Số 5, số 9 và sức lớn Phù Đổng

Suy ngẫm về 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn năm nay, trong tôi cứ bị ám ảnh bởi hai con số: 5 và 9. Ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy đã chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn công tác quân sự đặc biệt-Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Quy mô ban đầu của đoàn: 500 người.

leftcenterrightdel
Các chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, tri ân đồng đội được hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tích cực tổ chức hằng năm. Ảnh: VĨNH THĂNG

Để đáp ứng yêu cầu và sự phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tổ chức, biên chế của Đoàn 559 đã nhanh chóng phát triển, được ví “lớn nhanh như Phù Đổng” với những con số ngẫu nhiên: 5 và 9 xuất hiện nhiều lần. Hơn 5 năm sau ngày thành lập, đầu năm 1965, Đoàn công tác quân sự đặc biệt ngày nào đã trở thành Bộ tư lệnh 559-đơn vị tương đương cấp quân khu. Ngày 29-7-1970, Bộ tư lệnh 559 phát triển thành Bộ tư lệnh Trường Sơn-đơn vị cấp quân khu. Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường quan trọng và rộng lớn. Bộ tư lệnh Trường Sơn được tổ chức thành binh chủng hợp thành, có cả lực lượng vận tải, công binh, phòng không, bộ binh, thông tin, giao liên… Đến năm 1973-1975, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn trực thuộc, quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và một vạn thanh niên xung phong (TNXP).

Hơn 15 năm vừa tổ chức mở đường, chiến đấu bảo vệ đường, tổ chức vận tải quân sự chi viện cho các chiến trường và tham gia chiến đấu trong các chiến dịch lớn để giải phóng và bảo vệ các vùng giải phóng thuộc tuyến hành lang vận tải chiến lược, Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng một mạng lưới dọc, ngang, cả Tây và Đông Trường Sơn, cả trên bộ, trên sông, có cả hệ thống đường dẫn xăng dầu, đường dây thông tin dài hàng vạn ki-lô-mét. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Những địa danh, chiến công mãi còn nhắc nhớ...

Trong nhiều chuyến đi với Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, tôi nhớ mãi lần về nguồn trên con đường huyền thoại này cách đây 7 năm. Chuyến đi vào tháng 5-2012, tôi đã được đến nhiều địa danh, được nghe nhiều câu chuyện xúc động, để thấy được một Trường Sơn bi tráng và anh hùng, thiêng liêng và đặc biệt như thế nào.

Tôi được đến Đường 20-Quyết Thắng, một thời máu trộn trên đường. Nằm ở phía tây rừng núi Quảng Bình, từ năm 1965, con đường này trở thành một tuyến đường chi viện chủ lực cho chiến trường. Tôi nhớ, tại bia tưởng niệm ở ngầm Trạ Ang, Đại tá Thái Sầm, thành viên trong đoàn, dõi theo dòng nước từ ngầm Trạ Ang, thủ thỉ: “Cậu biết không, có những lúc chiến trường cần xăng, mà đường thì bị đánh không đi được, chúng ta phải vận chuyển xăng ngược dòng nước chảy qua chân trọng điểm này. Trong lúc vận chuyển, máy bay đến ném bom, làm vỡ thùng xăng, lửa cháy bùng bùng. Anh em bẻ cành cây, cởi cả quần áo dập lửa, có người ôm lấy thùng xăng. Máu của chiến sĩ ta hòa vào xăng, vào nước. Vần được 30 phuy xăng lên phía trước thì 29 anh em đã không trở về…”.

Tôi đã đến hang Tám Cô. Vẫn còn nhớ lời anh hướng dẫn viên nghèn nghẹn: “Nơi đây vào ngày 14-11-1972, bom Mỹ đánh dữ dội vào khu vực này, nơi có một đội TNXP và một tiểu đội pháo đang làm nhiệm vụ. Địch bắn tên lửa làm sập lèn đá 100 tấn, lấp kín cửa hang. Trong hang lúc này có 8 TNXP, 4 nam, 4 nữ đều quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Họ hy sinh khi hầu hết mới ở tuổi mười tám, đôi mươi…”.

Tôi cũng đã vào Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn một vạn liệt sĩ, trong một buổi trưa đầy nắng và gió. Giữa mênh mang bạt ngàn bia mộ, có một cái gì đó nhoi nhói trong tim, nấc nghẹn trong cổ họng. Các anh trong ban quản lý nghĩa trang nói rằng, mỗi ngôi mộ ở đây là một câu chuyện xúc động về tấm gương hy sinh của những người lính Trường Sơn. Hơn một vạn ngôi mộ là hơn một vạn câu chuyện như thế. Ở nghĩa trang có quy mô lớn nhất nước này, còn có cả những câu chuyện thuộc về thế giới tâm linh. Dẫu còn thực hư nhưng những câu chuyện tâm linh đó lại mang tính nhân bản sâu sắc và như nhắc nhớ một điều với những người đang sống: Các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, đã nằm xuống nhưng các anh, các chị không bao giờ chết. Họ sống mãi trong lòng Tổ quốc và nhân dân…

Tôi còn đến Làng Ho, một địa danh lịch sử trên đường Trường Sơn. Nơi đây, vào tháng 10-1959 đã được chọn đặt Sở chỉ huy tiền phương của Đoàn 559, là điểm đầu đường gùi thồ chi viện cho chiến trường. Từ đây, đoàn chúng tôi đã qua cửa khẩu hành quân theo Đường 12 sang huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào. Không có điều kiện để đến các địa danh ở huyện Bua La Pha, trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã quyết định dừng lại tại Km12 thuộc bản Na Phầu, huyện Bua La Pha để làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sơn đã hy sinh trên đất bạn Lào ở khu vực này. Một chuyện tình cờ đã xảy ra ở đây. Khi ấy, những đồ lễ mang theo được bày biện trên tảng đá như chiếc bàn thờ bề thế, bên cạnh một cây cổ thụ. Hương được châm lên, tiếng chuông và lời thỉnh cầu của Đại đức Thích Chung Sơn vừa điểm thì một dòng ánh sáng quét qua bóng cây xuống tảng đá. Tiếng chim lao xao như mừng rỡ, đón chào. Một bầu không khí linh thiêng tụ lại chỗ những người lính già đang hướng về các đồng đội đã ngã xuống. Ý tưởng về việc xây dựng một công trình tưởng niệm ở bản Na Phầu nhanh chóng được mọi người hưởng ứng. Các vị tướng lĩnh, nhà tu hành, các cựu chiến binh và phóng viên báo chí theo đoàn đã tự nguyện tham gia đóng góp tại chỗ được 52 triệu đồng. Ai cũng mong muốn công trình sẽ sớm xuất hiện trên mảnh đất lịch sử này. Chúng tôi được biết, sau chuyến đi đó 3 năm, với sự chung tay của tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn, công trình Bia tưởng niệm các liệt sĩ Lào-Việt Nam tại bản Na Phầu, huyện Bua La Pha đã chính thức khánh thành…

Chiến tranh đã lùi xa. Những cánh rừng giữa đại ngàn Trường Sơn một thời xơ xác, trơ trọi vì bom đạn nay đã xanh tươi trở lại. Đường Hồ Chí Minh của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa như một dải lụa xuyên qua núi rừng hùng vĩ, thay thế những con đường “xẻ dọc, rọc ngang” của thời máu lửa. Trường Sơn không chỉ có những con số 5, số 9… bi hùng, thiêng liêng, những chiến công mãi còn nhắc nhớ mà Trường Sơn còn là “con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta” như lời Tổng Bí thư Lê Duẩn ghi trong Sổ vàng của Bộ đội Trường Sơn…

TRẦN HOÀNG