Hà Nội, thượng tuần tháng Tư
Trong số ra ngày 26-4-1975, Báo New York Times đăng bài của nguyên Phó tổng giám đốc Hãng thông tấn AP là Daniel Luce, được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép tới thăm miền Bắc Việt Nam, có đoạn viết: “Trên các đường phố Hà Nội, người dân có vẻ đang chờ đợi Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn, trong một thời khắc đã rất gần. Một bản tin về tình hình chiến sự ở Nam Việt Nam là tâm điểm của chương trình tối nay của Đài Truyền hình Việt Nam, phát hình hai lần một tuần.
Một phóng viên phương Tây mới tới Hà Nội hỏi một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao rằng việc cấp phép sẽ mất bao lâu nếu ông muốn làm thủ tục để đi từ Hà Nội vào Sài Gòn quan sát cuộc toàn thắng. “Những sắp xếp, thỏa thuận cho một việc như vậy cần thời gian, nhất là với một sự kiện hiện đang diễn ra”, quan chức này trả lời. “Nhưng hoàn toàn là khả thi cho một chuyến đi Sài Gòn bằng các phương tiện công cộng, và chờ đợi ở đó một lễ mừng chiến thắng”.
    |
 |
Văn nghệ sĩ Hà Nội xuống đường hát vang bài ca chiến thắng sau khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ảnh tư liệu. |
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao cho hay, cơ quan này đã hợp tác với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để sắp xếp cho những chuyến đi của các phóng viên tới Đà Nẵng, thành phố mà họ vừa tiếp quản. Các phóng viên phương Tây được cho hay: “Các ông sẽ thấy mọi thứ nằm trong trật tự tại vùng mới giải phóng. Ngay cả các đường phố cũng sẽ được an toàn vào ban đêm, không như ở Washington”.
Hà Nội ít đổi thay về diện mạo kể từ năm 1970. Một số tòa nhà có vẻ hơi cũ kỹ. Một số tòa khác mới được sơn lại. Nhưng các cuộc mất điện hằng đêm đã biến mất. Sân bay Gia Lâm tương đối nhộn nhịp với các chuyến bay quốc tế.
Sự thay đổi lớn hẳn đã xuất hiện trong cảm xúc của mọi người. Sự phấn khích của họ bởi những thành công quân sự ở Nam Việt Nam và Campuchia là không thể nhầm lẫn. Sự tập trung nghiệt ngã vào nỗ lực chiến tranh dường như không còn là lối sống duy nhất cho công dân Hà Nội. Có những người Hà Nội vẫy tay với một nhiếp ảnh gia nước ngoài, yêu cầu chụp ảnh họ. Họ cất đi những cuốc xẻng”.
Sài Gòn trước thời khắc số 0
“Khi Sài Gòn sụp đổ” là ký ức của Peter Arnett, phóng viên Hãng thông tấn AP tại Nam Việt Nam từ năm 1962 đến ngày 30-4-1975. Arnett đã từng giành Giải thưởng Pulitzer năm 1966 về các phóng sự ở Việt Nam. Ông viết về ngày 30-4 lịch sử:
“Tiếng đạn pháo nổ vang vào một thời khắc đáng sợ là 4 giờ sáng, nhưng tôi đã thức dậy trước đó. Nóng lòng với chiến thắng, những người tiến công đang ở cửa ngõ Sài Gòn cảnh báo rằng, họ sẽ hành động bằng những loạt đạn của cỡ nòng pháo 130mm. Những quả đạn pháo rơi cách tôi khoảng một dặm, và xung chấn của chúng làm rung động các bức màn che cửa căn phòng trên tầng 7 khách sạn của tôi.
Đèn đường chiếu sáng bên dưới khi tôi nhìn về phía sân bay Tân Sơn Nhất, từng được mô tả là bận rộn nhất thế giới vào lúc nước Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh ở đây. Bây giờ, nó đang cháy từ đầu này sang đầu kia, ánh lửa rực sáng trên bầu trời. Còn hai giờ nữa mới sáng nhưng dường như một bình minh mới đang mọc lên. Các chỉ huy của Quân Giải phóng đang xòe các quân bài để giành chiến thắng trước một cuộc tháo chạy tán loạn kéo dài 50 ngày của quân đội Sài Gòn. Mở toang cánh cổng vào Sài Gòn, họ sẽ tạo ra một bình minh mới ở miền Nam Việt Nam.
    |
 |
Buổi chiều tại trụ sở AP ở Sài Gòn. Nhà báo Peter Arnett đứng phía sau chiến sĩ Quân Giải phóng. Ảnh tư liệu. |
Sau khi quan sát sân bay bị bắn phá, tôi gọi điện thoại cho văn phòng AP nằm cách đó vài dãy nhà. Đồng nghiệp Ed White đã trả lời. Ông và George Esper, Giám đốc văn phòng, đã thức cả đêm liên kết truyền thông bằng đường telex với trụ sở của chúng tôi ở New York. Các biên tập viên đang hồi hộp trước những tiến triển mới nhất của một thiên sử từng thu hút cả thế giới. White cho tôi biết, Đại sứ quán Mỹ xác nhận thiệt hại lớn tại sân bay, nơi các đường băng nay đã không sử dụng được. Các nhà hoạch định Mỹ có ý định không vận ra khỏi đất nước vài ngàn “đồng minh” Việt Nam, nhưng người Mỹ có thể làm gì bây giờ? Câu ngạn ngữ nổi tiếng của Murphy Law: “Bất cứ điều gì có khả năng sai, rồi sẽ sai” (“If something can go wrong, it will) sẽ được chứng minh một lần nữa tại thời khắc cuối cùng của một thất bại cay đắng cho những kẻ thua cuộc và một thắng lợi lịch sử cho những người chiến thắng.
Khi trời sáng lên, chúng tôi nhìn thấy một máy bay của không quân chính quyền Sài Gòn, một chiếc De Havilland Caribou cất cánh dựng đứng lên không trung trên sân bay Tân Sơn Nhất. Đột ngột, nó dường như bị đứt làm đôi, cháy thành những đám lửa và rơi từng mảnh trên mặt đất. Chết lặng bởi cảnh tượng này, chúng tôi nhận thấy trong một giây thôi, một chiếc máy bay thứ hai đi theo quỹ đạo của chiếc thứ nhất, để rồi ngay sau đó chịu chung số phận. Có vẻ như không có một lối thoát nào cho bất cứ ai muốn bay từ sân bay hôm nay.
Tại Đại sứ quán Mỹ, Đại sứ Graham Martin đầy nghi hoặc, vì ông đã cam kết di tản càng nhiều người Việt Nam có số phận nhạy cảm càng tốt, trước khi những người cộng sản đến. Đêm 29, rạng sáng 30-4, ông tự mình kiểm tra đường hạ cất cánh trên sân bay và chấn chỉnh những ai cảnh báo những mạo hiểm lớn từ đối phương đang tiếp cận.
Tới sân bay, Martin tìm thấy một đường băng không sử dụng được giữa các tòa nhà đang cháy. Ông ta lo lắng về khả năng lặp lại sự hỗn loạn ở Đà Nẵng và Nha Trang, khi hàng trăm người tuyệt vọng đánh lộn với lính và cảnh sát Sài Gòn để lên kịp một chiếc máy bay cứu trợ.
Lựa chọn thứ tư là mật danh của Chiến dịch Gió lốc (Operation Frequent Wind), được dự kiến là chương trình di tản lớn nhất trong lịch sử, đưa người tị nạn lên các tàu của hải quân Mỹ ở ngoài khơi. Đa số hành khách của những chiếc trực thăng cuối cùng đã được lựa chọn từ trước và được thông báo thường xuyên nghe đài của lực lượng vũ trang Mỹ. Khi thời khắc di tản đến, họ sẽ nghe được các tín hiệu. Đó là bài “Lễ Giáng sinh màu trắng” (White Christmas) của Bing Crosby, thỉnh thoảng bị ngắt đoạn cho ca khúc “Mãi mãi sao và vạch” (The stars and stripes forever) của John Sousa, xen vào. Mười ba bãi đáp cho trực thăng được chọn, với những chiếc UH-1 “Huey” đón khách tại các nóc của các cao ốc, và những chiếc CH-53 (Sea Stallion-hiệp sĩ biển) cho các doanh trại của Bộ Quốc phòng Mỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất và các bãi đáp trong Đại sứ quán Mỹ…
Khi lái xe qua thành phố, tôi thấy những đám đông tụ tập tại các ngã tư và tranh cãi. Vài triệu người được ước tính đang sống ở Sài Gòn, nhiều người trong số họ là những người tản cư đến từ nông thôn chưa lâu. Không phải ai cũng muốn rời bỏ đất nước, nhưng hàng trăm nghìn người tin rằng cuộc sống của họ dễ tổn thương dưới chính quyền mới do từng phục vụ cho Mỹ, nên đang tuyệt vọng muốn thoát đi. Lái xe qua cảng Sài Gòn, tôi thấy những con tàu nhỏ chật cứng người di tản đang lao đi trên sông.
… Tôi lao xuống phía đường Tự Do (nay là Đồng Khởi-ND), con phố chính của trung tâm Sài Gòn. Tôi nghe thấy tiếng gầm của động cơ lớn và nhìn về hướng tòa lâu đài cũ của người Pháp, nơi đó có một đoàn các xe tải Molotova đang tiếp cận. Từng chiếc một chất đầy những người lính trẻ măng Bắc Việt Nam mặc quân phục, mũ cát của họ bị hất ra phía sau lưng vì họ bị hút mắt vào những tòa nhà cao mà họ đang đi qua. Một số người Sài Gòn đứng cạnh tôi. Họ cũng nhìn chằm chằm vào đoàn xe, không cất nổi lời. Tôi nhìn thấy một lá cờ giải phóng được kéo lên tại một phòng của khách sạn Caravelle, cách chỗ tôi không xa.
Tôi gặp nhà quay phim người Australia Neil Davis đang đi bộ từ Dinh Độc Lập ra. Anh ấy đã nhìn thấy xe tăng Quân Giải phóng đâm đổ cổng dinh. Anh nói rằng tổng thống Dương Văn Minh đã bị giải đi. Tôi trở lại văn phòng. Ngay sau đó, một nhiếp ảnh gia người Việt-cộng tác viên của Hãng thông tấn AP bước vào cùng với một sĩ quan Bắc Việt và người giúp việc, thái độ hòa nhã, hay chuyện. Họ thưởng thức đồ ăn nhẹ mà chúng tôi mời”.
“Sau 13 năm tường thuật cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi chưa bao giờ mơ nó sẽ kết thúc theo cách như xảy ra vào buổi trưa ngày hôm nay. Tôi nghĩ rằng sẽ xảy ra một trận chiến kiểu Armageddon (thủ lĩnh phe tiến công thành Troy trong “Iliad và Odyssey”, trường ca của Homer) với thành phố Sài Gòn bị hủy diệt. Nhưng lại là một cuộc đầu hàng hoàn toàn và không đầy hai giờ sau, một cuộc gặp thân mật tại văn phòng AP ở Sài Gòn với một sĩ quan Bắc Việt có vũ trang và mặc quân phục cùng trợ lý của anh ta-với coca cola và một chiếc bánh bông lan đã hơi cũ. Đó là cách mà chiến tranh Việt Nam kết thúc với tôi ngày hôm nay”. (Peter Arnett, phóng viên Hãng thông tấn AP tại Nam Việt Nam viết về ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn) |
LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)