Linh khí của một vùng đất
Tháng 8 năm nay, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (8-1891 / 8-2021), do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các hoạt động tổ chức đông người phải tạm dừng. Mặc dù vậy, khí phách của Già Trầu và hào khí anh hùng của vùng đất Thập bát Phù viên vẫn lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân thông qua mạng lưới truyền thông. Anh Trần Thanh Tân, Phó bí thư Huyện đoàn Hóc Môn cho hay, ngày nay, trước tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ, những vườn trầu xanh ngút mắt ở vùng đất huyền thoại này đã bị thu hẹp, chỉ còn lại một phần nhỏ. Vùng đất rừng rậm âm u, nhiều muông thú năm xưa không còn, nhưng hào khí cách mạng ngút trời của nhân dân thì còn mãi. Những năm gần đây, vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước và địa phương, lớp trẻ vùng đất Bà Điểm-Hóc Môn lại tổ chức các hoạt động về nguồn, tìm về các địa danh, di tích lịch sử để giáo dục truyền thống, bồi đắp tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho tuổi trẻ. Trong thơm ngát khói nhang và chiều sâu trầm tích, hậu thế được sống cùng lịch sử, nghe tiếng thời gian nhắc chuyện cha ông...
Trên địa bàn Hóc Môn hiện có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố, như: "Bia căm thù" ở Cầu Xáng, Khu di tích Nam Kỳ khởi nghĩa ở Ngã ba Giồng, bia kỷ niệm liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai... Đặc biệt, tại Khu di tích Nam Kỳ khởi nghĩa vừa được xây dựng, tôn tạo trong thời kỳ đất nước đổi mới, có nhiều hình ảnh, hiện vật lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần. Ngoài ra, còn có hàng chục công trình tín ngưỡng đình, đền thờ các vị anh hùng dân tộc, các bậc hiền nhân có công khai mở vùng đất Nam Kỳ. Dù không còn khung cảnh rậm rạp, huyền bí mang dấu ấn khẩn hoang của thời kỳ đầu phong trào cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, nhưng linh khí của một vùng đất vẫn được lưu giữ trong hệ thống các công trình, di tích lịch sử. Đó là chất liệu của đạo học, nuôi dưỡng hào khí cha ông. Huyện Hóc Môn có 3 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là xã Xuân Thới Thượng, Tân Xuân và Bà Điểm. Hóc Môn cũng là địa phương có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhiều mẹ ở tuổi thượng thượng thọ, đang sống khỏe mạnh, minh mẫn, là niềm tự hào và hồng phúc của cháu con...
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Sè ở xã Xuân Thới Thượng, là một trong những bậc cao niên nhất của vùng đất Mười tám thôn Vườn Trầu. Năm nay đã 94 tuổi, nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng, thời con gái, mẹ Sè đã gắn bó với nghề trồng trầu, cau. Hình ảnh những thiếu nữ vùng Mười tám thôn Vườn Trầu trong trang phục áo bà ba, quấn khăn rằn, nổi bật giữa vườn trầu xanh thắm, là nguồn cảm hứng cho văn học nghệ thuật Nam Bộ từ xưa đến nay. Nhắc nhớ thời thiếu nữ lưng ong bên bóng cau, dáng trầu, mẹ Sè cười hiền:
- Má ăn trầu từ hồi còn trẻ nên răng chắc, khỏe. Người dân thế hệ của má ở đây, rất ít khi bị bệnh răng miệng. Trái cau, lá trầu trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống nhân dân. Ngay từ nhỏ, má đã nghe ông bà kể, bác Võ Văn Tần được gọi là Già Trầu bởi bác hoạt động cách mạng ở đây và cũng rất hay ăn trầu...
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa tri ân Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ, các bậc cách mạng tiền bối... là hồn cốt của quê hương nên Hóc Môn luôn là một điểm sáng trong các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, đền ơn đáp nghĩa, thiện nguyện... Riêng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra, bà con quê hương Mười tám thôn Vườn Trầu đã hỗ trợ hàng trăm tấn rau xanh, lương thực, các mặt hàng nông sản... cung cấp cho các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và bà con khó khăn ở trung tâm thành phố...
Sáng mãi khí phách Già Trầu
Truyền thống vùng đất Mười tám thôn Vườn Trầu gắn liền với những dấu ấn của lịch sử khai khẩn, hình thành và phát triển hơn 300 năm của Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Một trong những điểm nhấn quan trọng là phong trào cách mạng sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến đỉnh cao Nam Kỳ khởi nghĩa, gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Võ Văn Tần. Từ những hình ảnh, tư liệu lịch sử để lại cho thấy, người lãnh đạo cao nhất Xứ ủy Nam Kỳ những năm 1937-1940 có vóc dáng cao dong dỏng, mắt sáng, vầng trán cao, rộng, thần thái toát lên vẻ cương trực, nhân hậu, quyết đoán, thông minh...
Trong cuốn “Những chiến sĩ cộng sản hào kiệt kiên trung”, do Thành ủy TP Hồ Chí Minh xuất bản năm 2019, ghi rõ: Đồng chí Võ Văn Tần có gốc gác nhà nông, sinh ra và lớn lên tại làng Đức Hòa, nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An). Ông học giỏi chữ Nho và bén duyên với nghề dạy học, bốc thuốc, chữa bệnh, cứu người từ tuổi thanh niên. Trong một số tài liệu khảo cứu của cố nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam có lý giải, chính hoàn cảnh xuất thân và môi trường học tập, vừa làm thầy giáo, vừa làm thầy thuốc nên Võ Văn Tần có tấm lòng nhân hậu, có tư duy nhạy bén và trí tuệ tuyệt vời. Ông có tinh thần yêu nước, thương dân, căm thù giặc ngoại xâm từ nhỏ nên đã dũng cảm tham gia các cuộc đấu tranh chống chính quyền thực dân. Năm 1923, chàng thanh niên yêu nước Võ Văn Tần đã bị thực dân Pháp bắt, kết tội “cầm đầu các cuộc chống đối”.
Bước ngoặt quan trọng trên con đường hoạt động cách mạng, lãnh đạo phong trào đấu tranh của Võ Văn Tần là sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ánh sáng niềm tin và đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá về Việt Nam đã tác động sâu sắc đến ý chí, mục tiêu hoạt động của ông. Võ Văn Tần tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh, biểu tình ở Chợ Lớn, làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Ông là người lãnh đạo rất coi trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và đã trực tiếp chỉ đạo, tổ chức cho ra đời hai tờ báo: Cờ lãnh đạo (sau này chuyển thành cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam Kỳ) và Báo Lao động, cơ quan của Tỉnh ủy Gia Định, làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, tập hợp đảng viên, giác ngộ lý tưởng cho quần chúng lao động.
Chính tại vùng đất Mười tám thôn Vườn Trầu, vào tháng 3-1938, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Võ Văn Tần được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của ông, phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ, rộng khắp từ cái nôi căn cứ Bà Điểm-Hóc Môn lan tỏa khắp các tỉnh Nam Kỳ, giáng cho thực dân Pháp những đòn đánh bất ngờ, táo bạo, gây hoang mang tột độ. Với quyết tâm lùng bắt bằng được những lãnh đạo cốt cán của Đảng để dập tắt cao trào cách mạng, thực dân Pháp tung mạng lưới điệp viên, thám báo dày đặc khắp nơi. Ngày 14-7-1940, trong lúc đang duy trì cuộc họp của Xứ ủy tại ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn), ông bị địch bắt do chỉ điểm. Ông bị thực dân Pháp kết án tử hình.
Ngày 28-8-1941, thực dân Pháp xử bắn ông cùng với các đồng chí lãnh đạo của Đảng: Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến. Trước lúc bị dẫn ra pháp trường, ông đã để lại bút tích trên tường xà lim, thể hiện khí phách hiên ngang, không chịu khuất phục kẻ thù: “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng”. Trước họng súng quân thù, ông và các đồng chí của mình đã hiên ngang giật phăng mảnh vải bịt mắt, hô vang: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”.
Khí phách của người cộng sản kiên trung Võ Văn Tần luôn sống mãi với thời gian. Các bà má ở quê hương Mười tám thôn Vườn Trầu nói rằng, mỗi lần đến tháng 8 mùa mưa, ra vườn trầu lại nhớ những câu chuyện ngày xưa. Các má vẫn thường kể cho cháu con nghe về Già Trầu, về những người lãnh đạo tiền bối đã đổ xương máu xuống vùng đất này cho thẳng dáng cau, cho xanh màu trầu, cho thắm vị trầu cau nghĩa tình dân tộc...
THANH KIM TÙNG