Luôn được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ
Chúng tôi đến thăm Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê tại căn nhà số 226, đường Phú Lợi, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tuy ở tuổi 85 nhưng sức khỏe và trí nhớ của ông còn rất minh mẫn. Khi chúng tôi gợi chuyện những ngày chiến đấu, xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê kể rất sôi nổi và rành rọt. Vốn là chiến sĩ và sau là cán bộ chỉ huy từ cấp tiểu đội đến sư đoàn, hoạt động chủ yếu ở miền Đông Nam Bộ nên ông hiểu và nắm rõ vùng đất này, nơi gắn liền với những chiến công của ông và đơn vị. Ông kể:
“Tôi sinh năm 1937, quê ở xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Là con đầu trong gia đình, nên gọi là Hai Phê. Những năm kháng chiến chống Pháp, tôi tham gia du kích ở địa phương. Năm 1954, nhiều đồng chí đi tập kết ra Bắc, còn tôi được tổ chức cho ở lại địa phương để tham gia hoạt động đấu tranh chính trị, đòi thực thi Hiệp định Geneve, tổng tuyển cử thống nhất. Nhưng chính quyền
Ngô Đình Diệm tiến hành đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng ở miền Nam, các cơ sở cách mạng phải rút vào hoạt động bí mật. Năm 1956, tôi cùng hai đồng chí được tổ chức đưa đi quân dịch, hoạt động trong lòng địch. Nhưng được một thời gian ngắn, cả 3 chúng tôi bị lộ, phải trốn ra ngoài, về địa phương tiếp tục cùng nhân dân đấu tranh chính trị. Tháng 10-1958, tôi nhập ngũ, biên chế vào Đại đội 59 bộ đội địa phương tỉnh Tây Ninh. Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (tháng 1-1959)về tiến hành bạo lực cách mạng, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, Xứ ủy Nam Bộ quyết định chọn căn cứ Tua Hai (Tây Ninh), nơi Trung đoàn 32 (Sư đoàn 21) của ngụy đồn trú, để tiến công. Trận đánh được giao cho Ban Quân sự miền Đông Nam Bộ trực tiếp tổ chức và chỉ huy. Khi đó tôi là Phó tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 59, cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ tham gia đánh trận Tua Hai. Trận đánh thắng lợi chỉ sau hơn 3 giờ chiến đấu. Đây là trận đánh hiệp đồng giữa bộ đội chủ lực, địa phương, lực lượng nội ứng, đặc biệt là lực lượng dân công phục vụ chiến đấu. Lập công ở trận đánh Tua Hai, tôi được kết nạp vào Đảng và được cử đi học quân sự. Học xong, tôi được biên chế về Tiểu đoàn 500, sau đổi phiên hiệu là Tiểu đoàn 800-tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của miền Đông Nam Bộ.
|
|
Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê (bên trái) trò chuyện với cán bộ Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Bình Dương. Ảnh: HƯƠNG HỒNG THU |
Tiểu đoàn 800 hoạt động chủ yếu trên địa bàn tỉnh Bình Dương, luôn gắn bó với các cấp ủy, nhân dân địa phương. Cùng với việc giúp đỡ xây dựng, huấn luyện, phối hợp chiến đấu với các đơn vị vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Phước Thành (nay thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai), Tiểu đoàn 800 tổ chức nhiều trận chiến đấu, như tiến công vào tỉnh lỵ tỉnh Phước Thành, phục kích Đường 13, đánh tiêu diệt đại đội biệt kích “Báo đen”; đánh địch, giúp LLVT địa phương làm nòng cốt trong phong trào phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng; bảo vệ Chiến khu Đ và các căn cứ, cơ sở cách mạng... “Qua chiến đấu, tôi cũng như cán bộ, chiến sĩ LLVT miền Đông Nam Bộ ngày càng trưởng thành, lập nhiều chiến công. Từ cán bộ cấp trung đội, tôi được đề bạt làm đại đội trưởng, rồi tiểu đoàn trưởng. Khi Sư đoàn 5, Bộ tư lệnh Miền thành lập, Tiểu đoàn 800, đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 1, biên chế thuộc Trung đoàn 4. Tôi tiếp tục phấn đấu, được bổ nhiệm giữ các chức vụ cấp trung đoàn, sư đoàn trưởng, phó chỉ huy trưởng, chỉ huy trưởng... Song, sự trưởng thành và những chiến công của cán bộ, chiến sĩ LLVT miền Đông Nam Bộ, hay của cá nhân tôi, đều bắt nguồn từ sự gắn bó với nhân dân, được nhân dân giúp đỡ, đùm bọc, chở che và bảo vệ. Nhờ đó mới hoàn thành nhiệm vụ”. Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê chia sẻ.
Rồi ông Hai Phê kể về những kỷ niệm cùng đồng đội khi đi đánh giặc thắng lợi, trở về cứ, được bà con nhân dân đốt đèn, lấy nước cho rửa mặt; may vá quần áo, cung cấp lương thực, thực phẩm... Thời kỳ khó khăn nhất vào những năm 1968-1970, địch bình định, bố ráp, người dân phải ăn khoai, củ mì (sắn), củ chuối, rau rừng... nhưng vẫn dành lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Có lần đánh địch trên Đường 13, đơn vị không có bản đồ, phải vẽ sơ đồ trên đất cát, đơn vị dựa vào dân để trinh sát, được nhân dân cung cấp thông tin, đồng thời người dân giữ bí mật, bảo vệ bộ đội...
Đồng thuận thực hiện nhiệm vụ
“Với cương vị Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sông Bé, tôi xác định phải làm tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất về công tác quân sự, quốc phòng; quan hệ, gắn bó mật thiết với Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các ban, ngành, đoàn thể địa phương; đồng thời quan tâm, chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận lòng dân thật sự vững chắc”-Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê nhấn mạnh: “Phải tạo được sự đồng thuận cao trong các cấp bộ Đảng, chính quyền và nhân dân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn. Trong kháng chiến, nhân dân đã đùm bọc, chở che, sẵn lòng giúp đỡ bộ đội thì trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ LLVT càng phải gắn bó, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết quân dân cá nước. Từ quan điểm trên, tôi cùng tập thể Đảng ủy, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tham mưu đúng, trúng, phù hợp đặc điểm công tác quốc phòng, quân sự địa phương để xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng; chú trọng giáo dục quốc phòng; tổ chức huấn luyện bộ đội thường trực, lực lượng dự bị động viên, dân quân, tự vệ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao”...
Ông Hai Phê kể tiếp: “Tôi còn nhớ những năm đầu thập niên 1990, nhiều cán bộ của Bộ CHQS tỉnh quê ở miền Bắc, kinh tế khó khăn. Tôi bàn trong ban chỉ huy Bộ CHQS tỉnh chủ trương “an cư rồi mới lạc nghiệp”, hỗ trợ cán bộ quê miền Bắc. Thống nhất trong lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, tôi tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sông Bé, đề nghị quân khu xử lý, cấp đất cho cán bộ để làm nhà ở. Đồng chí Nguyễn Minh Triết, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé nhất trí với chủ trương do Bộ CHQS tỉnh tham mưu, đề nghị. Vậy là mỗi cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp quê miền Bắc có nhu cầu nhà ở được cấp một suất đất. Có đất rồi, cán bộ, nhân viên quân đội lại gặp khó khăn về tài chính. Tôi lại nêu giải pháp nhờ địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ để anh em có tiền nộp thuế và phí làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhờ đó, cán bộ, nhân viên LLVT tỉnh ổn định nơi ở, yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, địa phương”.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Bình Dương làm công tác dân vận tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo. Ảnh: TRUNG TIỀN |
“Trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương, cơ quan, đơn vị LLVT phải luôn quan hệ, gắn bó mật thiết với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương; đoàn kết, đồng thuận cao, nhất là trong xử lý các tình huống, vấn đề phức tạp nảy sinh. Dựa vào dân, phối hợp tốt với các cấp ủy, chính quyền địa phương, chắc chắn công tác quốc phòng, quân sự địa phương sẽ vững mạnh. Thực tế là, hằng năm, LLVT tỉnh Sông Bé luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ; tuyển quân và giao quân đạt 100% chỉ tiêu; hoàn thành chương trình, kế hoạch huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ các cấp; 100% đối tượng quy định được bồi dưỡng kiến thức và giáo dục quốc phòng”..., Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê nêu kinh nghiệm.
Mang chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê trao đổi với Đại tá Nguyễn Đình Chuẩn, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Dương, anh cho biết: Phát huy truyền thống và kế thừa kinh nghiệm, cách làm hay của các cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh Sông Bé, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh Bình Dương đã nỗ lực, sáng tạo nhiều giải pháp, làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương về công tác quốc phòng, quân sự địa phương; nắm chắc tình hình, phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng. LLVT tỉnh thường xuyên gắn bó, quan hệ mật thiết với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, làm tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh; tuyển quân; Phong trào “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “LLVT tỉnh chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” và công tác hậu phương quân đội, hoạt động đền ơn đáp nghĩa... LLVT tỉnh đi đầu, xung kích trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, huy động lực lượng và sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu dân và tài sản của nhân dân...
XUÂN GIANG