Nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia (18-2-1979 / 18-2-2019), thông qua nhà báo, dịch giả Lê Đỗ Huy, ông gửi cho Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng những cảm nhận của mình về mối quan hệ giữa hai nước trong quá khứ và hiện tại.

Do tính chất công việc nên các thành viên trong gia đình tôi sinh ra ở nhiều vùng đất khác nhau: Cha tôi, nhà báo người Australia, sinh ở Melbourne, Australia, năm 1911. Mẹ tôi, Vessa Ossikovska, nhà báo, nhà sử học người Bulgaria, sinh tại Lukovit, Bulgaria, năm 1919. Anh trai tôi, Peter, sinh tại CHND Trung Hoa, năm 1953. Tôi, George Burchett, sinh tại Hà Nội, năm 1955. Em gái tôi, Anna, sinh tại Moscow, Nga, năm 1958.

leftcenterrightdel
George Burchett. (Ảnh chụp tại Hà Nội năm 2018). Ảnh tư liệu.

Từ năm 1965 đến 1969, chúng tôi đã chuyển từ Moscow sang Phnom Penh để cha tôi, một phóng viên chiến trường, có thể quan sát gần hơn chiến sự. Lửa chiến tranh lúc đó đã bùng lên khốc liệt tại nước láng giềng của Campuchia là Việt Nam. Cha tôi là phóng viên nước ngoài đứng về phía Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1965 là năm bản lề trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Lúc đó, chế độ Sài Gòn được Mỹ hậu thuẫn đang thua đau ở miền Nam. Tháng 3-1965, lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng, mở đường cho các đơn vị chiến đấu của Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Trước khi gia đình chúng tôi ổn định cuộc sống ở Phnom Penh, cha chúng tôi đã hai lần từ Campuchia sang Việt Nam theo đường bí mật để tới thăm vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Ông trở thành phóng viên phương Tây đầu tiên tới vùng giải phóng, đợt đầu vào cuối năm 1963, đầu năm 1964 và đợt sau vào giai đoạn 1964-1965. Ông đã tường thuật lại các chuyến đi này trong cuốn sách “Cuộc chiến tranh du kích ở Việt Nam-nhìn từ bên trong”, xuất bản ở New York và phát hành trên khắp thế giới năm 1965.

Trong khi đó, những năm 1965-1969 là một giai đoạn tương đối thái bình của Campuchia. Hoàng thân Sihanouk, Quốc trưởng Campuchia đã thực hiện được những “cú nhào lộn” về ngoại giao để giữ cho nước mình trung lập. Mọi dạng sức ép đã được Mỹ áp đặt lên Sihanouk để bắt Campuchia phải gia nhập khối Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) và trở thành một “đồng minh” (hay bù nhìn) của Washington trong cuộc “thập tự chinh chống cộng sản”.

Tháng 5-1965, Sihanouk cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và đóng cửa Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh. Quan hệ Campuchia-Mỹ phải tới tháng 7-1969 mới được khôi phục.

Trong 4 năm gia đình chúng tôi trú ở Phnom Penh, Campuchia là một thiên đường hòa bình tại một khu vực rất hỗn loạn. Sihanouk đã giữ thăng bằng trong mối quan hệ nhiều phương, gồm: Phương Tây (chủ yếu là Pháp), Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, giành được lợi ích đáng kể cho đất nước. Liên Xô xây những bệnh viện hiện đại và các trung tâm giáo dục, gửi sang đó những bác sĩ và nhà sư phạm Xô viết. Pháp đóng vai trò hàng đầu trong các lĩnh vực quân sự, giáo dục, sức khỏe… của Campuchia.

Từ năm 1961, Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu chia tách nhau về mặt đường lối. Nhưng cả hai nước này đều ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, cam kết tình hữu nghị và đoàn kết với Việt Nam. Năm 1966, đa số nhân loại tiến bộ đều một lòng ủng hộ Việt Nam thực hiện sự nghiệp hòa bình, thống nhất nước nhà.

Campuchia từng bình yên và đẹp vô cùng. Phnom Penh, nhờ nhà kiến trúc sư táo bạo theo chủ nghĩa hiện đại Khmer mới và trường phái trang trí nghệ thuật Art Deco lịch lãm của Pháp là Vann Mollyvann, đã trở thành một đô thị xinh xắn, mỹ lệ. Với tôi, thời gian sống ở Phnom Penh là những năm hạnh phúc nhất trong đời. Các bạn Campuchia còn sống sót sau cuộc diệt chủng của Khmer Đỏ cũng đồng ý với tôi như vậy. Tôi còn nhớ những buổi tối ở khu nghỉ dưỡng bên bờ biển tại Kep, gần biên giới với Việt Nam. Mặt trăng in bóng trong vầng sáng lung linh của mặt biển; từ xa vọng tiếng phi pháo gầm, bom nổ sáng cả chân trời. Bên này là hòa bình, bên kia là chiến tranh.

Đã có một phong trào lan rộng khắp thế giới đòi chấm dứt cuộc chiến tranh hung ác, đem lại hòa bình cho Việt Nam. Căn nhà của chúng tôi ở Phnom Penh luôn đầy ắp những vị khách tới từ khắp nơi trên thế giới, những người trên đường đến hoặc vừa rời khỏi Việt Nam. Đó là những phóng viên, nhà ngoại giao, các chiến sĩ hòa bình, nhà khoa học, thủ lĩnh tôn giáo, v.v.. Có cả những người từ chiến trường Việt Nam vượt qua biên giới bằng những con đường bí mật, mang theo các tin tức.

Vào lúc đó, hòa bình đang có dấu hiệu thắng lợi. Năm 1968, cha tôi viết cuốn “Việt Nam nhất định thắng”. Trang đầu cuốn sách có đề: Vì sao nhân dân miền Nam Việt Nam đã đánh bại đế quốc Mỹ, và họ đã làm điều đó ra sao?- một phóng viên phương Tây nổi tiếng chuyển cho người đọc những gì tai nghe mắt thấy từ chiến trường-những phóng sự đang trở thành một phần của lịch sử thời đại chúng ta.

Tháng 6-1969, gia đình chúng tôi rời Phnom Penh đi Paris, nơi đang diễn ra cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh. Tháng 3-1970, Hoàng thân Sihanouk bị phế truất trong một cuộc đảo chính được CIA hậu thuẫn. Quân đội Sài Gòn xâm lấn Campuchia dưới sự yểm hộ của bom Mỹ. Và Campuchia lại rơi vào địa ngục. Trung lập và ngoại giao đã thua. Mỹ đã mở rộng cuộc “thập tự chinh” chống chủ nghĩa cộng sản sang một đất nước hòa bình khác.

leftcenterrightdel
Gia đình nhà báo Wilfred Burchett ở Phnom Penh năm 1968, tác giả ngồi phía trước.

Cuộc chiến tranh của Mỹ chống lại Việt Nam, Campuchia và Lào kết thúc vào năm 1975 với việc Mỹ và chính quyền tay sai thất bại hoàn toàn. Nhưng cuộc chiến tranh của Khmer Đỏ-Campuchia chống lại chính nhân dân của nước này và các cuộc tiến công vũ trang của chúng nhằm vào Việt Nam đã diễn ra ngay sau đó đến năm 1979-khi Việt Nam kết thúc sự tồn tại của chế độ tàn ác Pol Pot, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng. Nếu có một khái niệm về cuộc can thiệp nhân đạo, thì đây chính là nó. Nhưng thay vì hoan nghênh Việt Nam, Mỹ, đồng minh và một vài nước thù địch khác đã cáo buộc Việt Nam “xâm lược”, đồng thời hiệp trợ tàn quân của Pol Pot bằng mọi cách có thể, khiến cho sự đau khổ của người Campuchia bị kéo dài hơn. Nếu cần diễn tả một trường hợp điển hình của đạo đức giả quốc tế và của tiêu chuẩn kép, thì đây chính là nó!

Theo tôi, Campuchia sẽ lại trở thành biểu tượng của hòa bình và hạnh phúc như những ngày tuổi thơ của tôi. Cho dù mảnh đất này từng là biểu tượng của “địa ngục trần gian”: Những “cánh đồng chết” của Pol Pot. Trước đó, các cuộc ném bom rải thảm của B-52 Mỹ từng biến miền quê yên ả Campuchia thành vạc dầu dưới âm phủ. Chúng đã khiến những người nông dân Campuchia đau đớn, giận dữ, căm thù và chuẩn bị nền móng cho cơn ác mộng Khmer Đỏ, một trong những thảm kịch khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại.

Ở Việt Nam cũng vậy, những người nông dân, cả trẻ già, trai gái, đã đứng lên giành quyền sống cho gia đình, làng xóm, đất nước, chống lại sự hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc. Họ đã bị ném bom và bị hủy diệt theo những cách thức tàn bạo nhất. Nhưng khi giành toàn thắng, họ đã không quay mũi súng về phía những người Việt lầm đường. Đã không có tàn sát, không có tắm máu, không có diệt chủng. Các thành phố không trở thành trống rỗng, các miền quê không bị biến thành những “cánh đồng chết”.

Việt Nam đã đánh bại hai cường quốc là Pháp và Mỹ trong cuộc tranh đấu vì độc lập và thống nhất. Trong phát ngôn năm 1966 của mình, Tổng thống De Gaulle của Pháp đã nhận thức rõ ràng bài học Điện Biên Phủ và đưa ra những kết luận chính xác. Các cuộc kháng chiến anh dũng của Việt Nam hiện vẫn là nguồn cảm hứng cho nhân dân các dân tộc trên thế giới. Việt Nam luôn tỏ rõ tình đoàn kết với hai dân tộc anh em là Campuchia và Lào. Các dân tộc Đông Dương đã kề vai chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc vì độc lập và vì quyền được chọn con đường riêng đi tới tương lai, không phụ thuộc vào ý chí của các cường quốc.

Quyền cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong hòa bình, không bị bom đạn, không bị khủng bố. Những kẻ vi phạm quyền cơ bản này là những tội phạm chiến tranh. Chúng phải được chặn lại.

GEORGE BURCHETT