QĐND - Năm 2010, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức tuyên bố sự vụ một đôi vợ chồng người Mỹ từng làm việc tại Bộ Ngoại giao bị bắt vì tội làm gián điệp cho Cu-ba suốt 30 năm. Đó là cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ Uôn-tơ Ken-đô Mai-ơ (Walter Kendall Myers) 72 tuổi và vợ là Goen-đô-lin Xtên-gra-bơ Mai-ơ (Gweldolyn Steingraber Myers) 71 tuổi.

Hai vợ chồng Mai-ơ đã bị FBI (Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ) bắt giam vào 4-6-2009 vì bị nghi làm gián điệp cho Cu-ba. Đây là kết quả của chiến dịch mà các nhân viên phản gián Mỹ đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt nhiều tháng. Uôn-tơ từng có chân trong biên chế Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1977 đến năm 2007. Vào năm 1985, ông được phép tiếp cận với thông tin mật, từ năm 1999 ông được sử dụng các tài liệu có đóng dấu “đặc biệt quan trọng”. Theo khẳng định của các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ, việc phát giác thành công hai điệp viên của La Ha-ba-na sau khi một nhân viên FBI mạo nhận là điệp viên Cu-ba và liên lạc với họ vào tháng 4-2009. Hai vợ chồng Mai-ơ đã tin tưởng người này và đã gặp ông ta vài lần tại các khách sạn ở Oa-sinh-tơn. Tổng hợp các tội danh được đưa ra thì họ có nguy cơ bị kết án không dưới 30 năm tù. Theo giới báo chí Mỹ khẳng định thì Mai-ơ và vợ ông đã làm việc cho Cu-ba gần 30 năm.

Uôn-tơ và Goen-đô-lin Mai-ơ.

Uôn-tơ Mai-ơ là cựu viên chức ngoại giao Mỹ đã có cuộc tiếp xúc với các cơ quan đặc vụ Cu-ba ngay từ năm 1978 trong thời gian đi thăm Cu-ba. Theo khẳng định của ông thì chuyến đi này được thực hiện vì những lợi ích cá nhân và chỉ mang tính khoa học thuần túy. Mai-ơ có bằng tiến sĩ luật của Trường Đại học tổng hợp Giôn Hốp-kin (John Hopking). Theo như thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ thì 6 tháng sau chuyến thăm Cu-ba của ông Mai-ơ, có một nhân viên của một trong những cơ quan mật vụ Cu-ba đã tới nhà vợ chồng Mai-ơ khi đó còn ở bang Nam Dacota và đề nghị họ cộng tác. Hai người này đã đồng ý. Uôn-tơ được mang bí số “Điệp viên 202”, còn bà Goen-đô-lin có bí số “Điệp viên 123”. Họ đã duy trì mối liên hệ với tình báo Cu-ba qua những phương tiện đã được kiểm tra từ lâu. Hai vợ chồng Mai-ơ đã sử dụng đài thu phát sóng ngắn, bảng chữ cái moóc-xơ và những bức điện được viết bằng loại mực đặc biệt. Chỉ mãi những năm gần đây họ mới dùng thư điện tử để gửi tin tức hợp tác với La Ha-ba-na. Họ gửi những thông báo dạng mật mã từ quán cafe-internet. Những buổi gặp gỡ của hai vợ chồng điệp viên với các nhân viên đặc vụ Cu-ba được thực hiện trong các chuyến đi khắp Nam Mỹ và các nước vùng biển Ca-ri-bê.

Sau khi bị bắt, Uôn-tơ Mai-ơ kể với các nhà điều tra rằng những tin tức mật được họ chuyển cho giới lãnh đạo Cu-ba được ông thuộc lòng, hoặc là được đánh dấu để không bỏ qua những chi tiết quan trọng. Theo tin tức của báo chí, chỉ trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, điệp viên Uôn-tơ đã cung cấp cho La Ha-ba-na 200 tài liệu mật của Bộ ngoại giao Mỹ. Theo tuyên bố của một cựu nhân viên cơ quan đặc vụ Mỹ thì mọi người đều biết rằng, chính quyền Cu-ba không trả một khoản đáng kể nào cho những người cung cấp thông tin. Và quả thật là trong quá trình điều tra sơ bộ đã xác định được rằng, đôi vợ chồng này chỉ nhận được một khoản thưởng không đáng kể cho công lao của họ. Ông bà Mai-ơ khẳng định rằng động cơ chính cho những hoạt động của họ là tình yêu sâu sắc đối với đất nước Cu-ba và cơ cấu xã hội ở Hòn đảo Tự do.

Vợ chồng Mai-ơ đã sống ở một trong những vùng có đặc quyền đặc lợi của Oa-sinh-tơn trong nhiều năm và được tự do đến phòng của các thành viên chính phủ, các nghị sĩ, thượng nghị sĩ và các viên chức cấp cao của Bộ Tư pháp. Họ đã tích cực tiếp xúc với cả cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ Ba-ry Gôn-oát-tơ (Barry Goldwater). Theo thông báo của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật, Cu-ba đã tặng vợ chồng Mai-ơ một số huy chương.

Uôn-tơ Mai-ơ là cháu trai của Gin-bớc Grô-xvơ-nơ (Gilbert Grosvenor), người được công nhận là tác giả kinh điển của ảnh phóng sự Mỹ, hơn 50 năm làm lãnh đạo Hội Địa lý Mỹ, là Tổng biên tập và là nhà xuất bản tạp chí nổi tiếng National Geographic Magzine - tạp chí Địa dư quốc gia. Mai-ơ cũng là chắt của một nhà khoa học Mỹ về đại dương cũng không kém phần nổi tiếng - nhà sáng chế và kinh doanh gốc Xcốt-len, người đặt nền móng chính của công nghệ điện thoại A-lếch-xăng Beo (Aleksandr Bell), người sáng lập công ty Bell Telephone Company, định ra toàn bộ sự phát triển tương lai của ngành truyền thông Mỹ.

(Theo Báo Độc lập – Nga)

Ngọc Bích