...Với tâm trạng hồi hộp dễ hiểu, chúng tôi đi đến cuộc gặp gỡ với con người mà tên tuổi quý giá vô cùng với mỗi người dân Việt Nam, với tất cả nhân dân tiến bộ trên thế giới. Trong những ngày này, nhiều lần chúng tôi được nghe từ miệng những cháu thiếu niên và người đứng tuổi, những người lính, những người phụ nữ và các em nhi đồng thốt lên một cách trìu mến: “Bác Hồ”. Tên tuổi của vị lãnh tụ nhân dân được nhắc đến một cách thân thiết, đôi khi biểu lộ cả sự nhiệt thành. Tên tuổi ấy vang lên trong những bài hát, được viết lên trên những tấm phên đan bằng nứa tre.

Chúng tôi đi theo lối mòn nhỏ, ven theo bờ vực chênh vênh, phía dưới con suối chảy ào ào, sau đó đi sâu vào vùng cây cối tỏa hương ngào ngạt và chẳng bao lâu sau thì thấy một căn nhà tre nứa. Từ hiên nhà, một người mặc quần áo nông dân đi ra đón chúng tôi. Giả dụ trước đây vài ba ngày chúng tôi có gặp bên đường, giữa đồng lúa, hẳn chúng tôi sẽ cho đây là một bác nông dân bình thường. Gương mặt thanh tú quen thuộc trên các bức chân dung, chòm râu nổi tiếng, nụ cười đôn hậu, xởi lởi.

- Xin chào các đồng chí! Các đồng chí có khỏe không?-Người nói, thân ái dang cả hai tay ra chào đón và mời chúng tôi vào nhà mình.

Và từ giây phút đầu tiên, khi chúng tôi yên tọa quanh chiếc bàn mộc, phe phẩy những chiếc quạt lá cọ, ngay từ lời đầu tiên của cuộc trò chuyện thân tình đã không còn chút gì của cảm giác căng thẳng và hồi hộp mà chúng tôi đã mang theo trên đường tới đây.

leftcenterrightdel
Bác Hồ bình dị như thế!

Chủ tịch đã trải qua năm thứ tám của cuộc chiến tranh, Người đã 64 tuổi. Nhưng ngồi trước mặt chúng tôi là một con người tràn đầy nghị lực, trẻ trung. Trong suốt thời gian cuộc diện kiến, chúng tôi luôn bị hấp dẫn bởi đôi mắt màu nâu sẫm với những tia lửa ánh vàng tươi tắn. Đôi khi, đôi mắt ấy cũng thoáng một nét buồn. Đó là khi Người nói về những nỗi thống khổ cùng cực của nhân dân mình, về những hy sinh, về sự độc ác khủng khiếp của kẻ thù...

Chỗ ở bằng tre của đồng chí Hồ Chí Minh chẳng có gì khác hàng nghìn căn nhà của những người nông dân Việt Nam. Có khác chăng là trong căn nhà mà Người giới thiệu với nụ cười là “dinh Chủ tịch” có hai tầng: Tầng dưới là phòng làm việc, tầng trên là chỗ nghỉ ngơi. Trên bàn làm việc có những chồng báo mới, chiếc máy chữ lừng danh mà nhiều phóng viên đến thăm Người đã nói tới: Chiếc máy chữ xách tay nhỏ hiệu “Bebi” mà Người tự đánh các bài báo của mình, các tài liệu, những lời hiệu triệu gửi nhân dân và bộ đội. Trên căn gác, một chiếc chiếu trải trên mặt sàn và một chiếc va li trông dạn dày, xây xát. Khắp 3 phía quanh nhà là những cây cọ và bụi tre nứa. Trong đó, thấp thoáng những chú chim rực rỡ nhảy nhót, thánh thót cất tiếng hót, âm thanh tràn ngập khắp không gian. Mặt thứ tư nhìn ra khung cảnh một thung lũng thoáng đãng, từ đó vọng đến tiếng suối chảy ồn ào. Chúng tôi không thể không ngạc nhiên thốt lên trước nơi ở giản dị của Người.

- Còn tôi đã quen với cuộc sống như thế này-Người nói-Các bạn nhìn thấy đấy, tôi có thể lên đường bất cứ lúc nào. Những năm tháng hoạt động bí mật đã dạy cho tôi nếp sống này. Thính ngủ như một người du kích. Chỉ năm phút thu xếp là đã sẵn sàng lên đường.

Người hỏi han tỉ mỉ chúng tôi về chuyện đi đường, hành trình chúng tôi đã trải qua. Còn tôi kể về những ấn tượng của mình. Rồi câu chuyện chuyển sang các vấn đề liên quan đến công việc của chúng tôi.

- Theo tôi, cần phải lên kế hoạch quay của các bạn-đồng chí Hồ Chí Minh nói-Trong việc này, các đồng chí Trung ương Đảng sẽ giúp đỡ các bạn. Các bạn đã gặp đồng chí Trường Chinh chưa? Các bạn thế nào cũng phải gặp, chuyện trò với đồng chí ấy. Các bạn hãy làm quen với các cán bộ văn học, nghệ thuật của chúng tôi. Các nhà văn của chúng tôi, đáng tiếc là, đang còn viết ít. Chúng tôi đã đọc Boris Polevoy, những truyện ngắn của ông về con người bình thường. Tại sao các nhà văn chúng tôi còn chưa viết được như vậy? Chúng tôi chẳng đã có nhiều anh hùng bộ đội và nông dân. Cần phải cho thấy hết tầm vóc của họ. Việc đó tất nhiên cũng sẽ là nhiệm vụ của các bạn trong quá trình xây dựng bộ phim. Tiện thể tôi muốn mời các bạn đến dự cuộc gặp mặt các anh hùng Điện Biên Phủ. Chúng tôi sẽ trao thưởng cho họ vì những chiến công họ đã lập được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kể cho chúng tôi về chiến dịch ở Điện Biên Phủ vừa mới kết thúc. Chủ tịch cho chúng tôi xem bức thư của nữ y tá Pháp Geneviéve Gallard, người phụ nữ duy nhất từng có mặt trong quân đồn trú Điện Biên Phủ và bị bắt làm tù binh. Trong thư, cô đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh thả mình và hứa hẹn nếu Chính phủ Việt Nam tỏ rõ sự khoan hồng mà thả cô ra, cô sẽ cống hiến hết sức lực của mình cho cuộc đấu tranh vì hòa bình ở Việt Nam.

- Tôi đã viết thư cho cô ấy-đồng chí Hồ Chí Minh mỉm cười hiền hậu nói-Cho cô biết rằng thư của cô ấy đến chậm hơn mấy ngày khi tôi đã ra chỉ thị tha cho cô ấy. Trước đó, Hội Phụ nữ Việt Nam cũng đã đề nghị tôi làm việc đó. Các bạn thử nghĩ mà xem, chúng tôi bắt cô ấy làm tù binh để làm gì kia chứ? Một phụ nữ yếu đuối, hẳn cô ấy rất vất vả...

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tướng De Castries cùng với đội quân đồn trú của ông ta đầu hàng làm tù binh ở Điện Biên Phủ. Người không giấu sự tức giận khi nói về viên tướng-tiễu phạt tàn bạo, hiện đã bị vô hiệu hóa, đang nằm trong trại tù binh.

Trong lời lẽ của vị Chủ tịch đã đứng tuổi không hề có một thoáng hoan hỉ của người chiến thắng. Người chỉ lắc đầu kể về những hành động tàn bạo của De Castries. Trên bàn, trước mặt Người là trang bìa tờ tạp chí Pháp Paris Match với chân dung một người cao gầy, có cái mũi khoằm giống như mỏ một con ác điểu...

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Chiến khu Việt Bắc

Chủ tịch Hồ Chí Minh bình dị và khiêm nhường. Từ chối các thư ký, tự đồng chí đọc hết khối lượng lớn thư từ, công văn, tự trả lời, tự đánh máy các bài viết của mình. Người đi bộ, cưỡi ngựa, vượt các chặng đường dài, nhiều ngày, chuyện trò một cách giản dị với nông dân tại các làng xóm, trên đồng ruộng. Vừa cười, Người vừa kể cho chúng tôi nghe cuộc chạm trán trong đêm của mình với hổ. Sợ ánh sáng đèn pha ô tô nên hổ đã bỏ chạy. Chủ tịch nói:

- Con thú đáng sợ nhất là bọn đế quốc, thực dân. Bởi vì hổ chỉ tấn công khi đói, còn bọn chúng làm cho nhân loại phải đổ máu chỉ để kiếm lời. Nhưng sự nghiệp của chúng cũng vô vọng thôi. Từ lâu, những con thú ấy đã có thể nhận ra là không thể bắt nhân dân làm nô lệ và không thể tiêu diệt nhân dân đấu tranh cho tự do...

Chúng tôi trò chuyện bằng tiếng Nga và hỏi đồng chí học tiếng Nga ở đâu. Người trả lời:

- Người cách mạng phải biết được tiếng nói của Lênin!

- Một ngày đồng chí làm việc bao nhiêu tiếng?

- Chim chóc đánh thức tôi-Người nói-Còn tôi đi nằm khi những vì sao xuất hiện trên trời.

Về sau này, chúng tôi mới biết thêm rằng không hẳn hoàn toàn như vậy. Không ít lần chúng tôi nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh chống gậy đi trong đêm dưới ánh đuốc của cây nứa mà người bảo vệ đồng hành cầm soi đường trên lối mòn nhỏ hẹp trong các cánh rừng già.

Chúng tôi ở bên đồng chí Hồ Chí Minh gần trọn một ngày. Một vài lần Người xin lỗi, đi lại bàn làm việc của mình để xem một bưu kiện khẩn, nói chuyện điện thoại. Trong những trường hợp ấy, Người đưa cho chúng tôi tập báo mới và các tạp chí ảnh của Pháp, hay đề nghị chúng tôi đi dạo ngắm cảnh xung quanh “dinh” của Người.

Chia tay, đồng chí Hồ Chí Minh nói: Chúng tôi và các bạn sẽ thường xuyên gặp nhau. Các bạn cần gì để bảo đảm công việc của mình, xin cứ mạnh dạn đề xuất.

- Chúng tôi chỉ có một đề xuất duy nhất, thưa đồng chí Hồ Chí Minh-tôi nói-Đầu tiên và chủ yếu là chúng tôi nhất thiết phải được thấy đất nước đồng chí. Di chuyển trong đêm tối không cho chúng tôi cơ hội đó. Hết sức xin phép đồng chí cho chúng tôi đi xe ban ngày. Xin hứa với đồng chí, cả 3 chúng tôi đều có đủ kinh nghiệm quân sự. Chúng tôi luôn luôn có thể kịp thời tránh được sự tiến công từ trên không.

Chủ tịch im lặng một lát.

- Không thể được, các đồng chí ạ. Chúng tôi đã mất nhiều người con ưu tú của Đảng vì những trận bom, những trận oanh tạc từ trên không. Tôi hiểu rõ những khó khăn của các đồng chí nhưng chúng tôi không thể để các đồng chí mạo hiểm. Đành phải làm việc đó bằng cách đi bộ, đi ngựa hoặc xe đạp vậy. Cấm vận chuyển bằng ô tô vào ban ngày, đó là luật pháp ở đất nước chúng tôi...

“Có những cuộc gặp gỡ, được ghi nhớ suốt cả đời, để lại trong tiềm thức và trái tim dấu ấn sâu sắc, không có lần thứ hai. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với đồng chí Hồ Chí Minh là cuộc gặp gỡ như thế”.

Roman Karmen

Bài và ảnh: ROMAN KARMEN

THÚY TOÀN (dịch)