Sau khi Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 (tháng 1-1959) về con đường phát triển cách mạng miền Nam, phong trào đồng khởi của nhân dân miền Nam bùng lên mạnh mẽ. Mỹ, ngụy chuyển từ chiến lược “chiến tranh đơn phương” sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Chúng tổ chức tấn công mạnh mẽ vào vùng giải phóng của ta hòng thực hiện âm mưu “bình định miền Nam trong vòng 18 tháng”. Trước động thái mới của địch, các lực lượng vũ trang của ta trên khắp chiến trường miền Nam được thành lập, điều chỉnh lực lượng cho phù hợp với tình hình mới. Tại huyện Hòa Vang (tỉnh Quảng Nam, nay thuộc TP Đà Nẵng), ngày 18-7-1961, Trung đội 5 tách khỏi Tỉnh đội Quảng Nam về trực thuộc Huyện đội Hòa Vang. Đến tháng 2-1962, Trung đội 3 (mang phiên hiệu H16) được thành lập trên cơ sở điều chuyển quân số từ Trung đội 5. Cuối năm 1967, chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, huyện Hòa Vang được chia làm 3 khu: Khu 1, Khu 2 và Khu 3; mỗi khu có đơn vị hành chính tương đương cấp huyện. Lực lượng vũ trang của huyện cũng được biên chế về các khu, hoạt động độc lập. Trong đó, đơn vị H16 được biên chế về Khu 2 và đổi phiên hiệu thành Đại đội 2, do đồng chí Trần Thành làm Đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Ái làm Chính trị viên trưởng kiêm Bí thư chi bộ. Phạm vi tác chiến của Đại đội 2 được trải rộng trên địa bàn 11 xã và 2 thị trấn (Túy Loan, Cẩm Lệ) thuộc cánh Trung Hòa Vang.
Hơn 10 năm chiến đấu trên vành đai diệt Mỹ, từ cấp trung đội đến cấp đại đội, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2-Khu 2 Hòa Vang đã lập nhiều chiến công khiến quân địch không thể ngờ đối phương là bộ đội địa phương. Thực hiện phương châm chỉ đạo của Huyện ủy Hòa Vang: “Địch lấn chiếm ra phía trước, ta bí mật luồn sâu vào hậu phương tiêu diệt địch”, đại đội đã phân tán lực lượng, tổ chức chiến đấu từ cấp tổ đến cấp đại đội. Đặc biệt, ngày 4-3-1962, 14 cán bộ, chiến sĩ H16, do Trung đội trưởng Trần Hùng Vỹ chỉ huy phối hợp với lực lượng đặc công H29 của Tỉnh đội Quảng Nam và 3 du kích xã Hòa Thượng (nay là xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) bất ngờ tập kích khu dồn Nam Thành (Hòa Thượng, Hòa Vang). Quân ta đã tiêu diệt 15 tên địch và làm bị thương 54 tên thuộc đại đội biệt kích ngụy, bắt sống 4 tên trong đó có 2 cố vấn quân sự Mỹ. Đây là những cố vấn Mỹ đầu tiên bị bắt trên chiến trường miền Nam trong giai đoạn chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đại đội chịu nhiều tổn thất, nhưng tinh thần chiến đấu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” vẫn không hề suy giảm. Được bổ sung quân số, củng cố lực lượng, đêm 8-3-1968, Đại đội 2 tổ chức tập kích vào đồn Túy Loan và cơ quan hội đồng xã Hòa Hưng (Hòa Vang) của địch. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 22 cán bộ, chiến sĩ, được chia làm 3 mũi: Mũi 1 có nhiệm vụ đánh chiếm khu trung tâm. Mũi 2 đánh chiếm hai lô cốt đầu cầu đông bắc. Mũi 3 đánh chiếm lô cốt hỏa lực của địch trên hướng tây bắc. Chỉ huy chung trận đánh là Khu đội phó-Tham mưu trưởng Khu 2 Nguyễn Quang Mẫn. Trong khi đó, quân địch ở đây gồm 1 trung đội lính Mỹ, 2 trung đội ngụy và toàn bộ quân ngụy xã Hòa Hưng, thị trấn Túy Loan cùng bọn chiêu hồi chỉ điểm. Bảo đảm yếu tố "bí mật, bất ngờ, luồn sâu, lót sát”, sau 15 phút chiến đấu, quân ta đã làm chủ trận đánh, tổ chức thu chiến lợi phẩm và lui quân an toàn.
60 năm, kể từ năm 1961, đã trôi qua, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2-Khu 2 Hòa Vang (tiền thân là Trung đội 5) nay người còn, người mất, nhưng tinh thần “Có dân, có Đảng, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” sẽ luôn đi cùng năm tháng. Trang sử đấu tranh cách mạng của thành phố bên sông Hàn sẽ mãi mãi khắc ghi C2 Hòa Vang anh hùng.
NGUYỄN SỸ LONG