Vậy mà, đâu đó vẫn lạc lõng những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Đó là sự bóp méo, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta...

Bóp méo lịch sử trắng trợn

Trước kia và cả hiện nay, nhất là dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, một số người lại rêu rao luận điệu như: “Cách mạng Tháng Tám là sự ăn may của Việt Minh”; có người còn trắng trợn cho rằng: “Cách mạng Tháng Tám là một hành động nhanh tay cướp lấy chính quyền khi bộ máy chính quyền cũ đã bỏ trống”. Họ còn phân tích rằng, từ sau cuộc đảo chính ngày 9-3-1945, Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng là thuộc địa của Nhật. Trong khi đó, phát xít Nhật đã bị quân Đồng minh đánh bại và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Như vậy, ở Đông Dương xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, cho nên cách mạng chỉ cần nổ ra là giành thắng lợi (?)...

Tuy cách diễn đạt có khác nhau, nhưng những luận điệu trên đều thống nhất về mục đích là bóp méo lịch sử một cách trắng trợn.

Luận điệu cũ kỹ, lạc lõng ấy vẫn được các thế lực thù địch và cơ hội chính trị rêu rao, bình luận trên các trang mạng xã hội và một số diễn đàn ở hải ngoại. Chúng làm thế với dụng ý gì? Với cái nhìn phi lịch sử cùng dụng ý xấu, các luận điệu ấy nhằm phủ nhận vai trò và công lao to lớn của Đảng, của quần chúng yêu nước, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám; từ bỏ con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, đi đến xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, lịch sử là khách quan và công bằng. Những luận điệu và dụng ý thâm độc ấy chắc chắn bị dư luận lên án và lịch sử phủ nhận.

leftcenterrightdel
Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả của một quá trình dày công chuẩn bị, nắm bắt thời cơ lịch sử của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Mít tinh ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, tháng 8-1945. Ảnh tư liệu

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, PGS, TS Vũ Quang Hiển (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Nói Cách mạng Tháng Tám là sự “ăn may” là hoàn toàn phiến diện và xuyên tạc. Nhìn vào lịch sử thì thấy, cùng vào thời điểm năm 1945, không phải bất cứ nơi nào đang chịu ách chiếm đóng của phát xít đều có thể bùng nổ cách mạng và giành thắng lợi. Chỉ có quốc gia có sự chuẩn bị chu đáo, có sự lãnh đạo của Đảng tiên phong, chớp được thời cơ và huy động được sức mạnh của toàn dân tộc thì mới có khả năng giành được chính quyền. Điều đó bác bỏ những luận thuyết cho rằng, do thời cơ quá thuận lợi như vậy cho nên việc giành chính quyền quá đơn giản.

Sự dày công chuẩn bị và nắm bắt thời cơ lịch sử của Đảng

Từ thực tiễn, có đầy đủ cơ sở để khẳng định, thành quả của Cách mạng Tháng Tám là do một quá trình dày công chuẩn bị các yếu tố cần thiết. Trước hết là sự chuẩn bị về lực lượng cách mạng của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau khi Đảng ra đời đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh quyết liệt với thực dân phong kiến, tiêu biểu là các phong trào 1930-1931 và 1936-1939. Đến tháng 9-1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thi hành chính sách phát xít quân phiệt thời chiến ở Đông Dương. Lúc này, tình thế cách mạng xuất hiện, Đảng phát động cao trào cách mạng mới nhằm tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Cùng với quá trình chuẩn bị về lực lượng, Đảng ta luôn theo dõi sát các diễn biến của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, dự báo đúng thời cơ để đề ra chủ trương lãnh đạo đúng đắn. Ngay từ tháng 5-1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (khóa I) họp tại Pác Bó (Cao Bằng) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã phân tích diễn biến cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và dự báo: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta là chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, với hình thái khởi nghĩa ở nước ta sẽ là từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa.

Trước diễn biến phát xít Nhật tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Pháp vào ngày 9-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời họp và ra bản Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị nhận định, cuộc đảo chính đã tạo nên tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho điều kiện cuộc khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi. Hội nghị quyết định phát động một cao trào chống Nhật, cứu nước trong toàn quốc.

Giữa lúc phong trào cách mạng đang lên cao thì phát xít Nhật liên tục bị bại trận. Ngày 14-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Do dự báo trước diễn biến tình hình, từ ngày 13 đến 15-8-1945, Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, quyết định khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương và cử ra Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Ngay đêm 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh Tổng khởi nghĩa.

Đến ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau Đại hội quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Cả dân tộc với quyết tâm “dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Từ căn cứ địa Việt Bắc, dưới sự chỉ huy của Ủy ban Khởi nghĩa, Giải phóng quân tỏa về các địa phương ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ... cùng phối hợp với lực lượng nổi dậy của quần chúng đánh đổ chính quyền địch, thiết lập chính quyền cách mạng.

Hà Nội - mở đường cho thắng lợi của cả nước

Cách đây chưa lâu, cũng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi có đến gặp Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là Bí thư Thành ủy, Ủy viên quân sự Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội. Khi chúng tôi có nêu một số luận điệu cho rằng Cách mạng Tháng Tám thành công là do Việt Minh “ăn may”(!), Đại tướng Nguyễn Quyết rất bức xúc và cho rằng: Đây là luận điệu không có cơ sở thực tế và cố tình bóp méo, xuyên tạc lịch sử, hạ thấp thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung-một cuộc đổi đời của dân tộc Việt Nam.

Rồi ông phân tích tình hình Hà Nội vào thời điểm lịch sử đó: Nên nhớ là vào ngày 17-8, chỉ hai ngày trước Tổng khởi nghĩa, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim còn tổ chức cuộc mít tinh lớn hòng lôi kéo quần chúng và kêu gọi diệt Việt Minh nhưng đã bị ta làm cho thất bại. Còn với quân đội Nhật, ngay trong ngày 19-8, chúng đã uy hiếp, đòi tước vũ khí và đàn áp cuộc khởi nghĩa. Như vậy, cả Nhật và bọn ngụy quân, ngụy quyền đều âm mưu tiêu diệt Việt Minh và duy trì chính quyền bù nhìn đang tồn tại. Nếu ta không có sự chuẩn bị lâu dài và kỹ càng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, không có phương thức đấu tranh hợp lý thì làm sao có một hệ thống cơ sở mạnh, có lực lượng vĩ đại của quần chúng, lực lượng tự vệ vũ trang và tranh thủ được một bộ phận không nhỏ những người trong hàng ngũ địch ngả theo cách mạng. Không có điều đó thì không thể đàn áp được bọn ngụy quân, ngụy quyền và gây sức ép buộc quân Nhật phải chấp nhận ngồi yên, không can thiệp. Việc quân Đồng minh giành thắng lợi và hàng ngũ địch có sự phân hóa, dao động là những điều kiện thuận lợi và ta đã biết chớp thời cơ để giành chính quyền. Thắng lợi vĩ đại này tuyệt nhiên không phải tự dưng mà có, không phải “từ trên trời rơi xuống”.

Cuộc Tổng khởi nghĩa này còn thể hiện thành công độc đáo của Hà Nội, đó là tinh thần sáng tạo, không máy móc, giáo điều, kịp thời và táo bạo. Đồng chí Trường Chinh từng nói: “Hà Nội thắng lợi, cả nước nhất định sẽ theo gương Hà Nội, cách mạng cả nước nhất định thành công. Nhiệt tình cách mạng của quần chúng, tinh thần chủ động sáng tạo của Đảng bộ địa phương đã biến chủ trương đúng đắn của Đảng thành thắng lợi vẻ vang. Đây là trận thắng đầu tiên nhưng rất quan trọng. Nó mở đường cho thắng lợi của cả nước”...

VĨNH THĂNG