Ngày đó, bác Nguyễn Văn Tấn đang sống cùng gia đình ở Đà Nẵng, đã ngoài 80 tuổi, còn khỏe, minh mẫn. Về cuộc đời cách mạng của bác thì phải viết được cuốn sách dày, nhưng theo đề nghị của tôi, bác kể lại việc hoạt động của bác ở thời kỳ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại quê hương.

"Tôi sinh năm 1918 tại làng chuyên nghề mộc Kim Bồng của Hội An. Ở tuổi đôi mươi, tôi bắt đầu xa nhà đi hoạt động, được tổ chức phân công lên Đà Lạt. Tại đây, tôi làm công tác tuyên huấn, vận động quần chúng, đảm nhiệm Tổng thư ký Hội Ái hữu công nhân ngành mộc và ngày 5-5-1938 tôi được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm sau tôi bị địch bắt, chúng nghi ngờ có dính líu đến cộng sản, nhưng không có chứng cứ cụ thể nên chỉ kết án 3 tháng tù treo. Tôi vẫn ở Đà Lạt, được bầu là Bí thư Ban Cán sự thành phố. Đến giữa năm 1940, tôi lại bị bắt, giam ở nhà lao Nha Trang, sau địch đưa về quản thúc tại quê nhà. Lúc này, Đảng bộ Hội An thành lập, trực thuộc Xứ ủy Trung Kỳ và tôi được bổ sung vào Thành ủy Hội An. Đến đầu năm 1942, các cơ quan Xứ ủy, Tỉnh ủy, Thành ủy Đà Nẵng đều bị vỡ, anh Năm Công (tức đồng chí Võ Chí Công) là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thoát được, sau một thời gian ngắn vào phía Nam, rồi trở về khôi phục lại cơ sở nối liên lạc với Hội An. Anh đề xuất thống nhất Đà Nẵng, Hội An và Quảng Nam chung một Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng.

Cơ quan lãnh đạo Tỉnh ủy được kiện toàn, Báo Cờ Độc lập ra đều đến số 10 phổ biến khắp nơi. Nhưng đầu năm 1943, nhiều cơ sở bị địch khủng bố trắng, Thành ủy bị bắt gần hết, chỉ còn tôi và anh Nguyễn Hàng ở làng Kim Bồng nhờ một quần chúng báo tin sớm nên trốn thoát, cùng thời điểm đó, các anh Năm Công, Nguyễn Sắc Kim cũng thoát được. Tôi gặp anh Năm Công nói là anh em trong tù giữ vững khí tiết, không khai báo nên cơ sở vẫn còn, tôi cùng các anh tổ chức lại Thành ủy Hội An. Đến tháng 5-1943, Thành ủy Hội An lâm thời ra đời, tôi được cử làm Bí thư, trước mắt khôi phục lại các chi bộ, tổ đảng. Đến đầu năm 1944 thêm các anh ở Tỉnh ủy Quảng Nam là Trần Văn Quế, Nguyễn Tiến Chế vượt ngục về chỗ tôi để cùng xây dựng phong trào. Lúc này tình hình thế giới có nhiều chuyển biến tích cực, Hồng quân Liên Xô và Đồng minh đang chiến thắng phát xít Đức-Ý-Nhật trên nhiều mặt trận, ta cần chớp thời cơ này để giành chính quyền. Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam được thành lập do anh Quế làm Bí thư, tôi và anh Chế trong Thường vụ, tôi kiêm Bí thư Thành ủy Hội An và phụ trách bộ phận văn phòng Tỉnh ủy đặt tại quê tôi là làng Kim Bồng. Báo Cờ Độc lập ra tiếp số 11. Kế đến, ngày 9-3-1945, Nhật hất cẳng Pháp, tù chính trị các nơi thoát tù bổ sung cho các Tỉnh ủy và Việt Minh tỉnh, thành phố. Cuộc họp Tỉnh ủy và Việt Minh Quảng Nam diễn ra ngày 12-8-1945 ở thị xã Tam Kỳ. Hội nghị tập trung vào việc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, lập ra ban lãnh đạo khởi nghĩa các cấp, gọi là Ban Bạo động. Ban Bạo động tỉnh Quảng Nam gồm 17 người, anh Năm Công được bầu vào Thường trực gồm 5 người. Ngay trong đêm 16-8, cơ quan bạo động tỉnh dời ra Điện Bàn trực tiếp chỉ đạo cuộc tổng khởi nghĩa.

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Văn Tấn (hàng hai, thứ hai, từ trái sang), cùng đồng chí Võ Chí Công và lãnh đạo Khu ủy Khu V tiếp Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng vào thăm Đà Nẵng sau ngày giải phóng, năm 1975. Ảnh tư liệu 

Tôi là Trưởng ban Bạo động thành phố Hội An, trở về họp triển khai kế hoạch khởi nghĩa. Theo kế hoạch, ta sẽ làm chủ vùng nông thôn, còn ở nội ô chuẩn bị đầy đủ điều kiện để khi bên ngoài giành được chính quyền rồi, bên trong nội thành khởi nghĩa giành chính quyền toàn thành phố. Vừa họp triển khai thì chiều 16-8, được tin cơ sở báo, tối 17-8, tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng sẽ cùng bọn Quốc dân Đảng, phản đế, Cao Đài... tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại rạp Đồng Lạc, Hội An ra mắt chính quyền độc lập của Quảng Nam, để đón Đồng minh vào tiếp nhận Nhật đầu hàng, phá kế hoạch khởi nghĩa của Việt Minh. Không thể để bọn phản động ra tay trước, trong khi bộ máy của chúng đã tê liệt, ta thì có đủ lực lượng và đã nắm chặt bọn bảo an, tề ngụy. Phải hành động giành chính quyền ngay trong đêm 17-8. Tôi triệu tập cuộc họp Thành ủy sáng 17-8 tại nhà ông Huỳnh Đủ, xóm Ngọc Thành, làng Kim Bồng. Đang họp thì anh Năm Công và chị Phan Thị Nễ đều là Ủy viên Thường trực Ban Bạo động tỉnh đến, hai người hoàn toàn nhất trí với kế hoạch của chúng tôi. Đúng lúc đó, đồng chí Trần Đình Tri mang mệnh lệnh của Ban Khởi nghĩa, buộc tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng phải đầu hàng Việt Minh. Rạng sáng 18-8, lệnh tổng khởi nghĩa ban ra, đoàn quân khởi nghĩa hàng vạn người ở Hội An lên đường rầm rập, ai cũng cầm trong tay một thứ vũ khí thô sơ như gậy gộc, dao, búa. Đoàn người chiếm đồn lính, phá kho vũ khí. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng. Ấn tượng nhất là khi phá kho vũ khí. Tôi, anh Năm Công, chị Nễ bước vào đầu tiên nhìn thấy 250 khẩu súng trường và súng ngắn sáng loáng, ai cũng rất phấn khích vì tự vệ của ta toàn vũ khí thô sơ. Súng trường được chuyển ngay cho hai đại đội tự vệ mới thành lập, còn mỗi chúng tôi được giữ một khẩu súng ngắn.

Sáng ra, chúng tôi tổ chức cuộc mít tinh lớn ở phố cổ Hội An, có hàng vạn người tham gia, cờ đỏ sao vàng rợp trời, bắt tỉnh trưởng nộp ấn tín, đại diện Ban Bạo động còn tuyên bố, toàn tỉnh Quảng Nam đã thuộc về nhân dân và đọc 10 chính sách của Việt Minh. Đặc biệt, lúc đó ở huyện Tiên Phước, Trưởng ban Bạo động là anh Huỳnh Đắc Hương (sau này là Thiếu tướng, Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào) lại bị tên huyện trưởng đưa lính bảo an đến bắt trước lúc lệnh Tổng khởi nghĩa phát ra. Đại đội tự vệ cùng đoàn biểu tình đã kịp thời về giải cứu anh Hương và chính quyền cách mạng của huyện này cũng được thành lập ngay trong ngày. Như vậy, trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quảng Nam nắm bắt thời cơ, hành động rất mau lẹ, là một trong 4 tỉnh của cả nước khởi nghĩa, giành chính quyền sớm nhất...

Sau này, tôi là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (từ năm 1956 đến 1959), trực thuộc Liên khu ủy Khu 5. Từ năm 1960 đến 1961, tôi được Thường vụ Khu ủy cử làm Bí thư Đảng ủy 32A phụ trách 4 huyện Tam Kỳ, Tiên Phước (Quảng Nam), Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Đến cuối năm 1961, tôi được điều động phụ trách nội thành Đà Nẵng, rồi phụ trách Khối Chính trị thành phố của cơ quan Khu ủy... Từ sau ngày nước nhà thống nhất, tôi là đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ủy ban Kinh tế-Xã hội của Quốc hội, Ủy viên Đoàn chủ tịch, kiêm Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đến cuối năm 1985 thì về hưu...".

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Văn Tấn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

PHẠM QUANG ĐẨU