Ông từng trực tiếp tìm gặp nhiều nhân chứng, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ để phục hồi, bảo tồn hiện vật, góp phần giáo dục truyền thống của bộ đội hậu cần. Bản thân ông cũng đã hiến tặng nhiều kỷ vật quý. Trong số đó, chúng tôi ấn tượng về chiếc khăn tay do nhân dân Campuchia thêu mà ông được tặng vào tháng 11-1987.

Tháng 8-1980, chàng trai trẻ Trần Quang Trung rời quê hương Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vào bộ đội, được biên chế về Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Binh đoàn 678 (nay là Sư đoàn 968, Quân khu 4), làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Khoảng một năm sau, ông được cử về nước học tập tại Trường Sĩ quan Hậu cần. Sau khi hoàn thành khóa học, ông được điều động sang Campuchia, lần lượt trải qua các cương vị: Trợ lý hậu cần, đại đội phó, tiểu đoàn phó rồi phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 42, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 khi mới 28 tuổi, mang quân hàm đại úy. Ông là một trong những cán bộ cấp trung đoàn trẻ nhất của Sư đoàn 9 hồi bấy giờ. Thời gian công tác tại Campuchia, đồng chí Trần Quang Trung đã đón 4 cái Tết cổ truyền của dân tộc trên nước bạn.

Những năm ấy, chiến trường vô cùng ác liệt. Bộ đội tình nguyện Việt Nam sinh hoạt, công tác trong điều kiện rất vất vả, lại liên tục truy quét tàn quân Pol Pot trên nhiều địa bàn phức tạp. Ban ngày, lính Khmer Đỏ trà trộn vào dân và giả làm những người lao động thuần túy. Nhưng khi đêm xuống, chúng hiện nguyên hình là những tên lính “khát máu”, tập kích bộ đội ta. “Vì vậy, càng vào những dịp lễ, tết, bộ đội càng phải đề cao cảnh giác, tinh thần chiến đấu đẩy lên mức cao hơn. Nhiều khi có đoàn văn công trong nước sang biểu diễn phục vụ bộ đội đón Tết, đơn vị tập trung xem nhưng vẫn phải cắt cử lực lượng luân phiên canh gác nghiêm ngặt”, ông nhớ lại.

leftcenterrightdel
Trung tướng Trần Quang Trung kể chuyện chiến đấu. Ảnh: TRẦN THANH 

Nhiệm vụ chủ yếu của ông là cùng đồng đội tổ chức bảo đảm hậu cần, lương thực, thực phẩm cho các đơn vị của Sư đoàn 9. Ông đã có mặt tại nhiều chiến trường ác liệt, đi qua các tỉnh: Kampong Cham, Kampong Thom, Siem Reap, Battambang, Oddar Meanchey... Đây là những địa phương nằm ở vị trí có ý nghĩa chiến lược trên chiến trường Campuchia, có đường biên giới tiếp giáp với Thái Lan dài khoảng 500km, có sân bay, bến cảng và những đường giao thông quan trọng nối liền thủ đô Phnom Penh. Dọc biên giới là rừng núi hiểm trở, địa bàn hoạt động của lính Khmer Đỏ. Do vậy, cuộc đấu tranh ở đây diễn ra gay go, phức tạp và vô cùng quyết liệt. Suốt thời gian chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên đất bạn, khó khăn gian khổ càng tôi luyện bản lĩnh của người chiến sĩ tình nguyện. Đồng chí Trần Quang Trung đã cùng đồng đội quyết tâm bảo đảm tốt cơ sở vật chất dự trữ chiến đấu, cung cấp đầy đủ định lượng và tiêu chuẩn ăn, mặc, thuốc chữa bệnh cho bộ đội, phục vụ kịp thời yêu cầu nhiệm vụ tác chiến của đơn vị. Năm 1985, trong một lần tổ công tác do ông phụ trách đi nhận vật chất hậu cần cho đơn vị, bất ngờ xe vướng mìn, lật nhào. Đồng chí Quang-lái xe, đồng chí Uyên-thủ kho và ông đều bị hất văng ra khỏi xe. Ba người được bà con Campuchia kịp thời đưa đi cấp cứu. “Lần ấy, tôi bị chấn thương cột sống, sức khỏe giảm sút khá nhiều. Di chứng để lại đến giờ, mỗi khi trở trời, một bên chân trái vẫn bị tê”, Trung tướng Trần Quang Trung cho biết.

leftcenterrightdel
Chiếc khăn đồng chí Trần Quang Trung được tặng đại hội mừng công của Mặt trận 479. Ảnh: PHAN TUỆ 

Sau lần chết hụt ấy, thương binh Trần Quang Trung phải nỗ lực rất nhiều  để trở lại đội hình đơn vị, quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Cuối năm 1987, Mặt trận 479 tổ chức đại hội mừng công, ông vinh dự được thay mặt đơn vị báo cáo thành tích, kinh nghiệm công tác trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Tại đại hội, ông được tặng món quà đặc biệt là chiếc khăn tay màu trắng, thêu nhiều họa tiết, nổi bật là hàng chữ viết bằng tiếng Campuchia, dịch sang tiếng Việt là: “Thủ đô Phnom Penh gửi tặng Quân tình nguyện Việt Nam”. Món quà tuy nhỏ nhưng thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của nhân dân Campuchia đối với bộ đội Việt Nam được ông trân trọng, giữ gìn hàng chục năm đã được tặng lại Bảo tàng Hậu cần Quân đội làm hiện vật trưng bày.

HƯỚNG NAM