Sinh ra ở thôn Đại Trung, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh)-mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, năm 1972 khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Chiến viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Buổi tối trước ngày lên đường, Chi đoàn thôn Đại Trung tổ chức buổi liên hoan chia tay Chiến, kèm theo quà tặng là một cuốn sổ nhỏ, chiếc bút Trường Sơn và lọ mực Cửu Long. Ông đã viết những dòng chữ đầu tiên vào cuốn nhật ký của mình: “Bút Trường Sơn in dòng chữ thẳm/ Mực Cửu Long tô đậm tình quê/ Ra đi giữ lấy lời thề/ Đánh tan hết giặc mới về quê hương”…

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Đức Chiến và cuốn sổ nhật ký nhiều kỷ niệm.

Vào chiến trường, Nguyễn Đức Chiến được biên chế vào Đại đội 17 Thông tin, trực thuộc Trung đoàn 576, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Những nhiệm vụ khó khăn được ghi chép trong cuốn nhật ký, trong đó phải kể đến những ngày giữ đồi Yên Ngựa nằm trên địa phận quận Minh Long (nay là huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi). Dù quân số của đơn vị có lúc chỉ còn 37 người, Chiến cùng các đồng đội vẫn quyết tâm giữ vững đồi Yên Ngựa. Đến ngày 12-12-1974, địch buộc phải rút quân, kế hoạch chiếm lại đồi Yên Ngựa thất bại.

Trong những năm tháng chiến đấu, với nghĩa tình đồng đội sâu nặng, Nguyễn Đức Chiến đã tự tay chôn cất nhiều liệt sĩ cùng quê với mình. Có tất cả 6 liệt sĩ được ông ghi lại tên tuổi, quê quán, nơi chôn cất vào cuốn sổ. Sau này nhờ đó mà gia đình các liệt sĩ đã tìm được phần mộ và đưa về an táng tại quê nhà. Ông Chiến nhớ nhất lần tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Quốc Cải, quê ở Liên Sơn, Tân Yên, Bắc Giang. Năm 1974, bị thương do mảnh đạn của súng phóng lựu M79 găm vào đầu, ông Chiến phải đi điều trị tại K17 (Bệnh xá Quân khu 5 ngày đó). Tại đây, ông Chiến chứng kiến đồng chí Nguyễn Quốc Cải mất trên giường bệnh rồi sau đó tự tay chôn liệt sĩ dưới gốc cây mít cổ thụ gần bệnh xá. Năm 2005, ông Chiến cùng gia đình liệt sĩ Nguyễn Quốc Cải vào Quảng Ngãi tìm mộ. Vùng đồi núi của K17 xưa, nay đã thành đồi trồng cà phê, cảnh vật biến đổi nhiều. Nhưng cũng thật may mắn khi hỏi về cây mít cổ thụ, ông Chiến được người chủ mới của đồi cà phê chỉ cho gốc cây vừa bị chặt năm trước. Theo hướng con suối cạn, sau khi thắp hương, mọi người đào được bộ hài cốt có con dao găm bên sườn đúng như miêu tả trong ghi chép.

Một trường hợp khác là liệt sĩ Nguyễn Ngọc La, vừa qua đã được cháu ruột là Nguyễn Ngọc Quyết và ông Chiến đón từ Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắc Tô về quê nhà. Trong cuốn nhật ký còn 3 liệt sĩ Nguyễn Văn Tý, Hoàng Văn Cao, Lâm Văn Trình cũng đang nằm lại ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắc Tô, ông Chiến chưa tìm được thân nhân. Dành những nghĩa tình sâu nặng cho đồng đội, ông Chiến vẫn luôn cố gắng tìm kiếm và ao ước một ngày gần nhất sẽ đưa các liệt sĩ về với quê nhà để hoàn thành những dòng chữ cuối cho cuốn nhật ký chiến trường của mình. 

Bài và ảnh: ĐỨC HÀ