QĐND - Vào dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng Khe Sanh (7-1998), một đoàn CCB Mỹ đã vượt nửa vòng Trái Đất tới thăm lại chiến trường Khe Sanh-Quảng Trị. Trưởng đoàn là Đại tướng Ray-mơn Đê-vít (Raymond David), nguyên Tư lệnh Sư đoàn 3 thủy quân Lục chiến Mỹ, một đơn vị từng chiến đấu với Quân giải phóng tại Quảng Trị và đã bị đánh bại ở Khe Sanh năm 1968. “Trong chuyến đi, chính tướng Ray-mơn Đê-vít đã đề nghị với Hội CCB Việt Nam được gặp một chỉ huy quân đội từng trực tiếp tham gia đánh sư đoàn thủy quân lục chiến của ông ta, và tôi đã được Trung ương Hội CCB mời tới tiếp chuyện đoàn CCB Mỹ”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại.  

Trong cuộc trò chuyện kéo dài nhiều giờ tại một khách sạn ở Hà Nội, tướng Ray-mơn Đê-vít đã được người CCB Việt Nam (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 9 từng chiến đấu tại cứ điểm làng Vây) giải đáp nhiều câu hỏi. Song, vẫn có những câu trả lời mà ở thời điểm ấy, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy chưa thể giúp đối phương thỏa mãn sự “tò mò”.

- Hồi đó, tại sao các ông lại có thể đánh thắng một lực lượng mạnh và vũ khí hiện đại hơn hẳn? Phải chăng chúng tôi không đánh giá hết tiềm năng quân sự và bản chất con người Việt Nam ? - Tướng Ray-mơn Đê-vít hỏi.

Năm 1998, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (thứ tư, từ trái sang) đã gặp lại tướng Ray-mơn Đê-vít (thứ ba, từ trái sang)-nguyên Tư lệnh Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ từng tham chiến ở Quảng Trị. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy mềm mỏng trả lời:

- Công nhận là các ông rất mạnh, nhưng chúng tôi thắng vì chúng tôi am hiểu địa hình, am hiểu chiến trường. Hơn nữa chúng tôi đã cố gắng đoán trước quân Mỹ sẽ làm gì và chuẩn bị phương án tấn công một cách kỹ càng. Khi cần, chúng tôi sẽ tấn công hoặc dùng giao thông hào để tiếp cận các ông mà không bị lộ.

- Có một việc mà 30 năm nay tôi vẫn thắc mắc: Không hiểu tại sao xe tăng của các ông lại có thể xuất hiện đột ngột trên chiến trường và bất ngờ tấn công quân Mỹ trong trận làng Vây. Các ông đã làm cách nào vậy?

- Với chúng tôi, đó vẫn là một bí mật, chúng tôi cần đề phòng trong trường hợp phải dùng lại. Thực tế là chúng tôi có một tiểu đoàn xe tăng xung trận và được chia làm hai mũi vào cứ điểm làng Vây, một mũi theo hướng sông Sê-pôn, một mũi tiến theo trục đường 9…

Bây giờ thì điều bí mật ấy đã được công bố rộng rãi, nhưng khi sang Việt Nam cách đây hơn chục năm, các cựu binh Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ đã đưa ra nhiều phỏng đoán và giải thích khác nhau về những chiếc xe tăng “từ trên trời rơi xuống” trong trận đánh cách đó 30 năm.

Là người trong cuộc, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ rất rõ thời điểm chuẩn bị diễn ra trận làng Vây đầu năm 1968, khi đó ta có phương án đưa một tiểu đoàn thiếu (tức hai đại đội xe tăng) vào trận. Loại xe tăng được sử dụng là loại xe lội nước. Những chiếc xe tăng đã được quân ta đưa qua sông Sê-pôn như những chiếc thuyền và một đại đội công binh có nhiệm vụ đẩy từng “chiếc thuyền” ấy từ Lào sang Việt Nam. Thời điểm ấy, do sông Sê-pôn đang cạn nên quân ta phải cất công dùng đất, đá chặn dòng để nước dâng cao tạo ra những “âu thuyền” cho xe tăng qua sông. Sau gần một tuần, việc vận chuyển và ngụy trang những chiếc “thuyền” ấy mới hoàn tất. Trên bờ, ta làm sẵn một con đường từ bờ sông Sê-pôn hướng đến cứ điểm làng Vây, tới cách làng Vây 3km thì dừng lại để bố trí đội hình. Trên hướng đường 9, lực lượng công binh của ta cũng tiến hành sửa ngầm và ngụy trang, dọn đường cho xe tăng tiến về cứ điểm làng Vây. Khi trận đánh diễn ra, xe tăng mới bắt đầu tăng tốc và tiến vào trận địa.

“Dĩ nhiên là những công việc ấy được giữ bí mật tuyệt đối, chỉ những người trong cuộc hoặc cán bộ cấp trung đoàn trở lên mới được biết. Hôm gặp tướng Ray-mơn Đê-vít, tôi chỉ trả lời chung chung là chúng ta có nhiều “mẹo” để đưa xe tăng vào”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể.

Theo ông, do chưa nắm rõ sự việc mà một thời gian dài sau đó, không chỉ đối phương mà một số CCB hoặc báo chí đã đăng tải, thêu dệt những câu chuyện mang tính huyền thoại, nào là phía ta đã… tháo rời các bộ phận của xe tăng; nào là ta tìm cách chôn giấu, lấp kín xe tăng dưới lòng đất; thậm chí có người còn cho rằng ta đã bí mật sử dụng trực thăng hạng nặng của Liên Xô để vận chuyển...

BÙI VŨ MINH