Campuchia. Từ sau năm 1970, COSVN tồn tại trong Đồn điền Mimot rộng lớn, ở nơi được gọi là vùng Lưỡi Câu (Fish Hook) ở biên giới Việt Nam-Campuchia, khu vực phía bắc Tây Ninh và phía tây Lộc Ninh.
Lưỡi Câu
Cuộc hành binh vào Campuchia (còn được gọi là cuộc xâm lược Campuchia) năm 1970 là một loạt các chiến dịch quân sự ngắn được tiến hành ở miền Đông Campuchia, một quốc gia chính thức được xem là trung lập.
Mục tiêu của chiến dịch này hẳn là tìm diệt các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam và Việt cộng, được xem là trú đóng tại vùng biên giới phía Đông Campuchia. Tuy nhiên, vào 21 giờ ngày 30-4-1970, Nixon xuất hiện trên cả 3 kênh truyền hình Hoa Kỳ, tuyên bố: “Không phải sức mạnh của chúng tôi mà là ý chí và bản lĩnh của chúng tôi đang được thử thách tối nay”, và “đã đến giờ hành động”. Bài phát biểu của Nixon bắt đầu 90 phút sau khi quân Mỹ tiến vào khu vực Lưỡi Câu. Nixon cho hay, quyết định tung lực lượng Mỹ vào Campuchia nhằm mục tiêu đặc biệt là đánh chiếm COSVN.
Kết quả là tổng cộng đã có 13 cuộc hành binh quy mô lớn được thực hiện bởi quân lực Việt Nam cộng hòa từ ngày 29-4 đến ngày 22-7, và bởi quân lực Mỹ từ ngày 1-5 đến ngày 30-6, tại khu vực từ Mỏ Vẹt đến Lưỡi Câu (hơn 58.600 quân Sài Gòn và 50.600 quân Mỹ tham chiến, nhằm chống lại 40.000 quân đối phương, theo tin tình báo Mỹ). Đợt hoạt động quân sự này đã thất bại toàn diện, vì COSVN đã rời khỏi địa bàn trú đóng cũ từ một tháng trước đó...
Trong sách “Lịch sử chiến tranh Việt Nam” (The history of the Vietnam war), chương Mở rộng Chiến tranh: Campuchia 1970 (Widening the War: Cambodia 1970), tác giả John Prados viết:
Việt Nam cộng hòa khởi đầu bằng cuộc tấn công vào Mỏ Vẹt (Parrot’s Beak). Quân của Đỗ Cao Trí đã tập hợp ngày 28-4 và xuất phát vào tối hôm sau. Đầu tiên tiến vào Campuchia là một đơn vị lực lượng đặc biệt Mỹ Mike với 30 tay súng. Tiếp sau họ là 3 chiến đoàn kỵ binh thiết giáp và biệt động của quân lực Việt Nam cộng hòa, các đơn vị trực thuộc các sư đoàn 5, 25 và quân đoàn 3, lên tới khoảng 8.000 người với 70 cố vấn Hoa Kỳ. Người ta hy vọng rằng, cuộc tấn công của tướng Trí sẽ mang lại hiệu quả nghi binh, hỗ trợ mũi tấn công chính vào Lưỡi Câu...
Cuộc hành binh Campuchia kết thúc ra sao, theo Prados:
Đại tá Starry (trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11/11th Armored Cav) tin rằng “đối phương chắc chắn đã biết về cuộc tấn công”. Tuy nhiên, phía Việt cộng và Bắc Việt hẳn đã chỉ nhận được cảnh báo trước cuộc tấn công vài ngày thôi. Các tài liệu bắt được tại khu vực xa hơn về phía bắc vào cuối tháng 5 và đề ngày tháng phát hành vào tháng 3, nói về ý định của quân lực Hoa Kỳ và Nam Việt Nam tấn công các “thánh địa Việt cộng”. Khi quân Mỹ đến nơi, ở Lưỡi Câu đã không còn gì của COSVN để bắt giữ...
LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)