Năm 1930, khi vừa tròn 18 tuổi, đồng chí Võ Chí Công hăng hái tham gia phong trào thanh niên cơ sở, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Thông minh, nhanh nhẹn, giỏi tuyên truyền, vận động, đồng chí tích cực tham gia tổ chức cách mạng bí mật tại quê hương Tam Kỳ, Quảng Nam và gây dựng cơ sở cách mạng tại các tỉnh miền Trung.

Ông Nguyễn Văn Thạnh (sinh năm 1925, trú thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày) có người anh là Nguyễn Hộ (Nguyễn Thảng) hoạt động cách mạng cùng với đồng chí Võ Chí Công trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rưng rưng kể lại: “Tôi là thế hệ đi sau, nhưng có may mắn là anh trai tôi hoạt động cùng thời với anh Năm Công nên tôi có nhiều dịp tiếp xúc và nhận được sự dạy bảo của anh. Tôi nhớ hồi những năm 1935-1940, anh Năm Công mở quán bán hàng tạp hóa mang tên “Liên Hiệp Nghĩa” tại quê nhà để tập hợp những chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước cùng chung sức đánh đuổi giặc ngoại xâm. Có lần mật thám lùng bắt anh tại quán này, nhanh trí, anh Năm Công bèn hái ngay trái chanh trong vườn ngậm vào miệng giả làm người có cái bướu bên cạnh hàm khiến mật thám Pháp không thể nhận ra”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tới dự cuộc gặp mặt các thế hệ anh hùng, chiến sĩ xuất sắc, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 20-7-1992, tại Hà Nội. Ảnh tư liệu 

Tháng 6-1943, đồng chí Võ Chí Công bị mật thám Pháp bắt, đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí trở về tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Võ Chí Công là ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng; Chính trị viên Trung đoàn 93. Năm 1946, đồng chí làm Phó ban Tổ chức cán bộ và Thanh tra Quân khu 5; năm 1950, làm Bí thư Ban cán sự Đông-Bắc Miên (Campuchia), Khu ủy viên Khu 5; năm 1952, làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng.

Đầu năm 1954, đồng chí ra Bắc và được phân công làm Đoàn ủy viên cải cách ruộng đất ở khu Việt Bắc. Sau Hiệp định Geneva, đồng chí Võ Chí Công được phân công trở lại Khu 5 làm Phó bí thư Liên Khu ủy Khu 5 (1955-1958). Tháng 9-1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, làm Bí thư Khu ủy Khu 5. Năm 1961, khi Trung ương Cục miền Nam được thành lập, đồng chí được Bộ Chính trị điều động vào Nam Bộ làm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Khi Mỹ đổ quân xâm lược Việt Nam, nhận định Liên khu 5 sẽ là địa bàn địch tập trung đánh phá ác liệt, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định cử đồng chí Võ Chí Công bí mật trở lại Khu 5 trên cương vị Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư Khu ủy và Chính ủy Khu 5 để lãnh đạo, chỉ huy phong trào cách mạng. Với tài thao lược nhạy bén, đồng chí Võ Chí Công quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn một đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể đánh và thắng Mỹ trong chiến tranh cục bộ.

Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo bước ngoặt lớn, đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải hiểu rằng không thể thắng được dân tộc ta trong cuộc chiến tranh này. Với sự lãnh đạo linh hoạt của Khu ủy Khu 5, quân dân ta tiến công vào các thành phố, thị trấn, đạt mục tiêu rồi rút ngay nên thiệt hại cũng ít hơn so với các nơi khác.

Mùa Xuân năm 1975, khi Tây Nguyên vừa giải phóng, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Khu 5 Võ Chí Công đã đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn nên chớp thời cơ, lãnh đạo quân và dân Khu 5 phát huy lợi thế tại chỗ, kết hợp với các đơn vị chủ lực của Bộ Tổng Tư lệnh, nhanh chóng xóa sổ Quân đoàn 1 và Vùng 1 chiến thuật của địch, đánh tan 10 vạn tàn quân địch đã hoang mang, rệu rã, giải phóng thành phố Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng Sài Gòn-Gia Định vào ngày 30-4-1975 lịch sử.

Trung tướng Phan Hoan, nguyên Tư lệnh Quân khu 5, lúc sinh thời đã khẳng định: “Sự sáng tạo, táo bạo, tư tưởng cách mạng tiến công trong hòa bình, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội của đồng chí Võ Chí Công khó có thể nói hết, như trong vấn đề sản xuất nông nghiệp, khai thác hải sản cũng như trong các lĩnh vực khác, kể cả trong công tác ngoại giao khi đồng chí Võ Chí Công làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước”.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, ngày 13-4-1992, tại Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu 

Sau ngày đất nước thống nhất, trên các cương vị: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng; sớm thể hiện sự tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; trân trọng, ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và các địa phương; cùng tập thể Trung ương lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn thể hiện phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, làm hết sức mình để giữ gìn, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân; luôn gần gũi, quý trọng nhân dân; sống giản dị, khiêm tốn, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết; được đồng chí, đồng bào quý mến, tin cậy; được bạn bè quốc tế trân trọng...

Từ thực tiễn của cuộc chiến đấu, đồng chí Võ Chí Công đã tổng kết phương châm chiến lược 3 mũi giáp công (đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và binh vận) ở 3 vùng chiến lược (thành thị, nông thôn và miền núi). Ðồng chí sâu sát phong trào, lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể và quyết liệt để xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở bám đất, bám dân, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng tổ chức quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kèm, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của kẻ thù. Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn có tính khoa học và lịch sử, vận dụng sáng tạo lý luận chiến tranh cách mạng vào tình hình thực tiễn nước ta, vận dụng tài tình và sáng suốt đường lối chiến tranh cách mạng của Ðảng vào thực tiễn của khu vực Trung Trung Bộ.

 NGUYỄN VIỆT HÙNG