Lợi dụng hòa hợp để phủ nhận lịch sử
Những năm gần đây, trên một số diễn đàn, hội thảo về lịch sử và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, do một số hội, trường đại học, tổ chức phi chính phủ tổ chức ở phạm vi hẹp, những ý kiến nêu trên đã được một số đại biểu đề cập. Lý do để những diễn giả này đưa ra yêu cầu phải công nhận chính quyền tay sai Sài Gòn trước năm 1975 là một “chính thể”, là nhằm "tạo cơ sở pháp lý" để chúng ta đòi lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, vốn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Tương tự, họ kiến nghị công nhận cho số lính ngụy tử nạn ở Hoàng Sa là “liệt sĩ”, lên tiếng đòi bỏ cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền”, thay vào đó, cần gọi là “quân đội Sài Gòn”, “chính quyền Việt Nam Cộng hòa”...
Điều đáng nói là, xuất phát từ một số ý kiến mang tính thiểu số, cá biệt, nhiều phương tiện truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại và một bộ phận MXH đã bám vào đó, đẩy vấn đề lên thành một đề tài, như là một vấn đề của lịch sử và xã hội cần phải xem xét lại để lôi kéo dư luận trong nước. Hàng loạt hình thức như “tọa đàm”, “trao đổi”, “bàn tròn trực tuyến”... đã được một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, tận dụng các nền tảng MXH tán phát tràn lan trên không gian mạng. Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, họ còn khéo léo cài cắm, cắt cúp, lồng ghép các luận điểm, luận chứng, luận cứ theo ý đồ chủ quan rồi cho rằng, việc bỏ cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền” là một bước tiến mới của tư duy, phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời hội nhập, thực hiện chủ trương hòa hợp dân tộc... Họ cho rằng, cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền” là “miệt thị”, là “phân biệt đối xử”, là lực cản của tiến trình phát triển, hội nhập?
Những quan điểm trên đây được sự ủng hộ, tán dương, cổ xúy của một số ít nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất định ở trong nước và trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trở thành chủ đề thu hút một bộ phận đông đảo trên cộng đồng mạng quan tâm. Họ viện dẫn những lý lẽ chủ quan để lèo lái dư luận hiểu theo nghĩa, đây là cách thể hiện bản chất nhân đạo, là phương pháp thúc đẩy hòa hợp dân tộc, thu hút nguồn lực kiều bào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tạo căn cứ pháp lý và sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo... Để bảo vệ quan điểm chủ quan của mình, một số người đã lên giọng tuyên bố cái gọi là “khoa học độc lập với chính trị”, “lịch sử không phụ thuộc chính trị”...
Tuy nhiên, ngay lập tức, những quan điểm phi thực tế ấy đã gặp phải sự phản đối, bác bỏ quyết liệt của dư luận xã hội. Trên truyền thông và MXH, nhiều tướng lĩnh, nhà khoa học và đông đảo bạn trẻ đã lên tiếng phân tích, chứng minh với những góc nhìn khách quan, biện chứng, chỉ rõ tính ngụy biện, phi thực tế của những quan điểm lệch lạc nói trên.
Sau một thời gian tạm ngưng vì bị dư luận phản đối, vào dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2021), vấn đề này lại tiếp tục được một bộ phận truyền thông hải ngoại, thông qua các nền tảng MXH, tiếp tục xới lên, làm “nóng” dư luận. Để tăng độ “hot” cho các quan điểm phi thực tế nói trên, họ bám vào tình hình dịch Covid-19 để lồng ghép nội dung xuyên tạc, kêu gọi. Trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang dồn sức đẩy lùi đại dịch Covid-19, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, chăm lo an sinh xã hội, thì các thế lực thù địch, đối tượng phản động lại nhân cơ hội này kích động, xuyên tạc chính sách “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Họ khơi lại chủ đề trên, cắt ghép thông tin, thổi phồng khó khăn, bôi đen bức tranh xã hội trong nước, qua đó tiếp tục kích động đòi công nhận ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975 là một “chính thể”, đòi Đảng, Nhà nước, kêu gọi cộng đồng xã hội phải có chế độ, chính sách cho ngụy quân tử nạn trong chiến tranh...
Rõ ràng, đây là một kiểu ngụy tạo thông tin, chứng cứ để “đánh bùn sang ao”, “vàng thau lẫn lộn” nhằm dẫn dắt dư luận xã hội theo ý đồ xấu. Nội dung, âm mưu, thủ đoạn này không mới, song với tiện ích công nghệ thông minh, sự lan truyền mạnh mẽ của MXH, nó sẽ có tác động xấu đến văn hóa không gian mạng và đời sống xã hội. Chính vì vậy, chúng ta cần nhận diện, chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để có các hình thức, biện pháp tuyên truyền, định hướng dư luận tiến bộ, giúp công chúng hiểu rõ bản chất vấn đề, để không có ai phải dao động, ngả nghiêng, bị lợi dụng...
Hiểu đúng bản chất, kiên định mục tiêu
Để giúp công chúng hiểu đúng bản chất của vấn đề, chúng ta cùng bắt đầu bằng một mệnh đề mà không ít người mang danh là nhà khoa học nêu ra và kiến nghị phải sửa. Đó là, có đúng cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền” là “phân biệt đối xử”, là “kỳ thị”, “cản trở”... trong thời đại ngày nay?
Theo từ điển tiếng Việt: “Ngụy” là từ chỉ sự vật, sự việc mang tính giả tạo, bất hợp pháp, không chính thống, không được công nhận. Như vậy, “ngụy quân”, “ngụy quyền” là để chỉ đội quân, chính quyền không hợp pháp, không chính thống, không được công nhận. Ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975 là chính quyền tay sai do Mỹ dựng lên. Họ lập ra đội quân công cụ bạo lực của chính quyền tay sai ấy để thực hiện mưu đồ xâm lược nước ta, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa.
Những vấn đề này đã được các nhà khoa học lịch sử chứng minh, nhằm khẳng định tính ngụy tạo của những quan điểm phi thực tế như đã dẫn. Ở đây, chúng tôi muốn nhắc lại, nhấn mạnh thêm để dư luận xã hội cùng có cái nhìn khách quan, thấu đáo sự thật lịch sử. Ngụy quân, ngụy quyền là một phần lịch sử đau thương của dân tộc, các thế hệ cha anh chúng ta đã phải đổ biết bao xương máu mới giành được độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta khép lại lịch sử, thực hiện chủ trương hòa hợp dân tộc là thể hiện sâu sắc bản chất nhân văn, tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay kiến thiết, xây dựng đất nước. Nhưng sự thật lịch sử phải được tôn trọng, không ai có thể xuyên tạc, thay đổi. Đằng sau những luận điểm ngụy tạo, đòi bỏ cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền”, thực chất là kiểu đánh tráo khái niệm, pha loãng, xét lại, phủ nhận lịch sử, biến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thành cuộc “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn”.
Phủ nhận sự thật lịch sử là thái độ vô ơn, tạo cớ cho các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Với quan điểm nhân văn, không để ai bị bỏ lại phía sau, công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hiệu quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta chính là bằng chứng thuyết phục, khẳng định chủ trương nhất quán hòa hợp dân tộc. Đất nước đã thống nhất hơn 46 năm. Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, toàn thể nhân dân và kiều bào yêu nước khắp thế giới đều là bộ phận khăng khít không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội cho toàn dân đều được thực hiện dân chủ, bình đẳng với mọi đối tượng thụ hưởng, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, thành phần xuất thân.
Tuy nhiên, bám vào chủ trương hòa hợp dân tộc để đòi hỏi Đảng, Nhà nước công nhận “liệt sĩ”, giải quyết chế độ chính sách cho một bộ phận ngụy quân Sài Gòn trước năm 1975 là một đòi hỏi không thể chấp nhận. Chúng ta khép lại quá khứ để cùng chung tay phát triển đất nước, nhưng không ai được phép “đánh bùn sang ao”, “vàng thau lẫn lộn” để xuyên tạc, phủ nhận lịch sử. Làm như thế là có tội với lịch sử, có tội với máu xương của cha anh. Phủ nhận lịch sử là hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Dù biện minh bằng bất cứ lý do gì, kiểu ngụy tạo sự thật lịch sử, đánh tráo khái niệm để phục vụ mưu đồ đen tối đều cần phải lên án, tẩy chay.
Tháng 7 hằng năm là tháng của những hoạt động tri ân, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. Cán bộ, đảng viên và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp... trong cả nước và kiều bào yêu nước trên thế giới, bằng thái độ tri ân và niềm tôn kính, luôn có các chương trình hành động thiết thực chăm lo cho người có công. Năm nay, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, có thể hình thức, quy mô, giá trị vật chất của các hoạt động đền ơn đáp nghĩa không được như mọi năm, nhưng không vì thế mà giảm đi ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nét đẹp văn hóa truyền thống. Cùng với thể hiện nghĩa cử tri ân, việc nâng cao nhận thức, hiểu đúng bản chất vấn đề, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, ngụy tạo lịch sử trên không gian mạng và đời sống xã hội, chính là việc cần làm của mỗi cán bộ, đảng viên và công dân yêu nước. Đó cũng là cách bồi đắp văn hóa tri ân, chung tay đoàn kết, tự lực, tự cường vì mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước hùng cường...
LỮ NGÀN