Khi chưa đầy 15 tuổi, chàng trai Nguyễn Phong Sắc là một trong những người đầu tiên gây dựng tổ chức thanh niên ở Hà Nội và đã nhanh chóng trưởng thành, đảm trách nhiều cương vị quan trọng trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội.

Tháng 6-1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên đầu tiên của Hà Nội được thành lập, gồm: Nguyễn Danh Đới, Mai Lập Đôn và Nguyễn Phong Sắc, do đồng chí Nguyễn Danh Đới làm Bí thư Kỳ bộ Bắc Kỳ kiêm Bí thư Tỉnh bộ Cách mạng Thanh niên Hà Nội. Tháng 3-1929, những thanh niên tiên tiến trong ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Cách mạng Thanh niên Hà Nội đã bí mật họp ở số nhà 5D phố Hàm Long để thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên gồm 8 người: Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Kim Tôn (tức Nguyễn Tuân), Dương Hạc Đính.

Ngày 17-6-1929, hơn 20 đại biểu các tổ chức cộng sản ở các tỉnh Bắc Kỳ họp tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội) quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Cuối tháng 6-1929, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung vào Nghệ An gặp đồng chí Võ Mai thành lập Xứ ủy Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ, đặt cơ quan chỉ đạo ở làng Vang, gần TP Vinh, do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư Xứ ủy...

Với cương vị và trọng trách Đảng giao, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã xây dựng được các chi bộ cộng sản ở Nhà máy Trường Thi, Nhà máy Diêm Bến Thủy, Trường Quốc học Vinh, ở Dương Xuân (huyện Anh Sơn), Võ Liệt (huyện Thanh Chương)... và chỉ đạo việc phát triển Đảng ở các tỉnh Trung Kỳ. Đồng chí chú ý xây dựng các tổ chức quần chúng, tập hợp công nhân, nông dân, học sinh để giáo dục, giác ngộ và tập dượt cho họ đấu tranh. Đến tháng 11-1929, riêng ở Nghệ An, Nguyễn Phong Sắc đã thành lập được Công hội đỏ, Nông hội đỏ; trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Sinh hội đỏ Nghệ An, duyệt bài cho Báo Xích Sinh và thảo truyền đơn vận động thanh niên, học sinh.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng Võ Mai lập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, tuyển chọn các chi bộ của tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nghệ An sang Đông Dương Cộng sản Đảng. Trụ sở liên lạc của Kỳ bộ đặt tại một cửa hàng nước mắm ở sát phía dưới cống Đệ Nhị. Kẻ địch không ngờ đấy lại là nơi hội họp trao đổi của các nhà cách mạng. Tại đây, ông được che chở để hoạt động cách mạng trong nhà dân chài các thôn Yên Dũng Thượng, Yên Dũng Hạ...

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của Trường Quốc học Vinh do đồng chí Nguyễn Tiềm làm Bí thư, tổ chức Hội Sinh đoàn trước đây được đổi thành “Tổng Sinh hội”. Tổng Sinh hội đã cho ra đời các tờ báo: Xích Sinh và Bolshevik để tuyên truyền, vận động các cuộc đấu tranh. Dưới sự chỉ đạo và viết bài của đồng chí Nguyễn Phong Sắc và đồng chí Nguyễn Tiềm làm chủ bút (Tổng biên tập) Báo Xích Sinh hoạt động rất hiệu quả.

Tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tháng 2-1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời điểm này, ông thường xuyên đi xuống cơ sở, nói về ý nghĩa việc thành lập Đảng, phổ biến Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ tóm tắt của Đảng... 

Ngày 20-2-1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Tỉnh ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An thành lập, trong đó hầu hết là công nhân đã có kinh nghiệm đấu tranh trong nhà máy như các đồng chí: Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Phúc, Nguyễn Văn Lực. Hai Tỉnh ủy viên là Lê Viết Thuật và Nguyễn Phúc được phân công trực tiếp phụ trách khu công nghiệp Vinh-Bến Thủy.

leftcenterrightdel

Ngôi nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) - di tích lịch sử, nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (tháng 3-1929). Ảnh: LA DUY

Ngày 1-5-1930, thực hiện quyết định của hội nghị ngày 20-4-1930, riêng Đảng bộ Vinh-Bến Thủy và huyện Thanh Chương đã tổ chức đồng thời 3 cuộc biểu tình của công nhân, nông dân trong ngày 1-5 lịch sử, mở đầu cho một cao trào cách mạng rộng khắp trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh-cao trào cách mạng 1930-1931. Để phát huy hiệu quả cao trào, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã sử dụng báo chí làm một công cụ hữu hiệu trong tổ chức, chỉ đạo đấu tranh. Cùng với đó, đồng chí trực tiếp viết nhiều bài báo, sách cổ vũ phong trào, giáo dục cán bộ, đảng viên nắm vững tính chất, nhiệm vụ, đối tượng, lực lượng và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.

Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10-1930), đã bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức gồm 7 đồng chí: Trần Phú, Ngô Đức Trì, Nguyễn Trọng Nhã, Lê Mao, Trần Văn Lan, Nguyễn Phong Sắc (bầu vắng mặt, do đồng chí không sang dự được), A Lầu (Lưu Lập Đạo), đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư của Đảng. Hội nghị bầu ra Ban Thường vụ gồm 3 đồng chí: Trần Phú, Nguyễn Trọng Nhã, Nguyễn Phong Sắc.

Cuối năm 1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc triệu tập Phân cục Trung ương Trung Kỳ họp thành lập Xứ bộ Trung Kỳ, đứng đầu Xứ bộ là Xứ ủy. Các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Đức Cảnh được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy; Nguyễn Phong Sắc là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, được bầu làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Cao trào cách mạng 1930-1931 nói chung và ở Nghệ Tĩnh nói riêng càng lên cao, thực dân Pháp và tay sai càng lồng lộn, khủng bố điên cuồng. Cùng với đàn áp tàn bạo, chúng còn dùng âm mưu thâm độc dụ dỗ, chia rẽ hàng ngũ cách mạng và nhân dân. Nguyễn Phong Sắc bị tên phản bội Nghiêm Thượng Biền bố trí cho mật thám bắt vào ngày 3-5-1931 tại khách sạn Nam Lai, số nhà 95 phố Hàng Lọng (nay là số 107 đường Lê Duẩn). Bắt được đồng chí Nguyễn Phong Sắc, bọn mật thám Pháp đưa về sở mật thám Vinh. Bọn địch tập trung đủ những tên mật thám ác ôn, thạo nghề xét hỏi ở Hà Nội vào Vinh, giở đủ các ngón đòn, hết dụ dỗ lại tra tấn, hết tra tấn lại phỉnh phờ nhưng đều vô hiệu, không sao lay chuyển được ý chí kiên cường, bất khuất của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Hoảng sợ trước khí thế của phong trào cách mạng, thực dân Pháp đã hèn hạ bí mật thủ tiêu đồng chí vào 5 giờ sáng 25-5-1931, tại đồn Song Lộc, gần Cửa Hội, Nghệ An.

NGUYỄN VĂN BIỂU