Một ngày cuối thu năm 1986, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại (1933-2019), nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, khi đó là Trưởng phòng Chiến trường thuộc Cục Tác chiến, được tháp tùng Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ huy lực lượng cứu hộ cống và đê Nội Doi thuộc tỉnh Hà Bắc.
Ông kể: “Hôm ấy, Cục Tác chiến nhận được bức điện khẩn của UBND tỉnh Hà Bắc cho biết, cống Nội Doi ở hữu ngạn đê sông Cầu bị vỡ, mặt đê bị sạt lở lớn. Lực lượng tại chỗ đã nỗ lực khắc phục nhưng không hiệu quả, nguy cơ vỡ đê chỉ tính bằng giờ và nếu đê bị vỡ thì cả hai tỉnh Hà Bắc và Hải Hưng sẽ ngập chìm trong biển nước, tính mạng hơn 2 triệu người dân bị đe dọa nghiêm trọng, đề nghị Bộ Quốc phòng chi viện và hỗ trợ gấp. Nhận được báo cáo từ trực ban tác chiến, ngay lập tức, Phó tổng Tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền trực hôm đó đã chỉ thị cho Cục Tác chiến và Quân chủng Phòng không-Không quân chuẩn bị máy bay trực thăng đưa ông cùng đoàn cán bộ đến ngay hiện trường”.
Chỉ sau chục phút bay, từ trên trực thăng nhìn xuống, cả đoàn quan sát thấy một đoạn đê dài mấp mé nước bị khoét một hố sâu hoắm; phía dưới, nước chảy cuồn cuộn tại khu vực cống vỡ... Máy bay phải lượn mấy vòng mới tìm được bãi đáp. Tới nơi, đoàn chứng kiến gần 200 người mặt mũi bơ phờ đang đóng đá vào rọ sắt rồi lăn xuống miệng cống và rải dọc mặt đê ngăn nước tràn qua. Họ là những học viên của Trường Trung cấp Hậu cần đóng quân gần đó.
“Một cuộc hội ý diễn ra ngay tại hiện trường. Có nhiều phương án được đưa ra để bịt kín cửa cống vỡ, nhưng sau khi thảo luận vẫn chưa chọn được phương án tối ưu. Thượng tướng Lê Ngọc Hiền quay sang hỏi tôi: “Đồng Thoại có cao kiến gì không?”. Do trước đó tôi và anh Thanh, Trợ lý Công binh đã bàn bạc kỹ với nhau nên tôi trả lời ngay: Thưa anh, vấn đề lớn bây giờ là phải có lực lượng, trang bị đủ mạnh và phải có một tổ chức chỉ huy giỏi.
Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” này, phải điều ngay Quân đoàn 2 tới ứng cứu mới được. Tôi nêu ý kiến này vì nếu để hàn khẩu cứu đê thì chỉ cần một lực lượng công binh tinh nhuệ là đủ, song chúng tôi nghĩ đến việc phải cứu dân đề phòng đê bị vỡ. Nếu khi đê vỡ mới điều binh thì e không kịp. Lúc ấy, anh Hiền bảo: Điều lực lượng một quân đoàn đâu phải là chuyện đơn giản. Đến ngay Bộ trưởng cũng còn phải xin ý kiến của Bộ Chính trị và Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) nữa là Phó tổng Tham mưu trưởng. Nhưng nghe chúng tôi khẩn thiết đề nghị vì thời gian rất gấp, đê có thể bị vỡ ngay trong ngày, khi ấy hậu quả sẽ hết sức khôn lường nên dù còn đôi chút đắn đo song anh Hiền đứng phắt dậy cả quyết: “Ta làm thôi, nếu cấp trên phê bình thì đành chịu vậy!”, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại nhớ lại.
Tại sở chỉ huy Quân đoàn 2, chỉ chừng 15 phút sau khi nghe phổ biến mệnh lệnh, toàn bộ đội hình đã có mặt sẵn sàng đợi lệnh xuất phát. Sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn lên trực thăng đi cùng đoàn công tác xuống hiện trường. Một số đơn vị công binh và pháo binh của Quân đoàn 2 đang làm nhiệm vụ gần đó đã được điều tới và có mặt kịp thời, thay thế cho số học viên Trường Trung cấp Hậu cần. Đơn vị công binh chọn ra một số cán bộ, chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm để đánh chìm chiếc sà lan mà tỉnh Hà Bắc đã chuẩn bị sẵn. Sà lan được đánh chìm xuống nằm dọc thân đê, chặn trước miệng cống.
Để bịt cống, lực lượng công binh Quân đoàn 2 dùng những sợi dây thép to buộc chặt vào các rọ đá hộc, rồi neo vào cọc sắt của chiếc sà lan bị đánh chìm (cắt dây sao cho chỉ đủ dài tới miệng cống). Khi rọ đá được thả xuống, nó sẽ được giữ lại trước miệng cống mà không bị nước cuốn trôi. Đây là sáng kiến của một sĩ quan công binh trẻ và Thượng tướng Lê Ngọc Hiền đã cho triển khai ngay. Chỉ sau chừng 30 phút, hàng trăm chiếc rọ sắt chứa đầy đá hộc được thả xuống theo cách đó mà không bị trôi mất rọ nào. Miệng cống đã được bịt một cách cơ bản. Song đây chỉ là giải pháp tình thế vì không hoàn toàn chặn được nước chảy qua cống.
Một cuộc trao đổi giữa các cán bộ Quân đội và chuyên gia thủy lợi địa phương còn chưa ngã ngũ thì Chủ nhiệm Công binh Quân đoàn 2 đề xuất cho phép áp dụng kinh nghiệm của công binh Trường Sơn hồi chiến tranh. Ông gọi đây là cách “bó bột” cho đê. Theo đó, sẽ đóng cọc dưới sông, bao cửa cống ở cả hai phía (gồm cả chiếc sà lan bị đánh chìm), rồi dùng những bao cát và đất tạo nên một con đê quai. Sau đó dùng máy bơm hút nước ra và lèn đất vào phía trong, chờ đến mùa khô sẽ dỡ ra làm lại cống và đoạn đê xung yếu bị tràn, vỡ. Cách làm này được cả đồng chí Lê Ngọc Hiền và đồng chí Thái Cán, Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 2 đồng ý cho triển khai thực hiện. Đến khoảng 5 giờ chiều, đoạn đê quai ngoài cống được hình thành và toàn bộ dòng chảy rò rỉ đã được bịt kín hết.
“Công việc cứu đê Nội Doi tạm ổn, anh Hiền cùng chúng tôi trở về sở chỉ huy. Thay mặt anh em trong đoàn, anh Hiền lên báo cáo ngay với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Văn Tiến Dũng và Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn. Cả hai anh đều khen ngợi xử lý như vậy là đúng đắn, kịp thời và sáng suốt. Hai ngày sau, chúng tôi quay lại Nội Doi để kiểm tra thì cả cống bị vỡ và một quãng đê dài bị sạt lở đã được “bó bột” hoàn toàn. Lúc này, chúng tôi mới thực sự yên tâm. Quân đoàn 2 cho đến lúc này mới được lệnh rút phần lớn lực lượng khỏi Nội Doi, chỉ còn một bộ phận công binh ở lại để tiếp tục theo dõi, gia cố cống và đê”, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại cho biết.
TRẦN NGỌC LONG