Khoảnh khắc lịch sử của xe tăng Việt Nam

Để tìm hiểu về người lái chiếc xe tăng đầu tiên lăn xích ở nước ta, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với  Đại tá Đào Văn Bàn, nguyên Phó hiệu trưởng về kỹ thuật Trường Đào tạo kíp xe thiết giáp (T900) thuộc Bộ Tổng Tham mưu; nguyên kỹ thuật viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Xe tăng 202, hiện ở số 10, ngõ 187, đường Trường Chinh, phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Đã gần 90 tuổi nhưng trí nhớ của ông còn mẫn tuệ, giọng nói sang sảng: “Đúng 18 giờ 33 phút ngày 13-7-1960, chiếc xe tăng T34 mang số hiệu 114 do tôi điều khiển đã đặt dải xích xuống đất Việt Nam, tại ga Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Sau đó, tôi cùng các đồng đội lái toàn bộ gần 100 xe tăng T34 và pháo tự hành CY-76 về đơn vị bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, ngày 26-9-1960, đơn vị chúng tôi được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng về thăm và kiểm tra. Đại tướng đã giao nhiệm vụ: “Trung đoàn 202 phải trở thành trung đoàn xe tăng chính quy, hiện đại, vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt cho sự phát triển của Binh chủng Thiết giáp sau này”.

Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ngày 24-10-1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký Quyết định số 142/QĐ-QP thành lập Quân đoàn 1, điều động Lữ đoàn TTG 202 từ Bộ tư lệnh Thiết giáp (nay là Binh chủng TTG) về trực thuộc quân đoàn. Ngày 27-12-1973, Bộ tư lệnh Thiết giáp tổ chức bàn giao Lữ đoàn TTG 202 về Quân đoàn 1. Đây là một vinh dự lớn của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, đánh dấu bước phát triển và trưởng thành mới, đồng thời cũng phản ánh quy luật phát triển tất yếu của bộ đội TTG.

Đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể

Chấp hành mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam...”, Lữ đoàn 202 đã cùng với các đơn vị trong toàn Quân đoàn 1 thần tốc hành quân vượt chặng đường dài hơn 1.700km từ Bắc vào Nam. Đơn vị đã đoàn kết, hiệp đồng hành quân thần tốc với số lượng lớn xe pháo, người và trang thiết bị cao nhất tập kết an toàn, đúng thời gian quy định.

leftcenterrightdel
Kíp xe của Lữ đoàn Xe tăng 202 tham gia Hội thao “Kíp xe tăng giỏi” toàn quân năm 2021.Ảnh: XUÂN THỦY 

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn 202 cùng đội hình quân đoàn tiến công địch ở hướng bắc Sài Gòn. Lữ đoàn có nhiều tấm gương anh dũng chiến đấu, tiêu biểu là Thiếu úy Hoàng Thọ Mạc, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 66, Lữ đoàn 202, hy sinh sáng 30-4-1975. Chúng tôi đã về xã Xuân Vinh (Xuân Trường, Nam Định) gặp bà Tô Thị Khuy, vợ anh hùng liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc. Bà Khuy ngậm ngùi: “Tôi nghe đồng đội của chồng tôi kể lại, sáng 30-4-1975, sau khi đánh chiếm Lái Thiêu, tiêu diệt 1 xe tăng M41; 2 pháo tự hành 175mm của địch, xe thiết giáp K63 số hiệu 454 do chồng tôi trực tiếp chỉ huy vọt lên dẫn đầu đội hình tiến công của Quân đoàn 1 tiến về cầu Vĩnh Bình. Trong cuộc chiến đấu ác liệt với địch, dù bị thương nhiều lần nhưng anh vẫn kiên cường chiến đấu và hy sinh khi lấy thân mình che đạn cho đồng đội. Anh hy sinh chỉ một giờ trước khi miền Nam được giải phóng”. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, ngày 12-9-1975, Đảng, Nhà nước đã truy tặng liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Khẩu súng K54 mà đồng chí sử dụng trong trận đánh cuối cùng hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng TTG.

leftcenterrightdel
Thượng tá Nguyễn Đức Bình (thứ tư, từ phải sang) nhận Cờ thi đua của Bộ tư lệnh Tăng Thiết giáp tặng Lữ đoàn Xe tăng 202.Ảnh: XUÂN THỦY 

Tới thăm Lữ đoàn 202 những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự phát triển lớn mạnh, không gian cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, chính quy, hiện đại của đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội ta. Tự hào được công tác tại Tiểu đoàn 66 anh hùng, Thiếu tá QNCN Đặng Ngọc Chủ, Trưởng xe tăng T54, Trung đội 9, Đại đội 3 chia sẻ: “Tiếp nối truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”, chúng tôi luôn ý thức mỗi người lính xe tăng phải tự học, tự quản, tự rèn để nâng cao ý chí, bản lĩnh, tinh thần “thép” và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là việc làm chủ vũ khí công nghệ cao. Để lập công tập thể, các thành viên trên xe phải gắn kết, hiệp đồng chặt chẽ. Bởi, chỉ một thành viên trên xe thao tác không nhịp nhàng, không đúng quy trình sẽ dẫn đến kết quả không tốt. Đoàn kết tạo nên sức mạnh. Hiệp đồng chặt chẽ mới lập công tập thể và đạt thành tích cao. Muốn làm được điều đó, mỗi thành viên kíp xe phải giỏi chuyên môn và nắm rõ chức trách, nhiệm vụ, thành thạo thao tác của mình và biết nhiệm vụ, thao tác của các thành viên khác trong kíp xe. Trong Hội thao “Kíp xe tăng giỏi” toàn quân năm 2021, chúng tôi đã giành giải nhất khối xe tăng T54, T55”.

leftcenterrightdel
  Thiếu tá QNCN Đặng Ngọc Chủ (ngoài cùng, bên trái) hướng dẫn thành viên kíp xe hiệu chỉnh súng máy 12,7mm trên xe tăng T54.Ảnh: THÁI KIÊN

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội ta, theo Thượng tá Nguyễn Đức Bình, những năm qua, ngoài nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đơn vị còn huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ; sử dụng hàng trăm lượt phương tiện cơ động không kể đêm tối, mưa dông và đã có mặt kịp thời ở những nơi xảy ra thiên tai, bão lũ để cứu giúp nhân dân. Điển hình trong đợt chống lũ lụt tháng 10-2008 tại xã Gia Tường (Nho Quan, Ninh Bình), Thượng úy Đặng Đình Hào, Phó đại đội trưởng về kỹ thuật Đại đội 2, Tiểu đoàn 66 của đơn vị đã dũng cảm hy sinh khi giúp dân chống lũ. Tấm gương của liệt sĩ Đặng Đình Hào đã làm rạng ngời thêm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, của người chiến sĩ xe tăng luôn sẵn sàng hy sinh tính mạng để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

 Hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn Xe tăng 202 được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1989 và 2000); 4 tập thể thuộc lữ đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đơn vị được tặng thưởng 5 Huân chương Quân công, 52 Huân chương Chiến công các hạng và nhiều phần thưởng cao quý khác; trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lữ đoàn có 2 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân là liệt sĩ Đinh Văn Hòe và liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc.

NGUYỄN KIÊN THÁI