Trận lũ lịch sử và nhiệm vụ cứu hộ
Ngày 20-10-1999, cơn bão số 9 (Eve) đổ bộ vào miền Trung. Tiếp sau đó, từ ngày 1 đến 6-11-1999, những trận mưa rất lớn đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng tàn phá các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định. Hàng nghìn ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi, hàng vạn người chịu cảnh màn trời chiếu đất, thiếu thức ăn, nước uống, tính mạng bị đe dọa. Hàng vạn mẫu lúa, hoa màu chìm trong biển nước mênh mông. Trước tình hình trên, Trung ương tổ chức cứu trợ đồng bào vùng lũ, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ quốc tế. Nhân dân cả nước hướng về miền Trung, cùng chia sẻ với đồng bào các tỉnh chịu bão, lũ.
Tuy nhiên, trong tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, hệ thống giao thông đường bộ bị tê liệt, các phương tiện vận tải không thể cơ động vào vùng lũ. Trong khi đó, đồng bào miền Trung bị cô lập giữa mênh mông nước lũ đang mong mỏi hàng cứu trợ. Đúng vào thời điểm khẩn cấp đó, Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã đến sân bay Gia Lâm kiểm tra tình hình chuẩn bị cứu hộ người dân ở các địa phương bị thiên tai tàn phá của Quân chủng Phòng không-Không quân.
    |
 |
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm Trung đoàn 918, tháng 11-1999. Ảnh: ĐOÀN TRUNG LƯU
|
Tại Trung đoàn 918, trước phóng viên các hãng thông tấn trong nước và quốc tế, Phó thủ tướng tuyên bố Chính phủ quyết định lập cầu hàng không chuyển hàng cứu trợ của Nhà nước và nhân dân tới đồng bào đang gặp nạn và giao lực lượng Không quân tổ chức thực hiện nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Đại tá Mai Khả Độ, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 918 nhớ lại: “Sau khi nhận nhiệm vụ, Đảng ủy Trung đoàn đã ra nghị quyết lãnh đạo và tổ chức thực hiện cứu hộ thiên tai một cách nhanh chóng, hiệu quả. Trung đoàn lập kế hoạch sử dụng lực lượng, máy bay, phương tiện kỹ thuật cụ thể cho nhiệm vụ cứu hộ. Tất cả máy bay, quân số đơn vị và cả số học viên phi công, các máy bay đang bảo hành của Nhà máy A41 (Quân chủng Phòng không-Không quân) đều được huy động tham gia hoạt động cứu hộ”.
Cả Trung đoàn khi đó tích cực làm công tác chuẩn bị. Các cơ quan, đơn vị khẩn trương lập kế hoạch chi tiết bảo đảm tốt nhất nhiệm vụ cứu hộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cấp bách như trong chiến đấu. Khi cầu hàng không được thiết lập, toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn làm việc bất kể ngày đêm để tiếp nhận hàng cứu trợ. Hằng ngày có hàng trăm lượt người, đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội đến ủng hộ, tiếp tế hàng cứu trợ.
Thượng tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 918 kể lại: “Khi ấy, rất nhiều phương tiện chuyên chở lần lượt chạy về sân bay Gia Lâm. Những container từ Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên chạy từ Quốc lộ 5 về Trung đoàn. Trên địa bàn Hà Nội, từ ô tô đến các phương tiện gắn máy, xe đạp tấp nập chở quần áo, chăn màn, thuốc men, lương khô, nước uống, xuồng, phao cứu sinh gửi vào miền Trung. Một cửa hàng ở Hà Nội còn chở đến sân bay 1.000 chiếc bánh chưng, được đơn vị bố trí vận chuyển cấp tốc để cứu trợ đồng bào”. Trong lúc khó khăn, nhân dân cả nước đều hướng về miền Trung ruột thịt. Những vật phẩm, gói hàng được nhân dân gửi gắm qua những cánh bay là sự sẻ chia, giúp đỡ trước mắt để đồng bào có thêm nghị lực vượt qua khó khăn trong cơn lũ dữ.
Bay trong mưa bão
Khi hàng đã được tập kết về sân bay Gia Lâm, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ cho những tổ bay có trình độ, kinh nghiệm bay trong điều kiện mưa bão thực hiện các chuyến bay cứu hộ. Cầu hàng không được thiết lập từ hai đầu Nam, Bắc đến các tỉnh miền Trung. Đường bay vận chuyển hàng từ Gia Lâm, Tân Sơn Nhất hạ cánh xuống các sân bay: Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai. Điều kiện thời tiết khi ấy rất xấu, có mưa lớn nên tầm nhìn hạn chế. Nếu như trong điều kiện huấn luyện bình thường, ban bay sẽ không được thực hiện. Nhưng thấu hiểu sự chờ mong của đồng bào nơi rốn lũ, bằng ý chí và bản lĩnh của những người lính bay đã từng trải qua chiến đấu, các phi công, thành viên tổ bay vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ.
Đại tá Đào Xuân Chính, nguyên Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 918 chia sẻ: “Máy bay An-26 cất cánh trong mưa bão nên tầm nhìn rất hạn chế. Quá trình bay, kỹ thuật hàng không còn phát sinh hỏng hóc, các đài trạm chịu sự tác động của thời tiết xấu nên hoạt động không ổn định. Khi ấy, phi công đã tập trung khắc phục những khó khăn, tổ chức bay bằng ra-đa và thiết bị định vị vệ tinh, giảm thấp ở cự ly 8-10km, bay theo mép bờ biển ở độ cao 150-200m dưới mây mưa, khi nhìn thấy sân bay thì tiếp cận đường băng vào hạ cánh”.
    |
 |
Đại tá Phan Đức Lạc giới thiệu một số hình ảnh về hoạt động cứu hộ của đơn vị. Ảnh: ĐỨC NAM |
Trong điều kiện mưa bão, nhiều máy bay của Nhật Bản và Mỹ tham gia cứu hộ nhân đạo không thể hạ cánh được, nhưng các máy bay An-26 của Trung đoàn 918 vẫn hạ cánh an toàn xuống sân bay Phú Bài. Đại tá Phan Đức Lạc, nguyên Chủ nhiệm an toàn bay Lữ đoàn 918 cho biết: “Khi máy bay vừa hạ cánh, đông đảo bộ đội địa phương và nhân dân đã tập trung các phương tiện ở sân bay. Không quản vất vả, các thành viên tổ bay nhanh chóng cùng với bà con bốc xếp hàng hóa từ khoang hàng xuống. Không khí làm việc tại điểm nhận hàng cũng hết sức khẩn trương. Những thùng hàng cứu trợ được vận chuyển lên trực thăng để chở trực tiếp vào các vùng lũ đang bị cô lập”.
Với tinh thần trách nhiệm cao, Trung đoàn 918 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển hàng cứu hộ. Kết quả, từ ngày 3 đến 8-11-1999, đơn vị đã thực hiện 43 chuyến bay ngày đêm, vận chuyển 97 tấn hàng hóa từ sân bay Gia Lâm, 48 tấn từ sân bay Tân Sơn Nhất và 31 tấn trung chuyển từ sân bay Đà Nẵng. Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu trợ đồng bào miền Trung, ngày 9-11-1999, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đến thăm và động viên đơn vị: “Trong những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã cùng với nhiều đơn vị thuộc các quân đoàn, quân chủng, binh chủng và LLVT địa phương ở vùng lũ lụt bất chấp mọi khó khăn trở ngại, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Quân đội giao cho, tỏ rõ tình sâu nghĩa nặng của LLVT đối với nhân dân, với đồng bào ruột thịt. Hoạt động xuất sắc của Trung đoàn trong những ngày này thật xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng”.
VŨ DUY