Những nghị quyết có tính bước ngoặt

Đứng trước yêu cầu thực tiễn bảo vệ vững chắc biên giới, hải đảo của Tổ quốc, ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và biên cương. Theo đó, ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Kể từ đó, ngày 3-3-1959 trở thành Ngày truyền thống BĐBP.

Cho tới ngày 10-10-1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) đã ra Nghị quyết số 22-NQ/TW nhằm thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ huy các LLVT, trong đó nêu rõ: “Chuyển giao sang Bộ Quốc phòng và chuyển thành BĐBP toàn bộ lực lượng và tổ chức Công an nhân dân vũ trang hiện nay thuộc Bộ Nội vụ” nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về tăng cường sức mạnh phòng thủ và chiến đấu của đất nước cũng như nâng cao sức mạnh quân sự, quốc phòng, chủ động bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia. Tiếp đó, ngày 30-11-1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07/NQ-TW về “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới” và chỉ rõ: “Chuyển giao lực lượng BĐBP cho Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trực tiếp phụ trách”.

leftcenterrightdel
Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng trao Công trình "Ánh sáng vùng biên" tặng đồng bào biên giới tỉnh Quảng Bình ngày 20-1-2022. Ảnh: Mai Hương 

Qua nhiều lần thay đổi, biến động về tổ chức biên chế, song những người lính quân hàm xanh vẫn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Dưới sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Bộ Nội vụ trong gần 7 năm, BĐBP đã có những bước chuyển biến vững chắc về mọi mặt. Song, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nói chung và nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia nói riêng trong giai đoạn mới, ngày 8-8-1995, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) ra Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới”, đồng thời quyết định chuyển BĐBP từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng.

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 22-12-2004, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ra Thông báo số 165-TB/TW về tổ chức BĐBP, xác định: Công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP phải bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng và các tỉnh ủy, thành ủy (nơi có BĐBP). BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, được chỉ huy, bảo đảm thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cơ sở, với 3 cấp: Bộ tư lệnh, bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, thành phố và đồn biên phòng...

Cũng trong thời gian này, Bộ tư lệnh BĐBP đã tham mưu xây dựng thành công Pháp lệnh BĐBP và Luật Biên giới quốc gia, gồm 6 chương, 41 điều. Đặc biệt, ngày 11-11-2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Là một trong những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên có mặt trong ngày lễ trọng đại thành lập lực lượng, cả cuộc đời gắn bó với những chặng đường biên cương của Tổ quốc, hơn ai hết, Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng, nguyên Tư lệnh BĐBP hiểu sâu sắc ý nghĩa của “biên giới lòng dân”. “Năm 1989, Bộ tư lệnh BĐBP tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 16/HĐBT lấy ngày 3-3 là Ngày Biên phòng. Năm 2003, Luật Biên giới quốc gia cũng xác định ngày 3-3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân-ngày hội của biên cương, ngày cả nước hướng về biên giới...”, Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng nhớ lại.

Xây dựng “biên giới lòng dân”

Kể từ khi thành lập đến nay, BĐBP đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy vai trò nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; giúp lãnh đạo, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở; bám sát địa bàn, gắn bó mật thiết với nhân dân, giúp nhân dân các dân tộc ở vùng biên giới, hải đảo phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Từ thực tiễn chiến đấu và công tác đã chứng minh, xây dựng “biên giới lòng dân” là điều quan trọng nhất, không thể khác. Muốn vậy phải đủ uy tín để quy tụ, phối hợp lực lượng tại chỗ; đủ tài trí để thiết lập quan hệ ngoại giao hữu hảo với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn. Có như vậy, sức mạnh lòng dân biên giới mới có thể dệt thành “mạng lưới mềm” rộng khắp, vô hình nhưng hiệu quả.

“Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, BĐBP đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Hình ảnh người “thầy thuốc quân hàm xanh”, “thầy giáo quân hàm xanh”, “cán bộ tăng cường quân hàm xanh”... đã làm ngời sáng thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, góp phần củng cố, vun đắp mối quan hệ quân dân máu thịt nơi biên cương, hải đảo...”, Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP khẳng định.

Vừa qua, chúng tôi có dịp “thực mục sở thị” một số đồn biên phòng thuộc BĐBP tỉnh Lạng Sơn ở tuyến biên giới phía Bắc. Khi chúng tôi đề cập tới việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, Thượng tá Nguyễn Bá Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma chia sẻ: “Đơn vị phụ trách địa bàn 3 xã: Mẫu Sơn, Yên Khoái, Tú Mịch thuộc huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị đã phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng mối đoàn kết gắn bó với cấp ủy, chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Chúng tôi đã vận động được 6 tập thể và hơn 100 hộ gia đình đăng ký tham gia quản lý, bảo vệ 16,325km đường biên và 49 cột mốc; phân công gần 20 đảng viên của đơn vị xuống sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở của 3 xã; cử 50 đảng viên phụ trách gần 120 hộ gia đình; có 19 tổ và gần 2.000 hộ gia đình đăng ký tự quản an ninh trật tự khu vực biên giới. Đồng thời, đơn vị giúp bà con địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo...”.

Có được kết quả trên một phần là nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Thiếu tá Lương Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết: “Công tác tuyên truyền tới bà con được đơn vị duy trì thường xuyên, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết và Ngày Biên phòng toàn dân. Trước khi có dịch Covid-19, hằng năm vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, quân dân phối hợp tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Biên phòng toàn dân để cùng nhau  ôn lại truyền thống của BĐBP, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa Ngày Biên phòng toàn dân; tổ chức khen thưởng, vinh danh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ giao lưu văn hóa văn nghệ với bà con và tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao, tung còn... tạo không khí vui tươi, sôi nổi, thắm tình đoàn kết”.

Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, an ninh biên giới và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới, theo Trung tướng Đỗ Danh Vượng, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Theo đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Cùng với đó, BĐBP phải ngày càng gắn bó máu thịt với nhân dân; tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo; tham gia xây dựng hệ thống chính trị các cấp ở khu vực biên giới vững mạnh; phát huy vai trò của cán bộ BĐBP tăng cường xã, tham gia cấp ủy các huyện, xã biên giới, đảng viên phụ trách hộ gia đình; tiếp tục tham gia phổ cập giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các chính sách dân tộc, tôn giáo, văn hóa-thông tin cho nhân dân; đẩy mạnh thực hiện và phát huy hiệu quả các phong trào, chương trình, mô hình của BĐBP với nội dung, hình thức, phương pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng bản sắc văn hóa các dân tộc...

NGUYỄN KIÊN THÁI