Mái lá rì rào kể chuyện chiến tranh

Đầu năm 2021, anh Phan Thanh Dũng, Việt kiều đang sinh sống tại Đức có hẹn với tôi sẽ về nước, cùng nhau trở lại thăm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam vào dịp nghỉ lễ 30-4. Thế rồi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi dự định đều phải gác lại.

Có cuộc hẹn ấy là bởi, cuối năm 2020, trong một chuyến công tác về vùng biên giới tỉnh Tây Ninh, tôi có ghé thăm Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Vài câu chuyện tôi chia sẻ trên mạng xã hội ở khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt khiến anh Dũng rất hào hứng và xúc động. Anh bảo, khu rừng ấy, vùng đất ấy, những hình ảnh, hiện vật trong khu di tích ấy chứa đựng một phần cuộc đời anh, nơi lưu giữ những ký ức kháng chiến không thể nào quên của ba má anh...

leftcenterrightdel

Du khách tham quan hệ thống giao thông hào trong khu di tích (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh do Ban Quản lý khu di tích cung cấp 

Trong chuyến du lịch về nguồn cuối năm 2020, chúng tôi được anh Cao Hữu Phương, cán bộ Ban Quản lý khu di tích giới thiệu rằng: Khu di tích này còn được biết đến với những tên gọi khác, như: R (mật danh của Trung ương Cục miền Nam), Căn cứ Chàng Riệc (gọi theo tên khu rừng đặt căn cứ), Căn cứ Phạm Hùng (đồng chí Phạm Hùng từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục trong một thời gian dài), Căn cứ địa Bắc Tây Ninh... Khu di tích lịch sử được bố trí thành 3 phân khu, gồm: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Phân khu di tích Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nằm bên dòng suối có cái tên khá độc đáo là suối Chò, được bố trí thành 3 khu vực chức năng, gồm: Khu di tích gốc, có các công trình: Nhà bảo vệ, nhà giao liên, nhà khách, nhà các đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Phùng Văn Cung, Võ Chí Công, bếp Hoàng Cầm, hội trường và một số đoạn giao thông hào, hầm trú ẩn...; Khu tưởng niệm gồm nhà bia, nhà đón tiếp, nhà trưng bày...; Khu bảo tồn là không gian rừng nguyên sinh, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ nguyên trạng. Để có được diện mạo như hôm nay, khu di tích đã trải qua hai lần trùng tu, tôn tạo vào năm 1992 và năm 2005.

Tham quan khu di tích, chúng tôi rất ấn tượng trước những căn nhà dựng bằng cây rừng, lợp lá trung quân. Hệ thống những hạng mục công trình này đều được phục dựng nguyên trạng từ các hình ảnh, tư liệu lịch sử và các nhân chứng. Việc làm những căn nhà này trong thời kỳ kháng chiến đã góp thêm một nét độc đáo về kỹ năng ngụy trang và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Lá trung quân không bén lửa và rất khó cháy trong điều kiện thông thường. Lá khô, đồng màu với màu đất của núi rừng Đông Nam Bộ. Đó là những yếu tố thuận lợi để xây dựng căn cứ kháng chiến với tinh thần “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. 

Bên mái lá trung quân, dưới bóng cây cổ thụ và trầm tích đất đai, những câu chuyện lịch sử dội về, hiện lên như những thước phim quay chậm...

Anh Phan Thanh Dũng, tuổi ngoài 60, đã có hơn 40 năm định cư tại Đức. Sinh sống, làm việc, hòa mình trong nền văn hóa xứ người, nhưng con người anh vẫn rặt chất Nam Bộ, ký ức của anh thời thơ bé trú trong hầm tránh bom dưới mái trung quân như vẫn vẹn nguyên. Thân phụ anh Dũng là nhà cách mạng quá cố Phan Kiệm, nguyên Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, nguyên cán bộ Trung ương Cục miền Nam, còn thân mẫu là bà Dương Kim Bằng, làm việc trong tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đảm trách cương vị Phó bí thư chi bộ xã Hòa Hiệp (khu Căn cứ Trung ương Cục, nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Là một bác sĩ, bà Dương Kim Bằng đã vận động, tập hợp bà con trong vùng căn cứ kháng chiến tập trung sản xuất, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các lực lượng kháng chiến...

Cha mẹ đều hoạt động trong vùng căn cứ, nên anh Dũng được đưa vào học tại Trường Nguyễn Văn Trỗi, ngôi trường dành cho con em cán bộ, đồng bào vùng căn cứ kháng chiến, dựng bằng cây rừng, lợp lá trung quân. “Trong một lần máy bay Mỹ ném bom, tôi và các bạn được cô giáo đưa xuống hầm trú ẩn. Quả bom rơi sát cửa hầm. Cô giáo và một số bạn của tôi tử vong, máu chảy lênh láng, thi thể không còn nguyên vẹn. Thời khắc và hình ảnh đau thương ấy cứ ám ảnh tôi suốt mấy chục năm qua. Chiến tranh quá tàn khốc và ác liệt”, anh Dũng cảm thán.

Ký ức sâu đậm thế nên lần nào về nước, anh Dũng cũng đến khu di tích để được trở về thời thơ ấu, nghe mái lá rì rào kể chuyện chiến tranh. Tôi lại phải hẹn anh, khi nào dịch bệnh được khống chế, anh về nước, tôi sẽ đi cùng anh về thăm căn cứ.

Sáng mãi bài học lịch sử

Đại tá, PGS, TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7, là người rất tâm huyết với các công trình nghiên cứu về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Anh khẳng định: Càng đi sâu nghiên cứu về sự ra đời và hiệu quả hoạt động của mặt trận, càng giúp chúng ta nhìn rõ hơn những bài học lịch sử quý giá, rất có giá trị cho thời đại ngày nay.

Năm 2019, Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đón hơn 50.000 lượt du khách đến tham quan và hơn 1.000 đoàn khách thực hiện các hoạt động về nguồn, cắm trại. Năm 2020, lượng du khách giảm khoảng 50%. Riêng năm 2021, nhất là từ tháng 4 đến nay, khu di tích phải đóng cửa do dịch Covid-19. Trong khoảng thời gian này, Ban Quản lý khu di tích tập trung làm công tác bảo quản, củng cố tư liệu, hiện vật lịch sử, chăm sóc cảnh quan môi sinh để sẵn sàng mở cửa khi đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường...

Ngay sau khi thành lập vào ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nhanh chóng tập hợp sức mạnh từ các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, nhân sĩ yêu nước ở khắp các tỉnh, thành phố miền Nam. Có được kết quả đó là nhờ chủ trương và chương trình hành động của mặt trận thể hiện rõ nguyện vọng, ý chí của đại đa số đồng bào, chiến sĩ. Mục tiêu hoạt động của mặt trận là tập hợp lực lượng đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm; thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện cải thiện dân sinh; giảm tô, giải quyết ruộng đất cho nông dân, giúp người cày có ruộng; xây dựng nền văn hóa giáo dục dân tộc, dân chủ; xây dựng một quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân; thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo hộ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào; chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập; lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc; chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hòa bình thế giới...

Chương trình hành động của mặt trận đã giải quyết căn bản, đúng đắn những vấn đề cơ bản của cách mạng miền Nam. Chính vì vậy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã có sức thu hút mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân trong vùng giải phóng và các đô thị lớn. Bên cạnh Ủy ban Trung ương, khắp các địa phương đều thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ủy ban Mặt trận địa phương được tổ chức ở 4 cấp: Cấp khu, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Đến tháng 10-1962, trong số 41 tỉnh, thành phố từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau thì có 38 tỉnh, thành phố có Ủy ban Mặt trận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là ngọn cờ công khai đoàn kết, tập hợp, tổ chức, lãnh đạo các hoạt động đấu tranh trên cả 3 mặt trận: Quân sự, chính trị, ngoại giao, có uy tín trong nước và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Trong Hội nghị nhân dân 3 nước Đông Dương tháng 3-1965, mặt trận là đại biểu chính thức của nhân dân miền Nam Việt Nam...

“Hơn 6 thập kỷ nhìn lại, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm nhìn chiến lược, ý chí, khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chủ trương tập hợp lực lượng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Chương trình hành động và những bài học lịch sử quý báu từ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn vẹn nguyên tính thời sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhất là những bài học tập hợp lực lượng, huy động sức dân và các nguồn lực xã hội cho mục tiêu chung”, Đại tá, PGS, TS Hồ Sơn Đài khẳng định.

NGUYỄN THẾ TRUNG