Chúng tôi trích dịch chương 11 với tiêu đề “Giữa núi rừng Tây Nguyên”.
Tôi từng tự hỏi, với quan điểm về vấn đề dân tộc như của chế độ Sài Gòn, giành được trái tim và khối óc của người dân thiểu số như cán bộ mặt trận đã làm được liệu có phải là một việc khả thi? Sau chuyến thăm, tôi nghĩ là không thể. Người Mỹ dựa vào việc giành ảnh hưởng của một số thủ lĩnh thiểu số bằng con đường chu cấp của cải vật chất hoặc quyền lực. Tuy nhiên, những người trong bộ tộc rất nhạy cảm và sở hữu một bản năng tuyệt vời về phân biệt đâu là giả, đâu là thật. Cụ thể, chỉ sau nhiều năm sống và làm việc cùng nhau, người dân tộc thiểu số chỉ mở lòng và tin tưởng những người cán bộ Việt Minh xưa và cán bộ mặt trận hiện nay.
|
|
Bìa cuốn sách “Vietnam: Inside story of the Guerilla War”, Nhà xuất bản International Publishers, Hoa Kỳ, năm 1965. |
Mặt trận đã có được một thuận lợi to lớn. Đó là từ những năm 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi những người tình nguyện gồm những thanh niên tràn đầy năng lực như: Trần Đình Minh, Nguyễn Hân Chung và một số người khác mà tôi gặp, đến vùng Tây Nguyên, chấp nhận sống phần còn lại của cuộc đời mình ở đó. Họ không chỉ bám rễ được vào tâm tư và tình cảm của những người dân tộc thiểu số mà còn biên soạn danh mục về tất cả các tên trong một bộ tộc, về mối quan hệ giữa các bộ tộc. Tới lúc này, những điều này tỏ rõ có tầm quan trọng sống còn trong mở rộng ảnh hưởng của mặt trận ở Tây Nguyên.
Một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số vùng cao được khởi đầu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vì lần đầu tiên người dân các dân tộc thiểu số gặp những người ngoài bộ tộc đối xử bình đẳng với họ, theo chính sách của Việt Minh. Trước đây, họ luôn bị coi là “mọi rợ”, và thuật ngữ duy nhất mà tôi thấy trong các nguồn sách báo phương Tây dùng chỉ họ là “mọi”, chung cho tất cả các bộ tộc thiểu số vùng cao...
Nguyễn Hân Chung, một cán bộ mặt trận đã trải qua quãng đời tuổi thanh xuân giữa cộng đồng người dân tộc thiểu số, cho tôi biết: “Nhìn chung, chúng tôi không can thiệp vào phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc, nhưng chính họ đã dần chịu ảnh hưởng bởi cách sống của chúng tôi. Họ đặt ra những câu hỏi tìm hiểu ngày một sâu sắc hơn. Dần dà, những tập tục lạc hậu mất đi. Khẩu hiệu chung của chúng tôi là “chống đế quốc và ngụy quyền tay sai”, vì thế, đồng bào ủng hộ chúng tôi bằng cả trái tim mình. Một khi chúng tôi đã nhận nhau là anh em, chắc chắn đó là do chúng tôi đã cố gắng nắm bắt và hiểu được phong tục của họ, không bao giờ vi phạm thuần phong mỹ tục của các dân tộc thiểu số. Mỗi khi có dịp, chúng tôi cố gắng cho họ thấy lý do tại sao họ không hạnh phúc, tại sao cuộc sống của họ lại cơ cực. Ban đầu họ trả lời rằng, đó là ý muốn của trời. Chúng tôi giải thích rằng không phải trời đâu, mà ngày xưa, chính thực dân Pháp đã bắt đồng bào nộp hết tất cả thành quả lao động của mình dưới hình thức đóng thuế, hoặc cưỡng bức đồng bào đi lao động không công trong nhiều tháng liền. Còn bây giờ, Mỹ-ngụy cũng đang làm như vậy. Họ đặt nhiều câu hỏi nữa, rồi một ngày nọ, họ hét lên: “Đó chính là sự thật, những gì anh nói là sự thật. Đất của chúng ta tốt, giàu thổ nhưỡng, rừng nhiều voi. Bọn họ giàu có, nhưng dân chúng tôi mặc những chiếc khố cũ, rách. Lẽ ra chúng tôi phải sống tốt hơn nhiều”. Một khi sự thật hé lộ, ban đầu họ khóc, sau đó chuyển sang tức giận: “Hãy xem cách bọn họ lừa dối chúng ta. Để có một chén muối, chúng ta phải trả 40 hoặc 80 ký gạo; để có một chiếc chiêng đồng, chúng ta phải trả một con trâu hoặc thậm chí một con voi. Sau một tháng làm việc trên đồn điền, người Pháp chỉ cho chúng ta một chiếc áo sơ mi cũ hoặc một chiếc quần đã sờn. Những người theo Diệm có thể đưa chúng ta một chút xà phòng trả công một ngày làm việc mệt mỏi và lấy đi rất nhiều lợn và trâu...”.
|
|
Một lớp học do cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mở cho thiếu nhi người M’Nông. Ảnh: Wilfred Burchett |
Một lý do chính cho sự khốn khó của đồng bào dân tộc trong nhiều thế hệ qua là sự thiếu vắng gần như hoàn toàn của việc chăm sóc sức khỏe hay y tế công cộng. Bệnh đậu mùa và bệnh kiết lỵ, hai trong số các tai họa lớn nhất của các dân tộc, có lúc từng xóa sổ toàn bộ một cộng đồng dân tộc thiểu số cao nguyên. Các cán bộ mặt trận đã kể về nhiều trường hợp đi qua những buôn làng hoang phế, nơi không còn ai để chôn cất người chết. Một số ít người sống sót đã phóng hỏa đốt nhà, rồi bỏ vào rừng. Tôi (Burchett) đã nói chuyện với những người dân bộ tộc Gia Rai, Ê Đê và M’Nông, nghe họ khóc, kể về những tai họa mà “các vị thần” đã giáng xuống đầu họ trong quá khứ. Kẻ thù của họ không chỉ tận dụng tình trạng mê tín dị đoan mà còn làm mọi cách để kích động thêm tâm thức tiêu cực này. Ban đầu là người Pháp, sau đó đến Mỹ-Diệm đã dùng máy bay để thả bom napan xuống các buôn làng bất đồng chính kiến với chính quyền Sài Gòn. Cùng kỳ, các mật vụ nằm vùng tại địa phương loan tin đây là Kim Phiar-con chim lửa đã đánh rơi phân của mình vì trời không hài lòng trước sự bất tuân của bộ tộc. Đồng bào vẫn tin vào điều đó cho đến khi quân đội của mặt trận bắn hạ một số máy bay này và chỉ cho người dân không phải chim lửa, mà chính là các phi công của Mỹ và Sài Gòn bên trong máy bay.
Nhưng tập quán lạc hậu và mê tín vẫn dai dẳng. Tôi rất ấn tượng khi thấy cách tiếp cận và xử lý cẩn thận trong vấn đề này của các cán bộ mặt trận. “Chúng tôi thường rất xúc động khi nói chuyện với đồng bào”-một cán bộ kỳ cựu của mặt trận đã được buôn làng đùm bọc nhiều năm cho biết-“Họ rất thẳng thắn, trong sáng trong suy nghĩ và cách diễn đạt. Một khi họ đã hứa thì giữ lời suốt đời. Họ rất hào phóng và trung thực, thà chết hoặc chịu đựng những đòn tra tấn khủng khiếp nhất hơn là phản bội một người bạn”.
“Những anh em cán bộ mặt trận đã mang lại cho chúng tôi cuộc sống mới, rọi ánh sáng, xua đi bóng tối từng bao trùm chúng tôi”-một tù trưởng đáng kính của người H’rê bảo tôi-“Chúng tôi sẽ không bao giờ rời bỏ họ...”. Những đánh giá đại ý như thế, tôi được nghe đi nghe lại nhiều lần ở vùng Tây Nguyên.
Chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cán bộ đến sống và làm việc ở Tây Nguyên từ những năm 1945-1946 không chỉ do tầm quan trọng chiến lược của khu vực này mà trên thực tế, nó ăn khớp với sách lược “chủ nghĩa nhân đạo cách mạng” để rọi những tia sáng tiến bộ vào cuộc sống còn lạc hậu của người dân tộc thiểu số. Những cán bộ được tuyển chọn từ thành phần nông dân, sức khỏe dẻo dai, tinh thần cách mạng hăng hái. Trong nhiều năm và có khi cả đời, họ sống và làm việc với những người dân, chấp nhận các phong tục, tập quán. Trong một số trường hợp, cán bộ mặt trận thậm chí còn cà răng sát lợi, mặc khố, để tóc dài, xỏ lỗ tai để đeo những món đồ trang sức lớn, chấp nhận một chế độ ăn khác với truyền thống miền xuôi.
Trong số các hoạt động ban đầu của cán bộ mặt trận là tổ chức các “cuộc gặp mặt đoàn kết” giữa các bộ tộc. Nhiều người tham dự nhận thấy những kẻ thù chung đã áp bức, dồn họ vào cảnh trắng tay vì thuế, đã càn các buôn làng để bắt phu, bắt lính và đẩy các bộ tộc vào thế kình địch lẫn nhau. Bước tiếp theo, các cán bộ xúc tiến giới thiệu những chủ đề giáo dục và sức khỏe cộng đồng, cải tiến các phương pháp trồng trọt và chăn nuôi gia súc, hợp lý hóa việc khai thác tài nguyên, tích trữ hợp lý để tránh nạn đói thường xảy ra ở các vùng dân tộc thiểu số. Thanh niên từng buôn làng tham gia các khóa học về giáo dục và y tế công cộng tại các trung tâm cấp tỉnh của mặt trận, trở về quê làm giáo viên, nhân viên y tế.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, các dân tộc thiểu số luôn là đồng minh vững chắc của lực lượng kháng chiến. Điều này giải thích tại sao trong thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng, khi Ngô Đình Diệm ra tay đàn áp, hàng nghìn người kháng chiến cũ từ đồng bằng lên rừng núi được các dân tộc thiểu số coi là anh em, đồng chí. Quả là không ngoa khi nói rằng vào thời kỳ cao điểm của đàn áp, khủng bố, hầu như toàn thể lực lượng cách mạng, các cốt cán của mặt trận ở Tây Nguyên đều nương náu tại các vùng dân tộc thiểu số, được đồng bào cho ăn, bảo vệ, che chở. Tôi chưa bao giờ nghe nói về một trường hợp phản bội nào.
Theo quan sát của riêng tôi, tình cảm sâu sắc, sự tôn trọng lẫn nhau giữa những cán bộ mặt trận và nhân dân các bộ tộc thiểu số là một thực tế, không rào cản ngôn ngữ nào có thể làm sai lệch điều này. Bởi vì những người Việt Nam kháng chiến đã lập được “căn cứ địa trong lòng người dân”.
WILFRED BURCHETT
LÊ ĐỖ HUY (dịch)