Bình luận về sự kiện này, các tờ báo Mỹ cho rằng, những dự án của Mác-tin trong những ngày cuối cùng ở Việt Nam là “không tưởng”.
Giải pháp không tưởng
Trong bài viết “Nào, cố mà chắp nối những mảnh vỡ”, tạp chí Times số ra ngày 14-4-1975 tiết lộ, đã có những lời khuyên Tổng thống Mỹ G.Pho (G.Ford) nên tìm một “con dê tế thần” trong thất bại ở Việt Nam của Hợp chúng quốc.
Vào thượng tuần tháng 4-1975, Đại sứ Mỹ Gra-ham Mác-tin đoán rằng ông đang được biến thành con dê tế thần đó.
Ngày 19-4-1975, Đại sứ Mác-tin đã gửi một điện mật phàn nàn rằng Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và cộng đồng tình báo Mỹ đang thực thi những hành động nhằm đảo ngược các cáo buộc nhằm vào họ và than thở: “Người duy nhất không được ai che chắn chính là tôi”.
Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn cuối tháng 4-1975.
Ngày 24-4, Trưởng phái bộ CIA tại Sài Gòn Pôn-ga (Polgar) đặt câu hỏi: “Phải chăng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không thấy có vấn đề gì nếu Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn tiếp tục hiện diện và kiềm chế mọi can thiệp về quân sự?”. Đại tá Võ Đông Giang, Phó trưởng đoàn Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Ban Liên hợp quân sự 4 bên xác nhận đúng như vậy.
Ngày 25-4, trong một cuộc họp báo, Đại tá Võ Đông Giang tiếp tục khẳng định lập trường chấp nhận một Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam (theo sách “CIA và các viên tướng Sài Gòn”, trang 202).
Đại sứ Mác-tin được biết tới như “con khủng long cuối cùng sót lại từ kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh”. Ông được xem là theo đuổi đến cùng những dự án được coi là không tưởng. Đó là tìm kiếm một giải pháp chính trị trong vấn đề Nam Việt Nam, cốt sao tạo được một “lối thoát danh dự” cho nước Mỹ.
Đến những ngày cuối tháng 4-1975, theo các nhân chứng thân cận, Mác-tin vẫn duy trì niềm tin Thiên chúa của ông vào những mục tiêu quá xa vời trên nền một hiện thực ngày một vô cùng bất lợi cho Mỹ.
Mác-tin bị cáo buộc đã để cho cuộc di tản diễn ra trong tình trạng không được chuẩn bị. Tuy nhiên, theo tờ Time, Mác-tin từng tâm sự với nhiếp ảnh gia của Nhà Trắng Hiu-mơ Ken-nơ-li (Hume Kennerly) rằng, nếu ông thì thầm từ “di tản” thôi, thì một cuộc bỏ chạy tán loạn như Đà Nẵng cuối tháng 3-1975 lập tức tái diễn. Cũng có kẻ cho rằng Mác-tin, vốn bướng bỉnh và sĩ diện, đã cố tình tỏ ra sẽ rời khỏi Việt Nam một cách đàng hoàng.
Ngày 28-4, Mác-tin vẫn còn cố “lội ngược dòng” khỏi tư duy di tản của Nhà Trắng, khi ông điện cho Ngoại trưởng Kít-xinh-gơ (H.Kissinger), nói rằng ông tiên đoán người Mỹ sẽ vẫn ở lại Sài Gòn “khoảng một năm hoặc hơn”.
Trên trang điện tử fallofsaigon.org, một cận vệ của Đại sứ Mác-tin thời đó, hạ sĩ quan lính thủy đánh bộ (LTĐB) Cô-lin Brốt-xa (Colin Broussard) viết: “Hàng tháng trời liền trước 30-4, ông Mác-tin đã cố gắng trong tuyệt vọng, thuyết phục Oa-sinh-tơn rằng chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sẽ sống sót được nếu như B-52 luân phiên rải thảm bom, tạo một vành đai sắt cho Sài Gòn”.
Đêm 28 rạng sáng 29-4, sau khi hàng trăm quả đại bác của Quân Giải phóng đã giội lên phi trường Tân Sơn Nhất, viên Đại sứ Mỹ đã lên Đài Truyền hình cam kết nước Mỹ sẽ không rút khỏi Việt Nam. Mác-tin khẳng định: “Tôi, Đại sứ Mỹ, sẽ không chạy trốn lúc nửa đêm. Bất kỳ ai cũng có thể tới nhà tôi và chứng kiến tôi chưa hề sắp xếp hành lý”.
Chạy trốn trước bình minh
Ngày 29-4, sau khi Sân bay Tân Sơn Nhất bị oanh tạc khiến việc di tản bằng máy bay cánh cứng bị đình chỉ, Mác-tin vẫn không chịu tin vào điều này cho tới khi được nhìn tận mắt.
Pôn-ga lệnh cưa cắt cây me lớn trong bãi để xe của đại sứ quán để lấy chỗ cho trực thăng đáp xuống. Báo chí Mỹ cho rằng, việc hạ cây này như là một định mệnh, bởi Mác-tin thường nhấn mạnh cây me này “lớn nhanh như cam kết của Mỹ ở Việt Nam”!
Đại sứ Mác-tin trả lời phỏng vấn báo chí trên tàu Mỹ, ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu.
Trong một công điện gửi Kít-xinh-gơ, Mác-tin viết: “Tôi cảm thấy một nghĩa vụ nặng nề về đạo đức là phải sơ tán càng nhiều càng tốt những người Việt thuộc diện di tản”.
Pôn-ga là người kêu ca nhiều về Mác-tin. Ông này viết: “Đại sứ quán Mỹ đã không giữ một lập trường di tản”, dù thú nhận rằng phái bộ CIA Sài Gòn của ông ta cũng không vượt lên khỏi tâm trạng này. Ý của Pôn-ga là cả cơ quan ngoại giao lẫn tình báo Mỹ ở Sài Gòn đều hy vọng có thể đạt tới một giải pháp nhờ thương lượng, kể cả với sự môi giới của các đồng minh Hà Nội. Pôn-ga phê phán sự chỉ đạo của Oa-sinh-tơn đối với Đại sứ quán Mỹ trong tuần cuối của cơ quan này tại Việt Nam là “thường xuyên mâu thuẫn, có lúc còn thiếu thực tế”, trong khi tình hình ở Việt Nam “đang phát triển quá nhanh, quá rộng trên nhiều mặt trận” và “Quân Giải phóng còn tiến nhanh hơn”.
21 giờ 30 phút ngày 29-4, một phi công CH-53 thông báo: Đô đốc Huýt-mai-ơ (Whitmire), Tư lệnh Phi đoàn 76 ra lệnh đình chỉ chiến dịch di tản lúc 23 giờ. Chỉ huy LTĐB tại Đại sứ quán Mỹ đề xuất Đại sứ Mác-tin liên hệ với Nhà Trắng để bảo đảm chắc chắn rằng cầu hàng không vẫn tiếp tục hoạt động. Mác-tin sau đó khẳng định là các phi vụ vẫn tiếp tục. Cùng kỳ, các dàn xếp đã diễn ra để Đô đốc Huýt-mai-ơ tiếp tục lệnh cho các phi công của mình bay tiếp các chuyến bay đến tòa Đại sứ quán Mỹ, bất chấp trời tối làm tầm nhìn hạn chế, hỏa lực từ dưới đất bắn lên, sự mỏi mệt của phi công Mỹ và thời tiết xấu.
Rạng sáng 30-4, cầu hàng không từ Đại sứ quán Mỹ bị đình chỉ bởi lệnh từ Nhà Trắng. Các phi công trực thăng Mỹ bay trên không phận Nam Việt Nam nhận được điện vô tuyến sau: “Điện sau đây phát từ Tổng thống Hoa Kỳ và phải được chuyển phát bởi trực thăng nào tiếp cận đầu tiên với Đại sứ Mác-tin. Chỉ những người Mỹ mới được trực thăng vận. Đại sứ Mác-tin sẽ đáp chiếc trực thăng nào ông gặp đầu tiên và chiếc trực thăng này sẽ phát đi các tín hiệu “Tiger, Tiger, Tiger” một khi đã lên không và bay đi”.
4 giờ sáng 30-4, theo tài liệu “CIA và những viên tướng Sài Gòn”, một thiếu tá LTĐB gặp Mác-tin, cho hay nếu ông Đại sứ không tự lên boong chiếc trực thăng đến đón, viên thiếu tá này sẽ lôi ông lên máy bay. Mác-tin cuối cùng phải chấp nhận điều không thể tránh khỏi. Trên thực tế, lực lượng LTĐB Mỹ đã được lệnh áp giải Đại sứ Mỹ trong trường hợp ông này không chịu di tản theo lệnh của Tổng thống Mỹ.
4 giờ 45 phút, một chiếc CH-46 do Đại úy Gie-ri Be-ri (Jerry Berry) đáp xuống nóc tòa Đại sứ quán Mỹ. Be-ri từ chối chở những người tị nạn đang được các LTĐB Mỹ đưa đến, giải thích rằng ông ta được lệnh của Tổng thống Pho đưa Đại sứ Mác-tin và nhân viên Đại sứ quán Mỹ đến nơi an toàn. Khoảng 5 giờ, chiếc trực thăng mang tên Lady Ace (tạm dịch: Nữ phi công bay giỏi) số 09 này cất cánh với Mác-tin trên boong, bỏ lại hàng trăm người Việt trong khuôn viên đại sứ quán.
Sau này, Pôn-ga cáo buộc Đại sứ Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc đã không chuẩn bị cho cuộc di tản. “Mác-tin đã không thể nâng mình cao hơn khỏi những rào cản cơ chế để huy động nhân sự vào một đội hình cố kết… Ông đã thất bại trong việc sử dụng quyền lực của mình và quá bận tâm vào việc thắng điểm trong các cuộc tranh cãi với Oa-sinh-tơn về chủ trương chính sách. Những điều đó đã cản trở việc lãnh đạo chương trình di tản, khiến một công tác tổ chức có phân nhiệm rành mạch đã không thể hình thành”.
Sáng 1-5-1975, tại phòng Bầu dục Nhà Trắng, Tổng thống Pho cho Ngoại trưởng Kít-xinh-gơ hay: “Tôi đã lệnh cho Ron (Ron Nessen, Thư ký báo chí Nhà Trắng) phát ngôn rằng, Tổng thống Mỹ không muốn phê phán Mác-tin, người vốn đã chịu quá nhiều sức ép”. Báo điện tử history.net nhận định đây là những lời cuối cùng về cuộc dính líu hai thập kỷ của Mỹ vào Việt Nam. Từ đó, chính quyền Pho tiếp tục tránh nói về cuộc chiến này.
Theo tờ Times, Đại sứ Mác-tin từng là người tin tưởng một cách mãnh liệt và lâu hơn tất cả những người khác vào khả năng cùng tồn tại với những người cộng sản. Muốn hay không, thế giới cũng đã chứng kiến Đại sứ quán Mỹ vẫn đứng chân tại nước Lào sau ngày giải phóng (tháng 9-1975).
5 năm sau khi Mác-tin từ trần, Đại sứ quán Mỹ mở cửa trở lại ở Việt Nam.
LÊ ĐỖ HUY (lược dịch)
Đại sứ Mác-tin trả lời phỏng vấn báo chí trên tàu Mỹ, ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu.
Đại sứ Mác-tin trả lời phỏng vấn báo chí trên tàu Mỹ, ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu.