QĐND - Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn - nay là TP Hồ Chí Minh) chỉ là một phi cảng nhỏ bé. Sau năm 1954, nhất là thời điểm từ cuối năm 1965, khi Mỹ ào ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và các nước chư hầu trực tiếp vào tham chiến trên chiến trường miền Nam, chúng đã xây dựng Tân Sơn Nhất thành một sân bay có tầm cỡ quốc tế, một căn cứ quân sự chiến lược quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á.

Sân bay Tân Sơn Nhất trước ngày giải phóng 30-4-1975 có chiều dài khoảng 8km, rộng 5km, chiếm 1.922 héc-ta. Sân bay Tân Sơn Nhất là một căn cứ hỗn hợp có nhiều đường bay cho các loại máy bay dân dụng và quân sự. Sân bay có khu sân bay quân sự, khu hàng không dân dụng và khu hàng không quốc tế, có khả năng chứa 400-500 máy bay. Trong sân bay có hệ thống ụ chìm, ụ nổi, các kho chứa bom đạn, xăng dầu… Theo thống kê, năm 1958 sân bay có 30.000 phi vụ cất cánh và hạ cánh thì đến năm 1966 đã tăng đến 50.000 phi vụ. Tại sân bay, có khoảng 20 hãng hàng không quốc tế tham gia sử dụng như: Pan American, American Airlines, Seaborn Transwerld, Continental Airlines, Flying Tiger, Nortwest Airlines, Cathay Pacific, Slich Airlines… và các hãng hàng không khác có hợp đồng với Bộ Chỉ huy không quân Mỹ…

Về mặt quân sự, sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thế bố trí tam giác chiến lược: Biên Hòa - Sài Gòn - Vũng Tàu của Mỹ - ngụy. Trong sân bay, khu nhà phía nam là “hang ổ” của Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Mỹ, nhà của tướng Oét-mo-len. Phía đông bắc, có tòa nhà 2 tầng sơn màu trắng của tướng Vốt, Tư lệnh không quân Mỹ ở Đông Nam Á, kiêm Phó tổng chỉ huy lực lượng Mỹ ở Đông Dương. Sân bay cũng là nơi đặt Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh không quân quân đội Sài Gòn, có nhà của tướng Nguyễn Cao Kỳ, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 Không quân, Bộ Tư lệnh quân dù quân đội Sài Gòn.

Để phục vụ cho guồng máy chiến tranh, hằng ngày tại sân bay có hàng ngàn người làm việc, trong đó có quân nhân thuộc Đệ nhất hạm đội và Lục quân Mỹ, nhân viên không lực ngụy Sài Gòn và nhân viên dân chính người Việt. Nhằm ngăn chặn sự “thâm nhập của Cộng sản”, mỗi người vào làm việc tại sân bay đều được điều tra kỹ về an ninh. Sân bay được bố phòng nhiều trang thiết bị hiện đại như máy vô tuyến bán dẫn báo động, xung quanh căn cứ được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai bùng nhùng dày 22 lớp, xen kẽ các lớp rào là các loại mìn sáng, mìn díp, mìn cóc, claymo, các lon đồ hộp treo móc phát hiện tiếng động. Bao quanh sân bay có các đường nhựa bảo đảm cho xe cơ giới tuần tra liên tục ngày đêm. Phía trong hàng rào, sau các lớp hào sâu hơn 2m còn là hệ thống các lô cốt, công sự dã chiến của lực lượng bảo vệ, được trang bị đầy đủ súng ống, đèn pha chiếu sáng rực vào ban đêm. Lực lượng đặc biệt bảo vệ sân bay gồm 1 tiểu đoàn quân cảnh Mỹ có chó béc-giê do bọn Mỹ nói thạo tiếng Việt phụ trách, 1 tiểu đoàn an ninh phi trường, 1 tiểu đoàn quân cảnh trực tiếp canh giữ, bảo vệ nơi ở của các tướng tá Mỹ - ngụy. Bên ngoài sân bay, ngoài biện pháp “tảo thanh”, “phát quang”, tạo “vành đai trắng” luôn có mạng lưới thám báo, gián điệp hoạt động, trà trộn trong dân, dò tìm, phát hiện mọi động tĩnh của lực lượng cách mạng. Ngoài ra, sân bay còn có lực lượng pháo binh ở căn cứ Cổ Loa, Căn cứ Thiết giáp Phù Đổng, Trung tâm huấn luyện Quang Trung ở phía bắc, Yếu khu quân sự Ngã Năm (Vĩnh Lộc), Trại Hoàng Hoa Thám ở phía nam sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Ngoại cảnh sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay.  Ảnh: Tuấn Tú

Đối với lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc, Quân khu 7, Quân khu Sài Gòn - Gia Định, sân bay Tân Sơn Nhất là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng: Ngay từ những ngày đầu quân Pháp núp sau quân Anh gây hấn tái chiếm Nam Bộ (9-1945), sân bay Tân Sơn Nhất, nơi quân Anh làm nhiệm vụ cảnh giới đã bị du kích Sài Gòn tập kích. Tiếp theo là hàng loạt các trận đánh của lực lượng đặc công, Biệt động Sài Gòn vào khu vực sân bay: Trận 15-3-1952, tổ đặc công do Lê Văn Thọ chỉ huy đột nhập dùng mìn đánh kho bom An Hội (Gò Vấp) phá hủy 700 quả bom, diệt 182 tên địch; Trận 31-8-1952, Đại đội quyết tử 3721 (sau đổi tên là Đại đội đặc công 205) “dùng chất nổ hủy diệt 5.200 tấn bom đạn, 3 triệu lít xăng, trên 2.000 thùng dầu nhớt, gây thiệt hại nặng cho đại đội Âu - Phi canh giữ kho”. Đêm 30-5 rạng 1-6-1954, Tổ đặc công Bùi Văn Ba, Phạm Văn Hai gồm 12 người đột nhập kho đạn, xăng dầu Phú Thọ Hòa đặt mìn hẹn giờ “thiêu hủy 9.345 tấn bom đạn, 20 triệu lít xăng cùng 1 đại đội lính Âu - Phi chết và bị thương”. Các trận đánh đã có tác dụng cổ vũ toàn chiến trường Nam Bộ lúc bấy giờ.

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (7-1954). Sau lễ “Trao trả dinh Nô-rô-đôm” cho Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng nên, tướng Ê-ly, Cao ủy kiêm Tổng Chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp cuối cùng, từ sân bay Tân Sơn Nhất cuốn gói về nước, chấm dứt sự có mặt sau gần 100 năm của quân đội xâm lược Pháp ở Đông Dương.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1945-1975), mặc dù được Mỹ-ngụy tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng từ năm 1963-1966, sân bay liên tục bị Biệt động Sài Gòn, lực lượng pháo binh miền Đông Nam Bộ tấn công, diệt nhiều phi công Mỹ và nhân viên kỹ thuật, phá hủy hàng triệu lít xăng, hàng chục máy bay các loại. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các trận đánh, thế tiến công của người chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam trên đường băng Tân Sơn Nhất đã được nhà thơ Lê Anh Xuân ca ngợi là biểu tượng cao đẹp cho “Dáng đứng Việt Nam”.

Cùng với những đòn tiến công quân sự của ta, sân bay Tân Sơn Nhất còn là minh chứng sinh động về đòn đấu tranh chính trị - ngoại giao mưu trí và dũng cảm của Phái đoàn quân sự Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên tại trại Đa-vít đòi Mỹ-ngụy phải thi hành Hiệp định Pa-ri, diễn ra liên tục 823 ngày đêm, từ tháng 2-1973 đến cuối tháng 4-1975.

Lịch sử được lập lại như đối với quân xâm lược Pháp trước đây. Ngày 15-3-1973, cũng tại sân bay Tân Sơn Nhất, tướng Mỹ 4 sao Uây-en phải làm lễ “Hạ cờ”, rút hết quân Mỹ về nước. Ngày 29-3-1973, những tên lính Mỹ cuối cùng lên máy bay rút khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, đánh dấu mốc lịch sử sau 115 năm, kể từ năm 1858 khi quân Pháp nổ súng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta, lần đầu tiên trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, quân đội của bọn đế quốc xâm lược đã bị quét sạch.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trước thế tiến công áp đảo của quân và dân ta, ngày 21-4-1975 Tổng thống ngụy Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Đêm 25-4-1975, từ sân bay Tân Sơn Nhất, Thiệu chạy trốn ra nước ngoài. Cùng với Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha cảnh sát (Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia), căn cứ sân bay Tân Sơn Nhất được Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chọn là mục tiêu chủ yếu. Sau những trận bão lửa của pháo binh ta từ Nhơn Trạch bắn vào sân bay, chiều 28-4-1975, Phi đội Quyết Thắng do Nguyễn Thành Trung dẫn đầu đã đánh bom xuống khu vực phía tây sân bay, phá hủy nhiều máy bay quân sự địch… 7 giờ 15 phút ngày 30-4-1975, toàn bộ các trận địa pháo của Quân đoàn 3 và Sư đoàn 10 đồng loạt nã đạn vào sân bay làm một số máy bay, kho bom, đạn địch nổ tung, bốc cháy. Từ 9 giờ 5 phút, Tiểu đoàn 1 - Trung đoàn xe tăng 273, các Tiểu đoàn 4, 5, 6 thuộc Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 tiến công vào cửa số 5 và số 4 của sân bay, đánh chiếm các mục tiêu: Khu truyền tin, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 Không quân, Bộ Tư lệnh quân dù, Bộ Tư lệnh Không quân ngụy, bắt liên lạc và bảo vệ an toàn phái đoàn quân sự ta ở trại Đa-vít. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24 cắm cờ “Quyết Thắng” lên Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Không quân ngụy. Sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn do ta làm chủ.

Sau ngày giải phóng, sân bay Tân Sơn Nhất - Sài Gòn - Gia Định được đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ Thủ đô Hà Nội vào dự lễ mừng chiến thắng, mừng non sông thu về một mối.

Từ một căn cứ quân sự, một phi trường “Bất khả xâm phạm” của Mỹ - ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất ngày nay đã được xây dựng hiện đại, là một trong những biểu tượng của Việt Nam mở cửa, hội nhập và phát triển.

Với ý nghĩa, nội dung lịch sử phong phú như vậy, nên chăng, Thành phố Hồ Chí Minh và Quân khu 7 cần nghiên cứu xây dựng tại khu vực sân bay một tượng đài hoặc bia bảng di tích ghi dấu chiến công, góp phần giáo dục truyền thống, tạo ấn tượng tốt đẹp trước bạn bè trong nước và quốc tế khi đến với thành phố mang tên Bác kính yêu.

Đồng Kim Hải