Tổ 1 do Trung đội trưởng Trung đội 46 Lục Cắm Sềnh chỉ huy, gồm các đồng chí: Chu Tứ Hải, Phạm Sinh, Hoàng Chương, Phạm Duyên, phạm vi hoạt động từ bến phà Ninh Dương đến xã Đoan Tĩnh (nay là phường Hải Yên), mục tiêu chính là diệt bốt Ninh Dương. Tổ 2 do Tiểu đội trưởng Trần Hồng chỉ huy, gồm các đồng chí: Hoàng A Sinh, Nguyễn Văn Luyện, phạm vi hoạt động từ đồn Thán Phún xuống đồn Lộc Phủ. Tổ 3 do Tiểu đội trưởng Vân chỉ huy, phạm vi hoạt động từ bốt hồ Thín Cóng đến bốt Pạt Cạp, mục tiêu chính là diệt bốt Pạt Cạp. Huyện đội trưởng trực tiếp lập kế hoạch và chỉ huy, phân công Trung đội 45 yểm hộ. Tiểu đội trưởng Vân ôm bộc phá giật nổ sập một nửa lô cốt, san phẳng một nhà ở của lính. Diệt 28 tên lính, tổ biệt động do đồng chí Vân phụ trách rút an toàn.
|
|
Khu phố Hòa Lạc (Móng Cái, Quảng Ninh) trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu
|
Tôi được Tiểu đội trưởng quân báo Chu Tứ Hải (sinh năm 1930, quê Thủy Nguyên, Hải Phòng, sau này là anh rể của tôi) kể khá chi tiết về trận đánh bốt Ninh Dương do Tỉnh đội phó Trác Vinh Nam trực tiếp thông qua kế hoạch và chỉ huy trận đánh. Tối 1-3-1954, Tiểu đội trưởng Chu Tứ Hải được phân công ôm quả đạn súng cối 120mm (chiến lợi phẩm thu được trong trận đánh đồn Bình Liêu ngày 25-12-1950, đã được công binh cải tiến thành bộc phá) vào đặt dưới chân lô cốt Ninh Dương. Anh kể lại: “Hôm ấy, sau khi đốt dây cháy chậm rồi rút ra ngoài, nhìn lại, nghi ngờ dây chưa cháy nên tôi quyết định quay lại đốt tiếp. Đến nơi, thấy dây cháy chậm vẫn cháy ngầm nên thời gian an toàn bị rút ngắn. Quả đạn súng cối 120mm phát nổ, lô cốt 3 tầng sập đổ hoàn toàn, chôn vùi toàn bộ 38 tên lính ngủ trong lô cốt. Do cự ly an toàn bị rút ngắn, tôi bị sức ép quả bộc phá thổi bay ra bờ sông Ka Long, nằm bất tỉnh. Đến tối, vì sương đêm lạnh nên tôi tỉnh lại rồi rút về căn cứ an toàn”.
Tiếp tục thực hiện chủ trương của tỉnh, Huyện ủy Móng Cái đã lãnh đạo quân và dân trong huyện đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh với địch để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Phong trào tòng quân đánh giặc và quyên góp vũ khí, lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lan rộng khắp các làng, xã trong toàn huyện. Nhân dân các dân tộc huyện Móng Cái tuy còn khó khăn nhiều mặt song đã quyên góp ủng hộ kháng chiến được 913 tấn gạo, ngô, gần 50 vạn đồng tiền Đông Dương. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức bắn tỉa các đồn, bốt Thán Phún, Lộc Phủ, hồ Thín Cóng; chôn mìn, cắt dây điện thoại trên Đường số 4. Nổi bật là lần Tiểu đội trưởng quân báo Lê Việt Mễ chôn mìn trên đường cách đồn Lộc Phủ 4km. Một xe vận tải quân sự của địch chở lương thực, thực phẩm cung cấp cho đồn Lộc Phủ dính mìn, xe lật đổ dưới chân núi U Bò, rơi xuống vực sông biên giới, 3 tên lính trên xe chết ngay tại chỗ. Tháng 2-1954, bộ đội địa phương huyện tập kích lô cốt hồ Thín Cóng, đồn Thán Phún...
|
|
Cựu chiến binh Diêu Nhật Thăng. Ảnh: DIỆU HUYỀN |
Ngày 13-3-1954, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn thì quân và dân huyện Móng Cái cũng liên tiếp mở các đợt tấn công vào đồn, bốt địch ở địa phương, phá hủy cầu Bà Mai thuộc xã Xuân Lạn (nay là xã Hải Xuân), cầu cây số 5 trên Đường số 4 và cầu Quá Phố thuộc xã Đoan Tĩnh. Địch phải điều thêm quân lên hỗ trợ nhưng không đạt kết quả. Sau khi Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, quân ngụy ở Móng Cái hoang mang dao động, tinh thần rệu rã, đào ngũ. Những hành động nhằm cố gắng “lấy lại thanh thế” của chúng gặp phải các trận đánh trả quyết liệt của quân, dân ta và nhanh chóng thất bại. Hiệp định Geneva được ký kết, quân đội Pháp cũng phải rút khỏi Móng Cái.
Từ ngày 28-7-1954, tôi vinh dự có mặt trong đoàn quân chiến thắng của Huyện đội Móng Cái. Chúng tôi gồm thanh niên các dân tộc từ Vạn Ninh, Trà Cổ, Quất Đông, Vĩnh Thực, Tràng Vinh, Thán Phún... rời nhà đi kháng chiến. Những ngày này, chúng tôi được trở về trong sự chào đón của nhân dân. 70 năm đã qua, hình ảnh những chàng trai trẻ trong bộ quân phục gọn ghẽ qua phà sông Ka Long tiến vào trung tâm huyện lỵ Móng Cái tiếp quản, diễu hành, chiếm lĩnh các vị trí quân sự không còn bóng một tên lính Pháp vẫn hiện rõ trong ký ức tôi.
DIÊU NHẬT THĂNG