Dọc ngang chiến trường

Sinh ra và lớn lên tại Cái Nước, Cà Mau, tuổi thơ của cậu bé Xuân Hùng là những năm tháng quê hương còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Các anh chị trong gia đình lần lượt lên đường giết giặc. Dù còn nhỏ nhưng cậu bé Xuân Hùng đã biết phụ cha mang cơm nước cho bộ đội ẩn náu sau vườn nhà.

Năm 1966, địch đổ quân đến quê hương ông, bắt bớ thiếu niên. Quyết không làm tay sai cho giặc, cậu bé Xuân Hùng đi theo cách mạng. Sau khi qua lớp tập huấn quân y, năm 1967, Nguyễn Xuân Hùng được bổ sung vào Ðại đội 3, Tiểu đoàn U Minh 2, nhận nhiệm vụ cứu thương. Trong cuộc tổng tấn công đợt 2 năm 1968, một mình ông băng bó và cấp cứu đưa về tuyến sau 15 thương binh và đưa ra khỏi trận địa 12 thi thể liệt sĩ.

Những năm tháng dọc ngang chiến trường, ông đã tham gia chiến đấu trên 50 trận lớn, nhỏ và lập nhiều thành tích. Ông Hùng nhớ lại: “Ngày nhỏ, tôi đã được các anh chị dạy bắn súng, sau đó được phân công nhiệm vụ làm quân y. Trong đợt tập kích Tắc Thủ cuối năm 1967, nhiều đồng chí bị thương không thể tiến công. Vậy là tôi nhanh chóng băng bó vết thương, đưa các anh em về vị trí an toàn, rồi lấy súng cùng đồng đội xông lên chiếm đồn địch”.

Nhờ sự gan dạ, dũng cảm và không ít lần lập chiến công nên sau đợt tập kích Tắc Thủ cuối năm 1967 và Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Hùng được đề bạt từ chiến sĩ lên tiểu đội bậc trưởng (trung sĩ), đặc biệt được kết nạp vào Ðảng khi mới 17 tuổi. Từ tháng 1-1972 đến tháng 10-1975, ông được điều động về công tác tại Đại đội 81 Pháo binh Cà Mau; lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên phó, Đại đội trưởng.

leftcenterrightdel

Đại tá Nguyễn Xuân Hùng (thứ hai, từ trái sang) và các thành viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau thăm, tặng quà gia đình nạn nhân trên địa bàn.

Hồi tưởng về những lần tham gia chiến đấu, ông Hùng kể: “Ngày 8-1-1975, Đại đội 81 Pháo binh Cà Mau được lệnh kết hợp với Huyện đội Thới Bình có nhiệm vụ bao vây, bức rút Phân chi khu cầu số 3 để Tiểu đoàn U Minh 2 tổ chức trận địa phục kích tại cầu số 2, nhằm tiêu diệt toàn bộ quân địch. Cuộc giao tranh diễn ra quyết liệt, lúc bấy giờ địch đang chiếm giữ trận địa, quân số ta bị thương không ít. Trong lúc cấp bách, tôi đề đạt với đồng chí chỉ huy Tỉnh đội cho đơn vị sử dụng hỏa lực để bắn vào trận địa pháo 105mm của địch”. Lúc này, ông Hùng trực tiếp chỉ huy khẩu đội tiếp cận xây dựng trận địa, cách trận địa của địch trong phạm vi bắn hiệu quả. Kết quả, quân ta đã lật lại tình thế, tiêu diệt hoàn toàn Phân chi khu cầu số 3 của địch. Chiến thắng Phân chi khu cầu số 3 mở ra vùng giải phóng rộng lớn, mở toang cánh cửa Đông Nam khi tấn công vào thị xã Cà Mau.

Quê hương ngừng tiếng đạn bom, ông Hùng tiếp tục lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia trở về, ông Hùng về nhận nhiệm vụ tại quê hương cho đến năm 2001 về hưu với chức vụ Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu.

Đồng hành với nạn nhân chất độc da cam

Cứ nghĩ về hưu sẽ an hưởng cảnh điền viên ở quê nhà Cà Mau, nhưng năm 2004, khi tìm thăm đồng đội cũ, ông Hùng không khỏi ngỡ ngàng trước hoàn cảnh khó khăn của đồng đội. Đứa con bị di chứng chất độc da cam/dioxin từ bố nên dù 20 tuổi nhưng vô tri như đứa trẻ mới biết bò, tay chân không lành lặn. “Thời chiến, chúng tôi không một ai tiếc thân mình vì nghĩa lớn, những tưởng hòa bình rồi sẽ được sống an yên bên vợ con. Nhưng rồi đồng đội tôi và biết bao nhiêu người khác đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề mà chiến tranh gây ra. Đau lòng lắm!”, ông Hùng bộc bạch. Vậy là khi Cà Mau có chủ trương thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ông xung phong nhận việc ngay để có cơ hội giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh.

Ngày đầu mới thành lập, Hội gặp muôn vàn khó khăn do chưa có kinh phí, trụ sở cũng như phương tiện hoạt động. Việc đi vận động đối với một vị Đại tá vốn kiệm lời không hề dễ dàng. Thế nhưng, sự chân thành của ông đã chạm đến tấm lòng của nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp.

“Tôi đúng chất sĩ quan tham mưu rất kiệm lời lại nóng tính. Ban đầu đi vận động người ta chưa tin, không muốn giúp đỡ. Lúc đó khó chịu quá tôi đã nói: “Các anh có biết để có cuộc sống hòa bình hôm nay, biết bao cán bộ, chiến sĩ phải chịu đựng hy sinh, gian khổ thế nào không?”... Tôi nói một hồi thì họ cũng thông, vậy là họ giúp đỡ rồi trở thành mạnh thường quân tích cực của Hội. Sau này, mọi người khuyên đi vận động cho Hội thì phải mềm dẻo chứ ai lại gay gắt như thế. Vậy là tôi đổi phương pháp, chuyển sang nhẹ nhàng thuyết phục”, ông Hùng vui vẻ kể lại kỷ niệm những ngày đầu đi vận động nguồn kinh phí hỗ trợ.

Năm 2006, trong một lần vận động Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cà Mau hỗ trợ giúp bằng cách ủng hộ 200.000 vé số, vậy là hằng ngày ông Hùng và cán bộ Hội mỗi người nhận vài trăm tờ vé số đi bán khắp các nẻo đường, vừa bán vừa kể về hoàn cảnh các gia đình nạn nhân da cam.

Bên cạnh đó, để thuyết phục các mạnh thường quân hỗ trợ, ông tổ chức cho các đơn vị đi thăm những trường hợp cụ thể để họ cảm nhận hết những khó khăn mà các nạn nhân phải gánh chịu. Sự cố gắng của ông đã gây ấn tượng, sự đồng cảm với họ. Vì vậy, nhiều người trên địa bàn tỉnh đều chủ động liên hệ với ông để xin đóng góp cho Hội và tình nguyện hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn.

Từ ngày thành lập đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã vận động được hơn 120 tỷ đồng. Số tiền đó, Hội đã giúp xây và sửa 457 căn nhà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trao hơn 150.000 suất quà, tặng gần 2.000 xe lăn, xe lắc, khám, chữa bệnh cho hàng trăm lượt người, tặng hơn 500 triệu đồng học bổng...

Là nạn nhân chất độc da cam/dioxin được giúp đỡ, ông Lê Văn Đạt ở TP Cà Mau tâm sự: “Do di chứng từ người cha tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam nên một chân của tôi bị tật bẩm sinh. May mắn đi lại được nhưng cuộc sống lại gặp nhiều khó khăn. Cơ hội thoát nghèo đến khi tôi được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và chú Hùng hỗ trợ vốn làm ăn. Có cái nghề giăng lưới bắt cá, tôi đầu tư mua lưới, lợp rồi xuồng câu đi bắt cá, vợ tôi thì chăn nuôi thêm lợn. Cuộc sống giờ cũng ổn định hơn”.

Trang đời ghi nhiều dấu ấn tốt đẹp, cá nhân ông Nguyễn Xuân Hùng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin giai đoạn 2016-2020. Năm 2021, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Gần 20 năm qua, bước chân của người chiến sĩ từng vào sinh ra tử trên chiến trường vẫn lăn lộn khắp nơi để vận động, quyên góp hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Dẫu hành trình ấy đầy khó khăn, vất vả nhưng với ông Hùng, nụ cười và cuộc sống tốt hơn của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin là động lực để ông cố gắng hơn mỗi ngày.

Bài và ảnh: THÚY AN