Những “vì sao của đất nước”

Chúng tôi từng nhiều lần trò chuyện cùng Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo (1927-2024), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, người hiểu rất rõ về quá trình ra đời của đề án đặc biệt này. Ông từng có thời kỳ là thư ký giúp việc bên cạnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo kể: “Năm 1967, trước khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có quyết định trở lại miền Nam, tôi đề cập tới việc lấy nguồn học sinh phổ thông giỏi đưa đi đào tạo cho Quân đội.

Nghe tôi trình bày ý tưởng, Đại tướng rất ủng hộ, nhưng không ngờ ông lại đột ngột qua đời khi chưa kịp có những chỉ đạo cần thiết. Từ cuối năm 1972, nhất là khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, nhiều tín hiệu cho thấy cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước vào giai đoạn kết thúc. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải chuẩn bị công việc cho tương lai. Dưới sự ủng hộ của GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi-lúc này là Hiệu trưởng kiêm Chính ủy Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự-bắt tay vào xây dựng, thực hiện đề án”.

Theo đó, nguồn tuyển sinh của đề án là bộ đội đã qua huấn luyện, chiến đấu làm nòng cốt và học sinh các trường chuyên, học sinh giỏi trên toàn quốc, bảo đảm điều kiện thi đại học từ 23 điểm trở lên, trong đó môn Toán phải được ít nhất 8 điểm. Chính bởi tiêu chí cao như vậy nên những người được lựa chọn hồi ấy thường được gọi là các “vì sao của đất nước”. Cả 10 khóa đều về Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, biên chế cao nhất đến cấp đại đội, lấy tên của đề án là 1X6 làm phiên hiệu chung. Theo đó, các đại đội (C): 186, 196, 106, 116... lần lượt được thành lập. Học viên có khoảng một năm học tập chính trị, văn hóa cơ bản cùng những quy định, lễ tiết tác phong và kỷ luật như một quân nhân thực thụ trước khi lên đường ra nước ngoài học tập.

Khóa đầu tiên tổ chức thí điểm vào năm 1972 có 40 học viên quân sự. Năm 1973, khóa thứ hai-C186 thành lập, có thêm một trung đội gồm các học sinh hệ dân sự, được đào tạo chung với các quân nhân. Đến năm 1974, C196 gồm 181 học viên, trong đó có Trung đội 2 gồm 40 học viên hệ dân sự. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam cử đại diện tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế, 3 thành viên của đội tuyển được tuyển thẳng vào đề án. Những năm sau đó, số lượng học sinh hệ dân sự tăng lên.

Trong 10 năm thực hiện đề án, có khoảng 1.500 học viên ưu tú được lựa chọn. Hầu hết trong số đó tốt nghiệp loại giỏi hoặc xuất sắc ở các trường đại học của Liên Xô và các nước Đông Âu, được tiếp nhận trở về các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội công tác. Ông Phạm Văn Khải, người nhiều năm được phân công làm Đại đội trưởng quản lý học viên thời ấy, kể: “Hiệu trưởng Đặng Quốc Bảo mỗi khi giao nhiệm vụ cho các khóa đều giới thiệu 1X6 là những “vì sao của đất nước”, là những tinh anh sẽ phục vụ công cuộc xây dựng đất nước trong tương lai. Ngoài học kiến thức, chúng tôi huấn luyện các em như một người lính, phải thực hiện nghiêm các chế độ Quân đội, kể cả hành quân vũ trang ngày đêm. Ban chỉ huy đại đội thường kể cho học viên nghe về những tấm gương cùng trang lứa đang chiến đấu trên chiến trường để học viên được đi học nước ngoài có thêm động lực cũng như trách nhiệm phải phấn đấu thay cho các bạn”.

leftcenterrightdel

Một trung đội học viên 1X6 với các cán bộ, giáo viên tại Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, năm 1974. Ảnh tư liệu

Tỏa sáng trên các lĩnh vực

Hơn nửa thế kỷ qua, 1X6 trở thành cái tên quen thuộc với nhiều người những năm đầu đổi mới. Trong ký ức của họ, dù chỉ vỏn vẹn một năm bên nhau học tập tại trường học Quân đội nhưng tinh thần 1X6, tinh thần của những người lính ngày đó đã làm nên một đội ngũ đặc biệt. Trong sự phát triển của đất nước kể từ khi thống nhất đến giai đoạn đổi mới và hiện nay có dấu ấn không nhỏ của 1X6. Bên cạnh những học viên theo học hệ chỉ huy kỹ thuật tại các học viện quân sự về pháo binh, phòng không, thông tin, còn có các ngành khoa học cơ bản như: Toán học, cơ học, vật lý, hóa học, năng lượng hay các chuyên ngành kỹ thuật công nghệ: Xây dựng, điều khiển học, điều khiển kinh tế, đo lường, điện tử, kỹ thuật truyền tin, chế tạo bán dẫn, cơ khí chính xác, cầu đường, khai thác mỏ, luyện kim, hàng hải, vận tải biển, khí tượng thủy văn...

Từ ngôi nhà chung 1X6, đã có hơn 20 tướng lĩnh giữ trọng trách cao trong Quân đội cùng nhiều người thành công ở các lĩnh vực ngoài Quân đội (giới thiệu theo chức vụ công tác cao nhất-PV) như: GS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines; Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT; Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đoàn Xuân Hưng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao...

“Đó là một tập thể tụ hợp những thanh niên có năng lực, nhiệt huyết. Từ một môi trường học tập, kỷ luật, nền nếp Quân đội tốt gắn kết họ thành một đội ngũ sẵn sàng phục vụ Quân đội và đất nước. Những kết quả đạt được cũng như nhiều kỳ vọng vào các công trình khoa học cơ bản và ứng dụng trong thời gian tới là minh chứng sinh động nhất”, Thượng tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, người rất gắn bó với 1X6, khẳng định.

Ngày 12-10-2024, tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm thành lập C196, chúng tôi có may mắn được nghe nhiều câu chuyện ấn tượng của những “vì sao” năm ấy. Trung tướng Trần Phước Tới, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, Trưởng ban liên lạc C196 kể: “Năm 1969, tôi hành quân ra Hà Nội cùng đoàn dũng sĩ miền Nam để báo cáo thành tích với Bác. Nhưng chưa ra đến nơi thì Người qua đời. Dù được lựa chọn tham gia 1X6 nhưng anh Võ Tiến Trung xin quay trở lại tiếp tục chiến đấu, còn tôi ở lại học bổ túc văn hóa. Tại Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, ngoài giảng viên của trường, chúng tôi còn được các giáo viên giỏi nhất của hai trường đại học hàng đầu trong nước về khoa học cơ bản lúc bấy giờ là Bách khoa và Tổng hợp giảng dạy. Ngoại ngữ thì có các giảng viên của Việt Nam và Nga đảm nhiệm. Tôi vẫn nhớ mỗi sáng được nghe tiếng loa báo thức bằng tiếng Nga. Đây là một cách hữu ích để học viên có thể quen với môi trường ngoại ngữ ngay từ sớm”.

Bấy giờ, do điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nên hầu hết học viên sang nước bạn đều đăng ký học thẳng  mà không qua năm học dự bị để tiết kiệm ngân sách. Một trong số đó là Thiếu tướng Lê Bá Tấn, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc. Ông kể: “Tôi học Trường cấp 3 Việt Đức, mang quân hàm Binh nhất vào học thẳng Đại học Bưu điện Leningrad mà không qua dự bị. Trong khi các bạn nghỉ ngơi sau giờ lên lớp thì tôi phải lên thư viện tìm sách để về tự học và nâng cao khả năng ngoại ngữ, mất vài tháng mới quen được”. Kết thúc khóa học, với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, Lê Bá Tấn được phân công về Binh chủng Thông tin liên lạc, tiếp tục theo đuổi chuyên ngành mà đất nước đang rất cần. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, ông thường xuyên cùng bộ đội tới các chốt tiền tiêu, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. 

Là những học sinh từng đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Toán được lựa chọn tham gia đề án, GS, TSKH, Viện sĩ Lê Tuấn Hoa (được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017) và TS Hoàng Lê Minh (nguyên Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam) đã chia sẻ những kỷ niệm thời tuổi trẻ hăng say học tập, nghiên cứu. Cũng như nhiều “vì sao” khác, các ông đều khẳng định sự thành công mà học viên 1X6 có được trước hết là vì họ đều có tinh thần của một người lính. Thời gian học tập, rèn luyện ở Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự đã cho họ một tiền đề, khơi dậy tiềm năng của bản thân để quyết định hướng phát triển...

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không thể kể hết tên tuổi những thế hệ 1X6 đã trưởng thành và có mặt trong hầu khắp lĩnh vực của đất nước. Họ là những minh chứng sống động cho khẳng định của Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo: “Thành tựu lớn nhất của đề án 1X6 không chỉ là đào tạo nhân lực, sẵn sàng cho thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước mà những bước đi của đề án cũng cho thấy tính toán dài hơi cho tương lai”.

SONG THANH - PHƯƠNG MAI