Tiếp chúng tôi tại nhà riêng nằm trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội, ông cho biết mới kết thúc chuyến công tác kéo dài gần nửa tháng về các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Ông bảo: “Tôi đã nghỉ hưu lâu rồi, nhưng mỗi lần tổ chức đối thoại với nhân dân có quy mô một chút, chính quyền địa phương lại mời về cùng lắng nghe. Cũng chẳng thể đóng góp được gì lớn, nhưng có người chịu nghe là nhân dân sẵn sàng chia sẻ ngay. Thế là thành công một nửa đấy phải không các cậu!”.

 

Trong cuộc trò chuyện, đồng chí Phạm Thế Duyệt khẳng định, hành trình 60 năm hoạt động của cuộc đời mình với gần 10 năm làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bài học “dân vận khéo” luôn là cốt lõi dẫn đến thành công. Ông kể: “Từ năm 1956, tôi đã làm công nhân, thợ mỏ rồi dần trưởng thành qua nhiều cương vị ở vùng than Quảng Ninh, sau mới về Trung ương công tác. Trên mọi cương vị, tôi luôn quán triệt, học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác quần chúng, tích cực học ở trong giai cấp công nhân và nhân dân về sự cần cù lao động, khiêm tốn, cần kiệm”.

leftcenterrightdel

Đồng chí Phạm Thế Duyệt trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: QUANG DUY 

Như ông chia sẻ, một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất với nhân dân là khi ông về tỉnh Thái Bình, trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc người dân của tỉnh này tập trung đông người phản đối chính quyền năm 1997. Thời điểm ấy, hầu hết các huyện của Thái Bình đều có "điểm nóng", riêng ở huyện Quỳnh Phụ có gần chục xã là "điểm nóng". Qua tìm hiểu, Trưởng ban Dân vận Trung ương Phạm Thế Duyệt được biết, nhân dân bức xúc với cán bộ vì không sâu sát với dân, xa dân, báo cáo lên trên chưa trung thực... Đồng chí Phạm Thế Duyệt nhớ lại: “Trong 5 tháng liền, tôi gặp gỡ từng tổ chức: Mặt trận, hội cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân... Sau khi họp ở Tỉnh ủy Thái Bình, tôi mời hơn 20 đồng chí lão thành để nghe ý kiến của họ. Xong tôi lại xuống tận nơi để họp với dân. Tôi nhớ lần xuống xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, hôm ấy, nhân dân kéo đến rất đông, ước chừng khoảng 600 người. Tôi vẫn bình tĩnh vào họp với các đồng chí lãnh đạo ở trong, bên ngoài, người dân nói qua loa phóng thanh mong được trực tiếp gặp tôi. Tôi quyết định để nhân dân cử 10 người đại diện vào làm việc cùng đoàn công tác. Sau khi lắng nghe người dân nói hết những bức xúc của mình, tôi hoan nghênh và hứa sẽ chỉ đạo xử lý vụ việc. Tôi còn nhớ, khi họp xong thì trời mưa, xe ô tô chở tôi bị sa lầy, chính người dân địa phương đã xắn quần giúp chúng tôi đẩy xe lên!”.

 

Sau khi trực tiếp xuống cơ sở, gặp gỡ nhân dân, ông báo cáo Bộ Chính trị xin thành lập tổ công tác. Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, tổ công tác gồm 11 thành viên đã được Trung ương ra quyết định thành lập do Trưởng ban Dân vận Trung ương Phạm Thế Duyệt làm tổ trưởng, đồng chí Nguyễn Công Tạn, Phó thủ tướng Chính phủ làm tổ phó. Đồng hành với địa phương giải quyết sự việc trên, đồng chí Phạm Thế Duyệt luôn nhất quán quan điểm: Đây là việc của tỉnh Thái Bình, phải do Đảng bộ tỉnh Thái Bình giải quyết. Tổ công tác mang ý kiến của Trung ương chỉ đạo, thành công hay không là do Đảng bộ, đảng viên Thái Bình quyết định. Thực tế niềm tin của ông vào nhân dân đã đúng, khi sau đó các vụ việc đã được giải quyết thấu đáo. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã chung sức, đồng lòng đưa tỉnh nhà tiếp tục vươn lên, trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong nhiều năm sau này...

 

Khi chúng tôi đang chờ ông Phạm Thế Duyệt tiếp tục chia sẻ những kỷ niệm hồi còn công tác, ông chợt bảo: “Thôi, chuyện cũ còn dài, rảnh các cậu cứ đến đây mình kể tiếp cho. Giờ mình phải chuẩn bị tài liệu cho Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sắp diễn ra”. Nghe ông bảo vậy, chúng tôi liền hỏi quan điểm của ông xung quanh cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 mà công tác chuẩn bị đang bước vào giai đoạn nước rút; rồi năm 2021 và những năm tiếp theo, MTTQ Việt Nam cần làm gì để củng cố lòng tin của dân tốt hơn? Ông Phạm Thế Duyệt bảo rằng: "Như tôi đã nhiều lần phát biểu tại các hội nghị gần đây, MTTQ Việt Nam phải cố gắng làm cho tốt công tác hiệp thương để chọn đúng cán bộ tốt, đại biểu tốt, để xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh... Tôi cho rằng, càng làm tích cực bao nhiêu thì dân càng tin vào mặt trận bấy nhiêu”.

 

VĂN TÁM