Một trong số đó là nữ Bát nạn tướng quân-Đông nhung đại tướng Vũ Thị Thục, một trụ cột của Trưng Nữ Vương và Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Tiên La linh thiêng ở phủ Long Hưng xưa, huyện Hưng Hà ngày nay…

Nữ danh tướng thời Hai Bà Trưng

Lịch sử từ thời Hai Bà Trưng đến nay đã gần 2.000 năm. Những ghi chép ở Di tích đền Tiên La còn khá khái lược. Thầy Đặng Vũ Trần Nhã-Thủ nhang của ngôi đền này đã 25 năm, đưa chúng tôi bản tóm tắt lịch sử cũng chỉ hơn một trang giấy. Từ những thông tin ban đầu đó, chúng tôi tiếp cận thêm với nhiều tư liệu từ các nguồn khác nhau, đặc biệt là tư liệu của nhà nghiên cứu Đặng Hùng, hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, để phục dựng chân dung vị nữ tướng và giá trị lịch sử văn hóa của ngôi đền khá đặc biệt.

Theo thần tích còn lưu lại trong đền Tiên La, Bát nạn tướng quân Vũ Thị Thục, thường gọi là Thục Nương, quê ở trang Phượng Lâu, nay thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Hồi trẻ, bà nổi tiếng xinh đẹp, có tài võ nghệ. Nhiều chàng trai trong vùng đến cầu hôn nhưng cha mẹ của bà đã hứa gả cho Phạm Danh Hương, chàng trai trẻ tài năng, con trai Huyện trưởng Chu Diên. Nghe đồn về trang quốc sắc, tên quan đô hộ nhà Hán là Tô Định cho người về Phượng Lâu bắt ép cha mẹ bà phải gả con gái cho hắn và bắt Phạm Danh Hương phải từ hôn. Bị từ chối, Tô Định ra tay sát hại cha và chồng chưa cưới của bà Vũ Thị Thục. Khi bị bắt, bà đã dùng hai thanh kiếm bạc tiêu diệt bọn lính nhà Hán để tự giải thoát. Bà dùng thuyền theo dòng nước đi về vùng đất tả ngạn cuối sông Hồng thuộc huyện Chu Diên. Bà nương thân nơi cửa Phật tại ngôi chùa gần bờ sông thuộc trang Tiên La, nay là xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

leftcenterrightdel
Cổng đền Tiên La. (Ảnh: Việt Thùy)

Tại vùng đất này, Thục Nương đã cùng nhiều người đồng chí hướng dựng cờ tụ nghĩa để báo nợ nước, trả thù nhà. Chùa Tiên La được tu sửa trở thành trung tâm khởi nghĩa của nghĩa quân. Bà vừa chỉ huy quân luyện tập võ nghệ, vừa khai hoang mở rộng diện tích, lập thêm làng mới. Khi nghĩa quân lên tới hàng nghìn người, mọi người suy tôn bà là Bát nạn tướng quân (người dẹp loạn cứu dân). Thục Nương dựng cờ “Bát nạn tướng quân” lập đàn tế trời, thề quét sạch giặc đô hộ ra khỏi đất nước. Nhiều thủ lĩnh trong vùng đã đem quân về Tiên La tụ nghĩa cùng Bát nạn tướng quân.

Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh, đã sai công chúa Bảo Hoa về Tiên La mời Thục Nương và nghĩa quân về Mê Linh. Thục Nương đưa tướng sĩ về ra mắt và được Trưng Vương phong chức là “Đốc lĩnh tiền quân”. Sau nhiều trận đánh, Thục Nương lập nhiều chiến công xuất sắc, được phong chức “Đông nhung đại tướng quân”. Bà đã góp phần quan trọng giúp Hai Bà Trưng đuổi quan quân Tô Định về nước.

Đất nước thanh bình được khoảng 3 năm, vào mùa xuân năm 42 sau Công nguyên, vua nhà Hán xua quân sang tái chiếm nước ta. Thế giặc quá mạnh, mặc dù chiến đấu anh dũng nhưng Hai Bà Trưng vẫn thất bại và hy sinh dưới dòng sông Hát. Đông nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục lui quân về giữ vùng hạ lưu sông Hồng chặn đánh giặc. Bà được nhân dân trong vùng hết sức giúp đỡ, xây dựng Tiên La thành căn cứ chống giặc. Quân Hán liên tiếp bao vây, tấn công căn cứ Tiên La. Nhiều đồn lũy bị phá hủy. Thục Nương cùng một số ít nghĩa binh còn lại lui về gò Kim Quy. Giặc siết chặt vòng vây. Quyết không để rơi vào tay giặc, bà vung gươm diệt nhiều địch rồi hóa vào ngày 13-3 năm Nhâm Dần (năm 43 sau Công nguyên). Cảm tạ công đức và chí khí lẫm liệt của bà, người đời sau lập đền thờ Mẫu, suy tôn bà là “Mẫu Thượng Ngàn tái thế”.

leftcenterrightdel
 Màn rước trong Lễ hội đền Tiên La. (Ảnh chụp lại)

Một “tứ linh tự” của phủ Tiên Hưng

Đền thờ đại tướng quân Vũ Thị Thục tại xã Đoan Hùng ngày nay đã được xây dựng từ lâu đời. Vào những năm 1933-1939, toàn bộ tòa đệ nhị của đền được cải tạo, xây bằng đá. Các nét hoa văn, chạm trổ cầu kỳ, kỹ thuật cao, tạo thêm nét độc đáo, thẩm mỹ hiếm có của ngôi đền. Năm 1998, đền được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trong dân gian, đền thờ bà được liệt vào hàng “tứ linh tự” của phủ Tiên Hưng xưa. Hiện nay, nơi đây là một trong những ngôi đền đẹp nhất của tỉnh Thái Bình.

Đền nằm trên gò đất cao, trước đây có diện tích khoảng 5.000m2, nay đã mở rộng gần 2ha, với 3 tòa chính: Tòa tiền tế, tòa đệ nhị và hậu cung. Cổng đền có 3 gian, xây bằng gạch, mỗi gian là một lối dẫn vào đền. Nóc cổng đền gắn 4 chữ: “Thiên hạ dương dương” (rõ ràng trong thiên hạ). Qua cổng vào sân là tới tòa tiền tế 5 gian, có bức cuốn thư đắp nổi 4 chữ: “Vạn cổ anh linh” để ở gian giữa. Tòa này còn có nhiều câu đối, bức đại tự ca ngợi triều Trưng Vương và phẩm hạnh tài sắc của nữ tướng Vũ Thị Thục.

Toà đệ nhị được xây bằng đá, gồm 16 cột đá, 8 xà đá và 8 kèo đá, chạm trổ công phu, tinh vi với tứ linh, rồng mây và tứ quý.

Hậu cung gồm 3 gian nằm sâu bên trong. Gian giữa có xây phần mộ của nữ tướng Vũ Thị Thục cùng ngai và tượng Bát nạn tướng quân. Gian bên trái thờ các tướng sĩ và quân lính của bà. Tại đây còn lưu giữ nhiều đồ tế khí bằng đồng, gốm, gỗ quý cùng các đạo sắc phong của các triều đại phong kiến cho Đông nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục.

Theo thầy Thủ nhang Đặng Vũ Trần Nhã, vào tháng 3 (âm lịch) hằng năm diễn ra Lễ hội đền Mẫu Tiên La, ngày 17 là chính hội. Và, cứ vào dịp từ ngày 15 đến 20-3, nghĩa là trước hoặc sau ngày tan hội chính đều có mưa to, dân gian gọi đó là mưa rửa đền.

Chia tay chúng tôi, thầy Nhã đọc lại bài thơ in trong bản giới thiệu tóm tắt di tích, tri ân công đức của nữ danh tướng Vũ Thị Thục và ngôi đền thiêng Tiên La:

Anh linh lừng lẫy khắp gần xa

Đệ nhất ngài đây vị Thánh bà

Hộ quốc dựng xây nền tự chủ

Diệt thù không gượng chí trung kiên

Cột đồng thuở trước rêu từng phủ

Đền đá ngày nay sắc vẫn truyền

Trải mấy ngàn năm trên quốc sử

Rõ ràng một bước họa thiên nhiên.

PHI LONG