Đất mũi Cà Mau đang đổi thay từng ngày. Trên mảnh đất này, ngày 21-1-1955, đồng chí Lê Duẩn đã thực hiện cuộc “tập kết ngược” từ chiếc tàu viễn dương Kilinsky của Ba Lan. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Vân, phu nhân Tổng Bí thư Lê Duẩn: Trước khi rời tàu trở lại Cà Mau, anh Ba nói: “Anh thương vợ con anh như thế nào, thì anh cũng thương đồng bào, đồng chí của mình như thế, cho nên anh phải ở lại cùng đồng bào, đồng chí miền Nam chiến đấu...”. Trước đó, anh từng thổ lộ với tôi: “... Theo anh nghĩ, tình hình miền Nam rồi đây sẽ còn khó khăn lắm...”.
Điều tiên đoán về tình hình miền Nam sau Hiệp định Geneva luôn đau đáu trong trái tim đồng chí Lê Duẩn. Ông Lê Toàn Thư, nguyên Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ (1956-1960) từng cho biết: Sau khi dự lớp chỉnh đốn Đảng của Trung ương mở cho cán bộ trung, cao cấp của Liên khu 5 và Nam Bộ ở vùng tự do Liên khu 5 (năm 1954), dọc đường đi từ Quảng Ngãi đến Quy Nhơn (Bình Định), đồng bào treo cờ đỏ sao vàng rực rỡ, vui tươi đón mừng hòa bình được lập lại sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, nhưng chúng tôi thấy anh Ba nét mặt đăm chiêu, trầm tư, nghĩ ngợi... Đến một đoạn đường vắng, bỗng chúng tôi thấy anh Ba nước mắt tràn trề... Qua cơn xúc động, anh nói: “Thương đồng bào, đồng chí quá các anh ơi! Hôm nay đồng bào vui mừng thế đấy, nhưng mai đây đồng bào sẽ bị chúng nó khủng bố, trả thù, tàn sát, đàn áp dã man. Đau đớn lắm các anh ơi!”.
|
|
Tổng Bí thư Lê Duẩn với các dũng sĩ miền Nam, năm 1972. Ảnh tư liệu |
Điều đồng chí Lê Duẩn dự đoán đã diễn ra. Chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp nơi nhằm tìm và lùng bắt những người cộng sản. Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), người được phân công nhiệm vụ nắm địch tình và bảo vệ đồng chí Lê Duẩn trong thời kỳ hoạt động ở miền Nam, lúc sinh thời từng chia sẻ: “Kẻ thù lật lọng phá hoại Hiệp định Geneva... Dân chúng căm uất, chỉ mong được vùng lên, chiến đấu và làm nên chiến thắng như hồi 9 năm. Tôi nhớ mãi lời của một ông già mù ở xã Tân Hưng Tây (Cà Mau), bác Mười Đỏ: “Mày hỏi giùm tao các anh lãnh đạo là có đứng dậy mà đánh hay không? Có hay không thì nói đi. Nếu không đánh Mỹ-ngụy thì chết hết. Đảng bị diệt. Bọn bay chết. Tụi tao cũng chẳng thể sống”… Chúng tôi tập hợp mọi thông tin báo cáo trực tiếp với anh Ba. Nét mặt anh lúc đó sắt đanh, trầm tư, chẳng nói chẳng rằng”.
Trong thời gian hoạt động bí mật, nắm bắt tình hình thực tiễn ở miền Tây Nam Bộ, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn đã xác định: Chiến tranh cách mạng ở Việt Nam là “cuộc đụng đầu lịch sử” giữa các lực lượng phản cách mạng, đứng đầu là Mỹ với các lực lượng thuộc 3 dòng thác cách mạng và sức mạnh của dân tộc ta ở chiến trường miền Nam với tính chất quyết liệt, ác liệt rất cao. Đồng thời xác định xu thế, sức mạnh thời đại kết hợp với sức mạnh của dân tộc để đánh và thắng Mỹ. Đồng chí Lê Duẩn đã viết “Đề cương cách mạng miền Nam” đề cập vấn đề bạo lực cách mạng và đấu tranh vũ trang.
Theo lời kể của các đồng chí Nguyễn Văn Hoành (Tư Hoành) và Trần Văn Hoành (Năm Hoành)-những người cộng sự gần gũi của đồng chí Lê Duẩn trong những tháng năm hoạt động bí mật, bản sơ thảo “Đề cương cách mạng miền Nam” lần đầu tiên đã được đồng chí Lê Duẩn viết dưới mái chòi con nằm ẩn mình phía sau ngôi nhà của vợ chồng ông Huỳnh Văn Diêm (Năm Diêm) tại xóm Láng Cháo, ấp Lung Lá, xã Phú Mỹ (nay là xã Phú Tân), huyện Cái Nước (Cà Mau). Trong đề cương, đồng chí Lê Duẩn đã sớm đi tới chân lý: “Vì sao phải đẩy mạnh đấu tranh cách mạng ở miền Nam? Vì chừng nào còn ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai thì đồng bào ta ở miền Nam còn bị áp bức, bóc lột nặng nề, sự nghiệp hòa bình thống nhất đất nước còn bị phá hoại nghiêm trọng, hơn nữa, chẳng những miền Nam bị kẻ thù giày xéo mà cả nước có nguy cơ bị chúng xâm chiếm. Trong hoàn cảnh đó, nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ-Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác… Toàn thể đảng bộ và đồng bào ta ở miền Nam cần nhận rõ đường lối chung của cách mạng cả nước. Đồng thời để làm tròn nhiệm vụ giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng tiến lên thì đảng bộ và đồng bào miền Nam còn phải nắm vững đường lối cách mạng miền Nam nữa”.
Bản đề cương đã trở thành cơ sở trực tiếp cho Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) năm 1959, quyết định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, từ thoái trào và thế gìn giữ lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công.
NGỌC GIANG