Những năm 80 của thế kỷ trước, qua trinh sát điều tra, Đội N51 đóng ở địa bàn tỉnh An Giang xác định: Có một đường dây hoạt động tình báo của các đối tượng phản động thành lập từ sau năm 1976 đứng chân ở ấp Kăm Pốt, xã Xà Pun (Campuchia), cách Cửa khẩu Long Bình của ta khoảng 7km, do tên Đại úy Sơn Mên làm lưới trưởng; Thượng úy Sơn Giao làm lưới phó; Sóc Kha làm thư ký và Trung úy Thạch Thị Lướt (vợ của Sơn Giao) giữ hồ sơ cùng nhiều tên khác đều là người xã Lai Hòa (nay thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Các đối tượng đã tổ chức cho người Khmer ở Việt Nam sang Campuchia; tuyên truyền, lôi kéo họ vào đảng Mô-ni-na-ka và tham gia lực lượng vũ trang của chúng. Mục tiêu lâu dài là “giải phóng” 9 tỉnh Nam Bộ, trước mắt chúng kêu gọi người Khmer Hạ không hợp tác với chính quyền Việt Nam.

Qua công tác phản gián, trinh sát còn phát hiện các đối tượng đã móc nối vào trong khu vực biên phòng thuộc Đồn Y, tổ chức kết nạp các tên Lý, Thạch, Sơn, Cát, Sơn B, Lâm... vào đảng Mô-ni-na-ka. Những tên này phần đông trước đây đã tham gia tổ chức “Khăn trắng” hoặc tham gia vụ bạo loạn năm 1976. Tên lưới phó Sơn Giao đã nhiều lần viết thư đưa cho tên Lâm mang từ Campuchia về liên lạc, giao nhiệm vụ cho tên Sơn tổ chức lực lượng ở trong biên giới ta. Ngoài tổ chức đảng Mô-ni-na-ka, trinh sát còn phát hiện nổi lên một số tổ chức và cá nhân phản cách mạng, hoạt động mang màu sắc “diễn biến hòa bình”, câu kết với bọn phản động cực đoan dân tộc để chống phá cách mạng nước ta.

Căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ cụ thể, cơ quan chỉ đạo nghiệp vụ xin mở án đấu tranh. Chuyên án mang bí số H194 (tháng 1-1994, sau đây gọi tắt là Chuyên án), với địa bàn đấu tranh tập trung ở 4 tỉnh: Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu), Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang. Ở ngoại biên (Campuchia) là huyện Koh Thum, tỉnh Kandal và thành phố Phnom Penh, nơi có trụ sở của “Hội người Khmer Krom”.

Để thực hiện mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ của Chuyên án, đồng chí Trưởng ban Chuyên án triệu tập chỉ huy trưởng, trưởng phòng trinh sát, trợ lý tổng hợp trinh sát của 8 tỉnh có người Khmer sinh sống và một số bộ phận để bàn phương pháp đấu tranh. Trong cuộc họp, các ý kiến đều nhất trí về cách đánh án nhằm vừa tiêu diệt được địch vừa thu hẹp mâu thuẫn trong nội bộ giữa dân tộc Khmer với các dân tộc khác. Theo kế hoạch đánh án, các lực lượng phải điều tra phát hiện cho được những đối tượng mà địch đã huấn luyện tung về cài cắm trong biên giới ta, hoặc những đối tượng mà chúng đang có ý định lôi kéo. Công tác trinh sát phải phân loại cụ thể được từng đối tượng, sau đó thông qua các biện pháp vận động quần chúng, kiểm soát hành chính, ngụy trang khéo léo, gặp gỡ, răn đe, tung hỏa mù hoặc tranh thủ lôi kéo, sử dụng họ để đánh trả địch...

Từ cách đánh đã được xác định, đoàn công tác Chuyên án khẩn trương trao đổi với giám đốc công an các tỉnh để vừa nắm tình hình hoạt động phức tạp của các đối tượng trong dân tộc Khmer, vừa thông báo chủ trương của cấp trên, yêu cầu các sở công an phối hợp đấu tranh. Ở Sóc Trăng, địch có ý đồ lập một sư đoàn người Khmer gọi là Sư đoàn 1 (bấy giờ, ta phát hiện đã có một khung trung đoàn thành lập xong), mục đích là xây dựng lực lượng từ bên trong nổi dậy, kêu gọi bên ngoài giúp đỡ. Còn ở Minh Hải, Son San đã thành lập đội ám sát cán bộ, đảng viên của ta để gây rối loạn. Đội có 32 thành viên do tên Danh Quên (Châu Quên) cầm đầu. Tháng 9-1990, chúng phái 20 tên xâm nhập về An Giang, Tây Ninh hoạt động. Trong lúc đoàn cán bộ Chuyên án đang làm việc thì phát hiện Lâm Nê (đối tượng của Chuyên án), nguyên là trung tá ngụy, quê ở xã Vĩnh Lợi (Châu Thành, An Giang). Năm 1986-1987, từ Mỹ, y thường xuyên gửi tiền về cho một số người Khmer làm kinh phí hoạt động. Biết Lâm Nê xâm nhập về địa bàn Minh Hải, đoàn công tác liền phối hợp với trinh sát tỉnh truy tìm, bí mật bắt hắn để khai thác. Có thể do nghi ngờ bị phát hiện nên y đã di chuyển sang Sóc Trăng. Công an tỉnh Sóc Trăng được thông báo trước nên khi y vừa đến địa bàn liền bị bắt ngay. Y khai là phái viên đặc biệt của Son San, được cử về kiểm tra tổ chức và hoạt động của các cơ sở trong nước.

Qua xác minh đối tượng trong Chuyên án ở nội biên, thu thập thêm tài liệu, ta phát hiện thêm 70 đối tượng người Khmer ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã sang Campuchia tham gia các tổ chức phản động. Làm việc với trinh sát biên phòng tỉnh An Giang, đoàn công tác thu thêm được 4 bản điều lệ của 4 hội: “Hội ái hữu Khmer Krom” do Kim Phiêm cầm đầu; “Hội Khmer Campuchia Krom” do Lưu An cầm đầu; “Hội bảo vệ nhân quyền Khmer Campuchia Krom” do Sơn Xướng cầm đầu; “Hội sư sãi Khmer Campuchia Krom” do Dương Sâu cầm đầu. Bốn hội này đều được thành lập trên đất Campuchia và bầu Son San làm chủ tịch danh dự. Điều lệ của các hội tuy có những điểm khác nhau nhưng đều chung một mục tiêu là xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang để chống phá ta lâu dài.

leftcenterrightdel
 Minh họa: QUANG CƯỜNG

Theo báo cáo của hướng đánh án thuộc địa bàn Đồn X, ta biết được các tên Thạch và Danh là những đối tượng phụ của Chuyên án. Cả hai tên đều có bố mẹ già, có vợ con, gia đình nghèo khó, thuộc diện địa phương phải cứu tế. Thông qua chính sách của Đảng và Nhà nước, trinh sát đã tham mưu cho chính quyền xã gọi từng tên lên giáo dục, nhấn mạnh tội vượt biên trái phép là phạm pháp, không những không được cứu tế mà còn có thể bị Bộ đội Biên phòng bắt giữ. Vừa khuyên nhủ vừa kiên quyết, dần dần hai đối tượng nhận ra sai trái. Chúng khai đã sang Campuchia tham gia lực lượng ở Sư đoàn 5 của tổ chức Khmer Krom. Được tên Sơn Giao (đối tượng chính của Chuyên án ở ngoại biên) giao nhiệm vụ về lôi kéo, tổ chức người Khmer Việt Nam sang Campuchia tham gia lực lượng vũ trang của Son San.

Hướng Xiêm Cán-Minh Hải, tổ đánh án đã kết hợp với công an tỉnh bí mật bắt tên Thạch, đội lốt sư sãi từ Campuchia về hoạt động. Qua đấu tranh khai thác, y thú nhận được lực lượng của Mỹ trong đội quân UNTAC vào giữ gìn hòa bình ở Campuchia tuyển chọn và huấn luyện, giao về Việt Nam với nhiệm vụ tuyên truyền người Khmer không đi theo cộng sản mà nên đi theo đảng của ông Son San. Thạch còn khai báo thủ đoạn của chúng, sau khi được huấn luyện xong, cải trang thành các nhà sư, giả danh là hành khất, từng toán từ 10 đến 20 người xâm nhập về Việt Nam hoạt động. Dưới hình thức này, nhiều toán đã về Việt Nam rất an toàn. Qua xác minh, có toán về Sóc Trăng, có toán về Trà Vinh, trinh sát kết luận lời khai của Thạch là đúng.

Bộ phận đánh án ở hướng Kiên Giang cũng phát hiện được nhiều tài liệu và những đối tượng từ bên kia biên giới xâm nhập về. Trong đó có một đối tượng tên là Chăn, đại úy, thuộc lực lượng Son San. Ban chỉ đạo Chuyên án quyết định phải bắt cho được tên Chăn để khai thác, rồi đánh trả lại địch. Qua đấu tranh, y đã khai ra nhiều đối tượng khác được lực lượng Son San tung về cài cắm ở địa bàn Hà Tiên, Kiên Giang. Trong đó có tên Sơn Phát, thiếu úy, là tình báo của Son San. Trinh sát lập kế hoạch và đã bắt được Phát. Căn cứ vào lời khai của Chăn, Phát và tình hình thực tế ở địa bàn, khả năng của ta và của từng đối tượng, Ban lãnh đạo Chuyên án đã quyết định sử dụng Phát và Chăn đánh trả lại địch. Ta điều thêm đặc tình Đ1 đang làm nhiệm vụ tiếp cận đối tượng chính trong biên giới về. Năm 1976, Sơn Gi và Đ1 tham gia vụ gây bạo loạn ở Sóc Trăng. Sơn Gi trốn thoát, Đ1 bị ta bắt tập trung cải tạo. Với vai tù nhân được tha về, gia đình khó khăn, lại bị địa phương phân biệt đối xử, Đ1 bí mật vượt biên sang Campuchia nhờ Sơn Gi giúp đỡ. Tuy gặp lại bạn cũ nhưng Sơn Gi vẫn cảnh giác. Sau một thời gian thử thách, y mới báo cáo với Son San, kết nạp Đ1 (người của ta) vào lực lượng vũ trang của chúng. Trong buổi thu nạp Đ1 vào tổ chức, chúng suy tôn Đ1 là “anh hùng chống cộng số 1 trong nước”. Son San phong cho Đ1 hàm đại úy, giữ chức phó ban tình báo, có nhiệm vụ điều tra xác minh, thẩm vấn những người Khmer từ Việt Nam vượt biên sang Campuchia để tuyển dụng vào lực lượng của chúng. Do được địch tin cậy nên chỉ trong một thời gian ngắn, Đ1 phát hiện 3 khung sư đoàn của Son San bí mật thành lập trên đất Campuchia có phiên hiệu là 5, 8, 9. Nguồn tài chính của các sư đoàn này do Mỹ tài trợ thông qua phía Thái Lan cung cấp. Đ1 còn báo cáo cụ thể, Sư đoàn 5 do tên Trung tướng Tranh Xa Rinh làm Sư đoàn trưởng; Trung tá Him Hướt, Thư ký sư đoàn và tên Sơn, Trung đoàn trưởng, đều là người quê ở xã Vĩnh Tân, thuộc địa bàn Đồn X (Sóc Trăng).

Căn cứ tình hình, Ban lãnh đạo Chuyên án quyết định phá các sư đoàn trên. Quá trình đấu tranh Chuyên án, ta phát hiện và thu thập được nhiều văn bản tài liệu. Phát hiện và đấu tranh với 265 đối tượng, đã xử lý 85 đối tượng xâm nhập từ ngoài về trong nước hoạt động. 7 đường dây đưa đón người Khmer vượt biên theo địch bị triệt phá...

HOÀNG HỒNG