Đêm 11-10-1962, chuyến tàu đầu tiên mang mật danh “Phương Đông 1” khởi hành từ Đồ Sơn (Hải Phòng), gần một tuần sau đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Tiếp đó, các tàu Phương Đông 2, 3, 4 lần lượt lên đường, vượt biển chi viện cho miền Nam cả về lực lượng và vũ khí trang bị. Trong khối tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy, các báo cáo năm 1962 có đề cập: “Bắc Việt Nam bắt đầu triển khai các hoạt động đưa người và phương tiện chiến tranh vào miền Nam Việt Nam bằng cả đường bộ lẫn đường biển. Để thực hiện những hoạt động trên biển, cộng sản đã khôn khéo ngụy trang các tàu hải quân thành tàu đánh cá hoặc tàu buôn. Phần lớn số vũ khí được đưa vào vùng 3 và vùng 4 chiến thuật, nơi mà tuyến vận tải trên bộ chưa thể với tới...”.

Hãng tin AP (Mỹ) ngày 25-12-1964 đăng tải: “Chiến sự từ miền Nam Việt Nam đưa về Washington chứng tỏ Bắc Việt đã đầu tư lực lượng và phương tiện đáng kể bằng cả hai tuyến vận tải Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển”. Và rồi chính McNamara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định rằng: “Hải quân Việt Nam cộng hòa có 16 tàu chiến và khoảng 200 tàu tuần tra duyên hải. Tuy nhiên, theo nhận định của một số cố vấn hải quân Mỹ, chỉ 10% số đó hoạt động hiệu quả trong việc ngăn chặn tuyến vận chuyển trên biển của cộng sản”.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Đoàn tàu không số giới thiệu hải trình và các điểm đến ở miền Nam, tháng 10-2011. Ảnh: Xuân Giang. 

Đến tháng 2-1965, Tàu 143 cập bến Vũng Rô đã bị địch phát hiện. Trận quyết chiến ác liệt giữa hai bên đã diễn ra, nhưng do đối sánh lực lượng và thế trận quá bất lợi, chỉ huy Tàu 143 đã quyết định hủy tàu. Nhân “sự kiện Vũng Rô”, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tập trung các phương tiện truyền thông để tung hô chiến thắng. Dù vậy, tướng William Westmoreland, tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã thú nhận: “Việc tìm kiếm con đường vận tải biển của Bắc Việt đã có kế hoạch từ lâu do nghi ngờ của tình báo cung cấp; song chúng ta không thể tìm ra trước tháng 2-1965 được”. Sau này, trên tạp chí Học viện Hải quân Mỹ có đăng tải bài viết, nhấn mạnh: “Vụ Vũng Rô đã khẳng định điều nghi ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng chiến cụ lớn bị phát hiện đã chỉ ra rằng nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời loại vũ khí mới cỡ 7,62mm của địch ở những vùng biển khác nói lên một điều chắc chắn là địch còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển”.

Bên cạnh đó, Mỹ-ngụy vẫn tiếp tục tăng cường và mở rộng hoạt động của Hạm đội 7, kể cả tiến hành tuần tra trên biển và trên không nhằm ngăn chặn, bắt giữ và đánh phá tàu, thuyền Việt cộng đang thực hiện nhiệm vụ đưa người và phương tiện chiến tranh vào miền Nam Việt Nam. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đặc biệt do tướng Wyler-chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đứng đầu, bảo đảm với Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng McNamara là: “Quyết tâm lớn nhất của chúng ta cần triệt hạ tuyến chi viện từ Bắc Việt vào miền Nam bằng đường biển. Điều này khẳng định thêm chúng ta đã tìm ra, chúng ta sẽ chiến thắng”, tờ Washington Post của Mỹ, trụ sở tại Sài Gòn đăng tải ngày 18-3-1965.

Đối với ta, kể từ khi Tàu 143 bị lộ, bí mật không còn nên từ năm 1966 đến 1972, ta đã thay đổi phương thức và hành trình cho tuyến vận tải biển phù hợp trong điều kiện ngặt nghèo, vượt qua chặng đường dài hàng nghìn hải lý, hàng rào tàu địch ken dày đặc để đưa vũ khí và lực lượng vào miền Nam, khiến cho giới quân sự Mỹ và Sài Gòn kinh ngạc, “không sao hiểu nổi”.

 "Từ năm 1966 đến 1972, ta đã thay đổi phương thức và hành trình cho tuyến vận tải biển phù hợp trong điều kiện ngặt nghèo, vượt qua chặng đường dài hàng nghìn hải lý, hàng rào tàu địch ken dày đặc để đưa vũ khí và lực lượng vào miền Nam, khiến cho giới quân sự Mỹ và Sài Gòn kinh ngạc...".

Sự thật, để chặn đứng được tuyến vận tải biển của ta không dễ, không chỉ giới chức cầm quyền trong chính phủ Mỹ, ngụy mà cả binh lính trực tiếp tham chiến tại miền Nam đều có chung nhận định như vậy. Đại tá David Panmer, chỉ huy trưởng sư đoàn 2 thiết giáp thuộc lực lượng lục quân cơ giới Mỹ tham chiến tại miền Nam Việt Nam-tác giả cuốn sách "Tiếng kèn gọi quân", khi trả lời phỏng vấn tờ Washington Post tại Mỹ nói: “Lần tìm ra manh mối đường biển đã vận chuyển vũ khí trang bị của Việt cộng không dễ, nhưng chặn đứng không cho họ lọt vào là không tưởng và rồi Việt cộng vẫn có vũ khí trang bị hiện đại để chống trả ta quyết liệt”. Tờ Tin nhanh, số ra ngày 27-3-1967, dẫn lời một sĩ quan cao cấp Mỹ thú nhận với nhà báo Pháp François Karl rằng: “Những thất bại liên tiếp trong năm qua của Mỹ và quân đội Sài Gòn đã minh chứng sức mạnh của Bắc Việt. Và miền Bắc đã vận chuyển khối lượng hàng không nhỏ vào miền Nam bằng nhiều con đường cả trên bộ và trên biển”.

Kể từ sau sự kiện Mậu Thân 1968, những chuyến tàu xuyên Biển Đông của ta vẫn tiếp tục vận chuyển với số lượng lớn vũ khí và lực lượng cập bến an toàn. Tạp chí Lướt sóng của hải quân ngụy Sài Gòn, số ra tháng 8-1970, ghi rõ: "Sau một thời kỳ vắng bóng, tuyến vận tải biển của Bắc Việt lại hoạt động dưới dạng khác. Việc này CIA đã cung cấp, nhưng rồi chúng ta không thể chặn đứng được họ; vì khối lượng vũ khí được trang bị càng tăng từ sau sự kiện Mậu Thân 1968".

Cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, những chiến lược gia quân sự sừng sỏ của Mỹ và ngụy cũng không thể giải thích nổi vì nguyên cớ nào, bằng chiến thuật, kỹ thuật gì, với phép màu nào... mà những con tàu thô sơ, nhỏ bé của Bắc Việt có thể vượt qua hàng nghìn hải lý với bão tố thất thường của biển cả; sự kiểm soát chặt chẽ, gắt gao của một hạm đội hùng mạnh với trang thiết bị kỹ thuật tối tân hàng đầu thế giới, gần như “rào kín” trên biển... để đến được bến bờ miền Nam. Merle L.Pribbenow, nhân viên CIA, người có nhiều năm nghiên cứu về tình hình quân sự tại miền Nam Việt Nam đã thốt lên: “Ngoài đường mòn trên dãy Trường Sơn, Bắc Việt đã khai thác và sử dụng thành thạo tuyến vận tải biển, điều này không hề đơn giản chút nào. Không hiểu ý chí của người lính hải quân Bắc Việt gan dạ đến mức nào?” (theo tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam).

Đặc biệt hơn, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trả lời phỏng vấn Hãng tin AFP, ngày 4-5-1985, rằng: “Thật khó hiểu sức mạnh bên trong của Bắc Việt, kể từ khi con đường vận tải biển được phát hiện và bị lộ, nhưng họ vẫn tìm mọi cách để tiếp tế không ngừng cho đến ngày chiến thắng”. Viên tình báo Mỹ William Colby thì khẳng định khi trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Mỹ ngày 24-11-1988: “... Tổng thống Gerald Ford cắt đứt mọi hy vọng hão huyền khi cố gắng đổ lực lượng hải quân để chặt đứt con đường biển của Việt cộng”. Cựu Tổng thống Mỹ Gerald Ford, ngày 15-6-2000, khi trả lời thư của Colin Breussard-cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ chiến đấu tại miền Nam Việt Nam đã nói lên nỗi niềm của mình về một thực tế: “Thất bại của chiến tranh Việt Nam không thể không có sự tham gia đắc lực của tuyến vận tải biển mà cộng sản đã sử dụng trong suốt thời kỳ chiến tranh”. Còn Nguyễn Hữu Chí, phó đô đốc hải quân ngụy Sài Gòn thú nhận: “Trên thực tế, đối phương đã sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di chuyển vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đường biển...”.

Mặc dù đối phương đã có những nhận định như trên, song để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong suốt quá trình vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam thì tất cả cán bộ, chiến sĩ "Đoàn tàu không số” đã nêu cao ý thức tự lực, tự cường, làm chủ con tàu và vũ khí trang bị, chủ động nắm bắt tình hình, thông minh, linh hoạt trong xử lý mọi tình huống; đồng thời, khắc phục khó khăn tìm ra những phương thức vận chuyển độc đáo nhằm chuyên chở được nhiều nhất, nhanh nhất nhân lực, vật lực đáp ứng kịp thời cho chiến trường miền Nam. Đúng như lời thú nhận của đô đốc Dunwan, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, rằng: “Cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm cho hải quân Mỹ mất đi một thế hệ tàu chiến; còn với hải quân Bắc Việt thì đã thể hiện khả năng tài tình trên biển”.

Đại tá, TS TRƯƠNG MAI HƯƠNG