Theo Đại tá Nguyễn Xuân Quý, Phó chính ủy Sư đoàn 325, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn đã tham gia hơn 2.000 trận đánh lớn nhỏ. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 325 nằm trong đội hình Quân đoàn 2, đã tiến công, làm chủ nhiều căn cứ quân sự quan trọng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lịch sử truyền thống của Đoàn Bình Trị Thiên anh hùng được viết bằng máu của hơn 14.600 liệt sĩ, cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã để lại một phần thân thể trên chiến trường. Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, họa sĩ Lê Duy Ứng, thương binh hạng 1/4, cựu chiến binh Sư đoàn 325, hiện trú tại phố Đông Thiên, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội) là một trong số đó.

leftcenterrightdel

Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân đoàn 12 và các đại biểu tham quan khu trưng bày sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Sư đoàn 325, tháng 3-2024. Ảnh: PHẠM THỊNH

Ông kể: “Ngày 23-3-1975, tôi cầm giấy giới thiệu do Thượng tá Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2 ký với nội dung: Thiếu úy Lê Duy Ứng, Trợ lý Tuyên huấn Quân đoàn 2 tham gia chiến đấu thuộc đội hình Sư đoàn 325. Sau đó, tôi được cấp trên giới thiệu tiếp xuống Trung đoàn 101. Ngày 10-4-1975, đơn vị chúng tôi đang ở Đà Nẵng. Thiếu tướng Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn 2 yêu cầu tôi khẩn trương vẽ khẩu hiệu, tranh cổ động (dài 1,5m, rộng 1,2m) để treo hai bên thành xe chỉ huy đi đầu đội hình của Quân đoàn, sáng hôm sau toàn Quân đoàn hành quân tiến về Sài Gòn. Nội dung dựa trên tinh thần bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Tối hôm đó, đơn vị bật đèn pha ô tô để tôi sáng tác trên hai tấm vải, một tấm viết khẩu hiệu “Hành quân thần tốc-xốc tới lập công” và một tấm vải vẽ tranh cổ động “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.

Dẫn tôi đi tham quan “bảo tàng tư nhân”, tuy đôi mắt không còn nhìn được nhưng Đại tá Lê Duy Ứng đã rất quen thuộc với nơi này. Ông thuyết minh cho tôi nghe chi tiết về xuất xứ, thời gian sáng tác, chất liệu, nguyên liệu của từng tác phẩm tranh và tượng điêu khắc. Rồi ông kể chuyện tự lấy máu từ đôi mắt bị thương của mình để vẽ chân dung Bác Hồ.

leftcenterrightdel
Anh hùng Lê Duy Ứng giới thiệu bức tranh "Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử", tại “bảo tàng gia đình”. Ảnh: YÊN BÌNH 

“Khoảng 17 giờ ngày 26-4-1975, tôi ngồi trên xe tăng mang số hiệu 847 (đi thứ ba trong đội hình hàng dọc có 8 xe) đánh vào căn cứ Nước Trong (Đồng Nai). Đêm 27, rạng sáng 28-4-1975, khi tôi đang tác nghiệp thì một quả đạn chống tăng nổ làm đứt xích bên phải xe. Một giây phút mơ hồ thoáng qua, tôi thấy mình bị đè nặng, rồi ngất đi (sau này nghe đồng đội kể lại là chiến sĩ trinh sát bên cạnh hy sinh, nằm lên người tôi). Tôi không nhớ đã bất tỉnh bao lâu, khi tỉnh lại, sờ tay lên mặt, thấy đôi mắt mình lồi lên. Lúc đó, tôi nghĩ mình chắc không sống được. Trong thời khắc sinh tử, đầu tôi lóe lên ý nghĩ vẽ chân dung Bác Hồ. Và ngay lập tức, tôi rút chiếc cặp vẽ mang theo bên mình, lấy một tờ giấy rô-ki để ký họa ngay trên tháp pháo xe tăng. Tôi lấy tay chấm máu từ đôi mắt của mình để vẽ chân dung Bác, cờ Tổ quốc, cờ Đảng bay phấp phới sau lưng Người. Đồng thời tôi ghi dòng chữ: “Ánh sáng niềm tin! Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”, rồi ký tên. Sau đó, tôi gấp cẩn thận tờ giấy và bỏ vào túi áo bên trái rồi lại ngất đi không biết gì nữa”, họa sĩ Lê Duy Ứng hồi tưởng.

Câu chuyện người thương binh Lê Duy Ứng kể cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị hôm nay khiến chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn truyền thống “đoàn kết-kiên cường-thần tốc-táo bạo-quyết thắng” của Sư đoàn. Đó là mạch nguồn chảy mãi, để mỗi cán bộ, chiến sĩ bồi đắp thêm những thành tích mới, tạo những mốc son mới, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Sư đoàn 325-Đoàn Bình Trị Thiên anh hùng.

THÁI KIÊN