Từ TP Huế theo Quốc lộ 49 và Đường Hồ Chí Minh, vượt quãng đường khoảng 90km qua nhiều đèo dốc quanh co, chúng tôi cũng đến được khu vực A So (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Nhìn từ trên cao, A So nằm giữa thung lũng rộng lớn, yên bình. Dẫn chúng tôi đi trên những tuyến đường bê tông bằng phẳng, hai bên cây cối xanh ngắt trải dài, cựu chiến binh Đoàn Văn Hiền, 73 tuổi, ở thôn Ka Vá, xã Đông Sơn, huyện A Lưới xúc động cho biết: “A So không còn là “tọa độ chết”, không còn là nỗi khiếp sợ của người dân địa phương nữa. Thay vào đó, giờ đây, A So đã khoác lên mình diện mạo mới đầy sức sống trong niềm hạnh phúc của mọi người”.

Sinh ra, lớn lên tại xã Đông Sơn, ông Đoàn Văn Hiền là người chứng kiến, hiểu rõ những giai đoạn thăng trầm, khó khăn của vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong giai đoạn 1961-1971, đế quốc Mỹ đã sử dụng thung lũng A So làm sân bay dã chiến. Đây cũng là nơi tập kết chất độc hóa học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ phun rải chất độc ở khu vực miền Trung.

leftcenterrightdel
 Các công trình dân sinh khang trang được xây dựng trên mảnh đất A So (A Lưới, Thừa Thiên Huế).

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin để lại cho vùng đất nơi khu vực biên giới phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế hết sức nặng nề. Toàn tỉnh có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới có khoảng 5.000 người; trong đó, xã Đông Sơn có hơn 500 người nghi nhiễm, 40 người đang hưởng phụ cấp dành cho người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

“Thật bùi ngùi, xót xa khi chứng kiến những đứa trẻ sinh ra với hình hài dị dạng, dị tật, bại não, chậm phát triển trí tuệ, liệt toàn thân... Di chứng từ chất độc hóa học đè nặng lên nhiều gia đình, trong đó, nhà tôi có đến 5 người bị ảnh hưởng. Đi đâu cũng nghe nói chất độc da cam/dioxin, đến cả lúc ăn cũng sợ, ngủ cũng giật mình”, ông Đoàn Văn Hiền nghẹn ngào chia sẻ.

Sống trên “vùng đất chết” với bộn bề nỗi lo về tính mạng, sức khỏe, thiếu thốn về vật chất, tinh thần... những tưởng bà con sẽ rời bỏ quê hương để tìm nơi khác sinh sống, lập nghiệp, nhưng không, đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Cơ Tu... ở thung lũng A So vẫn luôn yêu quý, gắn bó với nơi “chôn nhau cắt rốn” và kỳ vọng quê hương sẽ được hồi sinh diệu kỳ.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Hóa học vận chuyển vật liệu ra công trường.

Năm 2020, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt Dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” và giao trực tiếp cho Binh chủng Hóa học chủ trì thực hiện. Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) là cơ quan trực tiếp chủ trì và thiết kế công nghệ đưa vào áp dụng cho dự án. Qua khảo sát, đánh giá, các cơ quan chức năng xác định diện tích bị ô nhiễm tại sân bay A So khoảng 5ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m, tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 37.000m3. Trong đó có khoảng 6.600m3 đất có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt (mức độ ô nhiễm rất nặng).

Trung tá Nguyễn Mạnh Hiếu, Phó trưởng phòng Công nghệ xử lý môi trường, Viện Hóa học-Môi trường Quân sự, Binh chủng Hóa học cho biết: “Dioxin là một trong những chất cực độc tồn lưu sau chiến tranh, do đó trong quá trình xử lý, chúng tôi phải tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn. Tất cả lực lượng tham gia xử lý phải được huấn luyện nghiêm ngặt về công tác bảo đảm an toàn, mang mặc bảo hộ lao động và đáp ứng các quy chuẩn khi làm việc”.

leftcenterrightdel

 Tiến hành chôn lấp đất nhiễm chất độc hóa học xuống hố cô lập.

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So, Binh chủng Hóa học đã sử dụng, áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó chú trọng tăng cường lực lượng, cử các đồng chí có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án tương tự tham gia. Đồng thời đốc thúc các nhà thầu phát huy tối đa nguồn lực về phương tiện kỹ thuật, vận chuyển vật liệu, đất nhiễm từ khu A sang khu B để xử lý tiêu độc, chôn lấp cô lập. Tổ chức lực lượng, phương tiện thay ca, đổi kíp làm cả ngày lẫn đêm; chuẩn bị tốt các phương tiện che chắn để thi công trong điều kiện thời tiết nắng, mưa thất thường.

Thượng úy QNCN Kiều Văn Minh, Viện Hóa học-Môi trường Quân sự cho biết: “Quá trình thi công xử lý chất độc dioxin ở sân bay A So gặp không ít khó khăn do thời tiết mưa, nắng thất thường, khối lượng công việc lớn, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm... nhưng anh em đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ tăng ca, kíp, đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án về đích đúng thời gian, kế hoạch quy định, bảo đảm tuyệt đối an toàn”.

leftcenterrightdel
Thực hiện xử lý tiêu độc. 

Đến tháng 10-2023, Binh chủng Hóa học đã xử lý 5 luống đất nhiễm chất độc dioxin bằng phương pháp chôn lấp cô lập và xử lý xong 1 luống đất bằng phương pháp phân hủy sinh học với tổng khối lượng được xử lý an toàn và triệt để là 38.718m3 đất. Dự án hoàn thành đã tạo ra cơ hội mới cho cuộc sống của người dân trên địa bàn, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của địa phương.

leftcenterrightdel
Tổ chức hàn lớp vật liệu cách ly chống thấm. 

“Vùng đất chết” A So từng bước hồi sinh với những cánh rừng xanh ngắt, điện, đường, trường, trạm và nhiều công trình dân sinh đã, đang mọc lên khang trang; gần 100% hộ dân nơi đây đã trồng rừng, phát triển nông nghiệp bền vững, con em họ được đến trường, người dân được sử dụng nước sạch... “Đất đã sạch và lòng người phấn khởi, mừng vui. Giờ đây, bà con hoàn toàn yên tâm sinh sống, lao động, sản xuất, phát triển kinh tế ngay tại mảnh đất quê hương. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Quân đội đã giúp bà con chúng tôi đẩy lùi chất độc dioxin, để “đất chết” từ nay kết hoa thơm, trái ngọt vững bền”, ông Đoàn Văn Hiền xúc động bày tỏ.

Bài và ảnh: TRẦN TÌNH - MINH TÚ