Rút ngắn gần một năm đào tạo
Đại tá, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lev Nicolaievitr Marcov, nguyên giảng viên Trường Tên lửa phòng không Minsk (Belarus), là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô sang công tác ở Việt Nam từ tháng 10-1971 đến tháng 8-1972. Khi đó, L.N. Marcov mang quân hàm thiếu tá, là chuyên gia, giảng viên Trường Phòng không (nay là Học viện Phòng không-Không quân, Quân chủng Phòng không-Không quân). Với tất cả lòng nhiệt huyết, ông đã mang kiến thức và kinh nghiệm tác chiến tên lửa phòng không truyền đạt cho cán bộ, sĩ quan Việt Nam. Ông đánh giá, học viên quân đội Việt Nam ham học, sáng tạo và vận dụng tốt kiến thức, kinh nghiệm vào khai thác khí tài, nhờ đó chiến đấu hiệu quả. Những năm chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc, các chuyên gia quân sự Liên Xô liên tục cập nhật những thay đổi về kỹ thuật, chiến thuật mà không quân Mỹ sử dụng, nhất là sử dụng nhiễu chống radar, chống tên lửa để vô hiệu hóa hệ thống tên lửa phòng không Việt Nam. Qua thực tế nghiên cứu, nhận dạng dải nhiễu, thủ đoạn gây nhiễu của không quân Mỹ, các chuyên gia quân sự Liên Xô kịp thời truyền đạt cho học viên, bộ đội tên lửa Việt Nam. Đại tá L.N. Marcov nhớ lại: “Ở Trường Phòng không, chúng tôi đào tạo học viên theo quy trình học tập, thực hành trên mô hình, sau khi thành thạo mới thực hành trên khí tài thật. Điều đáng nói là, học viên Việt Nam tiếp thu rất nhanh và sáng tạo, như việc đào tạo, khai thác hệ thống khí tài tên lửa phòng không, chương trình 18 tháng, nhưng ở Việt Nam, học viên chỉ cần 8 tháng đã khai thác, làm chủ khí tài và vận hành chiến đấu hiệu quả. Điển hình là sử dụng tên lửa phòng không trong các cuộc chiến đấu chống không quân Mỹ đánh phá miền Bắc và chiến dịch phòng không tháng 12-1972, bắn rơi nhiều máy bay B-52”.
Đại tá L.N Marcov cho biết, khi ta thu được một quả tên lửa chống radar Shrike của Mỹ, các chuyên gia Liên Xô và các sĩ quan tên lửa Việt Nam đã cùng nghiên cứu. Bộ đội tên lửa Việt Nam đã phát hiện nguyên lý hoạt động của tên lửa Shrike là sau khi phóng, tên lửa tìm và khóa mục tiêu theo sóng radar, rồi đánh thẳng vào đài radar điều khiển. Từ đó, cùng các chuyên gia Liên Xô tìm giải pháp vô hiệu hóa tên lửa Shrike bằng cách phát sóng tức thì, tắt máy đột ngột và quay đài anten đi hướng khác. Tên lửa Shrike bám sóng radar, bị mất sóng, không bắt được mục tiêu nên bay theo quán tính và rơi chệch trận địa...
Khi rời Việt Nam trở về nước, ông Marcov tiếp tục làm công tác giảng dạy. “Cuộc đời làm giảng viên của tôi, ấn tượng nhất là những năm tháng làm chuyên gia giúp Việt Nam. Từ thực tiễn chiến đấu và kinh nghiệm tác chiến tên lửa phòng không tại Việt Nam, tôi đã biên soạn, đưa vào bài giảng để truyền đạt cho các thế hệ sĩ quan tên lửa phòng không Belarus sau này”, Đại tá L.N Marcov cho biết.
Sáng tạo về chiến thuật phòng không
Đại tá Vinsenski Volodimir, chuyên gia tên lửa phòng không S-75 Dvina, sang công tác ở Việt Nam từ tháng 4-1966 đến tháng 3-1967. Ông trực tiếp huấn luyện bộ đội và cùng Trung đoàn 238 nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 từ thực tế chiến trường Bắc Trung Bộ. Ông cho biết: “Mặc dù điều kiện địa hình hiểm trở, chia cắt của sông ngòi, rừng núi, nhưng bộ đội tên lửa Việt Nam cơ động rất tốt, rất nhanh; nắm chắc điều lệnh, kỹ thuật, nguyên tắc bắn và vận dụng sáng tạo vào thực tế chiến đấu. Ngoài việc bố trí các trận địa chính, còn làm các trận địa phụ để tránh máy bay Mỹ không kích; xây dựng các trận địa tên lửa giả bằng cót ép, ngụy trang kín đáo. Khi trận địa tên lửa thật phóng đạn, thì các trận địa tên lửa giả cũng đốt lửa, tạo khói ngụy trang, khiến cho máy bay Mỹ nhiều lần đánh phá vào trận địa giả, nhờ đó, các trận địa tên lửa thật được bảo toàn...”.
Đại tá L.N Marcov cũng chia sẻ, ngoài việc bộ đội tên lửa Việt Nam tạo mục tiêu giả, ngụy trang rất tốt, các bạn còn sáng tạo các trận địa tên lửa đặt ở trên cao; sử dụng tên lửa đánh phục kích; tìm ra cách đánh “3 điểm”... Khi không quân Mỹ thay đổi chiến thuật, bộ đội tên lửa Việt Nam cùng với chuyên gia Liên Xô nghiên cứu, nắm bắt rất nhanh các giải pháp đối phó, giải quyết những khó khăn để chiến đấu thắng lợi.
Niềm tin thắng lợi
Cựu chuyên gia quân sự Liên Xô Stupard Rostislav, người Ukraine, công tác ở Việt Nam từ năm 1971 đến 1972, trên cương vị đại úy, sĩ quan điều khiển-dẫn đường. Chứng kiến những ngày tháng 12-1972, ông bày tỏ sự khâm phục tinh thần yêu nước, dũng cảm của bộ đội tên lửa Việt Nam. “Bộ đội tên lửa Việt Nam đã biết tự bảo vệ rất tốt, như việc tính toán thời gian mở radar vừa đủ để phát hiện mục tiêu, “vạch nhiễu tìm thù”, vừa phòng tránh tên lửa Shrike hiệu quả. Bộ đội tên lửa Việt Nam cũng ngụy trang rất tốt, tôi từng đến một trận địa tên lửa, có đào hào xung quanh, đài điều khiển ngụy trang kín, kể cả anten, đến gần mà không phát hiện được”, ông S. Rostislav đánh giá.
Đại tá Vladimir Mislav Lagutin, nguyên giảng viên Trường Tên lửa phòng không Minsk, cựu chuyên gia quân sự Liên Xô, sang Việt Nam làm giảng viên chuyên ngành tên lửa phòng không tại Trường Sĩ quan Phòng không từ tháng 10-1972 đến tháng 9-1973. “Trong 12 ngày đêm tháng 12-1972, tôi ở Sơn Tây, làm nhiệm vụ huấn luyện sĩ quan điều khiển, trắc thủ tay quay tên lửa S-75 Dvina. Tôi theo dõi chiến sự và không khỏi lo lắng khi không quân Mỹ sử dụng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội và một số địa phương miền Bắc. Nhưng khi bộ đội tên lửa Việt Nam bắn hạ chiếc B-52 đầu tiên, rồi đến chiếc thứ 4, thứ 5... thì tôi hoàn toàn tin rằng Việt Nam sẽ thắng. Và cuối cùng các bạn đã chiến thắng. Đó là chiến thắng của trí tuệ, tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm”, Đại tá V.M Lagutin nhớ lại.
AN ĐIỀN XUÂN