Từ sau ngày giải phóng miền Nam, gia đình Trung tướng Nguyễn Bình có nguyện vọng tha thiết tìm được mộ của ông. Đây là một việc rất khó vì tướng Nguyễn Bình hy sinh từ giữa những năm kháng chiến chống Pháp trên đất Cam-pu-chia. Việc tìm kiếm, cất bốc mộ tướng Nguyễn Bình trở thành một vấn đề có ý nghĩa chính trị lớn, được Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị (TCCT) giao cho Cục Chính sách đảm nhiệm.
Sau khi được giao nhiệm vụ, tôi đã trực tiếp nghiên cứu kỹ các tài liệu nói về cuộc đời, sự nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình, tìm gặp những nhân chứng từng tham gia chiến đấu, công tác, nhất là những người biết cụ thể về trường hợp hy sinh của ông. Nguyễn Bình là con người của lịch sử, đã có nhiều sách báo viết về ông.
Tháng 10-1945, ông được Bác Hồ trực tiếp cử vào Nam Bộ với nhiệm vụ thống nhất các lực lượng vũ trang để chống Pháp. Hồi đó, ở Nam Bộ, lực lượng vũ trang bị phân tán, cát cứ manh mún, tranh giành ảnh hưởng trong các đảng phái, tôn giáo. Bằng tài năng và uy tín của mình, ông đã góp công lớn trong việc thống nhất được lực lượng vũ trang ở Nam Bộ thời kỳ đầu chiến tranh. Với cương vị được giao là Khu bộ trưởng Khu 7 rồi Tư lệnh Nam Bộ, Nguyễn Bình đã chỉ huy chiến đấu nhiều trận giành thắng lợi lớn.
Trung tướng Nguyễn Bình. Ảnh tư liệu
Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định phong quân hàm cấp tướng đợt đầu tiên của Quân đội ta, gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình và 9 Thiếu tướng.
Tháng 6-1951, tướng Nguyễn Bình được Trung ương triệu tập ra Bắc dự hội nghị. Đoàn tùy tùng có một số cán bộ và 22 chiến sĩ bảo vệ, xuất phát từ Tân Uyên, xuyên qua vùng Đông Bắc Cam-pu-chia đi ra Bắc. Chiều ngày 29-9-1951, khi đoàn dừng chân tại phum Kpal-Rô Mia, xã Sê-rê-pốc, tỉnh Stung Treng của nước bạn, tướng Nguyễn Bình bị địch phục kích, hy sinh. Năm 1952, Trung tướng Nguyễn Bình được truy tặng Huân chương Quân công hạng nhất.
Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia, theo đề nghị của Cục Chính sách, TCCT Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 24-2-2000, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định cử Đoàn công tác đặc biệt sang Cam-pu-chia để tìm mộ Trung tướng Nguyễn Bình. Đoàn gồm 14 người, do Đại tá Đỗ Minh Nguyệt, Trưởng phòng Hậu phương, Cục Chính sách dẫn đầu. Trong đoàn còn có Trung tá Hồ Ngọc Vận, cán bộ Phòng Hậu phương, Cục Chính sách; Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (Ba Cung), nguyên Đoàn phó Đoàn Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Cam-pu-chia cùng một số cán bộ vốn là chiến sĩ trong đoàn hộ tống tướng Nguyễn Bình ra Bắc năm xưa. Bộ Quốc phòng còn điều một máy bay trực thăng cùng tổ lái thuộc Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân làm nhiệm vụ chuyên chở. Được sự giúp đỡ của bộ đội, nhân dân nước bạn, đặc biệt là nhân dân phum Kpal-Rô Mia, sau mấy ngày tìm kiếm, Đoàn công tác đặc biệt đã phát hiện được phần mộ Trung tướng Nguyễn Bình. Có người dân đi an táng tướng Nguyễn Bình từ lúc còn rất trẻ, nay đã là một cụ già nhưng vẫn nhớ khá cụ thể, bởi từ đó đến nay, nhân dân ở đây vẫn gọi ngôi mộ đó là mộ của lục-thum (ông lớn) và chăm sóc, không để bị thất lạc. Đoàn công tác đã cất bốc, di chuyển hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình về nước, tổ chức lễ tang ở Hội trường Quân khu 7 và sau đó quy tập vào Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh.
Khi được anh Đỗ Minh Nguyệt và anh Hồ Ngọc Vận từ Cam-pu-chia điện về báo cáo kết quả đã tìm được mộ, chúng tôi lập kế hoạch báo cáo TCCT và Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ đón, truy điệu và an táng hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình theo nghi thức cấp Nhà nước. Anh Phạm Thanh Ngân, Chủ nhiệm TCCT giao cho tôi trực tiếp viết dự thảo lời điếu, thông qua Thủ trưởng tổng cục để báo cáo lên Bộ Quốc phòng. Nghiên cứu lý lịch, đọc lại những quyển sách viết về tướng Nguyễn Bình và nhất là tiếp xúc với những nhân chứng lịch sử, tôi đã cố gắng thể hiện lời điếu toát lên chân dung Trung tướng Nguyễn Bình-một người cộng sản kiên trung, một tướng lĩnh quả cảm, nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, lòng dũng cảm và tài thao lược. Công lao và tên tuổi Trung tướng Nguyễn Bình mãi ngời sáng.
Trước ngày tổ chức lễ tang, có một việc đột xuất xảy ra: Anh Đỗ Minh Nguyệt báo cáo với tôi là bà Nguyễn Thị Thanh-phu nhân Trung tướng Nguyễn Bình-yêu cầu kiểm tra hài cốt. Bà nói, sinh thời, tướng Nguyễn Bình bị hỏng một mắt (phải lắp mắt giả bằng một hòn bi ve thủy tinh) và trước khi ông ra Bắc dự hội nghị, bà đã cẩn thận đơm lại hàng cúc áo (loại cúc bằng xương của thời bấy giờ). Chắc chắn những thứ đó sẽ không bị phân hủy trong lòng đất. Vì vậy, nếu trong hài cốt còn đủ thì mới công nhận đó đích thực là hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình.
Tôi hỏi anh Nguyệt, vậy khi cất bốc hài cốt ở bên Cam-pu-chia, các anh có thấy những thứ ấy không? Anh Nguyệt nói, thực ra cũng không để ý kỹ. Tôi nói, tôi đồng ý với đề nghị đó. Dĩ nhiên, chúng ta phải đáp ứng yêu cầu của gia đình. Có như thế mới bảo đảm sự tin tưởng. Vậy là, trước sự chứng kiến của nhiều người, khi mở tiểu sành để xem, bà Thanh tìm rất cẩn thận. Cuối cùng, bà kêu lên: “Đây rồi!” khi cầm hòn bi ve và mấy chiếc cúc áo xen lẫn trong hài cốt. Những di vật đó dù đã biến màu nhưng không thay đổi hình dáng. Bà Thanh và chúng tôi đều xúc động.
Ngày 11-3-2000, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương)-Bộ Quốc phòng; Đảng ủy-Bộ tư lệnh Quân khu 7; Thành ủy, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể lễ viếng, lễ truy điệu tại Hội trường Quân khu 7 và lễ an táng hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình ở Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, Thượng tướng (sau này là Đại tướng) Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đọc lời điếu. Với tấm lòng cảm phục và biết ơn Trung tướng Nguyễn Bình, đại diện cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, ban, ngành, đồng chí, đồng đội cùng đông đảo nhân dân TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh Nam Bộ đã đến dự lễ. Sau gần nửa thế kỷ yên nghỉ trên đất bạn, do hoàn cảnh lịch sử, đến lúc này Nguyễn Bình mới về trong lòng đất mẹ Tổ quốc.
Một thời gian ngắn sau đó, Trung tướng Nguyễn Bình được Nhà nước truy tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Trung tướng NGUYỄN MẠNH ĐẨU